Chủ Nhật 22 – Năm B – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Chu Nhat 22 Thuong Nien.mp3{/audio}

Chủ Nhật 22 – Năm B -Thường Niên.

 

Bài đọc: Deut 4:1-2, 6-8; Jas 1:17-18, 21b-22, 27; Mk 7:1-8, 14-15, 21-23.

 

1/ Bài đọc I1 Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em. 2 Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em. 6 Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói: “Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh!” 7 Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? 8 Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?

2/ Bài đọc II17 Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. 18 Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người. 21 Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. 22 Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

27 Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.

3/ Phúc Âm1 Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. 8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.

21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người,

22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đâu là sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực.

             Nhiều người giới hạn đạo vào việc thờ phượng Thiên Chúa trong nhà thờ: như đi tham dự Thánh Lễ mỗi tuần; hay chỉ chịu Phép Rửa để có danh hiệu Kitô hữu; hay chỉ thi hành một số điều bên ngoài mà Lề Luật đòi buộc. Tôn giáo chân chính đòi con người phải sống kết hiệp với Thiên Chúa khi làm việc thờ phượng cũng như trong đời sống hàng ngày. Các tín hữu phải tuân giữ tất cả các Lề Luật của Thiên Chúa, và phải sống đức bác ái cách trọn hảo bằng việc giúp đỡ tha nhân.

            Mỗi Bài Đọc hôm nay tập trung trong một khía cạnh của việc thực hành tôn giáo. Trong Bài Đọc I, ông Moses đưa ra những lý do để khuyên con cái Israel phải tuân giữ trọn vẹn Thập Giới của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, thánh Giacôbê chú trọng đặc biệt đến việc nghe và thực hành những lời Thiên Chúa dạy, vì tri hành phải đồng nhất. Một người không thể tách rời niềm tin ra khỏi những việc làm để minh chứng đức tin sống động của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tố cáo việc thực hành tôn giáo bằng những lễ nghi giả hình bên ngoài, như giữ các lề luật về việc thanh sạch bên ngoài; mà quên đi việc thanh tẩy thực sự trong tâm hồn. Ngài muốn con người phải đặt những giới luật của Thiên Chúa lên trên những lề luật và truyền thống của con người. 

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

 

1/ Bài đọc I: Hãy thực hành Thập Giới mà Thiên Chúa ban cho anh em.

 

1.1/ Sự cao trọng của Thập Giới:

            (1) Thập Giới phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng duy nhất biết những gì tốt lành cho con người. Ngài ban cho con người Thập Giới qua trung gian của ông Moses trên núi Sinai.

            (2) Thiên Chúa ban Thập Giới vì Ngài yêu thương con người. Ông Moses coi đây là một đặc quyền cao quí nhất, chỉ dành cho Dân Riêng của Thiên Chúa, khi ông hỏi con cái Israel: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?” Không một dân tộc nào được thần của họ ban lề luật như Thiên Chúa ban Thập Giới cho Israel.

            (3) Không ai được thêm vào hay bớt đi những gì từ Thập Giới: Thói quen của con người là thích thêm bớt vào những gì đã hiện hữu, hoặc để cho nó văn hoa hơn, hay để che giấu những tà ý. Ông Moses tuyên bố rất rõ ràng về tính bất di dịch của Thập Giới: “Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em.”

            (4) Thập Giới là điều kiện ắt có và đủ để được vào Đất Hứa: “Giờ đây, hỡi Israel, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em.” Đất Hứa ở đây có thể hiểu là vùng đất Canaan, nhưng bao quát hơn, là Thiên Đàng sau này. 

 

1.2/ Thập Giới ban hành là để tuân giữ: Ông Moses truyền cho con cái Israel: “Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và hiểu biết.”

            Theo truyền thống Do-thái, Thập Giới được gọi là “Mười Lời” của Thiên Chúa (deca-logos trong tiếng Hy-lạp, decalogue trong tiếng Pháp). Lời có thể là chỉ một chữ hay cả bài diễn văn. Trong ngôn ngữ Do-thái, cũng không có sự khác biệt giữa “lời” và “sự việc, hay sự vật.” Họ dùng chung một chữ “dabar” để chỉ lời hay sự việc xảy ra; hiểu theo kiểu Việt-nam, “tri hành đồng nhất.” Họ có lý do để làm như thế, vì nếu một người biết nhiều mà không thực hành, nào có ích chi cho người ấy! Thập Giới ban hành không phải để học thuộc lòng, cũng không để đóng khung thờ lạy.

 

1.3/ Thập Giới không giới hạn tự do của con người: Một cách tuyệt đối, con người vẫn có tự do để giữ hay không giữ; nhưng Thập Giới cung cấp đường đi nước bước cho con người; nhất là nó giúp cho con người nhận ra những nguy hiểm của các kẻ thù luôn rình rập quyến dũ con người. Ngoài ra, Thập Giới cũng giúp con người định vị các thứ tự ưu tiên của cuộc đời: tiên vàn là mối liên hệ hàng đầu giữa con người với Thiên Chúa, thứ đến là mối liên hệ giữa con người với tha nhân, và sau cùng là mối liên hệ giữa con người với thế giới vật chất.

 

2/ Bài đọc II: Hãy đem Lời Chúa ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

 

2.1/ Hiệu quả của Lời Chúa:

            (1) Lời Thiên Chúa là sự thật: giúp chúng ta phân biệt sự thật khỏi những sự gian trá làm mê hoặc lòng người. Thánh Giacôbê nói về sự cao trọng của Lời Chúa như sau: “Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người. Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em.”

            (2) Phải thực hành Lời Chúa: Cũng một ý với ông Moses trong Bài Đọc I, thánh Giacôbê khuyên các tín hữu của ngài: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.”

            Chúng ta cần biết qua cộng đồng các tín hữu thời sơ khai. Nhiều người lầm lẫn về sự chỉ dạy của thánh Phaolô, nhất là trong Thư gởi tín hữu Rôma và Galat, khi ngài nói: con người được trở nên công chính nhờ niềm tin vào Đức Kitô. Họ nói: chỉ cần niềm tin vào Đức Kitô là đủ, việc làm không quan trọng, vì nó không ảnh hưởng đến sự cứu độ của con người. Ngày nay, vẫn còn nhiều anh em Tin Lành và nhiều người chủ trương sống theo lối sống này. Đây là một cách cắt nghĩa sai lầm, vì Đức Kitô và thánh Phaolô không chủ trương và dạy bảo như thế. Thánh Giacôbê cũng phải đương đầu với ý kiến như thế trong cộng đoàn của ngài. Chỗ khác trong Thư, ngài còn nhấn mạnh hơn nữa: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Jas 2:17).

 

2.2/ Nếu tin Thiên Chúa, cũng phải yêu mến tha nhân: Mười Điều Răn được Đức Kitô tóm tắt trong hai giới răn căn bản là “Mến Chúa và yêu người.” Hay một cách đơn giản hơn nữa, Đạo Công Giáo là đạo yêu thương. Dĩ nhiên, yêu thương theo kiểu của Thiên Chúa, chứ không theo kiểu của con người. Chúa Giêsu đòi các tín hữu phải yêu thương kẻ thù, cầu nguyện, và làm ơn cho kẻ gây thiệt hại cho mình. Thánh Giacôbê khuyên các tín hữu: phải có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.

 

3/ Phúc Âm: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.

 

3.1/ Các kinh-sư và biệt-phái tố cáo môn đệ Chúa Giêsu không giữ tập tục của tiền nhân: “Có những người biệt-phái và một số kinh-sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Jerusalem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người biệt-phái cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người biệt-phái và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”” Luật Kosher của Do-thái là tất cả những luật liên quan tới việc phải giữ làm sao cho thanh sạch trong việc ăn uống cũng như việc tế lễ. Phần lớn những luật này là do con người thêm vào theo thời gian.

 

3.2/ Hãy để ý tới những nguyên lý nền tảng: Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu muốn dạy con người 3 điều quan trọng:

            (1) Đừng thờ Thiên Chúa bằng môi miệng bên ngoài: vì Ngài thấu suốt những gì đang xảy ra trong tâm hồn con người. Họ có thể đánh lừa người đời bằng lối sống giả hình bên ngoài, nhưng không bao giờ qua mặt được Thiên Chúa. Chúa Giêsu dẫn chứng lời tiên-tri Isaiah đã từng lên án hạng người này: “Ngôn sứ Isaiah thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.”

            (2) Đừng vịn vào truyền thống để hủy bỏ Lề Luật của Thiên Chúa: Chúa Giêsu tố cáo họ: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Điều chúng ta phải nhận ra ở đây là Ngài không đến để phá hủy truyền thống; nhưng Ngài muốn dạy cho họ biết phải đặt giới luật của Thiên Chúa lên trên mọi luật lệ và truyền thống của con người. Khi nào có sự xung đột giữa giới luật của Thiên Chúa và luật lệ hay truyền thống của con người, họ phải can đảm tuân giữ giới luật của Thiên Chúa. Ví dụ: luật phá thai hay án tử hình.

            (3) Thanh tẩy tâm hồn bên trong cần thiết hơn thanh tẩy đồ dùng bên ngoài: Sau đó, Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

 

            Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là con người phải chú trọng đến việc thanh tẩy trong tâm hồn, vì hậu quả của tội lỗi làm con người ô uế trầm trọng hơn sự ô uế do đồ ăn thức uống gây ra. Những kinh-sư và biệt-phái chú trọng đến việc thanh tẩy bên ngoài để che đậy những ô uế trong tâm hồn, vì họ nghĩ không ai có thể thấy những gì họ giấu kín bên trong; nhưng không phải ai họ cũng giấu được, nhất là họ không thể giấu được Đức Kitô, Người có thể thấu suốt mọi bí ẩn trong tâm hồn của họ.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

           – Chúng ta phải thực hành mọi điều Thiên Chúa dạy trong Thập Giới, vì đó là những Lề Luật căn bản để đem lại hạnh phúc cho con người.

            – Lời Chúa không phải là những kiến thức để biết, nhưng là những điều cần thi hành để sinh lợi ích cho con người. Nếu sau khi biết rồi mà không chịu thực hành, chúng ta hoang phí thời giờ vô ích, vì chúng ta đã không sinh lợi được gì cho mình và cho tha nhân.

            – Vệ sinh thường thức là điều cần giữ để tránh bệnh tật; nhưng chúng ta phải chú trọng đến việc thanh tẩy tâm hồn, vì tội lỗi làm thiệt hại linh hồn chúng ta nhiều hơn. 

Skip to content