Thứ Bảy – Tuần VII – PS

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Bảy – Tuần VII – PS

Bài đọc: Acts 28:16-20, 30-31: Jn 21:20-25.

1/ Bài đọc I: 16 Khi chúng tôi vào Rô-ma, ông Phao-lô được phép ở nhà riêng cùng với người lính canh giữ ông.

17 Ba ngày sau, ông mời các thân hào Do-thái đến. Khi họ đã tới đông đủ, ông nói với họ: “Thưa anh em, tôi đây, mặc dầu đã không làm gì chống lại dân ta hay các tục lệ của tổ tiên, tôi đã bị bắt tại Giê-ru-sa-lem và bị nộp vào tay người Rô-ma.

18 Sau khi điều tra, họ muốn thả tôi, vì tôi không có tội gì đáng chết.

19 Nhưng vì người Do-thái chống đối, nên bó buộc tôi phải kháng cáo lên hoàng đế Xê-da; tuy vậy không phải là tôi muốn tố cáo dân tộc tôi.

20 Đó là lý do khiến tôi xin được gặp và nói chuyện với anh em, bởi chính vì niềm hy vọng của Ít-ra-en mà tôi phải mang xiềng xích này.”

30 Suốt hai năm tròn, ông Phao-lô ở tại nhà ông đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông.

31 Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giê-su Ki-tô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào.

2/ Phúc Âm: 20 Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy? “

21 Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao? “

22 Đức Giê-su đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.”

23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? “

24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.

25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Mùa Phục Sinh sẽ kết thúc sau ngày hôm nay, để đón mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ngày Chủ Nhật, và sau đó tiếp tục tuần 9 mùa Thường Niên, bắt đầu ngày thứ hai.

Các Bài Đọc hôm nay đều rút ra từ chương cuối cùng của hai Sách: Công Vụ Tông Đồ và Tin Mừng Gioan mà chúng ta đã nghe suốt từ ngày đầu của Mùa Phục Sinh cho tới giờ. Đây là cơ hội thuận tiện để chúng ta nhìn lại hai Sách này và rút ra những điểm thần học chính yếu từ đấy. Mục đích của Sách CVTĐ là tường thuật sự thành hình của Giáo Hội qua sự rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, bắt đầu từ Jerusalem, đến khắp vùng Judea và Samaria, rồi cho đến tận cùng trái đất (Acts 1:8). Vì mục đích này mà thánh-sử Lucas chấm dứt Sách CVTĐ khi Phaolô đặt chân tới Rôma và bắt đầu rao giảng Tin Mừng trong trình thuật hôm nay. Rôma được coi là trung tâm của thế giới, một khi Tin Mừng đạt tới trung tâm của thế giới là có thể lan ra đến tận cùng trái đất. Trong cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng từ Jerusalem đến Roma, niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến đổi các Tông-đồ và các môn đệ, từ những người nhát đảm sợ sệt thành những người can đảm, lợi khẩu, dám đương đầu với mọi quyền lực, và vượt qua mọi khó khăn để làm chứng cho Tin Mừng. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh cũng biến đổi Phaolô, từ một người hăng say bắt đạo đến chỗ thành một người nhiệt thành rao giảng đạo, qua 3 cuộc hành trình đầy khó khăn, cam go, nguy hiểm.

Mục đích của Tin Mừng Gioan là tường trình những biến cố chính và quan trọng liên quan tới Chúa Giêsu, để khơi dậy niềm tin nơi khán giả; và vì niềm tin, họ được hưởng Ơn Cứu Độ. Đoạn kết của Tin Mừng hôm nay nói rõ: “Chính môn đệ này (Gioan) làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” Hai điều thần học quan trọng chúng ta nghe nhắc đi nhắc lại trong suốt Mùa Phục Sinh là tình yêu Thiên Chúa và lời hứa ban Thánh Thần: Để có thể rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu, hai điều này không thể thiếu nơi người rao giảng, và được ban cho từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô.

Điểm quan trọng của mỗi ngày là Giáo Hội cố gắng sắp xếp song song, giữa những gì Chúa Giêsu nói hay những biến cố liên quan đến Ngài trong Phúc Âm, với những gì các môn đệ nói hay những biến cố liên quan tới các ông, để làm nổi bật một chủ đề hay hoàn thành lời hứa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phaolô làm chứng cho Chúa Giêsu tại Roma.

1.1/ Phaolô tập họp các tín hữu tại Rôma để cho họ biết tình trạng của ông: Khi tới Rôma, ông Phaolô được phép ở nhà riêng cùng với người lính canh giữ ông. Ba ngày sau, ông mời các thân hào Do-thái đến. Khi họ đã tới đông đủ, ông nói với họ: “Thưa anh em, tôi đây, mặc dầu đã không làm gì chống lại dân ta hay các tục lệ của tổ tiên, tôi đã bị bắt tại Jerusalem và bị nộp vào tay người Rôma.”

Giống như trường hợp của Chúa Giêsu, mặc dù quan Philatô không nhận thấy Chúa Giêsu làm điều gì đáng chết cả; nhưng những người Do-thái vẫn muốn xin Philatô cho đóng đinh Chúa vào Thập Giá. Trường hợp của Phaolô cũng thế, Phaolô tâm sự với giáo đoàn Rôma: “Sau khi điều tra, họ muốn thả tôi, vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng vì người Do-thái chống đối, nên bó buộc tôi phải kháng cáo lên hoàng đế Caesar; tuy vậy không phải là tôi muốn tố cáo dân tộc tôi. Đó là lý do khiến tôi xin được gặp và nói chuyện với anh em, bởi chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này.”

1.2/ Phaolô tiếp tục rao giảng Tin Mừng trong khi bị giam cầm: “Suốt hai năm tròn, ông Phaolô ở tại nhà ông đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào.”

Phaolô chứng minh mặc dù ông bị giam cầm, nhưng Lời Chúa không bị xiềng xích. Ông đã có thể loan báo Tin Mừng ngay trong ngục tù cho những lính cai tù thay phiên nhau canh gác ông trong suốt hai năm; tranh luận để thuyết phục những người Do-thái; và viết các Thư Ngục Tù để yên ủi và khích lệ các tín hữu của các cộng đoàn mà ông đã thành lập. Đi tới đâu ông luôn tìm dịp để Lời Chúa được thấm nhập tới đó.

2/ Phúc Âm: Phần anh, hãy theo Thầy!

2.1/ Phêrô muốn biết số phận của người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến: Khi Phêrô quay lại và nhìn thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau (ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?”), ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.”

Chúa Giêsu mời gọi các ông luôn nhìn thẳng tới phía trước và cố gắng hoàn thành trọng trách Chúa trao phó; chứ đừng phí thời giờ nhìn chung quanh để so sánh hay ghen tị với người khác. Khi nghe Chúa Giêsu nói thế, các môn đệ đồn thổi giữa các ông là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: “Anh ấy sẽ không chết,” mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?”

2.2/ Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến làm chứng cho Chúa Giêsu: Có nhiều giả thuyết về “người môn đệ Chúa Giêsu thương mến:” Có người cho là tác giả của Sách Tin Mừng không muốn chỉ rõ là ai, nhưng để độc giả có thể đặt tên mình vào đó; nhưng đa số đều cho đó là Gioan. Nhất là theo trình thuật hôm nay, khi Phêrô nói rõ là người môn đệ đã ngả đầu vào ngực Chúa trong Bữa Tiệc Ly.

Mục đích Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ và các môn đệ là cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu. Có nhiều cách làm chứng khác nhau, nhưng Gioan làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cách viết sách Tin Mừng để làm chứng cho những gì Chúa đã nói và làm. Tác giả xác tín: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh phải là bổn phận quan trọng hàng đầu của những người môn đệ Chúa. Bao lâu Tin Mừng chưa được rao giảng cho đến tận cùng trái đất, chúng ta chưa làm tròn bổn phận Chúa trao.

– Phải tìm dịp rao giảng Tin Mừng mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi hoàn cảnh: khi thuận tiện cũng như lúc bất tiện. May mắn hơn Phaolô và các môn đệ thuở ban đầu, với kỹ thuật hiện đại, chúng ta có thể ngồi nhà và rao truyền Tin Mừng cho mọi người qua mạng internet.

– Sống trong tình yêu Thiên Chúa và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần là hai điều kiện không thể thiếu để việc rao giảng Tin Mừng được bền bỉ và có kết quả tốt đẹp.

Skip to content