Thứ Sáu – Tuần 16 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Sáu – Tuần 16 – TN2 

Bài đọc: Jer 3:14-17; Mt 13:18-23.

1/ Bài đọc I: 14 Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA: Trở về đi, hỡi lũ con phản bội, vì Ta vẫn là chủ các ngươi. Ta sẽ lấy của các ngươi mỗi thành một người, mỗi thị tộc hai người, và đưa về Xi-on.

15 Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta; chúng sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt các ngươi.

16 Khi các ngươi tăng số và phát triển trong xứ, thì lúc ấy – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – người ta sẽ không còn nói đến Hòm Bia của ĐỨC CHÚA nữa, không còn lưu tâm, không nhớ tới, chẳng nuối tiếc, cũng chẳng làm lại nữa.

17 Thời ấy, Giê-ru-sa-lem sẽ được gọi là “Ngai toà của ĐỨC CHÚA”, và mọi dân tộc sẽ nhân danh ĐỨC CHÚA quy tụ tại Giê-ru-sa-lem; chúng sẽ không còn sống buông thả theo lòng dạ xấu xa ngoan cố của mình nữa.

2/ Phúc Âm: 18 “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.

19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.

20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận.

21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.

22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.

23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải chuẩn bị tâm hồn mới mong Lời Chúa sinh hoa kết quả.

Cho dẫu có người gieo giống, có hạt giống, điều quyết định để hạt giống có thể sinh hoa kết trái vẫn là khu đất mà hạt giống được gieo vào. Nếu khu đất này chỉ toàn đá sỏi, bụi gai hay bụi rậm, hạt giống sẽ không thể sinh hoa kết trái được; nhưng nếu khu đất đã được cày bừa, vun xới, hạt giống sẽ đạt tới tiềm năng của nó. Tương tự như thế cho hạt giống Lời Chúa; điều quyết định cho Lời Chúa được sinh hoa kết trái là tâm hồn con người. Nếu Lời Chúa được gieo vào những tâm hồn đã được chuẩn bị, Lời Chúa sẽ tăng trưởng và giúp người đó đạt được những hoa trái như lòng mong ước của họ và của Thiên Chúa; nếu Lời Chúa được gieo vào những tâm hồn hờ hững hay cứng cỏi, làm sao nó có thể sinh hiệu năng như Thiên Chúa mong ước!

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta những ví dụ về hiệu quả của Lời Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah kêu gọi con cái Israel hãy biết ăn năn trở lại. Nếu họ biết thật lòng hối cải, cho dù chỉ là một số nhỏ, Thiên Chúa sẽ đưa họ về. Họ sẽ tái thiết quốc gia và dựng lại Đền Thờ đã bị san phẳng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cắt nghĩa rõ ràng 4 khu đất mà Lời Chúa được gieo vào, và cho những lý do về hiệu năng của chúng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mọi dân tộc sẽ nhân danh Đức Chúa quy tụ tại Jerusalem.

1.1/ Số còn sót lại sẽ được chăn dắt bởi những mục tử tốt lành.

Ngay cả trong nơi lưu đày, Thiên Chúa vẫn không ngừng gởi tới con cái Israel những ngôn sứ của Ngài: Isaiah II, Jeremiah, Ezekiel, Sophoniah, Nahum… Mục đích là để cung cấp niềm hy vọng cho họ. Trình thuật hôm nay được coi như những lời của Jeremiah trong khi lưu đày. Ông kêu gọi dân chúng nếu họ biết ăn năn quay về, Thiên Chúa sẽ đổi số phận cho họ: “Sấm ngôn của Đức Chúa: Trở về đi, hỡi lũ con phản bội, vì Ta vẫn là chủ các ngươi. Ta sẽ lấy của các ngươi mỗi thành một người, mỗi thị tộc hai người, và đưa về Sion.”

Khi được trở về quê hương, họ sẽ không còn bị cai trị bởi những nhà lãnh đạo vô thần; nhưng với những nhà lãnh đạo hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa: “Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta; chúng sẽ chăn dắt các ngươi với hiểu biết (dơat) và khôn ngoan (sakal).” Hai đặc tính, hiểu biết và khôn ngoan, rất quan trọng cho các nhà lãnh đạo của Thiên Chúa. Khi có hai đặc tính này, các nhà lãnh đạo sẽ biết khiêm nhường nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và hướng dẫn dân chúng bước theo những chỉ thị của Ngài, để được Ngài yêu thương, chăm sóc, và bảo vệ.

1.2/ Jerusalem sẽ được gọi là “Ngai toà của Đức Chúa.”

Mặc dù số còn sót chỉ là số nhỏ so với số lớn dân chúng trước thời lưu đày; nhưng với thời gian, họ sẽ dần dần tăng số và phát triển. Hiệu năng của Lời Chúa không tùy thuộc vào một đám đông hỗn hợp, nhưng sẽ phát triển mạnh với một số nhỏ biết đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa.

Trình thuật đề cập đến sự qua đi của Hòm Bia của Đền Thờ thứ nhất: “Người ta sẽ không còn nói đến Hòm Bia của Đức Chúa nữa, không còn lưu tâm, không nhớ tới, chẳng nuối tiếc, cũng chẳng làm lại nữa.” Hòm Bia tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở với loài người, khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài là Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là lý do Jeremiah nhìn thấy sự không cần thiết của Hòm Bia nữa.

Jeremiah cũng nhìn thấy trước sự tăng trưởng của Jerusalem, nó không còn chỉ giới hạn trong vương quốc Judah; nhưng là trung tâm của con cái Israel như thời của vua David. Hơn thế nữa, nó còn là trung tâm mà mọi quốc gia trên thế giới đều hướng về: “Thời ấy, Jerusalem sẽ được gọi là “Ngai toà của Đức Chúa,” và mọi dân tộc sẽ nhân danh Đức Chúa quy tụ tại Jerusalem.” Được sự chăm sóc và dạy bảo bởi chính Thiên Chúa, “chúng sẽ không còn sống buông thả theo lòng dạ xấu xa ngoan cố của mình nữa.” Đây là điểm chính yếu của ngôn sứ Jeremiah: Thiên Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới đặt căn bản trên tình yêu (Jer 31:31-34).

2/ Phúc Âm: Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả.

Như nhà nông phải chuẩn bị thửa ruộng bằng cách cầy bừa để nhặt đi tất cả sỏi đá và gai góc, san phẳng và giữ đất cho ẩm trước khi gieo hạt giống vào; con người cũng phải chuẩn bị tâm hồn bằng cách dành thời gian cho tâm hồn lắng đọng xuống, xua đi tất cả những lo toan và bất an của cuộc sống, cầu xin Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn trước khi nghe Lời Chúa. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể của những người nghe Lời Chúa và hậu quả:

(1) Miền vệ đường: Chúa Giêsu cắt nghĩa: “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.” Đây là những người có thái độ khinh thường hay không quan tâm đến những gì Chúa dạy: Những người tham dự Thánh Lễ cách chiếu lệ, đi lễ trễ khi Lời Chúa đã bắt đầu, ra ngoài hút thuốc, hay nói chuyện, hay ngủ gật, hay để trí óc viễn du, khi linh mục cắt nghĩa Lời Chúa. Những người không bao giờ chịu tham dự các dịp tĩnh tâm giáo xứ hay học hỏi Lời Chúa dưới bất cứ hình thức nào. Với thái độ khinh thường Lời Chúa như thế, làm sao Lời Chúa có thể vào trong tâm hồn để sinh lợi ích được!

(2) Miền sỏi đá: Chúa Giêsu cắt nghĩa: “Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.” Đây là những người cũng chịu chú ý nghe Lời Chúa, nhưng không chịu bỏ thời gian để học hỏi, để suy gẫm, và để đào sâu Lời Chúa. Họ dành rất nhiều thời gian để giải trí, trò chuyện, hay đọc những sách vô bổ; nhưng luôn than không có giờ để đọc Lời Chúa hay Lời Chúa khó hiểu! Nếu họ không hiểu Lời Chúa, làm sao họ có thể áp dụng trong cuộc sống để sinh ích cho cuộc đời họ!

(3) Miền bụi gai: “Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.” Đây là những người chỉ quan tâm hay quá đặt nặng sự quan trọng của đời sống vật chất: Họ đặt những mối lợi vật chất trên sự kính mến Thiên Chúa và hiểu biết Lời Chúa. Họ chọn đi lễ nào cha giảng ngắn nhất, giờ lễ tiện nhất, mặc dù chẳng hiểu gì Lời Chúa hay Bài Giảng; để còn kịp giờ làm hay có nhiều giờ đi chơi, giải trí. Đây cũng là những người đặt lợi lộc vật chất trên tình nghĩa anh em. Họ không dám hy sinh lợi lộc vật chất để sống và làm chứng cho Lời Chúa.

(4) Miền đất tốt: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” Đây là những người luôn đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự, ham muốn học hỏi, và thi hành Lời Chúa. Họ biết chuẩn bị tâm hồn, đọc trước và suy gẫm Lời Chúa trước khi tới nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Hơn nữa, họ luôn tìm dịp để học hỏi và nghiên cứu thêm; đồng thời biết áp dụng Lời Chúa trong mọi trường hợp của cuộc đời. Không lạ gì khi đời sống của họ luôn tăng trưởng về mọi phương diện: tâm linh, trí tuệ, tình cảm, và nhân bản.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chuẩn bị tâm hồn là điều kiện tiên quyết để Lời Chúa được sinh hoa kết quả cho người nghe. Chúng ta đừng bao giờ nghe hay học hỏi Lời Chúa mà không chuẩn bị. Ngoài ra, chúng ta đừng để cho Lời Chúa bị bóp nghẹt bởi những lo âu và toan tính của trần thế.


Thánh Mary Magdalene

2/ Phúc Âm (Jn 20:1-2, 11-18): 1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ,12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc? ” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! “14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.15 Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? ” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”16 Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a! ” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni! ” (nghĩa là “Lạy Thầy”).17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”.”18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

2/ Phúc Âm: Cuộc hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Bà Mary Magdala

2.1/ Mary Magdala tiếp tục tìm xác Chúa: Trình thuật này tiếp tục trình thuật Bà chạy về báo tin cho các môn đệ, và Phêrô cùng Gioan đã chạy ra mộ và chạy về. Bà vẫn quanh quẩn bên mộ Chúa vì thương mến, và có lẽ vì tội nghiệp Chúa đã phải chịu cái chết đau khổ như thế, mà giờ đây vẫn chưa hết đau khổ, vì con người vẫn chưa tha cho xác chết của Ngài.

            (1) Mary thấy sứ thần Thiên Chúa, nhưng không nhận ra họ: Bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”

            (2) Mary nghe tiếng Chúa và nhìn thấy Chúa, nhưng không nhận ra Chúa: Đức Giêsu nói với bà: “Này Bà! sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà tưởng Chúa là người làm vườn, và nghĩ có thể ông đã lấy xác Chúa, liền nói với ông: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”

2.2/ Mary Magdala nhận ra Chúa Giêsu.

            (1) Nhận ra Thiên Chúa không bằng những gì nghe và thấy bên ngoài, vì Bà đã nghe và thấy Chúa như trình bày ở trên; nhưng bằng sự rung động từ trong trí óc và con tim. Thánh sử Gioan mô tả phút giây hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Mary Magdala thật ngắn ngủi, nhưng vô cùng tuyệt vời. Đức Giêsu gọi bà: “Mary!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Do-thái: “Rabbouni!” Chỉ có hai con tim đang yêu mới hiểu được ý nghĩa tuyệt vời của hai tiếng gọi này. Sự kiện Chúa gọi tên Bà gợi lại cho bà nhiều điều: Chúa đang sống, Ngài nhận ra Bà, Ngài hiểu sự đau khổ của Bà, và Ngài yêu thương Bà. Nhận ra tiếng gọi thân thương của người mình yêu mến trong khi đang tuyệt vọng đi tìm, còn gì xúc động và vui mừng hơn, Bà quay lại để nhìn Chúa. Khi nhận ra Chúa, bà chạy đến, gieo mình xuống ôm chân Ngài, và sung sướng kêu lên “Thầy của con.”

            (2) Yêu Chúa không phải giữ chặt Chúa, nhưng làm theo những gì Ngài muốn: Hành động của Mary Magdala như thầm nói với Chúa: “Con sẽ không để Thầy xa con nữa.” Nhưng Đức Giêsu bảo bà: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.””

            Khác với tình yêu con người, khi con người yêu ai, họ muốn giữ người họ yêu làm của riêng cho mình; tình yêu Thiên Chúa đòi con người tiếp tục cho Chúa đi, chứ không giữ Chúa lại làm của riêng cho mình. Con người tìm thấy niềm vui khi nhìn thấy mọi người yêu Chúa. Chúa Giêsu muốn bảo Mary: Nếu con thương Thầy, hãy làm cho nhiều người nhận biết Thầy! Thầy còn nhiều anh, chị, em mà con phải mang tin mừng đến cho họ.

            (3) Bà Mary Magdala đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa!” và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. Một khi đã tìm thấy và cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, con người trở thành kẻ hát rong, ca ngợi tình yêu Thiên Chúa cho mọi người được biết. Cuộc đời không còn gì lôi cuốn được người có tình yêu Thiên Chúa; họ sẽ không đánh đổi tình yêu này cho bất cứ điều gì. Chỉ có tình yêu này mới có sức mạnh đủ để họ làm chứng cho Chúa giữa bao nghịch cảnh: bắt bớ, roi đòn, tù đày, gươm giáo, và ngay cả cái chết.

Skip to content