Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Chủ Nhật 12 – Năm C – Thường Niên
Bài đọc: Zech 12:10-11; Gal 3:26-29; Lk 9:18-24.
1/ Bài đọc I: 10 Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng.
11 Ngày ấy, tiếng khóc than sẽ vang dội khắp Giê-ru-sa-lem, như người ta than khóc thần Hadadrimmon ở cánh đồng Mơ-ghít-đô.
2/ Bài đọc II: 26 Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.
27 Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.
28 Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.
29 Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa.
3/ Phúc Âm: 18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?”
19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”
20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”
21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.
24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải nhận ra Đức Kitô và làm những gì Ngài yêu cầu.
Để trở thành môn đệ thực thụ của Đức Kitô, một người phải làm 3 việc: Thứ nhất, người đó phải nhận ra Ngài là ai, địa vị quan trọng của Ngài trong cuộc đời, và những gì Ngài truyền dạy. Thứ hai, người đó phải mong muốn theo Ngài và làm những gì Ngài truyền dạy. Sau cùng, người đó phải thực thi tất cả những điều đó. Đây là một tiến trình khó khăn và không thể thi hành với sức lực con người; nhưng Thiên Chúa không những đã ban đầy đủ ơn thánh qua công nghiệp của Đức Kitô lại còn ban Thần Khí vào tâm hồn con người để giúp con người nhận ra, ao ước, và làm theo sự thật.
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra tiến trình nhận ra – ao ước – và thi hành sự thật. Trong bài đọc I, ngôn sứ Zechariah phác họa Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho con người: Ngài sẽ ban Thần Khí của ơn thánh và cầu nguyện xuống trên dòng dõi David và dân cư Jerusalem để giúp họ biết sống đẹp lòng Thiên Chúa và tha thiết cầu nguyện, đồng thời sẽ giúp họ biết nhận ra và than khóc Đấng họ sẽ đâm thâu là Đức Kitô để ăn năn trở lại và nhận được ơn cứu độ. Trong bài đọc II, thánh Phaolô giúp các tín hữu nhận ra: khi họ chịu Phép Rửa là họ đã “mặc lấy” Đức Kitô. Vì thế, họ không được phép kỳ thị chủng tộc hay phân chia giai cấp, vì tất cả đều là những chi thể của một thân thể là Đức Kitô. Trong Phúc Âm, tuy Phêrô nhận ra và tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô;” nhưng ông chưa mong muốn một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ. Đức Kitô khuyến khích các ông phải can đảm đi theo con đường này mới có thể trở thành môn đệ của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khi chúng ngước nhìn lên Ta mà chúng đã đâm thâu, chúng sẽ khóc than như người ta khóc than đứa con một.
1.1/ Khác biệt về văn bản:
– MT và nhiều bản cổ dịch, “Khi chúng ngước nhìn lên Ta mà chúng đã đâm thâu.” Túc từ “Ta” ở ngôi thứ nhất, ám chỉ Người nói là Đức Chúa. Khi Gioan trích dẫn câu này, thánh sử viết “Chúng sẽ nhìn lên Đấng mà chúng đã đâm thâu” (Jn 19:37). Túc từ “Đấng” ở ngôi thứ ba, người nói không phải là Đức Chúa.
– LXX đọc sai động từ dqr (đâm thâu) thành rqr (chửi rủa). Chữ d và chữ r viết rất giống nhau trong tiếng Do-thái, và dễ bị lẫn lộn với nhau. Vì thế, họ phiên dịch khác hoàn toàn: “Chúng sẽ nhìn lên Ta mà chúng đã chửi rủa.” Mặc dù đọc sai động từ, LXX đọc giống MT ở chỗ “Ta,” ở ngôi thứ nhất.
+ Hadadrimmon có thể là thần bão Hadad hay thần chính thức Rimmon của Damascus (2 Kgs 5:18), mà cái chết của ông được dân chúng than khóc mỗi năm khi thời tiết đổi qua mùa khô.
+ Vị trí của Megiddo nằm trên trục lộ giao thông chính của hai miền Nam Bắc Palestine, nên thường là nơi của những trận chiến lớn tôn giáo hay chính trị trong lịch sử. Vua Josiah là một vị vua tốt lành của Do-thái đã tử trận tại đây và dân chúng than khóc sự ra đi của nhà vua.
1.2/ Ý nghĩa thần học của trình thuật:
(1) Thần khí ơn thánh và cầu nguyện: Khi Thiên Chúa muốn đập tan quân thù để cứu dân chúng, trước tiên Ngài đổ thần khí ơn thánh và cầu nguyện xuống trên họ. Thần khí ơn thánh ám chỉ thái độ biết sống đẹp lòng Thiên Chúa (x/c Gen 6:8, 33:8, 34:11) để nhận được ơn lành. Thần khí cầu nguyện để dân chúng biết nhận ra điều phải và kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa (2 Sam 12:22; Isa 27:11). Cầu nguyện với Thiên Chúa là điều không thể thiếu trong cuộc sống con người; nhưng để biết cách cầu nguyện, con người cần được Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn.
Việc giải thoát hay ban ơn là việc của Thiên Chúa; nhưng con người cần nhận ra sự cần thiết của việc giải thoát hay ban ơn và mong muốn bằng việc kêu xin Ngài ban ơn hay giải thoát. Thiên Chúa gởi Thần Khí xuống trên con người để họ nhận ra sự thật, những gì đáng ước mong, và khơi dậy lòng ăn năn xám hối vì tội lỗi đã lìa xa Thiên Chúa (Eze 36:37). Việc Thiên Chúa hứa sẽ tuôn đổ Thần Khí xuống trên con người đã được loan báo trong (Isa 44:3). Điều này được thực hiện khi Đức Kitô được vinh quang trên Thập Giá (Jn 7:39). Đó là lời hứa ban Thánh Thần và tất cả ơn lành thiêng liêng từ trời gồm chứa trong Đức Kitô.
(2) Trên nhà David và dân cư của Jerusalem: Một cách tổng quát, những nhà lãnh đạo của Thiên Chúa sẽ nhận được Thánh Thần trước như các tông đồ trong ngày Lễ Năm Mươi, sau đó sẽ lan ra cho toàn dân. Một cách đặc thù, “nhà của David” hay “con vua Dadid” ám chỉ Đức Kitô, Thánh Thần Thiên Chúa ngự trên Đức Kitô là đầu của thân thể, và từ Ngài, Thánh Thần lan xuống cho tất cả chi thể. Dân cư ở Jerusalem không phải chỉ những người sống tại Jerusalem; nhưng còn tất cả mọi người thuộc Giáo Hội.
(3) Họ sẽ nhìn lên Ta Đấng họ đã đâm thâu và sẽ than khóc: Tại sao không vui mừng mà phải than khóc? Than khóc vì con người nhận ra Đức Kitô phải chết là tội của con người. Than khóc vì những kẻ đã đóng đinh Đức Kitô nhận ra họ đã đóng đinh Người Con Một của Thiên Chúa. Con người vẫn và sẽ tiếp tục than khóc vì họ không ngừng phạm tội phản bội tình thương của Thiên Chúa. Đức Kitô nói “Phúc cho kẻ than khóc, vì họ sẽ được yêu ủi” là thế. Nếu họ nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh mà không nhận ra tình thương Thiên Chúa và tội lỗi của họ, làm sao họ có thể được cứu thoát?
Họ sẽ khóc than như người ta khóc than đứa con một. Họ sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng: Còn nỗi đau đớn nào hơn nỗi đau đớn của cha mẹ mất đứa con một, người con duy nhất họ có. Câu này gợi lại cho chúng ta sự than khóc của người Ai-cập khi các thiên thần tiêu diệt những đứa con đầu lòng của họ. Hay nỗi đau đớn của các bà mẹ mất con khi vua Herode tiêu diệt tất cả các con trẻ tại Bethlehem và các vùng phụ cận từ 3 tuổi trở xuống. Ngôn sứ Zechariah có ý muốn nói con người phải than khóc cho tội mình như thế, vì tội lỗi của họ mà Đức Kitô, Người Con Một của Thiên Chúa, đã phải đóng đinh vào Thập Giá và bị quân lính lấy lưỡi đòng đâm thâu.
2/ Bài đọc II: Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
2.1/ Tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.
(1) Đức Kitô đã kiên kết chúng ta nên một: Thánh Phaolô nói với các tín hữu Galat: “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô.” Đức tin vào Đức Kitô đòi hỏi phải có trước khi một người lãnh nhận Phép Rửa. Khi lãnh nhận Phép Rửa, người tín hữu trở thành con cái của Thiên Chúa. Khi thánh Phaolô nói “người tín hữu mặc lấy Đức Kitô” là có ý muốn nói họ trở nên một phần thân thể hay chi thể của Ngài.
(2) Chúng ta không được chia cắt thân thể Chúa: Nếu các tín hữu đã trở nên những chi thể của Đức Kitô, bổn phận của tất cả là xây dựng Nhiệm Thể này sao cho mỗi ngày đạt tới mức thập toàn. Họ không được phép chia cắt thân thể của Ngài bằng việc “phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.”
2.2/ Anh em là những người thừa kế theo lời hứa: “Nếu anh em thuộc về Đức Kitô, thì anh em là dòng dõi ông Abraham, những người thừa kế theo lời hứa.”
Một số người Do-thái cho nếu Dân Ngoại muốn trở thành con cháu Abraham, họ phải chịu cắt bì.” Thánh Phaolô trong Thư hôm nay và Thư Rôma đả phá quan niệm này. Ngài lý luận: Abraham được Thiên Chúa hứa ban cho một dòng dõi là vì đức tin của tổ phụ vào Thiên Chúa, chứ không do bởi việc cắt bì. Cũng vậy, khi một người tin vào Đức Kitô, họ trở thành con Thiên Chúa và thuộc dòng dõi Abraham. Họ được thừa kế những gì Thiên Chúa hứa nhờ lòng tin, nên không cần phải cắt bì.
3/ Phúc Âm: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
3.1/ Căn tính của Đức Kitô: Sắp đến giờ Đức Kitô phải lên Jerusalem để bắt đầu Cuộc Thương Khó và từ giã các môn đệ, Ngài muốn biết sau một thời gian sống với, mặc khải và giáo dục, các môn đệ đã nhận ra Ngài là ai chưa. Sau khi cầu nguyện, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ:
(1) “Dân chúng nói Thầy là ai?” Câu hỏi này chỉ để giúp các môn đệ suy nghĩ trước khi Chúa hỏi các ông câu thứ hai. Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Elijah, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Tất cả những danh xưng này không đủ để diễn tả căn tính của Đức Kitô, chúng chỉ nói lên phần nào đặc tính của Chúa Giêsu qua cái nhìn nhân loại: can đảm nói và bênh vực sự thật như Gioan Tẩy Giả, có khả năng làm nhiều phép lạ như ngôn sứ Elijah, hay có những lời dạy dỗ khôn ngoan của một ngôn sứ. Chúa Giêsu hỏi tiếp:
(2) Các con bảo Thầy là ai? Đây là câu hỏi không dễ trả lời vì câu trả lời không những phải nói lên căn tính của Chúa mà còn phải nói lên niềm xác tín của các tông đồ vào Ngài. Phêrô, tuy là một người mau mắn, nhưng nói năng không trôi chảy, đã mạnh dạn tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Trong trình thuật của Matthew, Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Này anh Simon con ông Jonah, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17a). Điều này cho thấy để biết căn tính của Đức Kitô vượt quá trí khôn con người; để hiểu, họ cần được sự mặc khải của Thiên Chúa qua Thánh Thần của Ngài.
3.2/ Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ: Tuy tuyên xưng đúng căn tính của Đức Kitô, Phêrô vẫn chưa hiểu đúng Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa; vì khi Chúa Giêsu nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Phêrô đã kéo Chúa ra một nơi và can ngăn Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16:22-23).
Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai giữ sẽ mất, ai liều sẽ giữ lại được.” Để trở thành môn đệ của Đức Kitô, một người phải bỏ tất cả những ý riêng không hợp với ý của Thiên Chúa và làm theo thánh ý của Ngài. Ngoài ra, người đó còn phải chấp nhận con đường đau khổ, nghĩa là phải bắt chước Đức Kitô vác Thập Giá hằng ngày để mưu cầu ơn cứu độ cho mình và cho tha nhân.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Chúng ta cần xin Thánh Thần Chúa soi sáng để nhận ra Đức Kitô và những chân lý Ngài truyền dạy. Chúng ta cần xin Thánh Thần Chúa thúc đẩy để mong ước những điều tốt lành từ Thiên Chúa và chê ghét tội lỗi của mình. Sau cùng, chúng ta cần xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh giúp chúng ta đủ sức thi hành điều chúng ta mong muốn.