Chủ Nhật 19 – Năm B – Thường Niên

 

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Chu Nhat 19 Thuong Nien.mp3{/audio}

Chủ Nhật 19 – Năm B – Thường Niên

 

Bài đọc: I Kgs 19:4-8; Eph 4:30-5:2; Jn 6:41-51.

 

1/ Bài đọc I4 Tiên tri Elijah đi một ngày đường trong sa mạc. Ông đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói: “Lạy ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.”

5 Rồi ông nằm dưới cây kim tước đó và thiếp đi. Nhưng này có một thiên sứ đụng vào người ông và nói: “Dậy mà ăn!”

6 Ông đưa mắt nhìn thì thấy ở phía đầu ông có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung và một hũ nước. Ông ăn bánh, uống nước, rồi lại nằm xuống. 7 Thiên sứ của ĐỨC CHÚA trở lại lần nữa, đụng vào người ông và nói: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa.”

8 Ông dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa.

 2/ Bài đọc II30 Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc.31 Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác.32 Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô.1 Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương,2 và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt. 

3/ Phúc Âm41 Người Do-thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống.”42 Họ nói: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống? “43 Đức Giê-su bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau!44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. 48 Tôi là bánh trường sinh.49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết.50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bánh mang lại sự sống thần linh cho con người.

             Đời sống con người có ít nhất hai chiều kích: thể lý và tinh thần. Khi thân xác mệt mỏi và đói khát, con người không còn sức lực để làm việc; vì thế họ cần ăn uống và nghỉ ngơi để lấy sức. Khi tinh thần chán nản đến độ tuyệt vọng, con người mất hết ý chí và nghị lực để sống, họ chỉ muốn chết. Làm sao con người có thể phục hồi tinh thần để tiếp tục bước tới?

            Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đặc biệt tới lương thực thần linh, những gì có thể giúp con người sống dồi dào và sống muôn đời. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Elijah cảm thấy chán nản đến tuyệt vọng; vì sau khi đã cố gắng rao giảng và làm nhiều phép lạ; vua quan và con cái Israel vẫn quay lưng lại vẫn sự thật, lại còn nghe lời hoàng hậu Jezebel để lấy mạng sống của ông. Thiên Chúa sai thiên thần mang bánh và nước tới để giúp ông phục hồi nghị lực. Sau khi dùng lương thực hai lần, ông chỗi dậy và đi bộ một mạch 40 ngày đêm tới núi Horeb, để gặp gỡ Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Ephesô hãy loại trừ lối sống theo xác thịt, và mở lòng lãnh nhận lối sống theo Thánh Thần, mà Đức Kitô đã xin Chúa Cha gởi tới tâm hồn các tín hữu. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là bánh từ trời xuống để đem lại sự sống trường sinh cho nhân loại; người Do-thái xầm xì chống đối, vì họ không hiểu làm sao Chúa Giêsu có thể xuống từ trời và lấy thịt của Ngài cho họ ăn được. 

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày đêm tới núi Horeb.

 

1.1/ Nỗi chán nản và thất vọng của tiên-tri Elijah vì con người mù quáng trước sự thật: Giống như tất cả các tiên tri khác, tiên-tri Elijah phải nói những gì Thiên Chúa truyền và phải làm chứng cho sự thật; nhưng con người chẳng những không nhận ra và tin vào sự thật, họ còn tìm giết hại mạng sống của Elijah. Trong chương 18 trước trình thuật hôm nay, Elijah đã chứng minh cho vua Ahab và toàn thể con cái Israel biết đâu là Thiên Chúa thật, qua việc thử thách hy lễ trên núi Carmel. Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của ông qua việc gởi lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ. Nhân cơ hội này, tiên-tri Elijah đã ra lệnh bắt trói và tàn sát một lúc 450 ngôn-sứ của Baal.

            Nhưng Ahab là một ông vua hèn nhát: nhà vua đã không chấp nhận sự thật, lại còn kể cho hoàng hậu Jezebel nghe mọi chuyện ông Elijah đã làm và tất cả sự việc ông dùng gươm hạ sát hết các ngôn-sứ. Bà Jezebel liền sai sứ giả đến nói với ông Elijah rằng: “Xin các thần minh làm cho ta thế này, và còn hơn thế nữa, nếu giờ này sáng mai ta không biến mạng ngươi ra như mạng một trong các người ấy” (I Kgs 19:2).

            Vì thế, tiên-tri Elijah phải trốn đi để bảo toàn mạng sống. Tiên-tri đi một ngày đường trong sa mạc. Ông đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.”

 

1.2/ Bánh của thiên thần làm cho Elijah lấy lại sức sống: Rồi ông nằm dưới cây kim tước đó và thiếp đi. Nhưng này có một thiên sứ đụng vào người ông và nói: “Dậy mà ăn!” Ông đưa mắt nhìn thì thấy ở phía đầu ông có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung và một hũ nước. Ông ăn bánh, uống nước, rồi lại nằm xuống. Thiên sứ của Đức Chúa trở lại lần nữa, đụng vào người ông và nói: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa.”

            Đây là bánh từ tay các thiên thần chuẩn bị cho tiên-tri Elijah. Chỉ có lương thực này mới có thể giúp cho tiên-tri Elijah hồi phục cả về thể xác lẫn tinh thần, để ông lên đường đi bộ suốt 40 ngày đêm tới Horeb, là núi của Thiên Chúa. Lương thực của trái đất không thể làm được điều này. Bánh mà tiên-tri Elijah ăn là hình bóng của bí-tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đề cập tới trong Tin Mừng Gioan bên dưới.

 

2/ Bài đọc II: Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa.

            Để hiểu những lợi ích do Bí-tích Thánh Thể mang lại, chúng ta cần phân biệt hai lối sống mà thánh Phaolô muốn các tín hữu Ephesô thấu hiểu.

 

2.1/ Lối sống theo xác thịt: là lối sống ngược lại với những gì Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác.” Nhìn chung, đây là bốn phản ứng thường thấy khi con người phải đương đầu với những đối tượng làm điều họ không thích hay gây thiệt hại cho họ. Tùy theo sự liên hệ và vị thế của đối tượng, con người sẽ chọn một hay nhiều cách thức để đối xử cho thỏa mãn tính nóng giận.

           

2.2/ Lối sống theo Thánh Thần: Ngược lại với lối sống theo xác thịt, thánh Phaolô khuyên:

            + Phải đối xử tử tế với nhau: Người tín hữu không sống ích kỷ để chỉ biết lo cho mình, nhưng luôn quan tâm đến nhu cầu của người khác.

            + Phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô. Đây là một phần của Kinh Lạy Cha và cũng là một điều Chúa Giêsu đòi hỏi để trở nên trọn lành như Cha trên trời trong chương 5 của Tin Mừng Matthew.

            + Hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương: Tục ngữ Việt-nam khuyến khích việc con bắt chước để trở nên giống cha: “Con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh.” Bắt chước Thiên Chúa là tiêu chuẩn cao nhất trong cuộc đời một người có thể học được. Clement của Alexandria nói cách mạnh bạo hơn: một tín hữu thực sự là một người khôn ngoan đang tập luyện để thành Chúa.

            + Hãy sống trong tình bác ái: như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt. Hai điều chúng ta cần học nơi Đức Kitô: (1) luôn vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự; và (2) luôn yêu thương mọi người. Không có một của lễ nào đẹp lòng Thiên Chúa hơn hy lễ của Đức Kitô vì bao gồm cả hai yếu tố này.

 

3/ Phúc Âm: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.

 

3.1/ Thái độ nghi ngờ của con người về “lương thực mới” mà Chúa Giêsu mặc khải:

            (1) Phản ứng của con người: Con người xầm xì phản đối vì con người không hiểu việc Thiên Chúa làm. Người Do-thái xầm xì phản đối, vì Đức Giêsu đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống.” Họ nói với nhau: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?”

            (2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Đức Giêsu muốn nói cho con người hiểu ngay cả việc con người có đức tin là do sự giúp đỡ của Thiên Chúa: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” Làm sao chúng ta hiểu động từ lôi kéo ở đây?

            – Bằng cách dùng sức mạnh như người chăn lôi kéo con bò? Thiên Chúa chắc chắn không làm điều này vì nó xâm phạm tự do của con người, và con người sẽ chẳng có công ích gì cả.

            – Bằng cách vạch ra cho con người thấy đâu là sự thật và những ích lợi của việc sống theo sự thật (Augustine). Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài dùng đường lối này khi rao giảng Tin Mừng, và chỉ có đường lối này mới có kết quả lâu dài.

            Kinh Thánh đã mặc khải cho con người biết về sự xuất hiện của Đức Kitô: Chúa Giêsu nói: “Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.”

Cả hai tiên-tri, Isaiah và Jeremiah, đều tiên đoán sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai và sự dạy dỗ dân chúng của Ngài (x/c Isa 54:13, Jer 31:33-34).

3.2/ Chúa Giêsu phân biệt cho con người hai loại bánh khác nhau tùy vào hiệu quả:

            (1) Hiệu quả của lương thực phần xác:

            + Mau hư nát như manna: Chúa Giêsu nói: “Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết.” Manna hay lương thực phần xác chỉ có thể làm cho no bụng và đem lại sự sống thể lý; nhưng không đem lại sự sống tinh thần và sự sống trường sinh cho con người.

            + Khi con người dùng đúng lương thực phần xác, chúng sẽ làm con người mạnh khỏe; nhưng nếu dùng không đúng, chúng sẽ gây thiệt hại nhiều cho con người.

            + Không mang lại sự sống tinh thần: Thực tế chứng minh có những người giầu có, ăn ngon mặc đẹp, mà vẫn không muốn sống; trong khi có những người tuy nghèo khó thiếu thốn, nhưng vẫn sống và sống cách dồi dào.

            (2) Hiệu quả của lương thực thần linh:

            + Mang lại sự sống muôn đời: Chúa Giêsu mặc khải: “Tôi là bánh trường sinh … là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

            + Làm cho con người kết hiệp với Thiên Chúa qua Đức Kitô: Sự sống thần linh được thông hiệp cho con người qua bí-tích Thánh Thể. Lãnh nhận Bí-Tích này thường xuyên sẽ gia tăng đức tin và đức ái cho con người, để họ càng ngày càng biết yêu mến Thiên Chúa hơn.

            + Làm cho con người kết hiệp với Giáo Hội và với nhau: Thánh Phaolô ví mỗi tín hữu như một chi thể trong một thân thể là Giáo Hội. Bí-tích Thánh Thể liên kết các chi thể với nhau.

            + Thánh hóa con người: Bí-tích Thánh Thể tha các tội nhẹ; giúp tránh các tội nặng trong tương lai; hướng lòng con người về Thiên Chúa, và không về những lôi cuốn của thế gian. Con người là hậu quả của những gì họ ăn uống: nếu năng lãnh nhận BT Thánh Thể, họ sẽ càng ngày càng nên giống Thiên Chúa; đến độ họ có thể thốt lên như Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.”

            + Giúp sinh hoa kết trái tốt lành: Chúa Giêsu ví Ngài như cây nho và chúng ta là cành. Nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta mới có thể sinh hoa trái là nhân đức và các việc lành. Năng lãnh nhận bí-tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta có sức mạnh để sống theo lối sống của Thánh Thần như đã đề cập đến trong Bài Đọc II.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta là sự kết hiệp của thể xác lẫn tinh thần: như thân xác cần của ăn uống để sống cách thể lý, tinh thần chúng ta cũng cần lương thực thần linh để sống vui vẻ và hạnh phúc.

            – Bí-tích Thánh Thể là chính Đức Kitô. Khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa, chúng ta được thông phần với đời sống thần linh của Thiên Chúa, và nhận được bao nhiêu kết quả tốt đẹp từ cuộc sống thần linh này.

            – Chúng ta cần biết thu xếp thời gian để tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày. Sức mạnh của Thánh Thể sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả khó khăn trong cuộc sống. 

Skip to content