Chủ Nhật Lễ Ba Ngôi – Năm C

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật Lễ Ba Ngôi – Năm C

 

Bài đọc: Pro 8:22-31; Rom 5:1-5; Jn 16:12-15.

1/ Bài đọc I: 22 “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người,
trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.

23 Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất.

24 Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra.

25 Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra,

26 khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ.

27 Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm,

28 khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm,

29 khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất.

30 Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi,

31 vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.

2/ Bài đọc II: 1 Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

2 Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.

3 Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng;

4 ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy.

5 Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.

3/ Phúc Âm: 12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.

13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.

14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa

Sách Bổn Việt Nam xưa cho chúng ta sự hiểu biết sai về Ba Ngôi Thiên Chúa: “Chúa Cha dựng nên ta, Chúa Con cứu chuộc ta, và Chúa Thánh Thần thánh hóa ta.” Thực ra, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều hòa hợp trong công trình tạo dựng, cứu chuộc, và thánh hóa con người. Chúng ta có thể tách rời Ba Ngôi để phân tích; nhưng phải tổng hợp cả Ba Ngôi lại để thấu hiểu Mầu Nhiệm, vì chúng ta chỉ có một Chúa.

Làm sao để hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi? Các Giáo Phụ dùng hai cách: nghiên cứu thần học và dựa trên những gì Thiên Chúa đã làm cho con người. Các ngài “phân biệt theologia (thần luận) với oikonomia (công trình). Thuật ngữ thứ nhất chỉ mầu nhiệm đời sống nội tại nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuật ngữ thứ hai chỉ mọi công cuộc Thiên Chúa dùng để tự mặc khải và thông ban sự sống của Người. Nhờ công trình mà chúng ta được biết thần luận; nhưng đối lại, thần luận soi sáng toàn thể công trình. Các công trình của Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết Người; và đối lại, mầu nhiệm đời sống nội tại của Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu các công trình của Người. Cũng như trong các tương quan nhân loại, con người biểu lộ mình qua hành động; càng biết một người, chúng ta càng hiểu rõ hành động của họ hơn (C 236).

Mỗi Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhìn những khía cạnh khác nhau của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Châm Ngôn nhân cách hóa sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa với mục đích cho chúng ta hiểu về nguồn gốc và sự liên hệ giữa Thiên Chúa và sự Khôn Ngoan. Thiên Chúa “dựng nên” sự Khôn Ngoan từ nguyên thủy, trước khi dựng nên bất cứ một tạo vật nào; sau đó, Thiên Chúa cùng với sự Khôn Ngoan dựng nên muôn vật. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô cho chúng ta thấy công trình cứu chuộc con người là sự cộng tác của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha sáng tạo Kế Hoạch, Chúa Con thi hành, và Chúa Thánh Thần làm con người nhận ra và tin vào Kế Hoạch Cứu Độ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải về Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha và Ngài sẽ gởi đến cho các môn đệ sau khi Ngài về trời. Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ thấu hiểu những mặc khải của Chúa Giêsu và sẽ hướng dẫn các ông từ từ đến sự thật toàn vẹn mà các ông không thể thấu hiểu trong một lúc vì trí khôn hạn hẹp của con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất.

1.1/ Sự liên hệ và nguồn gốc của sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa:

(1) Sự liên hệ: Tác giả Sách Châm Ngôn nhân cách hóa sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa như sau: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.”

Đây chỉ là một kiểu nói để diễn tả sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa; nhưng kiểu nói này gây nhiều ngộ nhận. Thứ nhất, sự Khôn Ngoan đã phải ở với Thiên Chúa ngay từ đầu. Nói theo kiểu con người: phải có khôn ngoan trước khi có sáng tạo. Thứ hai là động từ “dựng nên:” Nếu sự Khôn Ngoan đã ở với Thiên Chúa ngay từ đầu, động từ “dựng nên” phải hiểu theo nghĩa nào? Chúng ta không thể hiểu như dựng nên vũ trụ muôn loài. Bè rối Arians dựa vào câu này để chứng minh Ngôi Lời được tạo dựng, chứ không tự mình mà có. Tác giả chỉ có ý nói sự Khôn Ngoan đã ở với Thiên Chúa trước khi sáng tạo vũ trụ và con người.

(2) Nguồn gốc của Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa được tác giả diễn tả như sau: “Ta đã được thành hình từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra, khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ. Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm, khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất.” Tất cả những câu này tác giả dùng chỉ nhằm diễn tả một điều: sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa có trước tất cả mọi sự.

1.2/ Sự liên hệ của Khôn Ngoan với các tạo vật: “Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.”

Từ ngữ “thợ cả=amôn” được dùng để chỉ sự sáng tạo tài khéo của sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa trong việc tạo dựng. Nhờ sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa mà muôn vật được tạo thành; và không có sự Khôn Ngoan, chẳng gì được tạo thành.

Trong lời Giới Thiệu của Tin Mừng Gioan, chúng ta tìm thấy nhiều điểm tương đồng khi so sánh sự Khôn Ngoan của Sách Châm Ngôn với Ngôi Lời của Tin Mừng Gioan: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Jn 1:1-3).

Về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Chúa Giêsu: Khi tông đồ Philíp nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Jn 14:8-10).

Nếu chúng ta nhìn Ngôi Lời như sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Ngôi Lời luôn ở với Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Chúng ta không thể tách rời sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa ra khỏi Thiên Chúa. Chỉ trong mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời mới mang lấy thân xác loài người để mặc khải cho con người biết sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

2/ Bài đọc II: Công trình cứu độ con người là của Ba Ngôi Thiên Chúa

2.1/ Chúa Cha là tác giả của công trình cứu độ: Cả Gioan cũng như Phaolô đều cho chúng ta cái nhìn rất rõ về Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa (Jn 6:35-40; Rom 3:21-24). Chúa Cha là tác giả của Kế Hoạch này. Mục đích của Kế Hoạch là để giải phóng con người khỏi làm nô lệ cho tội lỗi, giao hòa con người với Thiên Chúa, và cho con người được hưởng ơn cứu độ.

2.2/ Chúa Con thực thi công trình cứu độ: Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống trần gian để mặc khải Kế Hoạch Cứu Độ cho con người, và mang Kế Hoạch tới thành công bằng việc chấp nhận trải qua Cuộc Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển.

Đứng trước Chúa Giêsu, con người có tự do để lựa chọn: tin hay không tin vào Ngài. Nếu con người chọn để tin vào Đức Kitô, họ sẽ được sạch tội và trở nên công chính. Một khi được trở nên công chính, con người được giao hòa với Thiên Chúa. Đức Kitô đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.

2.3/ Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trung thành với niềm hy vọng vào sự sống đời đời:

Tha tội chỉ là một khía cạnh của Kế Hoạch Cứu Độ, khía cạnh khác là thánh hóa con người bằng ơn thánh của các bí tích và sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Đức tin của chúng ta cần được thử thách trong những ngày chúng ta sống trên dương gian này. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài không để chúng ta chiến đấu một mình, vì Ngài biết chúng ta sẽ không thể chống lại quyền lực của quỉ thần và của thế gian; nên Ngài đã ban ơn thánh và Thánh Thần để hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Gian truân cần thiết để thử thách đức tin như vàng cần thử lửa để biết vàng thật. Đức tin được thử thách sẽ giúp người tín hữu quen chịu đựng và kiên trì trong mọi thử thách. Khi người tín hữu kiên trì mong đợi niềm hy vọng vào Nước Trời như thế, họ chứng minh cho Thiên Chúa biết họ xứng đáng được hưởng cuộc sống đời đời.

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu mặc khải Thánh Thần cho các môn đệ.

3.1/ Thánh Thần giúp con người thấu hiểu những mầu nhiệm của Thiên Chúa: Trước Cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu biết các môn đệ sẽ chao đảo về sự ra đi của Ngài, nên Ngài mặc khải và nhắc lại những gì cần thiết để các ông vững tin vào Ngài; nhưng Ngài biết trí khôn hạn hẹp của các ông không thể thấu hiểu tất cả những gì Ngài muốn nói.

Một trong những mặc khải tối quan trọng Ngài để lại cho các ông là họ sẽ có sự hiện diện của Thánh Thần mà Chúa Cha và Ngài sẽ gởi đến. Hai điều Thánh Thần sẽ làm được Chúa Giêsu tiên báo hôm nay:

(1) Khi nào Thánh Thần sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn: Thánh Thần là Thần Sự Thật, Ngài sẽ hướng dẫn các môn đệ theo sự thật và sẽ làm cho các ông hiểu tất cả mọi sự thật hay sự thật toàn vẹn.

(2) Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến: Thánh Thần không nói thêm điều gì mới lạ; nhưng sẽ nhắc lại những gì Chúa Giêsu đã nói và làm cho các môn đệ thấu hiểu những lời này.

3.2/ Sự hòa hợp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Mỗi ngôi tuy có nhiệm vụ riêng; nhưng đều nhắm tới một mục đích là mang ơn cứu độ cho con người. Không có điều gì gọi là của riêng hay mâu thuẫn bất đồng giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người là tài sản chung của Ba Ngôi Thiên Chúa.

– Hòa hợp trong sự thật: Sự thật chỉ có một và đến từ Chúa Cha. Chúa Con thấy và nói những gì từ Chúa Cha. Chúa Thánh Thần thấy và nói những gì từ Chúa Con.

– Hòa hợp trong sự liên hệ: Ai có Chúa Con, người ấy cũng có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ai không có một, thì cũng không có cả ba.

– Hòa hợp trong sự chúc tụng: Ai tôn vinh Cha, người đó cũng tôn vinh Con. Ai từ chối Con, người đó cũng từ chối Cha và Thánh Thần.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Con người chúng ta là đối tượng cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Các Ngài đã hòa hợp để tạo dựng, cứu chuộc, và thánh hóa chúng ta. Hãy sống xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa.

– Gia đình chúng ta là biểu hiện của mầu nhiệm Ba Ngôi. Chúng ta cố gắng bắt chước tính luôn yêu thương và hòa hợp của Ba Ngôi trong mọi công việc.

– Trí khôn của chúng ta rất hạn hẹp trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhất là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Khi chưa hiểu, chúng ta đừng vội nản chí; nhưng hãy biết khiêm nhường cầu nguyện để xin Thánh Thần của Thiên Chúa giúp chúng ta thấu hiểu.

Skip to content