Chủ Nhật 20 – Năm B – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Chu Nhat 20 Thuong Nien.mp3{/audio}

Chủ Nhật 20 – Năm B – Thường Niên.

 

Bài đọc: Pro 9:1-6; Eph 5:15-20; Jn 6:51-58.

 

1/ Bài đọc I1 Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột, 2 hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn 3 và sai các nữ tỳ ra đi.

Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố và kêu gọi:

4 “Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây!” Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo:

5 “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết.”

2/ Bài đọc II15 Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan,16 biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối.17 Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.18 Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí.19 Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa.20 Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.

3/ Phúc Âm51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? “53 Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” 



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khao khát được “trường sinh bất tử.”

             Con người khôn ngoan không bao giờ muốn chết, nhưng muốn được sống “trường sinh bất tử;” nhưng cái chết là một thực tại và nó luôn đe dọa mạng sống con người. Tại sao khao khát trường sinh có thể nói là một bản năng của con người mà cái chết lại cướp đi bản năng đó. Con người có hy vọng gì để đạt được nỗi khao khát trường sinh không?

            Hy vọng lớn lao và may mắn cho con người: Niềm tin và đạo lý Công Giáo dạy: (1) Nỗi khao khát trường sinh là một khao khát có thật vì Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người, muốn con người được trường sinh bất tử. (2) Vì tội lỗi mà con người phải chết; nhưng Thiên Chúa đã có sẵn Kế Hoạch Cứu Độ để giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết.

            Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh nỗi ước ao được sống trường sinh của con người. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Châm Ngôn nhân cách hóa sự khôn ngoan và nêu lên một điều kiện để con người được sống: phải “ăn bánh và uống rượu” do khôn ngoan làm ra. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Ephesô phải biết sống như những người khôn ngoan bằng cách theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để tìm ra và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho con người bí quyết để được trường sinh bất tử: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.”  

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế!

           

1.1/ Đức Khôn Ngoan chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng: Tác giả Sách Châm Ngôn đã nhân cách hóa khôn ngoan như một người phụ nữ, bằng cách diễn tả các đặc tính của khôn ngoan như sau: 

           + Khôn ngoan luôn chắc chắn và bền vững: “Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột.” Nhà được dựng bằng 7 cột là nhà chắc chắn, không gì có thể lay chuyển được.

            + Khôn ngoan chuẩn bị bữa ăn sẵn sàng bằng cách: “hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn.” Khách được mời tham dự không tốn công của, và không thiếu bất cứ gì.

            + Khôn ngoan mời tất cả mọi người, không trừ ai cả: Nàng sai đầy tớ đi mời khách đến dự tiệc, và chính Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố và kêu gọi mọi người.

            

1.2/ Nàng Khôn Ngoan đi tìm kiếm con người.

             (1) Hai hạng người mà Nàng Khôn Ngoan tìm kiếm:

            + ngây thơ (aifrôê): là những người thiếu khôn ngoan và dễ bị người khác đánh lừa.

            + khờ dại (frenôê): là những người thiếu hiểu biết, nên họ dễ làm liều.

            (2) Mục đích của Nàng Khôn Ngoan: “Các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết.” Nàng sẽ dạy cho con người hiểu biết thánh ý Thiên Chúa để con người được sống.

            (3) Điều kiện: “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế!” Muốn được sống, con người phải ăn bánh và uống rượu do chính Nàng Khôn Ngoan làm.

            Ngôi Lời (ho lógos) được Gioan đồng nhất với Đức Kitô, Ngài là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, và nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành.

 

2/ Bài đọc II: So sánh người khôn ngoan và người khờ dại:

 

            Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Êphesô: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan.” Ngài giúp các tín hữu xét mình để nhận ra sự khác biệt giữa hai hạng người:

2.1/ Người khôn ngoan: là những người:

            + Sống theo sự hướng dẫn khôn ngoan của Thánh Thần.

            + Biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Quan niệm của người Do-thái về thời gian: hiện tại rất xấu và tương lai rất tốt; giao thời giữa hai thời gian là cuộc khủng hoảng. Thánh Phaolô có lẽ nghĩ các tín hữu đang sống trong buổi giao thời.

            + Biết tìm thánh ý Chúa: “anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.”

            + Hiểu biết khôn ngoan sẽ dẫn tới các hành động khôn ngoan: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.”

 

2.2/ Người khờ dại là những người:

            + Sống theo ý muốn xác thịt: say sưa rượu chè, và rượu chè đưa tới truỵ lạc.

            + Không biết lợi dụng thời giờ Chúa ban cho: phí thời giờ vào các việc vô ích, không đem lại lợi ích tương lai cho đương sự.

            + Vì không biết thánh ý Thiên Chúa nên người khờ dại chỉ biết làm theo ý riêng mình; Người chỉ biết làm theo ý mình sẽ không đạt được đích mà Thiên Chúa mong muốn cho cuộc đời của họ.

 

3/ Phúc Âm: Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.

3.1/ Phân tích từ ngữ Hy-lạp: Lời tuyên bố của Chúa Giêsu sau đây cần được nghiên cứu từng từ ngữ và cách cấu trúc: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

            + Cụm từ “Ergô, eimi” theo sau bởi một thành ngữ xảy ra 7 lần trong Gioan, và túc từ theo sau đều mặc khải một sứ vụ đặc biệt của Đức Kitô như: Ta là Bánh Hằng Sống; Mục Tử Tốt Lành; Cửa Chuồng Chiên; Cây Nho; Sự Sống Lại và là sự sống; Ánh Sáng Thế Gian; Đường, Sự Thật, và là Sự Sống.

            + Túc từ “ho artos ho zôê” có thể mang nhiều nghĩa khác nhau tùy theo cách dịch:

                        (1) Có thể dịch là “bánh hằng sống hay bánh trường sinh,” có nghĩa bánh không bao giờ hư nát. Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa Chúa là Bánh Hằng Sống.

                        (2) Hay có thể dịch là “bánh mang sự sống thần linh.” Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa, Ngài là bánh mang sự sống thần linh cho con người như trong (Jn 6:33).

                        (3) Hay cũng có thể dịch là “bánh đang sống.” Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa Ngài là Bánh đang sống.

            Theo văn mạch và nội dung, nghĩa thứ (2) có lẽ thích hợp hơn cả; mặc dù hai nghĩa kia vẫn đúng với Chúa Giêsu.

            + Cụm từ: “từ trời xuống” nhắc nhở cho con người biến cố Thiên Chúa cho manna rơi xuống từ trời làm lương thực cho con cái Israel suốt 40 năm trong sa mạc. Manna là hình ảnh báo trước của Bí-tích Thánh Thể. Bánh mang lại sự sống đời đời có thực và có nguồn gốc từ trời.

            + “Bánh tôi sẽ ban tặng:” nhấn mạnh đến việc cho đi cách nhưng không như trong Bài Đọc I: mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng, ăn mà không phải tốn tiền!

            + Bánh Hằng Sống chính là thịt (sárx) của Chúa Giêsu. Ngay từ đầu Tin Mừng, Gioan đã dùng danh từ này để nói về mầu nhiệm Nhập Thể: Và Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm (sárx) và đã cư ngụ giữa chúng ta.

            + Phản ứng của người Do-thái: Điều họ tranh luận ở đây không phải về nguồn gốc của Chúa Giêsu, nhưng là thịt của Ngài: Làm sao một người đang sống có thể lấy thịt của mình cho kẻ khác ăn? Trừ phi người đó phải chết! Điều khó khăn nữa là người Do-thái không có thói quen ăn thịt người.

3.2/ Sự cần thiết của bí-tích Thánh Thể: Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.”

            + Công thức “amen amen = thật, tôi bảo thật” báo hiệu trước một chân lý sẽ được mặc khải trong Tin Mừng Gioan. Chân lý Chúa Giêsu mặc khải ở đây là “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” Nếu Chúa Giêsu không mặc khải chân lý cho con người, sẽ không có ai biết được.

            + Hai động từ ăn (esthíô) và uống (pinô) mà Gioan dùng ở đây là hai động từ căn bản dùng trong việc ăn uống của con người: như ăn bánh và uống nước.

            + Chúa Giêsu phân biệt hai sự sống: thể lý (psyche) và thần linh (zôê). Nếu không ăn thịt và uống máu Chúa, con người vẫn có sự sống thể lý; nhưng không có sự sống thần linh.

            + Sự sống muôn đời (zôê aiônion): Sự sống thần linh sẽ dẫn con người đến sự sống muôn đời: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” Như Chúa Giêsu khi mang thân xác con người, mặc dù con người vẫn phải chết cách thể lý, nhưng sẽ được sống lại vinh hiển, và sẽ không bao giờ phải chết nữa.

            + Thịt và Máu Chúa là lương thực nuôi sống con người: “vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” Hai danh từ dùng để so sánh: của ăn (brôsin) và của uống (pôsin) là hai danh từ dùng để chỉ lương thực căn bản của con người.

            + Sự sống thần linh là sự sống của chính Thiên Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” Chúa Giêsu và người rước Chúa trở nên một, như thánh Phaolô tuyên bố: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi; mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.”

            + Sự sống thần linh giúp con người hiểu biết sự khôn ngoan và các mầu nhiệm của Thiên Chúa mà trí khôn con người không hiểu thấu được. Sự khôn ngoan có được là do Thánh Thần của Đức Kitô hướng dẫn con người. Sự sống thần linh giúp cho con người có sức mạnh để đáp ứng lời mời gọi nên trọn lành của Đức Kitô mà sức riêng con người không thể làm được. Ví dụ, con người có được tình yêu nguyên thủy của Thiên Chúa để yêu thương kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho người ghét mình.

3.3/ Hậu quả của việc lãnh nhận bí-tích Thánh Thể: Nếu ăn sẽ sống, không ăn sẽ chết.

            + Chúa Giêsu sống bằng chính sự sống của Chúa Cha: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” Trong mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu mang hai bản tính: Thiên Chúa và nhân loại: bản tính Thiên Chúa không bao giờ chết, bản tính nhân loại chết khi Chúa Giêsu tắt thở trên Thánh Giá; nhưng được phục sinh ngay vì bản tính Thiên Chúa. Người rước Mình và Máu Đức Kitô cũng mang hai sự sống thể lý và thần linh. Hai sự sống này không tiêu diệt nhau nhưng bổ xung cho nhau.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

 

            – Để được sống trường sinh bất tử, chúng ta phải khôn ngoan tìm ra thánh ý của Thiên Chúa và vâng lời làm theo những gì Ngài dạy.

            – Chúng ta phải tin vào những gì Đức Kitô mặc khải về bí-tích Thánh Thể và thường xuyên lãnh nhận Bí-tích này. 

Skip to content