Thánh Augustinô

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thánh Augustinô, Tiến Sĩ Hội Thánh – Ngày 28 tháng 8

Image result for st. augustin images

Bài đọc: 1 Jn 4:7-16; Mt 23:8-12

1/ Bài đọc I: 7Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.
8Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.

9Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này:
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
10Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
11Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.
12Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau,
thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.
13Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta.
14Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.
15Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa,
thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.

16Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.

2/ Phúc Âm: 8“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.

9Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.

10Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.

11Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.

12Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa là sự thật và tình yêu hoàn hảo nhất.

            Để hiểu Lời Chúa hôm nay, tôi thiết nghĩ, tìm hiểu đôi nét về cuộc đời của Thánh Augustinô sẽ giúp làm sáng tỏ các điều còn ẩn giấu trong đó. Augustinô là một người rất thông minh và giỏi lý luận. Tuy là người có đạo từ nhỏ, nhưng không dùng Kinh Thánh để đi tìm Thiên Chúa. Ông bị lung lay niềm tin vào chạy theo bè rối Manicheanism. Ông rất thích học triết học La-Hy, đặc biệt Neoplatonism của Plotinus, và thuật hùng biện của họ; vì ông nghĩ ông có thể dùng sự khôn ngoan và lý luận của mình để tìm ra sự thật.

            Nhưng Augustinô đã lầm to, ông không thể tự mình tìm ra sự thật; ông phải nhờ đến sự giúp đỡ của Thiên Chúa mới có thể hiểu biết về Ngài, như ông đã tự thú, “Bị thúc đẩy để suy tư về chính con, con được dẫn vào chiều sâu thẳm nhất của linh hồn con dưới sự hướng dẫn của Ngài. Con đã có thể làm được điều đó chỉ vì Ngài là người giúp đỡ con.” Giống như Thánh Thomas Aquinas, Augustinô gọi sự giúp đỡ từ Thiên Chúa là “ánh sáng bất biến;” một thứ ánh sáng khác hẳn với mọi thứ ánh sáng khác được cảm nhận bởi giác quan. Nó là ánh sáng soi sáng và hướng dẫn linh hồn để hiểu những sự thật của Thiên Chúa. Không có ánh sáng này, con người không thể hiểu những sự thật của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể soi sáng trực tiếp trên trí tuệ con người vì Ngài dựng nên họ.

            Augustinô thú nhận ông đã tìm cách để có sức mạnh cần thiết để chiêm ngắm Thiên Chúa, nhưng ông không thể tìm được cho đến khi ông tìm đến Đức Kitô, người trung gian giữa Thiên Chúa và con người, vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa muôn đời. Chính Đức Kitô đã mặc khải, “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Jn 14:6). Ngài là Lời đã hoá thành xác thịt, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua đó Thiên Chúa tạo dựng mọi sự. Ngài có thể cung cấp cho chúng ta, con cái của Ngài, sữa khôn ngoan.

            Khi đã cảm nghiệm được sự dịu ngọt và bình an của Thiên Chúa, Augustinô đã đau đớn thú nhận những lời này, “Con biết Ngài muộn màng quá, Ôi sắc đẹp cổ kính nhưng luôn mới! Ngài đã ở trong con, nhưng con đã ở ngoài và con đi tìm Ngài ở bên ngoài. Trong những xấu xa của con, con đã gieo mình vào những tạo vật do Ngài sáng tạo. Những tạo vật này, nếu Ngài không tạo dựng chúng sẽ không bao giờ hiện hữu, ngăn ngừa con đến với Ngài. Ngài đã gọi, đã thét lên, và đã phá vỡ bệnh điếc của con. Ngài đã chớp, đã chiếu sáng, và đã làm tiêu tan sự mù loà của con. Ngài đã thở hương thơm của Ngài trên con; con đã hít lấy và khao khát Ngài. Con đã nếm thử Ngài, và giờ đây con đói khát Ngài hơn nữa. Ngài đã đụng chạm con và con đã tiêu tan trong bình an của Ngài.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC

 

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa là tình yêu.

1.1/ Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước: Tác giả Thư Gioan thứ nhất dạy chúng ta nhiều điều quan trọng về tình yêu:

            (1) Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vì yêu thương con người, và nếu Ngài ghét bỏ điều gì, điều đó sẽ không có mặt trong cuộc đời. Mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa: tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ, anh em, bạn hữu…

            (2) Ai yêu thương, người ấy được Thiên Chúa sinh ra: Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh (selem) và đức tính (demut) của Ngài (Gen 1:26; 5:1-3). Con người giống Thiên Chúa nhất ở đức tính con người biết yêu thương. Thánh Gioan xác tín: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.”

            (3) Cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa: Ngài đã biểu lộ bằng nhiều cách trong vũ trụ và trong lịch sử; nhưng theo thánh Gioan, cách biểu lộ tuyệt vời nhất là Ngài đã hy sinh cho chúng ta Người Con Một: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.”

            (4) Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Thiên Chúa là Người đi bước trước. Ngài yêu thương con người khi họ chẳng có gì đáng yêu cả, khi họ vẫn còn là các tội nhân: “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.”

1.2/ Chúng ta cũng phải yêu thương nhau: Như đã nói trên, điều làm cho con người giống Thiên Chúa nhất là họ biết yêu thương: họ biết yêu thương đáp trả tình yêu Thiên Chúa và biết yêu thương nhau. Thánh Gioan truyền cho các tín hữu của Ngài: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” Tính hỗ tương của tình yêu còn được nhấn mạnh hơn nữa trong Tin Mừng Gioan: “Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Jn 15:9). “Như Thầy yêu mến anh em thế nào, anh em cũng phải yêu mến nhau như vậy” (Jn 13:34).

            Có nhiều loại tình yêu khác nhau trong cuộc đời như tình yêu lãng mạn giữa trai gái, tình yêu chung thủy giữa vợ chồng, tình yêu huynh đệ giữa anh em hay những người chung chí hướng, tình yêu thương xót khi gặp người đau khổ… Đức Giáo Hoàng Benedict trong Thông Điệp Deus Caritas Est, # 10-11, cho rằng tất cả tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhưng tất cả tình yêu này đều bất toàn so với tình yêu của chính Thiên Chúa, vì cách nào đó chúng vẫn còn tính vị kỷ. Tình yêu hoàn hảo nhất mà con người cần đạt đến là tình yêu của Thiên Chúa, vì với tình yêu này, con người có thể yêu thương tha nhân như chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Với tình yêu này, con người có thể đáp ứng những đòi hỏi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthew, chương 5, là yêu thương ngay cả kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta…

2/ Phúc Âm: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy.

2.1/ Giá trị giới hạn của kiến thức và tình yêu của con người: Tục ngữ Việt-Nam dạy, “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Lời nói có thể chỉ cho con người biết điều đúng sai, nhưng gương sáng có sức hấp dẫn để người khác làm theo như vậy. Người lãnh đạo hoàn hảo là người biết dùng cả lời nói lẫn hành động để hướng dẫn những người dưới quyền mình làm theo những gì họ muốn. Tuy nhiên, nếu không tìm thấy một người lãnh đạo hoàn toàn như thế, người lãnh đạo chỉ bằng lời nói cũng có thế giá giới hạn của họ như Chúa Giêsu đã công nhận giá trị dạy dỗ của các Kinh-sư và Biệt-phái.

2.2/ Giá trị vĩnh cửu của sự thật và tình yêu của Thiên Chúa: Chúa Giêsu đã tố cáo những tật xấu của các luật-sĩ và Pharisees:

            (1) Họ là những người làm luật và kiểm soát những người lỗi phạm luật; vì thế họ đặt ra rất nhiều luật đến độ quá chi li không cần thiết, chẳng hạn cách thức rửa tay trước khi ăn hay đóng thuế thập phân những lá cây như bạc hà. Chúa buộc tội: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.”

            (2) Họ làm việc cốt để cho thiên hạ thấy: Tất cả những việc đạo đức họ làm không vì Thiên Chúa, nhưng để cho người đời trông thấy để khen ngợi họ. Tuy việc đeo hộp kinh và mang tua áo trong khi cầu nguyện là việc luật buộc phải làm để nhắc nhở họ phải không ngừng nhớ tới Thiên Chúa là Chúa của họ (hộp kinh: Exo 13:16, x/c Deut 6:8, 11:18; tua áo: Num 15:37-41, Deut 22:12); nhưng để kéo sự chú ý của người khác, họ thi nhau làm những hộp kinh lớn hơn và đeo những tua áo dài hơn.

            (3) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường: Trong các đám tiệc, chỗ nào quan trọng nhất là chỗ của họ, chẳng hạn ngồi bên trái hay phải của chủ nhà hay cùng bàn với những nhân vật quan trọng. Trong hội đường Do-thái, những ghế trên đầu là những ghế dành cho những người già cả và vị vọng. Họ muốn những ghế này để tỏ cho thiên hạ biết mình quan trọng và chú ý tới cách ăn mặc của họ cũng như các việc họ làm.

            (4) Họ thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rabbi.” Người luật sĩ và Pharisees quan niệm dân chúng phải đối xử với họ như những công dân bậc nhất, hơn cả cha mẹ, vì cha mẹ chỉ có công về phần xác; trong khi họ có công về phần tinh thần và tinh thần quan trọng hơn thân xác.

            Tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm không cho các môn đệ gọi ai là “rabbi,” “cha,” hay “người lãnh đạo”? Ở đây Chúa muốn nhắc nhở cho các môn đệ đừng tôn thờ ai như thần tượng của mình để bắt chước họ ngòai một mình Thiên Chúa. Sau cùng, Chúa nhắc nhở con người về tiêu chuẩn đánh giá trị của Thiên Chúa: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG

            – Cuộc đời của thánh Augustinô phải là bài học kinh nghiệm cho chúng ta, nhất là những người trẻ, biết rằng: Đừng mong tìm được sự thật của Thiên Chúa ngoài Kinh Thánh. Nói cách khác, nếu muốn biết các sự thật vĩnh cửu, chúng ta phải học Kinh Thánh.

            – Muốn đến với Thiên Chúa, chúng ta phải ngang qua Đức Kitô. Một cuộc sống cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Đức Kitô sẽ giúp chúng ta am tường về Thiên Chúa, như thánh Thomas Aquinas nhận định, “Tôi học được nhiều hơn hết từ Thập Giá của Đức Kitô.”

            – Đừng dại nhận ai là thần tượng của đời mình, ngoài Thiên Chúa. Ngài là Người có quyền tối thượng trên hết mọi sự và yêu thương chúng ta nhất. 

Skip to content