Hướng dẫn cách dùng Bộ Sách Lời Chúa Hàng Ngày

BSLCHN

Cách xử dụng Bộ Sách Lời Chúa Hàng Ngày (=BSLCHN)

Có một số quí độc giả than phiền không biết cách xử dụng Bộ Sách Lời Chúa Hàng Ngày vừa được phát hành bởi Loinhapthe. Chúng tôi đặc biệt quan tâm và xin dùng trang Web này để hướng dẫn quí độc giả cách xử dụng hiệu quả nhất qua hai việc: Phụng Vụ và cách trình bày của BSLCHN.

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ:

               1/ Ngày Chủ Nhật: được sắp xếp theo chu kỳ 3 năm: A, B & C nối tiếp nhau. Chúng ta đang ở trong chu kỳ Chủ Nhật Năm B. Năm tới, bắt đầu Mùa Vọng, chúng ta sẽ đổi sang Năm C và cứ vậy tiếp diễn tới Năm A …

               2/ Ngày thường: được sắp xếp theo chu kỳ 2 năm: I và II hay Năm Chẵn và Năm Lẻ nối tiếp nhau. Chúng ta đang ở trong chu kỳ Năm I hay lẻ (2021). Cứ để ý tới số cuối cùng của năm là chúng ta biết đang ở trong năm lẻ hay chẵn. Năm tới là 2022 nhắc chúng ta bước sang chu kỳ ngày thường, năm II hay chẵn.

               3/ Các lễ trọng, kính và nhớ: Để biết các ngày lễ này, chúng ta cần nhờ đến Lịch Phụng Vụ. Ví dụ: Lễ Mẹ Thiên Chúa (ngày 1 tháng 1) hay Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (ngày 8 tháng 12) là lễ trọng. Các lễ của các thánh Tông Đồ, bao gồm Thánh Barnaba là lễ kính; trừ Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô là lễ trọng. Các lễ trọng và kính đều có bài đọc riêng. Độc giả cần tra cứu phần cuối của các sách để biết các bài đọc của các lễ này. Các lễ nhớ phần lớn lấy các bài đọc của ngày thường; trừ những lễ nhớ được nâng lên hàng lễ kính theo phong tục của quốc gia hay địa phương. Ví dụ: lễ Thánh Đa-minh được cử hành như lễ kính của Dòng Đa-minh, và Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được cử hành như lễ trọng cho dân tộc Việt Nam. Các lễ này khi được nâng lên đều có các bài đọc riêng. Có những lễ nhớ chỉ có Phúc Âm riêng, còn bài đọc I lấy của ngày thường trong ngày đó. Ví dụ: lễ thánh Martha.

II. CẤU TRÚC CỦA BSLCHN:

               BSLCHN được chia thành 3 cuốn và được gọi như sau:

1/ Quyển I (màu đỏ): được gọi là Mùa Phụng Vụ.

               – chứa tất cả các bài đọc của Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Sách sẽ trình bày trước tiên cả 3 Chủ Nhật A, B và C; sau đó sẽ trình bày tất cả các ngày trong tuần đó liên tục theo Năm I & II. Có những Mùa không có I & II; chẳng hạn Mùa Vọng.

               – chứa tất cả các lễ trọng, kính và nhớ từ tháng 12 tới tháng 7.

               – Giữa 2 Mùa: Vọng – Giáng Sinh và Chay – Phục Sinh là Mùa Thường Niên (tuần I đến VII Thường Niên. Quí vị phải dùng cuốn II cho đến khi bước vào Mùa Chay, sẽ dùng cuốn đỏ trở lại cho đến khi hết Mùa Phục Sinh, lại trở về cuốn II.

2/ Quyển II (màu xanh lá cây): được gọi là Mùa Thường Niên I

– chứa tất cả các bài đọc từ tuần 1 đến 17 Mùa Thường Niên. Chủ Nhật I Thường Niên được gọi là Chủ Nhật Chúa Giê-su chịu Phép Rửa. Bài đọc I & II chung cho cả 3 năm A, B & C. Phúc Âm cho mỗi năm có riêng. Các bài đọc trong tuần vẫn theo chu kỳ I và II. Sách sẽ trình bày trước tiên cả 3 Chủ Nhật A, B và C; sau đó sẽ trình bày tất cả các ngày trong tuần đó liên tục theo Năm I & II.

               – chứa tất cả các lễ trọng, kính và nhớ từ tháng 8 tới tháng 9

3/ Quyển III (màu xanh lam đậm): được gọi là Mùa Thường Niên II

– chứa tất cả các bài đọc từ tuần 18 đến 34 Mùa Thường Niên. Chủ Nhật 34 được gọi là Chủ Nhật Đức Ki-tô làm Vua. Sách sẽ trình bày trước tiên cả 3 Chủ Nhật A, B và C; sau đó sẽ trình bày tất cả các ngày trong tuần đó liên tục theo Năm I & II.

– chứa tất cả các lễ trọng, kính và nhớ từ tháng 10 tới tháng 11.

III. XUẤT XỨ CỦA CÁC BÀI ĐỌC:

               Mục đích của phần này là để giúp quí độc giả biết chỗ nào trong Bộ Sách đã phân tích đoạn Kinh Thánh mà quí vị đang muốn tìm, thay vì phải dở từng trang để tìm. Quí vị cần biết đoạn Kinh Thánh mà quí vị muốn tìm. Ví dụ: St: 1:1-10 hay Jn 3: 1-16. Sau đó, quí vị vào trong 2 phần dưới đây: Ngày Chủ Nhật và Ngày thường để tìm theo thứ tự như sau:

               – tìm Sách (Cựu hay Tân Ước);

               – tìm chương và câu.

1/ Ngày Chủ Nhật (Quyển I, trang 1443-1457)

2/ Ngày thường (Quyển I, trang 1458-1484)

IV. MỤC LỤC

               – Ở phần cuối của mỗi Sách đều có Mục Lục của từng cuốn Sách; nhưng quí vị vẫn cần biết Sách nào chứa ngày lễ mà quí vị đang muốn tìm. Nếu không, quí vị sẽ rất khó khăn để kiếm. Ví dụ: tìm Chủ nhật I Mùa Vọng: quí vị phải biết trước tiên Mùa Vọng nằm trong cuốn I (Mùa Phụng Vụ), chứ không phải trong quyển II hay III (dành cho Mùa Thường Niên). Hoặc quí vị muốn kiếm Tuần 19 Thường Niên, quí vị phải biết nó nằm trong Quyển III (Mùa Thường Niên II, từ tuần 18-34) chứ đừng tìm trong Quyển II, chỉ có từ tuần 1 đến 17 mà thôi. Hay quí vị muốn tìm Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm vào ngày 8 tháng 12. Quí vị phải dùng Quyển I, chứa tất cả các ngày lễ từ tháng 12 tới tháng 7. Đừng tìm trong Quyển II (các ngày lễ từ tháng 8 đến 9) hay III (các ngày lễ từ tháng 10 đến 11).

Quí độc giả thân mến: Với sự phức tạp của Phụng Vụ (phải học cả khóa để lãnh hội) và số trang của Bộ Sách (gần 6000 trang), chúng tôi phải sắp xếp cách tốt nhất để có thể quân bình tất cả. Nhiều khi phải hy sinh phần này để có được phần kia. Chúng tôi hy vọng với phần hướng dẫn này sẽ giúp quí vị hiểu về Phụng Vụ và dễ dàng xử dụng BSLCHN hơn. Nếu quí vị có những câu hỏi nào khác, xin liên lạc với chúng tôi qua email: tiendinhop@hotmail.com.

Skip to content