Chủ Nhật 14 – Năm C – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật 14 – Năm C – Thường Niên 

 

Bài đọc: Isa 66:10-14c; Gal 6:14-18; Lk 10:1-9.

1/ Bài đọc I: 10 Hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ,
hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô!
Hãy cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng, hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô,

11 để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi,
được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ.

12 Vì Đức Chúa phán như sau: Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả,
và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ.
Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.

13 Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy;
tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về.

14 Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc, thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh. Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết, và nổi cơn thịnh nộ với các kẻ thù.

2/ Bài đọc II: 14 Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.

15 Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. 16 Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Ít-ra-en của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người.

17 Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su.

18 Thưa anh em, nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho thần trí anh em được đầy tràn ân sủng. A-men.

3/ Phúc Âm: 1 Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.

2 Người bảo các ông:

3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.

4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.

5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”

6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.

7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.

8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.

9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ba sự thật cần thiết nhất của cuộc đời.

Con người bị lẫn lộn và giằng co giữa sự thật và sự gian tà, giữa việc tôn thờ Đấng Tạo Hóa với những tạo vật do tay Ngài làm nên, giữa mục đích của cuộc đời và những phương tiện sinh sống trong cuộc đời, giữa bổn phận chính yếu với những bổn phận phụ thuộc. Ví dụ: Mục đích của cuộc đời là làm sao để đạt được Nước Trời chứ không phải xây cho được những tòa nhà lộng lẫy, nguy nga… để rồi sẽ có ngày không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Niềm tin để đạt được mục đích cuộc đời là xác tín vào Đức Kitô, Đấng duy nhất có thể bảo đảm cho con người được cứu độ, chứ không phải nơi uy quyền, danh vọng hay bất cứ người nào khác. Bổn phận chính con người phải làm khi sống ở đời này là rao giảng Tin Mừng sao cho mọi người nhận ra và tin vào Thiên Chúa để được hưởng ơn cứu độ, chứ không phải bất kỳ một bổn phận phụ thuộc nào khác.

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta ba cái nhìn chính xác về mục đích của cuộc đời, niềm tin phải có để đạt được mục đích đó, và bổn phận phải làm để đạt được mục đích của cuộc đời. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah nhìn thấy rõ viễn cảnh hòa bình của Jerusalem sau những ngày lưu đày cơ khổ. Đây cũng là mục đích người tín hữu hướng tới khi phải làm việc vất vả, chịu đựng bao nhiêu gian khổ trong thế gian là để đạt tới và sống trong cảnh thái bình của Jerusalem trên trời. Trong bài đọc II, thánh Phaolô xác tín Thập Giá Đức Kitô là dấu hiệu bảo đảm cho niềm tin vào hạnh phúc Thiên Đàng. Niềm xác tín này phải in sâu tâm hồn của mọi tín hữu để họ đừng bị lung lay bởi bất cứ học thuyết nào hay bất cứ những cám dỗ nào của thế gian. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng và căn dặn các ông tập trung vào một điều chính yếu là làm cho triều đại của Thiên Chúa mau tới. Bổn phận của người tín hữu phải luôn nhớ sứ vụ của mình là rao giảng Tin Mừng để đem mọi người về cho Thiên Chúa, chứ không phải cho bất kỳ một sứ vụ nào khác.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mục đích của cuộc đời: Viễn cảnh thái bình của Jerusalem.

1.1/ Jerusalem sẽ được phục hồi: Jerusalem là trọng tâm đời sống của con cái Israel, vì đây là Đền Thờ của Thiên Chúa cư ngụ giữa họ. Sau năm 587 BC, Đền Thờ bị phá hủy tan tành, thành Sion và các thành lũy chung quanh cũng bị triệt hạ hoàn toàn, và dân chúng bị đem đi lưu đày tại Babylon. Đối với những người không có đức tin, năm đó là năm chấm dứt niềm tin của con cái Israel vào Thiên Chúa, vì còn đâu Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự. Nhưng đối với các ngôn sứ, Jerusalem sẽ được phục hồi và sẽ trở thành trung tâm mà mọi dân mọi nước hướng về. Sau cảnh thương khóc và gian khổ là sung mãn vinh quang mà Thiên Chúa dành cho những ai tin tưởng nơi Ngài. Chương 66 của Sách Isaiah nói lên vinh quang của Jerusalem sẽ được hưởng sau thời kỳ lưu đày: “Hãy vui mừng với Jerusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô! Hãy cùng Jerusalem khấp khởi mừng, hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô, để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ.”

1.2/ Đức Chúa sẽ yêu quí Jerusalem: Tác giả diễn tả sự yêu quí này bằng những hình ảnh khác nhau: Thiên Chúa sẽ tuôn đổ muôn hồng ân xuống trên Jerusalem cho dân Người “tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Người sẽ an ủi vỗ về dân Người như người mẹ săn sóc con thơ: “Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.”

Hình ảnh Jerusalem của ngôn sứ Isaiah diễn tả ở đây không chỉ giới hạn Jerusalem sau thời lưu đày, vì Jerusalem này cũng bị quân đội Roma phá bình địa vào năm 70 AD. Người tín hữu trông cậy vào thành Jerusalem trên trời, nơi không một sức mạnh nào có thể phá nổi.

2/ Bài đọc II: Niềm xác tín của người môn đệ: “Tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô.”

2.1/ Làm sao để có bình an?

(1) Thập giá Đức Giêsu Kitô là niềm hãnh diện của người tín hữu: Đây là bốn câu cuối cùng của Thư Galat, và thánh Phaolô muốn tổng kết những gì Ngài đã nói với các tín hữu trong toàn Thư. Người tín hữu không được tìm sự hãnh diện nơi bất cứ điều gì thế gian dâng tặng như: uy quyền, danh vọng, tiền của, hưởng thụ… Niềm hãnh diện của người tín hữu là ở nơi Thập Giá của Đức Kitô, vì nhờ cây Thập Giá này mà họ được rửa sạch tội lỗi và được giao hòa với Thiên Chúa. Thánh Phaolô tuyên xưng: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.”

(2) Qui tắc để có bình an: Đối với các Kitô hữu, không phải hệ tại ở việc cắt bì, cũng chẳng phải ở việc giữ Luật, nhưng là ở chỗ trở nên một tạo vật mới: theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để hoàn toàn sống cho Đức Kitô. Thánh Phaolô dạy: “Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Israel của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người.”

Bình an này có liên kết mật thiết với niềm tin của người tín hữu vào Đức Kitô: một khi đã biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, người tín hữu không còn lo lắng về tội lỗi và về sự chết nữa. Họ biết nếu họ tin và tuân giữ những gì Đức Kitô dạy bảo, họ sẽ được sống đời đời với Thiên Chúa. Chính sự xác tín này làm cho họ được bình an trong tâm hồn.

2.2/ Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu.

Trong cuộc đời, người tín hữu phải đương đầu với biết bao nhiêu những lạc thuyết của thế gian và các tôn giáo khác nhau. Một khi đã biết rõ ràng Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, người tín hữu đừng để cho bất cứ người nào làm lung lay niềm tin của mình, đừng để cho bất cứ sự gì lôi cuốn mình khỏi Thập Giá của Đức Kitô, và đừng để cho những dấu tích của Đức Kitô in trên thân thể bị xóa nhòa. Những “dấu tích” thánh Phaolô nói ở đây có thể là “5 dấu thánh” mà thánh Phanxicô Khó Khăn hay Cha Piô được chịu; cũng có thể là những đau khổ để lại trên thân xác sau khi đã trải qua những gian khổ để làm chứng cho Đức Kitô; hay có thể hiểu một cách thiêng liêng: những chứng tích mà bí-tích Rửa Tội để lại trong linh hồn các tín hữu.

3/ Phúc Âm: Bổn phận của môn đệ là loan báo: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

3.1/ Khác biệt về văn bản: Theo Lucas, Chúa Giêsu không chỉ chọn 12 tông đồ, nhưng còn nhiều môn đệ khác, để huấn luyện và sai đi rao giảng Tin Mừng. Trong Lucas, có hai lần sai đi: Lần thứ nhất, Chúa Giêsu sai 12 tông đồ (Lk 9:1-6; Mt 10:1, 7-16; Mk 6:7-13). Lần thứ hai, chỉ có trong Lucas, theo trình thuật hôm nay: “Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.”

70 hay 72 môn đệ? Theo Bruce Metzger, sự khác biệt của các văn bản cổ xưa có thể nói là đồng đều. Theo bản Alexandria (A) và các bản của nhóm Tây Phương (gồm hầu hết các bản của Latin cũ và Sinaitic Syriac) cho là 72 môn đệ. Các bản Alexandrian khác (Sinaiticus, L, Delta) cùng với hai bản f 1f 13 cho là 70 môn đệ. Vì thế, khó mà xác định con số nào chính xác. Nhiều học giả còn đi xa hơn trong việc phiên dịch ý nghĩa của con số 70 (dựa trên Exo 24:1; Num 11:16) hay 72 (dựa trên truyền thuyết 72 người phiên dịch của Bản Bảy Mươi hay 72 quốc gia trong Gen 10). Tất cả những phiên dịch này chỉ có tính cách võ đoán. Metzger tuy chọn con số 72, nhưng để trong ngoặc cho mọi người biết là có sự tranh luận về con số này.

3.2/ Môn đệ là sứ giả mang Tin Mừng.

(1) Phải ý thức sứ vụ cuả mình: Chúa Giêsu biết những nguy hiểm người môn đệ phải đương đầu khi Ngài nói với các ông: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” Hai điều Ngài muốn đề phòng cho các ông:

– “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”: Đây là những thứ ngăn cản việc rao giảng Tin Mừng. Lo lắng quá nhiều về phương diện sinh sống sẽ ngăn cản các ông dành mọi cố gắng cho việc rao giảng Tin Mừng.

– “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”: Chúa Giêsu không dạy các môn đệ bất lịch sự hay sống cách biệt. Ngài chỉ muốn các môn đệ biết tính khẩn cấp của việc rao giảng Tin Mừng để các ông đừng trò chuyện vô ích dọc đường, làm mất thời gian rao giảng (cf. 2 Kgs 4:29).

(2) Chấp nhận Tin Mừng là điều kiện để có bình an: Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”” Điều này chứng tỏ Tin Mừng cứu độ được trao cách nhưng không cho mọi người. Theo Lucas, sự bình an này được liên kết với ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến cho mọi người (cf. 1:79, 2:14-29, 7:50, 8:48, 12:51, 19:38). Chấp nhận Tin Mừng là có bình an: “Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.” Điều Chúa Giêsu muốn ám chỉ ở đây là sự bình an trong các môn đệ có năng lực làm cho người khác cũng cảm thấy được bình an.

3.3/ Môn đệ là sứ giả của Nước Trời.

(1) Đừng tìm kiếm những sự thế gian: Nhiều người nói “nếu không đem theo tiền bạc và bao bị thì lấy gì mà ăn.” Nói như thế là khinh thường sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài coi các môn đệ là những người làm cho Ngài, và “thợ làm đáng được trả công đời này” (1 Tim 5:18; cf. 1 Cor 9:7-14). Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh: “người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó.” Người rao giảng không được đòi hỏi, họ phải có khả năng ăn thức ăn của địa phương dâng tặng. Họ cũng không thể sống theo luật kosher của Do-thái nữa. Người môn đệ cũng “đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” để tìm lợi nhuận vật chất hay chỗ ăn ở sung sướng hơn.

(2) Làm cho triều đại Thiên Chúa mau đến: Chúa Giêsu nhắc lại bổn phận chính của người môn đệ: “Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”” Triều đại của Thiên Chúa đã đến với sự xuất hiện của Đức Kitô và các môn đệ loan báo Tin Mừng này đến cho mọi người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mục đích của cuộc đời chúng ta là hướng tới Jerusalem trên trời, nơi Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giòng lệ, đau khổ và chết chóc sẽ không còn, và chúng ta sống hạnh phúc bên Ngài muôn đời.

– Để đạt được mục đích đó, chúng ta phải tin tưởng vào Đức Kitô. Ngài đến để xóa tội lỗi cho chúng ta và giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta cần tuân giữ những dạy dỗ của Ngài.

– Sứ vụ của chúng ta ở đời này là lo sao cho mình và mọi người được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta đừng để mình bị lôi cuốn vào những thú vui tạm bợ đời này.

Skip to content