Lễ kính Thánh Mary Magdala

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Lễ kính Thánh Mary Magdalena – 22 tháng 7

Mary Magdalene 

Bài đọc: Sg 3:1-4b hay II Cor 5:14-17; Jn 20:1-2, 11-18

1/ Bài đọc I: Trích sách Diễm Ca: Suốt đêm trên giường ngủ, tôi đã tìm kiếm người tôi yêu: Tôi đã tìm kiếm chàng, nhưng tôi không gặp được chàng. Tôi chỗi dậy, và đi quanh thành phố, đi qua các phố xá và công trường, tôi tìm kiếm người tôi yêu. Tôi đã tìm kiếm chàng, nhưng tôi không gặp được chàng. Các người lính canh gác thành phố gặp tôi và tôi hỏi họ: “Các anh có thấy người tôi yêu không?” Tôi vừa đi qua khỏi họ, thì gặp ngay người tôi yêu. Đó là lời Chúa.

Hoặc: 2 Cr 5, 14-17: Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng ta; chúng ta xác tín điều này là một người đã chết vì mọi người,vậy mọi người đều đã chết. Và Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ. Vì thế, từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã trở nên một tạo vật mới trong Đức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi sự đều được trở nên mới. Đó là lời Chúa.

2/ Phúc Âm: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ. Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để Thầy ở đâu”.

Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni”, nghĩa là “Lạy Thầy”. Chúa Giêsu bảo bà: “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: “Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”. Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.


I. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức tin và tình yêu cần thiết để nhận ra Chúa và làm theo ý Ngài.

            Con người thường muốn sống và biểu lộ tình yêu bằng cảm giác; Chúa muốn con người biểu lộ tình yêu qua đức tin bằng cách làm theo thánh ý Ngài. Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ thánh Maria Magdala, người đã được Đức Kitô diệt trừ bảy quỉ. Kể từ ngày đó, bà đã theo Ngài và trở thành “tông đồ của các tông đồ” vì là người đầu tiên theo Phúc Âm Gioan được nhìn thấy Đức Kitô Phục Sinh và loan truyền cho các tông đồ. Dòng Đa-minh đã nhận Bà là quan thầy thứ hai sau thánh Đa-minh vì đặc sủng của bà và của Dòng có những nét giống nhau.

            Bà yêu Đức Kitô vì Ngài đã cho bà cuộc sống mới, không còn bị làm nô lệ cho quỉ. Để đáp lại ơn giải thoát này, Bà đã can đảm yêu thương theo Ngài đến cùng. Khi Chúa Giêsu sinh thì trên Thập Giá, bà là một trong những người được Phúc Âm nêu tên đứng dưới chân Thập Giá. Sau khi hạ xác Chúa và chôn cất trong mồ, bà là người đầu tiên ra viếng huyệt mộ Chúa. Trong đoạn Phúc Âm theo thánh Gioan hôm nay, Bà muốn được nhìn thấy xác Chúa, được ướp xác Chúa với thuốc thơm và mộc dược, được giữ chặt Chúa Giêsu khi đã nhận ra Ngài; Chúa muốn bà đừng làm như thế, nhưng hãy đi và loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ. Tại sao Đức Kitô không muốn bà dừng lại trong việc biểu lộ tình yêu hoàn toàn nhân loại? Vì tình yêu nhân loại có tính ích kỷ, đòi hỏi phải giữ người yêu cho riêng mình: được nhìn thấy, được yêu thương và chăm sóc… Tình yêu bác ái đòi chia sẻ niềm vui cho người khác, đòi lên đường ra đi để hát rong cho mọi người biết về tình Thiên Chúa yêu thương con người.

            Trong Bài đọc I, Sách Diễm Ca diễn tả tình yêu của một người con gái rất giống tình yêu Mary Magdala dành cho Đức Kitô trong Phúc Âm hôm nay, nôn nóng đi tìm kiếm người yêu nhưng không tìm được cho dù đã ngang qua khắp đầu đường cuối phố và cậy nhờ lính gác; nhưng một khi đã vượt qua tất cả những gì là giới hạn con người, cô đã tìm được người yêu.

            Bài đọc có thể dùng trong Thư II gởi tín hữu Corintô, thánh Phaolô cũng đã cảm nhận và khuyên tín hữu của ngài vượt lề trên thói thế gian, để biết Đức Kitô và tha nhân, không theo cách thức thông thường của con người; nhưng theo đức tin vì những cái cũ đã qua rồi và những cái mới đã xuất hiện.

II. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC

1/ Bài đọc I: “Tôi đã gặp người tôi yêu.

1.1/ Tình yêu thế gian đòi phải có sự hiện diện hữu hình:

            Sách Diễm Ca được gọi là những bài tình ca hay nhất của một đôi uyên ương. Nhiều người thắc mắc tại sao những bài tình ca lãng mạn và ướt át như thế lại được cho vào sổ bộ Sách Thánh. Lý do là vì Sách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, của Đức Kitô dành cho Hội Thánh. Mặc dù tình yêu này có khía cạnh và diễn tả những tâm tình của con người, nhưng nó cũng diễn tả những khía cạnh siêu nhiên vượt trên con người như bài đọc hôm nay diễn tả.

            Yêu thương là muốn ở gần người mình yêu từng giây từng phút. Sách Diễm Ca diễn tả khía cạnh này qua sự kiện người con gái nôn nóng đi tìm người yêu, như Mary Magdala thao thức suốt đêm trường, mong cho trời chóng sáng để đi ra mộ gặp Đức Kitô trong Phúc Âm. Cô ra khỏi nhà, lên đường đi tìm người yêu trong hết mọi nẻo đường dãy phố, ngay cả hỏi thăm lính gác xem có gặp người cô yêu không? Đây có thể là một câu hỏi ngớ ngẩn, nhưng đối với những kẻ đang ở trong tình yêu thì chẳng có gì ngớ ngẩn cả, họ hỏi tất cả những gì giúp cho họ tìm được người yêu!

1.2/ Tình yêu chân thật đòi con người vượt trên sự hiện diện hữu hình: Bài đọc kết thúc một cách hết sức đột ngột, “Tôi vừa đi qua khỏi họ, thì gặp ngay người tôi yêu.” Nhiều người thắc mắc đâu là lý do cho sự diện kiến đột ngột này?

            Chúng ta chỉ có thể suy đoán dựa trên Lời Chúa, “Ai tìm thì sẽ gặp.” Chúa biết những ai yêu người cách chân thành vì Người thấu suốt hết mọi sự, không phải chỉ những hành động biểu tỏ ra bên ngoài nhưng còn những tâm tình giấu kín trong tâm tư. Thiên Chúa thấu hiểu tình yêu của người con gái được diễn tả qua việc cô đi tìm Ngài khắp đầu đường cuối phố, bất chấp mọi trở ngại và nguy hiểm có thể gặp phải cho phận nữ nhi như cô; miễn là có thể tìm thấy Ngài. Là một người được yêu và có quyền năng, Ngài không nỡ lòng để cho cô phải thất vọng; nhưng đáp lại bằng sự diện kiến đột ngột: Sự diện kiến có thể chỉ trong trí óc, được nhận ra bởi đức tin như thánh Martinô nhìn thấy Đức Kitô trong các kẻ nghèo nàn khốn cực; hay trực tiếp trong thân xác con người và gọi tên “Mary” cách thân thương như Đức Kitô gọi Mary Magdala hôm nay. Điều này chứng minh: diện kiến cách thể lý không phải là cách duy nhất và đáng ao ước nhất mà Thiên Chúa muốn cho con người.

2/ Bài đọc II: “Từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa.

2.1/ Biết và yêu thương theo xác thịt: Theo cách thức thế gian, yêu ai là phải chiếm hữu được người ấy trong mọi khía cạnh: tâm tình cũng như trong hành động. Họ phải được sống chung trong cùng một mái nhà và sẽ không chia sẻ tình yêu này cho bất cứ một ai. Họ tức giận nếu thấy người yêu của họ nhìn, quan tâm tới hay chia sẻ tình yêu cho bất cứ ai ngoài họ.

2.2/ Biết theo đức tin và yêu thương theo Thần Khí: Saint Expury đã diễn tả điều này rất hay và phù hợp, “Yêu thương không phải là ngồi nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng.” Đây là thứ định nghĩa mà các bài đọc hôm nay nhắm tới. Yêu Chúa nồng nhiệt không phải là chỉ giữ Chúa cho mình, nhưng phải biết nhìn và lo cho những gì Chúa muốn. Nếu Chúa muốn ta phải đi ra để rao giảng cho mọi người biết tình thương Thiên Chúa dành cho mọi người, để mọi người cũng yêu Chúa như ta yêu Chúa vậy; thì ta phải tìm mọi cách để thực hiện điều này.

            Thánh Phaolô, sau khi đã được Đức Kitô kiếm tìm và yêu thương trên đường đi Damascus, ngài đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cho phù hợp với tình yêu và thánh ý Chúa. Trong bài đọc hôm nay, ngài khuyên các tín hữu Corintô, “Vì thế, từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã trở nên một tạo vật mới trong Đức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi sự đều được trở nên mới.

3/ Phúc Âm: “Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy.

3.1/ Maria muốn được nhìn thấy xác Thầy mình: Nhiều sự kiện lạ thường xảy ra chung quanh Ngôi Mộ Trống, nhưng Maria Magdala đã không nhận ra vì cô còn đang sống theo cảm xúc con người:

            (1) Tảng đá lớn bị lăn ra khỏi cửa mộ: Bà không hỏi, “Ai có thể lăn tảng đá này ra?” nhưng bà đã đồng nhất sự kiện này với sự kiện: “Người ta đã ăn cắp xác Chúa.”

            (2) Khi Maria trở lại lần thứ hai, bà thấy hai thiên thần ngồi trên giường để xác: Bà không thắc mắc: Họ là ai? Tại sao ngồi đó? Bà chỉ biết đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó;nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.

            (3) Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”.

            – Hai lần bị chất vấn “Tại sao khóc?”: một lần bởi thiên thần, một lần bởi chính Chúa Giêsu. Sự kiện Phục Sinh là sự kiện vui mừng tuyệt đỉnh và đã được loan báo trước bởi Đức Kitô; họ không hiểu lý do tại sao bà khóc mà không vui mừng?

3.2/ Chúa Giêsu đòi Mary Magdala vượt qua giác cảm để loan báo Tin Mừng Phục Sinh:

            (1) Maria Magdala phải vượt qua tình yêu cảm xúc mới có thể nhận ra Đức Kitô: Vì tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”.

            (2) Đức Kitô giúp Maria vượt qua bằng việc gọi đích danh tên cô: “Maria.” Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabbouni,” nghĩa là “Lạy Thầy.

            (3) Khi bà xà xuống ôm chân để giữ Ngài, Chúa Giêsu bảo bà: “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta.

            (4) Chúa Giêsu truyền cho bà loan báo tin mừng Phục Sinh: “Hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: “Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con.

            (5) Maria Magdala đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy.       

. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Thân xác con người chỉ là một phần của đời sống. Chúng ta cần để cho linh hồn tiếp cận với Thiên Chúa và hướng dẫn mọi khía cạnh của cuộc đời.

            – Sống theo tình cảm xác thịt làm con người chẳng khác chi súc vật và sẽ dẫn con người tới cái chết; nhưng sống theo sự hướng dẫn của linh hồn sẽ làm con người đạt tới chiều cao mà Thiên Chúa đã dự định cho con người trong Đức Kitô.

            – Yêu Chúa không phải là chỉ ngồi nhìn Ngài, nhưng còn đòi chúng ta làm theo ý Ngài mong muốn: Hãy đi rao truyền tình thương của Ngài dành cho mọi người khắp thế gian.

Skip to content