Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm – Năm C

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu – Năm C

 

Bài đọc: Eze 34:11-16; Rom 5:5-11; Lk 15:3-7.

1/ Bài đọc I: 11 Quả thật, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm.

12 Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt.

13 Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. 14 Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. 15 Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. 16 Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.

2/ Bài đọc II: 5 Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.

6 Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta.

7 Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. 8 Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

9 Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

10 Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.

11 Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?

5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.

6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.”

7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người

Hình ảnh mục tử và đoàn chiên là một trong những biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu dùng hình ảnh này rất nhiều trong chương 10: Ngài vừa là Cửa chuồng chiên mà các người chăn chiên thật và các chiên phải ra vào, Ngài vừa là Mục Tử Tốt Lành vì Ngài biết tên và chăm sóc cho từng con một. Điểm đặc biệt chưa từng thấy là Người Mục Tử Tốt Lành này sẵn sàng hy sinh và hiến mạng mình để bảo vệ đoàn chiên, như Đức Kitô đã hiến mình để bảo vệ con người.

Các Bài Đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người, để chúng ta biết cách đáp trả cho cân xứng. Trong bài đọc I, khi nhìn thấy đoàn chiên tan tác như không người chăn, Thiên Chúa quyết định chính Ngài thân hành đến để chăn chiên. Ngài sẽ chăm sóc từng con chiên một và đưa tất cả trở về một đoàn. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nêu bật tình thương Thiên Chúa qua biến cố Ngài chết cho con người ngay khi họ còn là tội nhân, để hòa giải con người với Thiên Chúa và ban ơn cứu độ cho con người. Trong Phúc Âm, tình yêu Thiên Chúa dành cho con người không phải như một tập thể, nhưng từng cá nhân một. Thiên Chúa sẽ thân hành đi tìm từng con chiên lạc trở về và vui vẻ ăn mừng khi kiếm thấy từng con một.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nỗi lo lắng của người Mục Tử khi thấy đoàn chiên tản mác khắp nơi

1.1/ Hoàn cảnh và số phận đoàn chiên trước khi Đấng Thiên Sai tới.

Ngồi kiểm điểm đoàn chiên Israel sau gần 2000 năm trong tay những nhà lãnh đạo Israel, Đức Chúa nhận ra những điều sau đây:

(1) Sự bất toàn của các người chăn chiên:

+ Các vua chúa và những nhà lãnh đạo của Israel không quan tâm đến số phận của đòan chiên. Thỉnh thoảng tìm được một vài những người chăn chiên tốt; nhưng hầu hết họ chỉ biết quan tâm đến nhu cầu của họ.

+ Các nhà lãnh đạo tinh thần không biết giáo dục chiên theo đường lối của Thiên Chúa. Hậu quả là chiên dễ chạy theo cám dỗ của thế gian.

+ Vua chúa dễ nghe theo lời cám dỗ của các bà vợ Dân Ngoại để chạy theo và bắt chiên thờ các thần ngoại bang. Vua chúa cũng truy tố và hành hạ các người chăn chiên thật của Thiên Chúa gởi đến.

(2) Nỗi đau khổ của các con chiên:

+ Vì không được giáo dục theo đường lối Thiên Chúa, chiên không còn nhận biết Thiên Chúa của họ.

+ Chiên bị lưu đày và tha phương cầu thực nơi đất khách quê người.

+ Chiên làm mồi ngon cho vua chúa, các thú dữ và trộm cướp.

1.2/ Kế hoạch thu thập các chiên về của Đức Chúa

(1) Chính Ta sẽ chăm sóc đoàn chiên Ta: Đã đến lúc phải có sự thay đổi, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm.

Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt… Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng… Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Israel. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng.”

(2) Ta sẽ chăm sóc từng con chiên một: Những người chăn chiên đi trước thường chủ trương nhắm vào đám đông, nhưng cách chăn chiên của Đức Chúa sẽ nhắm vào từng con một: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” Người Mục Tử Tốt Lành được tiên báo bởi ngôn sứ Ezekiel chính là Đức Kitô của Tân Ước.

2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi.

2.1/ Đức Kitô chết cho chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân.

Điểm khác biệt giữa Đức Kitô với các người chăn chiên khác là Ngài thương tất cả chiên, chứ không chỉ những chiên khỏe mạnh, tốt lành. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm cá nhân về tình thương cùa Đức Kitô, nên Ngài xác tín: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.”

2.2/ Đức Kitô hòa giải con người với Thiên Chúa.

Khi con người phạm tội, họ không thể giao hòa với Thiên Chúa và trở nên công chính. Đó là lý do xuất hiện của Đức Kitô. Ngài sẵn sàng đổ máu để rửa sạch tội lỗi cho con người. Một khi đã được rửa sạch khỏi tội, Đức Kitô giao hòa con người với Thiên Chúa. Đó là lý do con người được trở nên công chính.

Đức Kitô không chỉ rửa sạch tội cho chúng ta, Ngài còn ban Thánh Thần chính là sự sống thần linh của Ngài cho con người. Nhờ sự sống thần linh này, chúng ta có thể sống xứng đáng như những người con của Thiên Chúa và càng ngày càng trở nên toàn hảo giống như Ngài.

3/ Phúc Âm: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.”

3.1/ Để 99 con chiên lại và đi tìm con chiên lạc: Đức Giêsu kể cho họ dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?”

(1) Phản ứng khởi đầu: Có rất nhiều lý do con người vịn vào để không đi tìm con chiên lạc:

+ Ai dại gì để 99 con chiên để đi tìm một con?

+ Nếu tôi đi tìm và bị thiệt mạng, ai chăm sóc 99 con chiên còn lại?

+ Có nghĩa gì một con chiên, tương lai còn nhiều những con chiên khác nẩy sinh trong đàn?

+ Nếu nhìn một cách thống kê, 99% thành công là một kết quả quá tốt đẹp rồi, tội gì tự dằn vặt mình vì con chiên lạc?

(2) Mục đích của Chúa Giêsu: Ngài muốn khán giả phải suy nghĩ trước khi đưa đến sự kiện mà họ không thể chối bỏ được.

+ Nếu Chúa Giêsu thay chữ “chiên” bằng “con,” người được hỏi sẽ phải cẩn thận trả lời hơn. Ví dụ: “Ai trong các ông có 10 người con mà một con bị bệnh tật hay thất lạc, lại không để 9 con còn lại mà ra sức chữa trị cho đứa con bị bệnh hay tìm đứa con thất lạc đó?” Theo cách trình bày của Lucas, đây là dụ ngôn thứ nhất trong 3 dụ ngôn liên tiếp, hai dụ ngôn kia là bà góa có 10 đồng bạc và dụ ngôn tuyệt vời “Người Cha Nhân Hậu hay Đứa Con Hoang Đàng” sau cùng.

+ Con nào cũng là con, “dạ đau con xót.” Bổn phận cha mẹ nhiều khi phải thương những đứa con bệnh tật và đau khổ hơn.

+ Tôi sẵn sàng đi tìm đứa con thất lạc, vì đó là máu mủ của tôi.

+ Chúa Giêsu muốn nói Thiên Chúa thương con người như thế: Ngài không bằng lòng với biết bao đứa con công chính trên trời, nhưng sẵn sàng lặn lội đi tìm những con chiên lạc, cho đến khi tìm được.

+ Thiên Chúa thương con người khi họ vẫn còn là tội nhân, vì họ đều là con của Ngài. Đức Kitô lo lắng cho người tội lỗi hơn và tìm mọi dịp để đưa họ trở lại. Ngài sai Thánh Thần khơi dậy lương tâm để họ biết nhận ra điều phải và trở lại. Khi họ trở lại, Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả tội lỗi và phục quyền làm con cho tội nhân. Tất cả những điều này, chúng ta đều nhận ra trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu.”

3.2/ Niềm vui khi tìm thấy con chiên lạc: Chúa Giêsu nói tiếp: “Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.”

+ Như lòng cha mẹ vui dường nào khi con khỏi bệnh hay con hối hận trở về, Thiên Chúa cũng vui như thế khi con người tội lỗi ăn năn trở lại.

+ Mỗi đứa con hoang đàng là một gai nhọn đâm thâu trái tim Chúa. Chúng ta nỡ lòng nào để trái tim Cha chúng ta chảy máu mà không hồi tâm quay lại cho Người được cảm thấy niềm vui?

+ Nỗi đau của Cha cũng là nỗi đau của mọi người con, chúng ta cũng phải lên đường đi tìm và đưa về những người con của Cha, vì họ cũng là anh chị em của chúng ta.

+ Chúa Giêsu mở lòng và cung cấp tia hy vọng cho các kinh sư và biệt phái: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Ai là người mà chúng ta ký thác cuộc đời cho? Chúng ta có nhận Đức Kitô là Mục Tử Tốt Lành của đời mình không?

– Chúng ta cũng đang được trao trách nhiệm của người mục tử cho con cái hay cho giáo dân, chúng ta có biết noi gương Đức Kitô để yêu thương và chăm sóc cho từng người một trong số họ không?

– Chúng ta có khiêm nhường đủ để nhận ra chúng ta có thể là con chiên lạc mà Đức Kitô đang tìm kiếm không hay chúng ta kiêu hãnh nhận chúng ta là những con chiên tốt lành rồi.

– Trái tim của chúng ta có nhạy cảm và yêu thương như trái tim của Chúa Giêsu hay đã quá chai đá để đón nhận ơn Chúa và tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta.

Skip to content