Chủ Nhật III – Năm C – Phục Sinh

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật 3 – Năm C – Phục Sinh

Jn 21

Bài đọc: Acts 5:27b-32, 40b-41; Rev 5:11-14; Jn 21:1-14.

 

1/ Bài đọc I: 27 Họ điệu các ông đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng:

28 “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!”

29 Bấy giờ ông Phê-rô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. 30 Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, 31 và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. 32 Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.” 40 Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra. 41 Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.

2/ Bài đọc II: 11 Tôi thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu.

12 Các vị lớn tiếng hô: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc.”

13 Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!”

14 Bốn Con Vật thưa: “A-men.” Và các Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy.

3/ Phúc Âm: 1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.

3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư? ” Các ông trả lời: “Thưa không.” 6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.

7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó! ” Vừa nghe nói “Chúa đó! “, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.

8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. 9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”

11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.

12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn! ” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai? “, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.

14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tin nơi Thiên Chúa và những lời dạy dỗ của Đức Kitô.

Con người luôn bị đặt trong tình thế phải lựa chọn: nên tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa hay nên tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của chính mình hay của quyền lực thế gian. Phần đông con người xưa và nay đều chọn tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của chính mình và của quyền lực thế gian.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật những lý do tại sao con người nên tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, Phêrô đặt câu hỏi cho những người trong Thượng Hội Đồng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hay vâng lời người phàm?” Trong bài đọc II, tác giả Sách Khải Huyền muốn nêu bật kết quả tuyệt vời của Kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và Đức Kitô là người chiến thắng vinh quang mọi quyền lực của thế gian. Ngài xứng đáng lãnh nhận mọi danh dự, vinh quang, và muôn lời chúc tụng. Trong Phúc Âm, khi các môn đệ tuân theo những lời chỉ dẫn của Đức Kitô, họ đã bắt được một mẻ cá lớn, cá nhiều như thế mà lưới không rách, họ cũng được hưởng sự chăm sóc và yêu thương của Đức Kitô.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Các Tông Đồ hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Kitô.

1.1/ Phản ứng ngoan cố của những người trong Thượng Hội Đồng: Họ đã giết Đức Kitô cách vô cớ và họ đã bỏ tù các tông đồ lần thứ nhất cách vô tội. Đây là lần thứ hai họ xét xử các tông đồ sau khi các ngài được thiên thần hướng dẫn ra khỏi tù. Họ điệu các tông đồ đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Jerusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!”

Lẽ ra các người trong Thượng Hội Đồng phải nhận ra tội lỗi sau hai lần kết án người vô tội; đàng này họ lại muốn các tông đồ không được nhân danh Đức Kitô để giảng dạy và không được đổ cho họ tội giết oan Đức Kitô. Họ phải biết sức họ chỉ có thể tiếp nhận ánh sáng, chứ không thể tiêu diệt ánh sáng. Tuy vậy, vì sợ dân, họ không dám đổ máu các tông đồ; nhưng “cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra.”

1.2/ Phản ứng của các tông đồ: Chúng ta có thể nhận ra sự can trường của Phêrô và các tông đồ. Các tông đồ mới từ trong tù được các thiên thần dẫn ra; các ông không sợ tù đày và quyền lực của Thượng Hội Đồng, nhưng lại tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô. Các tông đồ nói lên một chân lý mà những người Do-thái kính sợ Thiên Chúa phải đồng ý với các ngài: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.” Và họ tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô: “Chúa Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.”

Khi bị đánh đập bởi Thượng Hội Đồng, các tông đồ không lấy làm đau đớn hay sợ hãi; nhưng các ngài hãnh diện vì được chịu khổ hình và thông phần vào cuộc khổ nạn với Đức Kitô.

2/ Bài đọc II: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!”

2.1/Bài ca trên trời ca tụng Con Chiên: Bảy điều các thiên thần ca tụng Con Chiên xứng đáng được lãnh nhận:

(1) Uy quyền: Thánh Phaolô gọi Đức Kitô là “uy quyền của Thiên Chúa” (1 Cor 1:24).

(2) Sung mãn: Nguồn ơn thánh cho nhân loại được tuôn tràn từ nơi Ngài; nhờ Ngài, chúng ta lãnh nhận hết ơn thánh này đến ơn thánh khác (Jn 1:16). Tác giả Thư Ephesô nói về “sự sung mãn không thể tìm kiếm đâu khác ngoài Đức Kitô” (Eph 3:8).

(3) Khôn ngoan: Đức Kitô là Ngôi Lời khôn ngoan của Thiên Chúa (Jn 1:1-2; 1 Cor 1:24).

(4) Sức mạnh: Đức Kitô có sức mạnh tước đoạt vũ khí của kẻ thù và thắng quyền lực của Satan (Lk 11:22).

(5) Danh dự: Khi nghe danh thánh của Đức Kitô, mọi gối trên trời, dưới đất, và trong nơi âm phủ phải bái quì và mở miệng tuyên xưng Đức Kitô là Chúa (Phil 2:11).

(6) Vinh quang: Thánh Gioan viết: “chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Jn 1:14b).

(7) Chúc tụng: Đức Kitô xứng đáng mọi lời chúc tụng của con người, vì Ngài đã lấy máu đào để đưa về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân (Rev 5:9).

2.2/ Bốn điều các tạo vật ca ngợi Thiên Chúa và Con Chiên: Một điều căn bản, những gì thuộc về Cha thì cũng thuộc về Con.

(1) Chúc tụng: Thiên Chúa xứng đáng được chúc tụng vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và là Đấng phác họa Kế hoạch cứu độ con người.

(2) Danh dự: Đức Kitô đến mặc khải danh của Thiên Chúa cho con người, và Ngài đã làm mọi sự để tôn vinh danh ấy (Jn 17:6).

(3) Vinh quang: Vinh quang của Thiên Chúa cũng là vinh quang của Đức Kitô trong thần tính của Ngài.

(4) Quyền năng: Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài mà cai trị muôn vật; nhất là cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết và vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.

3/ Phúc Âm: Làm theo ý Thiên Chúa sẽ mang lại kết quả quá lòng mong đợi.

Nhiều người thắc mắc tại sao Phêrô và các tông đồ lại trở về nghề nghiệp đánh cá của các ông sau biến cố Phục Sinh, phải chăng các ông mất niềm tin vào Đức Kitô và không còn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho Ngài? Chúng ta biết phép lạ về mẻ cá lạ lùng cũng được tường thuật bởi thánh sử Luke (Lk 5:1-11) trong giai đọan đầu của sứ vụ công khai rao giảng của Đức Kitô, khi Ngài kêu gọi các môn đệ đầu tiên theo Ngài. Matthew và Mark tuy không tường thuật về mẻ cá lạ lùng; nhưng giống như tường thuật của Luke, Chúa Giêsu mời gọi Phêrô trở thành kẻ “lưới cá người” (Mt 4:19; Mk 1:17).

Như chúng ta đã quen thuộc, Gioan không bao giờ dừng lại ở việc tường thuật các phép lạ; nhưng luôn muốn đưa người đọc lên một trình độ hiểu biết cao hơn. Chúng ta cần tìm hiểu đâu là trình độ hiểu biết mà Gioan muốn dẫn khán giả tới qua trình thuật hôm nay. Chương 21 được đa số các học giả cho là được thêm vào sau này bởi chính Gioan hay các môn đệ của Ngài.

3.1/ Làm theo ý riêng của con người sẽ chỉ chuốc lấy sự thảm bại: Trình thuật kể: “Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tiberias. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simon Phêrô, ông Thomas gọi là Didymus, ông Nathanael người Cana miền Galilee, các người con ông Zebedee và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.” Điều có lẽ Gioan muốn nhấn mạnh ở đây là câu “đêm ấy họ không bắt được gì cả.”

3.2/ Làm theo thánh ý của Thiên Chúa và lời chỉ dẫn của Đức Kitô luôn mang tới thánh công: Trình thuật kể tiếp: “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.”

Kết quả mang lại do việc vâng lời làm theo ý Thiên Chúa làm cho Phêrô và các tông đồ nhận ra họ phải luôn luôn tìm kiếm và làm theo ý Thiên Chúa. Đây chính là mục đích mà Đức Kitô nhắc đi nhắc lại cho các môn đệ của Ngài khi còn sống với các ông: “Ta đến không để làm theo ý Ta; nhưng làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Jn 4:34, 5:30, 6:38).

“Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!” ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.” Phêrô một lần nữa nhận ra yếu đuối và khuyết điểm của mình. Trong hành trình hướng dẫn con thuyền Giáo Hội những ngày đầu tiên, Phêrô có lẽ nhiều lúc quá tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của bản thân, mà bỏ quên tìm nguồn sức mạnh và sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa. Phép lạ “mẻ cá lạ lùng” nhắc nhở cho Phêrô và những người lãnh đạo trong Giáo Hội phải luôn tìm kiếm và làm theo thánh ý của Thiên Chúa.

3.3/ Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đồng hành với các môn đệ. Trình thuật kể: “Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!””

+ Chúa Giêsu không sống cách biệt với các môn đệ sau khi Ngài phục sinh và lên trời; nhưng Ngài vẫn luôn quan tâm và chăm sóc các môn đệ của Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Ngài quan tâm đến nhu cầu ăn uống của các ông, Ngài tự tay khơi lửa và nướng bánh và cá để các tông đồ có của ăn uống ngay sau khi đã làm việc vất vả suốt đêm.

+ Chúa Giêsu luôn có cách để bảo vệ Giáo Hội và môn đệ của Ngài: Điều kỳ lạ không phải chỉ ở chỗ nhiều cá mà còn ở chỗ mặc dù “lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.” Đây phải là hình ảnh của Giáo Hội trần thế: Chúa Giêsu vẫn đang bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi ghen tị và phá phách của kẻ thù. Hơn 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn đứng vững trước mọi tấn công của kẻ thù từ bên ngòai và từ bên trong; và sẽ còn đứng vững đến muôn đời như Đức Kitô đã hứa với Phêrô (Mt 16:18).

+ Nguồn sức mạnh của bí tích Thánh Thể: Sau đó, Đức Giêsu nói với các tông đồ: “”Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?” vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.” Đây là công thức của bí tích Thánh Thể mà các tông đồ đã trở nên quen thuộc. Qua bí tích này, Đức Kitô và chúng ta trở nên một để Ngài ở lại với chúng ta và giúp chúng ta sẵn sàng đương đầu với mọi gian khổ và sóng gió của cuộc đời. Chúng ta đừng bao giờ quên tìm sức mạnh nơi bí tích này.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Noi gương Đức Kitô, chúng ta phải luôn cố gắng làm cho danh Cha được cả sáng, nước Cha được trị đến, và ý cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

– Đức Kitô không bao giờ sống cách biệt chúng ta; Ngài vẫn đang đồng hành với Giáo Hội và với mỗi người để yêu thương, chăm sóc, hướng dẫn và bảo vệ.

Skip to content