Lễ Thánh Marcô Thánh Sử

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Lễ Thánh Marcô Thánh Sử (Ngày 25 tháng 4)

Bài đọc: 1 Pet 5:5b-14; Mk 16:15-20.

1/ Bài đọc I: Vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.

6 Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định.

7 Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.

8 Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.

9 Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.

10 Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Ki-tô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường.

11 Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men.

12 Nhờ tay anh Xin-va-nô mà tôi coi là một người anh em trung tín, tôi viết ít lời để khuyên nhủ anh em và làm chứng rằng đó thật là ân sủng của Thiên Chúa: anh em hãy sống vững vàng trong ân sủng đó.

13 Hội Thánh ở Ba-by-lon, cũng được chọn như anh em, và Mác-cô, con tôi, gửi lời chào anh em.

14 Anh em hãy hôn chào nhau trong tình yêu thương.
Chúc tất cả anh em, những người đang sống trong Đức Ki-tô, được bình an.

2/ Phúc Âm: 5 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.

17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.

18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.

20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành với sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Theo truyền thống, Marcô Thánh Ký được đồng nhất với John Mark (Acts 12:12, 25; 15:37; Col 4:10; 2 Tim 4:11; Phi 24). Thánh Phêrô trong bài đọc I hôm nay gọi Marcô là “con của ngài” (1 Pet 5:13). Marcô là anh em họ (anepsios) của Barnabas (Col 4:10), là con của bà Mary. Bà này là bạn với thánh Phêrô, sống tại Jerusalem (Acts 21:12), và là một thành phần quan trọng của giáo hội sơ khai tại Jerusalem. Chính tại nhà Bà mà thánh Phêrô đến, sau khi được sứ thần của Thiên Chúa giải thoát khỏi ngục tù (Acts 12:12-13).

Khi nạn đói xảy ra vào năm 45-46 AD, Barnabas và Phaolô sau khi đã hoàn thành sứ vụ tại Jerusalem, họ mang Marcô đi với họ trong hành trình trở về Antioch (Acts 12:25). Không lâu sau đó, khi bắt đầu hành trình truyền giáo thứ nhất, họ đem Marcô theo như một trợ tá (hupereten, Acts 13:5). Theo văn mạch ám chỉ, Marcô có thể đã giúp hai ông ngay cả trong việc rao giảng Tin Mừng. Khi hai ông tiếp tục cuộc hành trình từ Perga tiến vào trong vùng trung tâm của Asia Minor, Marcô bỏ hai ông và trở về Jerusalem (Acts 13:13). Tại sao Marcô trở lại Jerusalem, không ai biết rõ lý do; nhưng có thể Marcô sợ khổ cực (Acts 15:38). Phaolô không quên biến cố này, nên ông từ chối cho Marcô đi theo trong hành trình truyền giáo thứ hai. Sự từ chối này dẫn tới việc phân ly giữa Phaolô và Barnabas, Phaolô tiếp tục cuộc hành trình, Barnabas và Marcô xuống thuyền tới đảo Cyprus (Acts 15:37-40). Sau biến cố này (khoảng 49-50 AD), chúng ta mất dấu Marcô trong CVTĐ, cho tới khi Marcô xuất hiện khoảng 10 năm sau như một bạn đồng hành của Phaolô, và đi theo Phêrô tại Rôma.

Theo cuốn Lịch Sử Giáo Hội của Eusebius (III,39), viết khoảng năm 130 AD, đặt căn bản trên thế giá của một kỳ mục, Marcô là “người thông dịch” (hermeneutes) của Phêrô, và đã viết cách chính xác, mặc dù không theo niên lịch, giáo huấn của Phêrô. Nhiều người giả sử chàng thanh niên ở trần trốn chạy từ vườn Gethsemane là Marcô (Mk 14:51). Điều này có thể vì nhà mẹ của Marcô nằm trong Jerusalem và là nơi các môn đệ hay lui tới. Ngày chết của Marcô không chắc chắn, thánh Jerome cho là năm thứ tám của triều đại Nero (62-63 AD). Thánh Marcô là quan thầy của Alexandria, Ai-cập; và là quan thầy của thành phố Venice, nước Ý.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hội-thánh ở Babylon, và Marcô, con tôi, gửi lời chào anh em.

1.1/ Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.

Trình thuật hôm nay là phần khuyên nhủ và kết thúc Thư I của thánh Phêrô. Ngài tóm tắt những điều cần khuyên nhủ quan trọng tới các tín hữu.

(1) Hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định: Đây là đức tính quan trọng hàng đầu người tín hữu cần luyện tập; nếu không có đức tính này, họ sẽ dễ dàng rơi vào bẫy giăng của ma quỉ và sa ngã như ông Adam và bà Eva trong Vườn Địa Đàng

(2) Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em: Lo lắng làm con người bất an và nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa. Để diệt lo lắng, con người cần tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, chẳng lẽ Ngài bỏ rơi con cái trông đợi nơi tình thương của Ngài!

(3) Hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé: Tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa không có nghĩa con người không cần phải làm chi cả. Thánh Phêrô khuyên con người hãy tập luyện để biết sống tiết độ. Nói cách khác, con người cần tập luyện nhân đức mới có thể thắng vượt các chước cám dỗ của ba thù.

(4) Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế: Đức tin cần được thử thách bằng những gian khổ, ai cũng phải trải qua tiến trình rèn luyện để vượt qua những gian khổ. Người chiến thắng là người kiên vững trong đức tin cho dù phải gian nan, đau khổ, ngay cả phải chấp nhận cái chết.

1.2/ Phần thưởng của các tín hữu là cuộc sống mai sau: Các Kitô hữu phải chịu đau khổ để thử luyện đức tin trước khi được lãnh nhận vinh quang: “Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Kitô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường.”

Ân sủng của Thiên Chúa đủ cho các tín hữu: Khi phải chịu thử thách nặng nề, thay vì kêu trách Thiên Chúa và tha nhân, các tín hữu cần chạy đến với Thiên Chúa để xin gia tăng ơn thánh, hầu có thể đứng vững trong đức tin. Thánh Phêrô, cũng như thánh Phaolô, tin chắc ơn thánh của Thiên Chúa ban đủ sức giúp các tín hữu vượt qua mọi trở ngại trong cuộc đời: “Tôi viết ít lời để khuyên nhủ anh em và làm chứng rằng đó thật là ân sủng của Thiên Chúa: anh em hãy sống vững vàng trong ân sủng đó.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ.

2.1/ Trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” Khi Chúa Giêsu phục sinh và lên trời, Ngài đã hoàn tất sứ vụ mang lại ơn cứu độ cho con người. Giờ đây Ngài trao sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các môn đệ, để các ông mang ơn cứu độ này cho mọi người sống trên trần thế. Để được hưởng ơn cứu độ, con người cần tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa.

2.2/ Ban uy quyền cho các môn đệ để khán giả tin vào lời các ông rao giảng: Chúa hứa với các nhà rao giảng: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ:

(1) Khai trừ quỷ: Phaolô truyền cho quỉ xuất khỏi người đầy tớ tại Philippi (Acts 16:18)

(2) Nói được những tiếng mới lạ: Các Tông-đồ nói tiếng của thổ dân trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:1-11)

(3) Tránh được nguy hiểm: “Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao.”

(4) Chữa lành: “Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Điều này đã được làm bởi Phêrô, Phaolô, và rất nhiều môn đệ.

“Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Trung thành theo Chúa đến cùng không phải là điều dễ dàng vì chúng ta phải đương đầu với ba kẻ thù nặng ký là ma quỉ, thế gian và xác thịt.

– Để có thể vượt qua các thử thách, con người cần tập luyện nhân đức và cầu nguyện xin Thiên Chúa ban ơn thánh. Chúng ta phải trỗi dậy sau mỗi lần bị ngã và tiếp tục tiến bước. Ngoài ra, chúng ta cũng phải giúp nhau để trung thành trong ơn gọi của mình.

Skip to content