Chủ Nhật 28 – Năm B – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Chu Nhat 28 Thuong Nien.mp3{/audio}

Chủ Nhật 28 – Năm B – Thường Niên 

 

Bài đọc: Wis 7:7-11; Heb 4:12-13; Mk 10:17-30.

1/ Bài đọc I7 Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết.
Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.

8 Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng.
Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan.

9 Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan,
vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi,
và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.

10 Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp,
đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.

11 Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.

2/ Bài đọc II12 Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.

13 Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.

3/ Phúc Âm: 17 Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

18 Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20 Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”

21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. 23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” 24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” 27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” 28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” 29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời?

Nhiều người biết rất rõ đích điểm của cuộc đời là cuộc sống hạnh phúc muôn đời bên Chúa; nhưng làm thế nào để đạt được đích điểm đó, có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho chỉ cần tin vào Đức Kitô là được cứu rỗi; có người cho chỉ cần đi lễ mỗi tuần, đọc kinh mỗi ngày; có người cho chỉ cần ăn ngay ở lành… Nhưng thánh Giacôbê nói: “đức tin không việc làm là đức tin chết.” Chúa Giêsu cũng tuyên bố: ”không phải ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà được vào Nước Trời; nhưng chỉ có những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa.” Và câu châm ngôn ăn ngay ở lành cũng rất tổng quát và mơ hồ: Nếu chỉ giản lược trong đời sống chỉ biết lo cho cá nhân hay gia đình mình, cuộc sống như thế có đủ đáp ứng lời mời gọi mà Chúa dạy các môn đệ trong Kinh Lạy Cha không? Một cách cụ thể, con người đã góp phần gì vào việc: xin cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời?

Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đến câu hỏi: Phải làm thế nào để đạt được cuộc sống đời đời? và câu trả lời: “Phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa.” Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan đề cao sự quan trọng của Đức Khôn Ngoan. Theo ông, Đức Khôn Ngoan đáng quý trọng hơn mọi sự trên trần gian này, vì hai lý do: (1) Có Đức Khôn Ngoan là có mọi sự; và (2) Chỉ có Đức Khôn Ngoan tồn tại muôn đời. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái đồng nhất Đức Khôn Ngoan với Lời Chúa, hay Ngôi Lời chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Không như khôn ngoan của thế gian, Lời Chúa luôn sống động, hiệu quả, và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi. Lời Chúa đòi con người phải suy tư, thúc đẩy con người phải hành động, và làm chứng cho con người trước tòa phán xét của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, khi được người thanh niên hỏi phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời, Chúa Giêsu tuyên bố: phải giữ tất cả các điều răn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.

 

1.1/ Hiểu biết khôn ngoan đáng quí trọng hơn mọi sự: Theo truyền thống Do-thái, vua Solomon là “tác giả” của các Sách Khôn Ngoan; vì vua Solomon được coi là người khôn ngoan nhất trong lịch sử của nhân loại. Truyền thống kể lại truyện khi Thiên Chúa hỏi nhà vua muốn xin bất cứ gì, thì Thiên Chúa cũng ban cho. Vua Solomon không xin cho có uy quyền, cũng chẳng xin cho được giầu có, sức khỏe, sống lâu, hay bất cứ điều gì khác; nhưng chỉ xin cho được khôn ngoan để biết sống và cai trị dân. Thiên Chúa rất hài lòng với điều nhà vua xin; nên Ngài hứa sẽ ban cho vua Solomon được khôn ngoan đến độ không có ai trước và sau vua được khôn ngoan như thế.

+ Khôn ngoan quí trọng hơn vương quyền: Nắm giữ vương trượng, ngai vàng, mà không biết cách cai trị dân chúng; sớm muộn gì rồi vương quyền cũng vào tay người khác. Nếu có Đức Khôn Ngoan, vua sẽ biết lòng dân mong ước gì, và cai trị họ theo những điều họ mong ước, thì vương quyền sẽ tồn tại lâu dài, và vua không phải chịu trách nhiệm trước tòa phán xét của Thiên Chúa.

+ Khôn ngoan quí trọng hơn của cải: Vua Solomon thú nhận: ”Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.” Có giàu có đến đâu chăng nữa, mà không biết cách sống sao để được bình an và hạnh phúc, có lợi cho người sở hữu nó đâu. Thực tế chứng minh: nhiều người giàu có, nhưng vẫn không muốn sống, và có người còn tìm cách kết liễu đời mình nữa.

+ Khôn ngoan quí trọng hơn sức khỏe và sắc đẹp: Đây phải là bài học khôn ngoan cho nhiều người trong xã hội chúng ta, quá chú trọng đến việc tập luyện và nhịn ăn uống để có một thân thể cân đối đẹp đẽ và khỏe mạnh. Dĩ nhiên chúng ta không đả kích những điều đó không quan trọng; nhưng không đủ để mưu cầu hạnh phúc cho con người. Có đẹp đẽ khỏe mạnh đến đâu chăng nữa, rồi cũng úa tàn theo thời gian. Vua Solomon cho biết lý do ông quí trọng Đức Khôn Ngoan hơn: ”Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.”

Nói tóm, vua Solomon đã suy nghĩ rất nhiều khi xin cho được Đức Khôn Ngoan, vì khi có Đức Khôn Ngoan là có tất cả: ”Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.”

1.2/ Làm sao để có Đức Khôn Ngoan? Khác với khôn ngoan của thế gian, ai muốn có phải cố gắng luyện tập; Đức Khôn Ngoan mà vua Solomon có được là do Thiên Chúa ban: “Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.”

2/ Bài đọc II: Đức Khôn Ngoan chính là Lời của Thiên Chúa.

 

2.1/ Đặc tính trổi vượt của Lời Chúa: Tác giả Thư Do-thái liệt kê các đặc tính của Lời Chúa như sau: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệusắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.”

(1) Sống động (zôn): Tất cả các tác phẩm nhân loại, dù hay đến đâu chăng nữa, cũng bị thời gian đào thải, vì không theo kịp đà tiến của nhân loại; nhưng Kinh Thánh lại khác, nó vẫn luôn sống động. Đã hơn hai ngàn năm qua, Kinh Thánh vẫn là Sách được nhiều người đọc nhất, vì nội dung của Kinh Thánh vẫn thích hợp và sống động với con người ở mọi thời và mọi nơi.

(2) Hữu hiệu (energês): Lời Chúa trong Kinh Thánh không phải chỉ là những lời để suy niệm; nhưng thúc đẩy và cung cấp năng lực cho con người hành động. Tiên-tri Isaiah nói rất hay về Lời Chúa như sau: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isa 55:10-11). Hai câu này chắc chắn áp dụng cho Đức Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa, khi Ngài xuống trần gian nhập thể để cứu chuộc con người. Hai câu đó cũng áp dụng cho chúng ta, vì tuy ơn cứu chuộc Đức Kitô đã dọn sẵn cho con người; nhưng nó phải hoạt động nơi chúng ta để mang lại ơn cứu chuộc cho cá nhân chúng ta.

(3) Sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: Như thanh gươm hai lưỡi có sức xuyên thủng cả hai bên, Lời Chúa sắc bén, có sức xuyên thủng bất cứ con người nào, cho dù những người lạnh lùng và chai đá nhất.

+ xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh: Truyền thống Hy-lạp tin con người là tập hợp của ba phần: tinh thần (pneuma), đời sống thể lý (psychê), và thân xác (sark). Psyche là đời sống thể lý của con người, cái mà con người có chung với các tạo vật khác; nhưng cái làm con người suy nghĩ và hành động khác nhau là tinh thần.

+ xuyên thấu chỗ phân cách sụn (harmos) với tuỷ (muelos): Nếu thanh gươm có thể tách rời sụn với tủy; Lời Chúa cũng có thể tách rời tinh thần ra khỏi đời sống thể lý của một người. Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.

 

2.2/ Lời Chúa là chứng cớ phán xét con người: “Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” Lời Chúa thúc đẩy con người phải hành động, các việc làm của con người sẽ là những bằng chứng tố cáo con người. Ví dụ, Gioan nói về việc con người phán xét chính mình như sau: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Jn 3:17-18). Sự hiện diện của Đức Kitô buộc con người phải hành động: tin hay không tin vào Ngài; và tùy vào việc tin hay không tin, con người tự luận phạt chính mình. Con người không thể giữ thái độ trung dung, không chịu phản ứng, trước sự hiện diện của Đức Kitô trong cuộc đời.

3/ Phúc Âm: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?

 

3.1/ Làm thế nào để đạt được đích điểm của cuộc đời: Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hai điều Chúa đòi anh phải làm:

(1) Giữ các giới răn với tha nhân: ”Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”

(2) Giữ các giới răn với Thiên Chúa: Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Điều Chúa Giêsu đòi hỏi anh ở đây không gì khác hơn giới răn thứ nhất: “Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.”

 

3.2/ Giàu có khó vào Nước Trời: Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?”

Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

(1) Điều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là con người không được đặt của cải trên lòng mến Thiên Chúa, vì “của cải anh ở đâu, lòng trí anh ở đó.” Nếu lòng trí đã đặt vào của cải, còn lòng trí đâu dành cho Thiên Chúa và các việc của Ngài? Chúng ta không nói của cải không cần thiết; nhưng chúng ta phải đặt đúng thứ tự của nó: sau Thiên Chúa và sau tha nhân.

(2) Phần thưởng cho những môn đệ của Đức Kitô: Thiên Chúa là Đấng uy quyền và thương yêu, Ngài không bao giờ bỏ đói những ai trông cậy và làm việc cho Ngài. Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” Khi các môn đệ đi theo Chúa, họ giả sử phải bỏ tất cả: nghề nghiệp, gia đình, nhà cửa, và mọi thứ tiện nghi; nhưng họ không chết đói, và họ có nhiều thời gian dành cho việc mở mang Nước Trời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

– Chúng ta phải đặt đúng thứ tự ưu tiên trong cuộc đời: Thiên Chúa, tha nhân, và của cải vật chất. Đảo lộn thứ tự ưu tiên này sẽ gây bất an, chia rẽ, và làm cho con người mất hạnh phúc.

– Tin như nào sẽ sống như thế. Nếu chúng ta tin Đức Khôn Ngoan là điều đáng quí trọng hơn hết các giá trị vật chất, hãy cầu nguyện để xin Thiên Chúa cho chúng ta hiểu được Lời Chúa.

– Để đạt được cuộc sống đời đời, chúng ta phải giữ tất cả điều răn; chứ không chỉ giữ một số những gì chúng ta thích, và bỏ lơ những gì chúng ta không thích.

Skip to content