Ngày 10 tháng 1 GS (2)

Cross9

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống 

Ngày 10 tháng 1 GS

 

Bài đọc: 1 Jn 5:5-13; Lk 5:12-16.

 

1/ Bài đọc I: 5 Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa?
6 Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu;
không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu.
Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.
7 Có ba chứng nhân: 8 Thần Khí, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều.
9 Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm, thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn, vì đó là lời chứng của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.
10 Ai tin vào Con Thiên Chúa, người đó có lời chứng ấy nơi mình.
Ai không tin Thiên Chúa, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối,
vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.
11 Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người.
12 Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.
13 Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa,
để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời.

 

2/ Phúc Âm: 12 Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”13 Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.14 Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”
15 Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh.16 Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin vào Đức Kitô giải thoát con người khỏi mọi tội và cho con người được sống muôn đời.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

          Binh pháp Tôn Tử dạy “Tri kỷ tri bỉ bách chiến bách thắng”, có nghĩa, “Biết ta biết người trăm trận trăm thắng.” Trong trận chiến thiêng liêng cũng vậy, chúng ta cần biết mình là con người yếu đuối, giới hạn và không biết hết sự thật; trong khi Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan và có quyền năng vô hạn. Ngài biết tất cả sự thật và không có gì là không thể đối với Ngài.

          Hai bài đọc hôm nay minh chứng chân lý này. Trong Bài đọc I, tác giả Thư thứ nhất Gioan xác nhận cả hai sự sống: thể lý và đời đời không phải do chúng ta có được; nhưng do bởi Thiên Chúa. Ngài dựng nên chúng ta và cho chúng ta chung hưởng cuộc sống đời đời nếu chúng ta đặt trọn vẹn tin tưởng vào Ngài. Để hiểu biết những chân lý này, chúng ta cần học hỏi để biết Thiên Chúa và Đức Kitô là ai. Trong Phúc Âm, một anh phong hủi biết mình không thể tự mình chữa lành; nhưng biết Chúa Giêsu là người có thể chữa anh khỏi bệnh nên anh đã đến xấp mình trước mặt Chúa Giêsu và van xin Ngài: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Chúa Giêsu đã chữa lành anh vì nhận ra sự khiêm nhường và lòng tin tưởng vững mạnh của anh.

 

1/ Bài đọc I: Đức Kitô là sự sống và là sự sống đời đời của chúng ta.

 

1.1/ Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.

 

(1) Phải tin vào Con Thiên Chúa để có sự sống: Niềm tin vào Đức Kitô là điều kiện duy nhất được đòi hỏi để một người được sống theo Tin Mừng Gioan: “Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Jn 20:30-31) và Thư thứ nhất Gioan: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.” (I Jn 5:11b-12)

(2) Ai tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa sẽ nhận được sự sống đời đời: Trong tiếng Hy-lạp, có nhiều danh từ dùng để chỉ sự sống như psyche (sự sống thể lý) hay aionios (sự sống đời đời). Cả hai tác giả của Tin mừng Gioan và Thư thứ nhất Gioan đều dùng danh từ aionios để chỉ sự sống đời đời. Các tác giả không muốn nói sự sống thể lý của con người sẽ kéo dài đến muôn đời; nhưng muốn nói tới sự sống đời đời mà chúng ta sẽ có ở nơi Thiên Chúa, một sự sống hoàn hảo, bình an và hạnh phúc, không còn khổ đau, ly tán hay bệnh tật.

 

1.2/ Có nhiều hơn hai nhân chứng đã làm chứng cho Đức Kitô là Thiên Chúa và là người thật.

          Luật chỉ đòi hai nhân chứng để biết đó là chứng thật. Trong trường hợp của Chúa Giêsu, chúng ta có nhiều hơn hai nhân chứng xác nhận Đức Kitô là Thiên Chúa thật để chúng ta có thể tin vững vàng vào Ngài.

 

(1) Ba nhân chứng tác giả nêu ra hôm nay:

          1. Thần Khí hay Thánh Thần: Tại phép rửa của Đức Kitô làm bởi Gioan Tẩy Giả bên giòng sông Jordan. Khi Chúa Giêsu lên khỏi nước, Thánh Thần xuất hiện dưới dạng chim bồ câu và đậu lại trên Ngài (Mt 3:16, Lk 3:22, Mk1:10).

          2. Nước: Theo truyền thống, đây là phép rửa Gioan làm cho dân để tỏ lòng ăn năn thống hối, chứ không có quyền năng để tha tội. Nhưng phép rửa làm bởi Chúa Giêsu và Giáo Hội có sức để thanh tẩy hết mọi tội lỗi cho chúng ta.

          3. Máu: là biểu tượng lạ tác giả dùng ở đây để nhấn mạnh đến sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu. Như chúng ta đã nói từ đầu, những người theo chủ thuyết Ngộ Đạo, họ dễ dàng tin vào hai biểu tượng Thánh Thần và nước; nhưng từ chối Đức Kitô phải chịu đau khổ vì họ quan niệm Thiên Chúa chẳng dại gì để mang lấy một thân xác xấu xa và chịu đau khổ. Hơn nữa, Cerinthus, một người đồng thời với tác giả của Thư thứ nhất Gioan, đã đưa ra những cắt nghĩa kỳ quặc để từ chối những đau khổ mà Con Thiên Chúa phải chịu. Chẳng hạn: tại phép rửa tại sông Jordan, Chúa Giêsu có thần tính của Đức Kitô nhập vào; nhưng sau đó thần tính lìa bỏ Chúa Giêsu về trời để chỉ còn lại người tên Jesus phải chịu thương khó và chịu chết. Giáo Hội dạy chúng ta hoàn toàn ngược lại: chính vì những đau khổ và máu Con Thiên Chúa đổ ra mà tất cả tội nhân loại được tha thứ và mang ơn cứu độ cho mọi người.

(2) Thiên Chúa đã làm chứng hai lần cho con của Ngài: Lần thứ nhất tại biến cố chịu phép rửa của Chúa Giêsu khi dân chúng nghe tiếng Chúa Cha từ trời phán xuống: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Mt 3:17; Mk 1:11). Lần thứ hai tại biến cố biến hình của Chúa Giêsu trước mặt ba môn đệ, tiếng Chúa Cha làm chứng: “Đây là Con Ta, Người Ta tuyển chọn, hãy nghe lời Người” (Lk 9:30, Mk 9:7, Mt 17:5). Lời chứng của Chúa Cha là lời chứng có thế giá và mạnh mẽ hơn cả.

(3) Ngoài ra, chúng ta còn có lời chứng của John Baptist, khi ông thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông chỉ vào Ngài và giới thiệu cho các môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” (Jn 1:29, 36). Hơn nữa, chính tác giả của Thư thứ nhất Gioan cũng làm chứng về Chúa Giêsu ngay trong câu mở đầu như sau: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi.”

 

2/ Phúc Âm: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”

 

2.1/ Niềm tin của người phong hủi:

          (1) Anh tin Đức Kitô có quyền năng chữa anh khỏi bệnh phong hủi: Thông thường, trước khi làm phép lạ, Chúa Giêsu thường hỏi bệnh nhân: “Anh có tin là Ta có thể làm điều ấy cho anh không?” Trong trình thuật hôm nay, chúng ta không thấy câu hỏi của Chúa Giêsu, nhưng trong câu xin của anh phong hủi đã bày tỏ mạnh mẽ niềm tin của anh vào Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”

          (2) Việc anh phong hủi khiêm nhường biểu tỏ niềm tin bằng việc sấp mình trước mặt Chúa Giêsu chứng tỏ anh biết Chúa Giêsu là ai và anh là ai. Việc biết mình và biết người rất quan trọng để anh có thái độ cung kính trước Chúa Giêsu và để nhận lãnh việc chữa lành.

 

2.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu:

Thời xưa, con người coi bệnh cùi là bệnh truyền nhiễm; vì thế bệnh nhân phải sống một nơi cô lập, xa hẳn những người lành mạnh; và không có thứ thuốc nào có thể chữa cho lành mạnh.

         (1) Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh. Việc Chúa Giêsu giơ tay đụng đến anh chứng tỏ Chúa Giêsu không quan tâm đến việc lây bệnh; nhưng chỉ quan tâm đến sức khoẻ và cuộc sống của anh. Ngài sẵn sàng giơ tay đụng đến anh để anh được chữa lành.

(2) Sau đó, Người truyền cho anh làm 3 việc:

– Thứ nhất, Ngài truyền cho anh không được nói với ai. Điều này thường xảy ra trong Tin Mừng Marcô nhiều hơn trong Lucas, vì Marcô cố ý dùng cách này, “bí mật Đấng Thiên Sai” để muốn nhấn mạnh rằng không ai nhận ra Đấng Thiên Sai chịu đau khổ, chỉ có một người duy nhất tuyên xưng là viên quan đại đội trưởng khi chứng kiến Chúa Giêsu hấp hối trên Thập Giá: “Quả thật! Người này là Con Thiên Chúa” (Mk 15:39b).

– Thứ hai, Chúa Giêsu truyền cho anh: Hãy đi trình diện với các tư tế. Ngày xưa dân chúng không có các y sĩ như chúng ta có hiện giờ. Các tư tế là những người có bổn phận khám xét và kiểm chứng. Nếu bệnh nhân thực sự được lành sạch hẳn, họ sẽ viết một chứng thư cho anh tuyên bố anh đã được sạch.

– Hãy dâng lễ vật đền tội như Luật truyền để làm chứng cho người khác biết: Dâng lễ vật sau khi đã được thanh sạch khỏi bệnh hủi được mô tả cách rất chi tiết trong Sách Levi (x/c 14:1-32).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

– Biết mình và biết người rất cần thiết trong việc cư xử với nhau.

– Chúng ta cần học biết về Thiên Chúa qua Kinh Thánh để biết cách cư xử với Ngài khi cầu nguyện và xin ơn.

– Chúng ta cần đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Đức Kitô cho đến hơi thở cuối cùng để được hưởng cuộc sống đời đời.

Skip to content