Chủ Nhật 27 – Năm B – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Chu Nhat 27 Thuong Nien.mp3{/audio}

 

Chủ Nhật 27 – Năm B – Thường Niên

Bài đọc: Gen 2:18-24; Heb 2:9-11; Mk 10:2-16.

1/ Bài đọc I18 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. 19 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. 20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.

21 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. 22 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. 23 Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”

24 Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.

2/ Bài đọc II9 Nhưng con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giê-su. Thật vậy, Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa. 10 Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. 11 Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em,

3/ Phúc Âm: 2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người. 3 Người đáp: ” Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?” 4 Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.”

5 Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; 7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.

9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. 11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

13 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. 14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” 16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lý tưởng của Thiên Chúa và khuyết điểm của con người.

Khi Thiên Chúa truyền cho con người làm điều gì, con người có thể hay có khả năng làm điều đó; vì Ngài không thể truyền cho con người làm điều gì họ không thể làm. Có nhiều lý do khiến con người không làm điều Thiên Chúa truyền: (1) Con người không muốn làm điều Thiên Chúa truyền, mà chỉ muốn làm điều con người muốn, vì nó phù hợp với con người hơn. (2) Con người có khả năng làm; nhưng không chịu cố gắng làm vì lười biếng, sợ khó khăn, sợ gian khổ, hay sợ chết. (3) Có những điều con người chỉ có thể làm được với ân sủng Thiên Chúa ban qua các Bí-tích.

Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong sự trung thành của ơn gọi gia đình, điều mà nhiều người cho là không thể thực hiện được. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế xác nhận ơn gọi hôn nhân nằm trong kế-hoạch của Thiên Chúa cho con người ngay từ đầu. Thiên Chúa không muốn cho con người sống đơn độc một mình; nhưng muốn con người có một người bạn đồng hành. Ngài đã dùng một xương lấy ra từ cạnh sườn con người, và lấp đầy thịt vào để tạo nên người đàn bà. Ngài dẫn người đàn bà đến trước mặt người đàn ông, và người đàn ông đã nói: “Này đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” Họ là cặp vợ chồng đầu tiên; và từ đó đến nay, các đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một thịt. Trong Bài Đọc II, sức mạnh và ơn thánh giúp con người có thể làm điều Thiên Chúa truyền đến từ Đức Kitô. Qua Cuộc Thương Khó và cái chết của Ngài, con người được tha tội và thánh hóa nhờ các Bí-tích Đức Kitô đã thiết lập. Con người phải xử dụng nguồn năng lực này, để có thể sống theo Lề Luật của Thiên Chúa và những lời dạy dỗ của Đức Kitô. Trong Phúc Âm Marcô, khi mấy Biệt-phái đến hỏi thử Chúa Giêsu về việc có được ly dị vợ không; dù Chúa Giêsu biết Moses cho phép ly dị vì sự cứng lòng của dân chúng, Ngài vẫn xác quyết ý định của Thiên Chúa khi dựng nên con người ngay từ thuở ban đầu là không được. Lý do: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Giao ước hôn nhân nằm trong ý định của Thiên Chúa ngay từ đầu.

 

1.1/ Ý định của Thiên Chúa cho con người: Đây là trình thuật thứ hai về việc tạo dựng; tác giả chú trọng đặc biệt đến sự kết hiệp giữa người nam và người nữ trong ơn gọi gia đình.

+ Thiên Chúa không muốn con người ở một mình: Trước tiên chúng ta cần chú ý: đây là thánh ý của Thiên Chúa, chứ không phải do ý con người muốn. Con người đầu tiên không than phiền Thiên Chúa vì không có đàn bà; nhưng chính Thiên Chúa nhận ra con người ở một mình là không tốt. Thiên Chúa muốn tìm cho con người một “trợ giúp tương xứng với nó.”

+ Chữ người trợ giúp (bôêthos trong LXX, và hêzer trong MT) cũng gây ra nhiều bàn cãi. Có người cho đàn bà chỉ là người trợ giúp của đàn ông; vì thế, các bà không bao giờ được coi là ngang hàng với các ông. Cách cắt nghĩa này không có cơ sở, vì Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần cũng được gọi là Đấng Trợ Giúp con người. Các Ngài phải có uy quyền hơn thì mới trợ giúp con người được.

+ Khó khăn không ở chỗ dùng danh từ người “trợ tá, bạn đồng hành;” nhưng ở chỗ cắt nghĩa cho đúng giới từ trong tiếng Do-thái (kenegdô) và Hy-lạp (kat’ auton). Bản Việt-nam của Nhóm PVCGK dịch tương đối sát nghĩa là “tương xứng hay thích hợp;” nhưng tương xứng theo ý nghĩa nào: cách thể lý, trí tuệ, luân lý, hay tinh thần.

 

1.2/ Tìm một “trợ tá tương xứng” cho con người:

(1) Thiên Chúa thử các thú vật trước: ”Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.” Loài vật cho dù có nhiều điểm thích hợp với con người như đẹp đẽ, hiền lành, dễ thương, trung thành; nhưng không thể nào so sánh với con người. Việc đặt tên theo truyền thống Do-thái có nghĩa người đặt tên có quyền trên người bị đặt tên.

(2) Thiên Chúa tạo dựng đàn bà: ”Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.”

(3) Phản ứng của người đàn ông: Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” Ông nhận ra ngay nàng là một phần của thân thể mình. Ông muốn sống gắn bó với nàng hơn bất kỳ ai khác. Trình thuật kết thúc với kết luận: ”Bởi thế, đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một thịt.”

2/ Bài đọc II: Đức Giêsu trải qua gian khổ để dẫn đưa con người tới nguồn ơn cứu độ.

 

2.1/ Đức Kitô trải qua Cuộc Thương Khó để đền tội cho con người: Bản dịch của PVGK có thể gây hiểu lầm khi dùng chữ “con người;” bản Hy-lạp nói rõ là Chúa Giêsu: ”Nhưng Chúa Giêsu đã bị hạ thấp hơn các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì Ngài đã cam chịu tử hình: Con Người đó, chính là Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.”

Để con người đạt được ơn cứu độ, trước tiên, Chúa Giêsu phải gánh tội và hình phạt cho con người, bằng cách chấp nhận đau khổ qua Cuộc Thương Khó của Ngài. Một khi đã được tha tội, con người được hòa giải với Thiên Chúa.

2.2/ Đức Kitô không chỉ tha tội; nhưng còn thánh hóa con người: Tác giả Thư Do-thái xác quyết điều này: ”Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em.” Mặc dù Chúa Giêsu đã gánh tội và ơn cứu độ giờ đây là của con người; nhưng họ vẫn phải chứng minh cho Thiên Chúa niềm tin vào Đức Kitô bằng cuộc sống chứng nhân; chẳng hạn, trung thành trong ơn gọi gia đình, tu sĩ, hay linh mục. Để có sức mạnh làm những điều này, Đức Kitô thiết lập các Bí-tích.

Nhiều người ngày nay đã quên hay không biết sự cần thiết của các Bí-tích trong cuộc đời; nhất là hai Bí-tích: (1) Thánh Thể: Đây là Bí-tích ban sức mạnh để con người có thể đương đầu với các cám dỗ, khó khăn, và thử thách trong cuộc đời. (2) Hòa Giải: giúp con người nhận ra các tội lỗi mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến tha nhân; đồng thời nó cũng giúp con người dễ thông cảm, tha thứ, và giải quyết các xung đột trong đời sống gia đình.

3/ Phúc Âm: Vấn đề ly dị và có con.

 

3.1/ Yếu đuối của con người: Có mấy người Pharisees đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người.

(1) Luật của Moses: Chúa Giêsu hỏi: “Thế ông Moses đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời: “Ông Moses đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Đức Giêsu nói rõ lý do có luật này của Moses:: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Moses mới viết điều răn đó cho các ông.”

(2) Tại sao Giáo Hội cho phép ly dị, nếu đó là Luật Thiên Chúa? Chúng ta cần phân biệt hai điều: Thứ nhất, lý tưởng mà Thiên Chúa muốn con người đạt tới. Lý tưởng này không bao giờ thay đổi; và thực tế cũng chứng minh nhiều người đã đạt tới lý tưởng này. Nhiều cặp vợ chồng đã trung thành với nhau đến khi chết, dù phải trải qua bao gian khổ. Thứ hai, yếu đuối và tội lỗi làm con người không đạt tới lý tưởng của Thiên Chúa. Khi con người không đạt được lý tưởng, không có nghĩa là lý tưởng của Thiên Chúa muốn không thể thực hiện được, hay Lề Luật của Thiên Chúa sai; nhưng con người phải khiêm nhường thống hối vì yếu đuối tội lỗi của mình. Hội Thánh gỡ dây hôn phối là vì những tội lỗi, yếu đuối, và cứng lòng của con người. Có nhiều lý do để gỡ; một cách tổng quát là không chịu học hỏi hay coi thường Bí-tích Hôn Phối như:

– Cha mẹ ép buộc con cái phải lấy người chúng không muốn, vì cha mẹ tham quyền cao, chức trọng, hay lợi nhuận vật chất. Trường hợp này, con cái thiếu tự do để kết hôn.

– Con người kết hôn bừa bãi: Đa số trường hợp Giáo Hội giải quyết là trường hợp “lack of form,” có nghĩa: không theo Lề Luật của Giáo Hội, không thành Bí-tích. Chẳng hạn, làm hôn thú giả vì muốn xuất ngoại, vì tham tiền, hay vì bất cứ lý do nào khác.

– Vợ chồng không chịu tìm hiểu nhau kỹ lưỡng trước khi kết hôn: lấy người đã có gia đình, lấy người bị ngăn trở không được kết hôn, lấy người không cùng tôn giáo.

– Vợ chồng không sống đức tin và không chịu lãnh nhận ơn thánh từ các Bí-tích: Làm sao có khôn ngoan, sức mạnh để vượt qua khó khăn trong cuộc sống?

– Con người không có sức chịu đau khổ: Trường hợp của những người bị người phối ngẫu ly dị. Với ơn thánh, con người có thể vượt qua sự cô đơn và những đòi hỏi của thân xác.

3.2/ Vấn đề với con trẻ: Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

Một vấn đề khó khăn nữa mà các vợ chồng ngày nay hay than phiền là không muốn có con, hay chỉ muốn có 2, 3 con; một số lý do họ nêu ra:

(1) Sợ con trẻ gây phiền hà: Đây là lý do các môn đệ sợ ngăn cản chúng đến với Chúa Giêsu. Người lớn hôm nay sợ trẻ con hàn nhà làm họ phải thu dọn tối ngày, sợ con trẻ ồn ào làm mất sự yên tĩnh, sợ chúng khóc đêm làm mất giấc ngủ, sợ chúng phá phách làm hư hại đồ dùng trong nhà.

(2) Sợ phải săn sóc con trẻ: Con trẻ không tự săn sóc chúng, mà chỉ trông cậy hoàn toàn vào người lớn. Nhiều cặp vợ chồng sợ phải tốn thời gian để chăm sóc trẻ em sẽ không còn giờ lo cho bản thân họ.

(3) Những ngụy biện của con người ngày nay để không có nhiều con trẻ: Sinh nhiều quá lấy chỗ đâu mà sống; khả năng tài chánh không có để lo cho con; sợ con trẻ hư, nên thà đừng có tốt cho chúng hơn.

Đàng sau những lý do này là chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ. Con người hôm nay sợ phải tốn thời gian săn sóc và dạy dỗ con trẻ, sẽ không còn giờ để săn sóc mình và đi đây đó. Họ sợ sinh con vóc dáng sẽ xấu đi. Họ sợ tốn tiền cho con sẽ không còn thời giờ lo cho mình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

– Khi Thiên Chúa truyền chúng ta làm điều gì, chúng ta có khả năng làm chuyện đó. Chúng ta cần phải tin tưởng và làm theo những gì Chúa dạy, tập luyện để sống nhân đức, và tận dụng các ơn thánh Thiên Chúa ban qua các Bí-tích.

– Chúng ta cần học hỏi để biết cách lãnh nhận và hiệu quả của các Bí-tích mang lại; nhất là phải biết thường xuyên lãnh nhận các Bí-tích mỗi khi có thể.

Skip to content