Chủ Nhật 10 – Năm C – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Chủ Nhật 10 – Năm C – Thường Niên

 

Bài đọc: 1 Kgs 17:17-24; Gal 1:11-19; Lk 7:11-17.

1/ Bài đọc I: 17 Sau các sự việc đó, đứa con trai của bà ngã bệnh. Bệnh tình trầm trọng đến nỗi nó tắt thở.

18 Bà nói với ông Ê-li-a: “Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông tới nhà tôi để nhắc lại tội tôi, và làm cho con tôi phải chết?”

19 Ông Ê-li-a trả lời: “Bà đưa cháu cho tôi.” Ông bồng lấy đứa trẻ bà đang ẵm trong tay, đem lên phòng trên chỗ ông ở, và đặt nó nằm lên giường.

20 Rồi ông kêu cầu ĐỨC CHÚA rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy phải chết sao?”

21 Ba lần ông nằm lên trên đứa trẻ, và kêu cầu ĐỨC CHÚA rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó!”

22 ĐỨC CHÚA nghe tiếng ông Ê-li-a kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống.

23 Ông Ê-li-a liền bồng đứa trẻ từ phòng trên xuống nhà dưới, trao cho mẹ nó, và nói: “Bà xem, con bà đang sống đây!”

24 Bà nói với ông Ê-li-a: “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa, và lời ĐỨC CHÚA do miệng ông nói ra là đúng.”

2/ Bài đọc II: 11 Thật vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. 12 Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải.

13 Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa.

14 Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.

15 Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. 16 Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên,

17 cũng chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát.

18 Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày.

19 Tôi đã không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Gia-cô-bê, người anh em của Chúa.

3/ Phúc Âm: 11 Sau đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người.

12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”

14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”

15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ.

16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”.

17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa giải thoát con người khỏi đau khổ và sự chết.

             Con người sợ nhiều thứ trong cuộc đời: sợ mất mát, sợ thất nghiệp, sợ đau khổ, sợ bệnh tật, và cái sợ hơn cả là sợ chết; vì sự chết lấy đi tất cả hy vọng của con người. Sợ chết nhưng không ai thoát nổi cái chết. Con người cảm thấy đứt ruột khi chứng kiến cảnh các người mẹ phải khóc con: “Lá vàng còn ở trên cây. Lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời.” Đau khổ hơn nữa là tình cảnh những người mẹ chỉ có một con. Bà mẹ tưởng con sẽ là người săn sóc cho mình khi về già, nhưng có ai học được sự quan phòng của Thiên Chúa khi các bà phải chôn cất người con một của mình, nguồn hy vọng duy nhất của cuộc đời!

            Các bài đọc hôm nay cho chúng ta hai tình cảnh của hai bà mẹ góa chứng kiến đứa con côi duy nhất của mình phải chết; nhưng tình thương của Thiên Chúa đã làm cho cả hai đứa con được sống lại. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah cầu xin Thiên Chúa cho người con của bà thành Zarephat được sống lại. Bà là người đã hy sinh của ăn, nước uống, và chỗ ở cho ngôn sứ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cho người con trai duy nhất của bà mẹ thành Nain sống lại, tuy bà không kêu xin. Ngài không thể cầm lòng trước nỗi khổ vô cùng to lớn của bà. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhận ra tình thương của Thiên Chúa trong biến cố ngã ngựa trên đường đi Damascus. Lẽ ra ngài đáng tội phải chết vì đã bắt bớ các tín hữu theo đạo, nhưng Thiên Chúa đã mở mắt cho ngài khỏi mù lòa, và trao cho ngài sứ vụ mang ơn cứu độ cho Dân Ngoại và cho chính ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Đức Chúa nghe tiếng ông Elijah kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống.

           

1.1/ Nỗi đau khổ của người mẹ có đứa con duy nhất bị chết. Bà góa thành Zarephat đã hy sinh tính mạng của bà và con trai để cho ngôn sứ Elijah có bánh ăn và nước uống (1 Kgs 17:7-16). Bù lại, ngôn sứ Elijah đã làm cho hũ bột và bình dầu của bà không cạn cho tới ngày mưa rơi xuống (1 Kgs 17:14-15). Sau các sự việc này, đứa con trai của bà ngã bệnh. Bệnh tình trầm trọng đến nỗi nó tắt thở. Bà nói với ông Elijah: “Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông tới nhà tôi để nhắc lại tội tôi, và làm cho con tôi phải chết?”

            Bà không đổ lỗi cho ngôn sứ Elijah là sự hiện diện của ông làm cho con bà phải chết; nhưng sự hiện diện của ông nhắc lại các tội lỗi của bà đã phạm, và làm cho con trai của bà phải chết. Bà tin tội lỗi của bà là nguyên nhân của đau khổ và sự chết của con trai bà.

1.2/ Thiên Chúa lắng nghe lời kêu cầu của tiên tri Elijah. Chúng ta thấy Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng rộng lượng cho đi của con người dành cho các ngôn sứ hay những nhà lãnh đạo của Ngài. Lịch sử Cựu Ước đã nhiều lần chứng thực điều này. Trong trình thuật hôm nay, ngôn sứ Elijah nhắc lại những gì bà đã làm cho ông: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy phải chết sao?”

            Ngôn sứ Elijah kiên nhẫn cầu nguyện và nằm trên đứa trẻ ba lần để cứu sống nó. Sau cùng, Thiên Chúa nhận lời ngôn sứ Elijah và cho đứa trẻ được sống. Ngôn sứ trao đứa trẻ cho mẹ nó và nói: “Bà xem, con bà đang sống đây!”

            Lời thú nhận của bà góa vào quyền năng Thiên Chúa và sứ vụ của ngôn sứ Elijah: “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa, và lời Đức Chúa do miệng ông nói ra là đúng.”

2/ Bài đọc II: Đức Kitô giải thoát Phaolô khỏi tội lỗi và sự chết.

2.1/ Sự nhiệt thành mù quáng của Phaolô trước khi trở lại: Chính Phaolô đã thú nhận tội lỗi của ông trước khi trở lại như sau: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.” Biến cố ngã ngựa và trở thành mù lòa trên đường đi Damascus đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của ông. Chính Đấng mà ông đang hăng say bách hại đã hiện ra và chỉ cho ông thấy tai hại của sự nhiệt thành mù quáng: “Khốn cho ngươi nếu ngươi cứ giơ chân đạp mũi nhọn.”

            Biến cố ngã ngựa đã giúp Phaolô cảm nghiệm sâu xa tình thương của Thiên Chúa dành cho ông. Ngài mặc khải cho ông biết đâu là chính đạo: tin theo Đức Kitô, chứ không phải mù lòa chạy theo niềm tin của những người Pharisees nhiệt thành. Ngài thương và ban ơn cứu độ cho ông ngay khi ông còn là một tội nhân đáng chết. Điều này chứng minh con người không thể làm gì cho xứng với ơn cứu độ; nhưng phải hoàn toàn trông cậy vào tình thương của Thiên Chúa.

2.2/ Giai đọan học hỏi về các mặc khải của Thiên Chúa trong sa mạc: Sau đó, Thiên Chúa đã mặc khải ý định của Ngài là muốn Phaolô trở thành Tông Đồ rao giảng Tin Mừng đặc biệt cho Dân Ngọai. Thay vì lên Jerusalem để gặp tất cả các Tông Đồ khác, ngài đã vào hoang địa Arabia để dành trọn 3 năm với Thiên Chúa. Trong quãng thời gian chiêm niệm này, Thiên Chúa đã dùng Đức Kitô để mặc khải và chuẩn bị cho Phaolô sứ vụ rao giảng tương lai. Sau thời gian này, Phaolô mới lên Jerusalem để gặp Phêrô và một số các Tông Đồ. Đây là giai đoạn học hỏi quan trọng cho Phaolô. Ông nhắc đi nhắc lại việc ông trở thành Tông Đồ là do ý định của Thiên Chúa và sự dạy bảo trực tiếp của Đức Kitô, vì ông đã không có cơ hội nghe những lời giảng dạy của Đức Kitô như những Tông Đồ khác, khi Ngài còn sống trên dương gian.

2.3/ Sự nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của Phaolô sau 3 năm chiêm niệm: Thiên Chúa đã không cất đi đức tính nhiệt thành của Phaolô, nhưng Ngài tiếp tục dùng sự nhiệt thành của ông làm khí cụ sắc bén cho việc rao giảng Tin Mừng, như chính ông đã tự thú: “Viết cho anh em những điều này, tôi cam đoan trước mặt Thiên Chúa là tôi không nói dối. Sau đó tôi đến miền Syria và miền Cilicia. Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Đức Kitô tại miền Judah không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng: “Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt,” và vì tôi họ tôn vinh Thiên Chúa.”

            Nhìn lại cuộc đời của thánh Phaolô, chúng ta thấy rõ sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngài không tiêu diệt sự nhiệt thành của ông để ông đừng bách hại các tín hữu; nhưng Ngài hướng dẫn cho ông thấy những mục đích cao đẹp mà ông có thể góp phần vào; và sai ông đi rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai. Từ đó, ông trở thành người say mê rao giảng Lời Chúa, bất chấp tất cả đau khổ, bắt bớ, tù đày, và ngay cả cái chết cho việc rao giảng Tin Mừng.

            Cuộc đời của Phaolô dạy cho chúng ta một bài học quan trọng. Thiên Chúa không muốn cho chúng ta phải chết đời đời, nhưng Ngài luôn tạo cơ hội để chúng ta được sống. Điều quan trọng là chúng ta phải có can đảm để nhận ra những lầm lỗi của mình để ăn năn trở lại và can đảm thực hành những gì Thiên Chúa truyền dạy. Cãi lời Thiên Chúa chỉ gây ra đau khổ và cái chết đời đời cho con người mà thôi.

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu động lòng thương và cho con trai duy nhất của bà mẹ Nain sống lại.

3.1/ Thiên Chúa đồng cảm với những đau khổ của con người: Đứng trước cái chết con người hoàn toàn bất lực và hoảng sợ khi phải đương đầu với cái chết, nhất là những cái chết trẻ, cái chết của nhiều người nhiều người, và cái chết đột ngột, như bà mẹ thành Nain hôm nay. Bà đã góa chồng và chỉ có một con duy nhất là niềm hy vọng để nâng đỡ Bà trong cuộc sống trên dương gian; thế mà anh đã vĩnh viễn ra đi. Chắc Bà không bao giờ nghĩ là Bà sẽ phải chôn con. Thiên Chúa có lòng thương đặc biệt với những người lâm cảnh mẹ góa con côi, vì họ thiếu cánh tay của người chồng hay người cha để nâng đỡ gia đình. Ai đối xử bất công với họ là đụng đến chính Thiên Chúa, Ngài sẽ ra tay bênh vực và giải thoát họ (Psa 68:5; Isa 10:2; Jer 49:11; Eze 22:25).

            Người Hy-lạp, nhất là những người theo chủ thuyết Khắc Kỷ, họ tin có Đấng Tối Cao; nhưng không tin Ngài có cảm xúc trước những đau khổ của con người. Họ lý luận: Nếu con người có thể làm cho Ngài vui hay buồn, tức là con người có ảnh hưởng trên Ngài; khi con người có ảnh hưởng trên Ngài là con người lớn hơn Ngài; nhưng không ai có thể lớn hơn Đấng Tối cao. Vì vậy, Đấng Tối Cao phải là Đấng không có cảm xúc. Niềm tin này hoàn toàn ngược lại với niềm tin của người Công Giáo, Thiên Chúa cảm thương với nỗi đau khổ của con người. Thánh Lucas tường thuật Chúa Giêsu chạnh lòng thương Bà mẹ góa chỉ có đứa con côi mà giờ đây cũng không còn nữa, Ngài an ủi: “Bà đừng khóc nữa!” Trước khi cho Lazarus sống lại, Gioan tường thuật “Chúa khóc” (Jn 11:35) và “Chúa thổn thức trong lòng” (Jn 11:38).

3.2/ Thiên Chúa có quyền trên cả sự sống và sự chết: Thiên Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại. Trong Cựu Ước, ngoài tiên tri Elijah trong bài đọc I hôm nay, tiên tri Elisha cũng làm cho con trai của Bà góa miền Shunem sống lại bằng cách kề miệng ông trên miệng nó (2 Kgs 4:34-37). Trong Phúc Âm, có ít nhất 3 lần Chúa làm cho kẻ chết sống lại: cho con gái của ông trưởng hội đường Jairus sống lại (Mt 9:24-25, Mc 5:41-43, Lk 8:54-56); Chúa Giêsu làm cho anh thanh niên sống lại và trao anh lại cho bà mẹ Nain hôm nay (Lk 7:11-17); và Chúa cho Lazarus chết 3 ngày được sống lại (Jn 11:38-44). Sách Công Vụ Tông Đồ cũng tường thuật sự kiện Phêrô cho bà Dorcas, một người luôn bác ái giúp đỡ người khác, được sống lại (Acts 9:40-41), và Phaolô cho Eutychus, một người ngủ gật khi Phaolô giảng bị té lầu chết được sống lại (Acts 20:9-10).

            Khi chứng kiến quyền năng của Thiên Chúa cho kẻ chết sống lại, con người kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa. Họ nói: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.” Năng quyền làm cho kẻ chết sống lại đã được báo trước bởi ngôn sứ Isaiah về Đấng Thiên Sai (Isa 25:8-9; 35:4-6).

            Sự kiện Chúa Giêsu sờ vào quan tài là một hành động không sạch theo Luật Levi (Lev 21:11), và ngăn cản Ngài không được vào Đền Thờ. Nhưng Ngài sẵn sàng trở nên không sạch để làm cho con người được sống, như lời tác giả Thư Do-thái mô tả về Đức Kitô: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Heb 4:14-16).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

            – Chúng ta có một Thiên Chúa luôn cảm thông với những đau khổ của con người. Chúng ta hãy dâng mọi đau khổ cho Thiên Chúa và cầu nguyện: Nếu đẹp ý Ngài, xin Ngài cất đi đau khổ. Nếu Ngài muốn cho chúng ta chịu, xin Ngài ban thêm sức để chúng ta có thể chịu.

            – Thiên Chúa có quyền trên sự chết và sự sống. Ngài có quyền làm cho chết và làm cho sống. Được một Thiên Chúa quyền năng như thế quan phòng cuộc đời, chúng ta còn sợ chi nữa!

            – Chúng ta đừng sợ bất cứ một quyền lực nào trên cuộc đời, ngay cả sự chết. Vì Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Sự chết không có quyền chi đối với Người nữa.

Skip to content