Chủ Nhật 31 – Năm C – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật 31 – Năm C – Thường Niên

 

Bài đọc: Wis 11:22-12:2; 2 Thes 1:11-2:2; Lk 19:1-10.

1/ Bài đọc I: 22 Trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ
ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất.

23 Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự.
Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.

24 Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra,
vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.

25 Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi?
Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì?

26 Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài,

vì mọi loài đều là của Chúa.

1 Quả vậy, lạy Đức Chúa, sinh khí bất diệt của Ngài ở trong muôn loài muôn vật.

2 Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.

2/ Bài đọc II: 11 Vì thế, lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em: xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin.

12 Như vậy, danh của Chúa chúng ta là Đức Giê-su, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta và của Chúa Giê-su Ki-tô.

1 Thưa anh em, về ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này:

2 nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ.

3/ Phúc Âm: 1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.

2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.

3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.

4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.

5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”

6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.

7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”

8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.

10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương tha thứ của Thiên Chúa

Rất nhiều người trong chúng ta không hiểu tại sao Giáo Hội không cho phép: ngừa thai nhân tạo; phá thai cho dù thai nhi mang bệnh tật; giết người già hay người bệnh dù họ phải chịu những chứng bệnh nan y; án tử hình dù tù nhân đã phạm những tội tày đình hay giết người… Lý do đơn giản là Giáo Hội nhận ra quyền cho sống là quyền của Thiên Chúa, chứ không phải quyền của con người. Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự, Ngài yêu thương và muốn bảo trì muôn loài, con người chỉ là tạo vật, không ai có quyền hủy diệt loài người Thiên Chúa dựng nên.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật tình thương Thiên Chúa dành cho muôn loài, đặc biệt tình thương tha thứ Ngài dành cho con người. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan nêu lên một chân lý quan trọng: “Của đau, con xót.” Vì Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài, nên Ngài yêu thương và lo lắng bảo vệ tất cả. Ngài không muốn cho bất cứ ai phải hư đi; nhưng muốn họ ăn năn xám hối để được sống. Trong bài đọc II, lẽ ra con người phải hư mất vì không biết xử dụng tự do của mình; nhưng Thiên Chúa đã ban cho con người Đức Kitô để Ngài chuộc tội cho con người. Vì thế, con người không nên lo lắng về Ngày Quang Lâm sẽ đến, vì đó là Ngày con người sẽ được vinh quang cùng với Đức Kitô. Trong Phúc Âm, giữa một đám đông to lớn và hỗn độn, Chúa Giêsu vẫn nhận ra một người thu thuế thấp bé và tội lỗi là Giakêu đang đứng trên cây sung. Ngài muốn ở trọ tại nhà và mang ơn cứu độ cho ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa yêu thương mọi loài Ngài đã dựng nên.

1.1/ Thiên Chúa tạo dựng nên hết mọi loài: Tác giả Sách Khôn Ngoan muốn nêu bật những sự thật quan trọng mà con người cần biết:

(1) Uy quyền của Thiên Chúa: Vũ trụ tuy to lớn đối với con người như thế; nhưng chỉ là “hạt cát trên bàn cân” hay “tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất.” Uy quyền của Thiên Chúa còn vượt xa những gì con người có thể thấy, vì còn những thứ con người chưa thấy như những sự trên Trời và những sự trong đáy vực sâu.

(2) Lòng yêu thương của Thiên Chúa cho mọi loài: Thiên Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu và không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra. Nếu Thiên Chúa ghét loài nào, thì Ngài đã chẳng dựng nên nó.

(3) Sự quan phòng của Thiên Chúa: Không những Thiên Chúa tạo dựng, Ngài còn duy trì sự hiện hữu của muôn loài bằng cách bảo vệ chúng nữa. Nếu Ngài không bảo vệ, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì?

1.2/ Thiên Chúa cho kẻ có tội cơ hội được ăn năn trở lại: Đối với cha mẹ loài người, con nào cũng là con; đứa con nào càng mỏng giòn yếu đuối, cha mẹ càng phải săn sóc và bảo vệ nhiều hơn. Nếu điều này đã đúng cho con người, nó càng biểu tỏ cách rõ ràng hơn với Thiên Chúa. Ngài đã nhiều lần tuyên bố rất rõ qua các ngôn sứ của Cựu Ước: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối để được sống,” hay qua chính Người Con của Ngài, “Người mạnh khỏe không cần đến thầy thuốc, nhưng chỉ những kẻ đau yếu mới cần.

Nhiều người không kiên nhẫn khi thấy những kẻ gian ác cứ sống phây phây trên sự khốn khổ của người công chính, nên cầu xin Thiên Chúa sớm tiêu diệt bọn ác nhân đó. Họ không hiểu tại sao Ngài để những kẻ gian ác ấy còn sống trên đời? Tác giả Sách Khôn Ngoan trả lời: Đó là vì “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ biết ăn năn hối cải.”

Vẫn có những người nghi ngờ làm sao những kẻ gian ác ấy có thể ăn năn trở lại. Họ quên rằng chẳng có gì là không thể đối với Thiên Chúa. Tác giả Sách Khôn Ngoan mặc khải một điều quan trọng là “sinh khí bất diệt của Thiên Chúa đã ở trong muôn loài muôn vật.” Vì thế, “những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.” Một điều nữa chúng ta cần nhấn mạnh: tiến trình đưa con người về nẻo chính đường ngay cũng bắt nguồn từ Thiên Chúa, chứ không bắt đầu với con người.

2/ Bài đọc II: Danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người.

2.1/ Hãy sống xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa.

Nếu chúng ta chịu khó ngồi xuống để suy gẫm về tình yêu Thiên Chúa và ơn gọi làm con của Ngài, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta mọi sự cần thiết để đạt đến vinh quang Ngài đã tiền định: giao ước, Lề Luật, các nhà lãnh đạo, các ngôn sứ… Món quà cao trọng hơn hết Thiên Chúa đã ban cho con người là Đức Kitô, Người Con Một của Ngài, đã hy sinh chết vì tội lỗi của chúng ta để chúng ta được cứu độ. Qua Đức Kitô, chúng ta còn được dồi dào ân sủng qua các bí tích, sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và sự chỉ dạy của Giáo Hội.

Thánh Phaolô cầu nguyện và kêu gọi các tín hữu Thessalonica hãy sống xứng đáng với ơn gọi của mình; để danh Thiên Chúa và danh của Đức Kitô được tôn vinh và các tín hữu cũng được tôn vinh nơi Người.

2.2/ Đừng hoảng hốt về Ngày của Thiên Chúa đến.

Trong Thư I Thessalonica, thánh Phaolô nghĩ Ngày Quang Lâm của Thiên Chúa sắp đến, nên Ngài kêu gọi các tín hữu hãy chuẩn bị khẩn trương cho Ngày ấy. Trong Thư II Thessalonica, ngài sửa chữa quan điểm về Ngày Quang Lâm của Thiên Chúa. Ngài khuyên các tín hữu đừng tin vào những tin đồn và cũng đừng hoảng sợ về Ngày này, vì có nhiều tín hữu có những thái độ sai lầm trong khi chuẩn bị Ngày đó. Có những người không làm lụng chi hết chỉ ngồi chờ Ngày đó đến, có những người lại lợi dụng thời cơ để kiếm lợi lộc.

Theo thánh Phaolô, Ngày này phải là Ngày vui mừng, vì chúng ta sẽ được gặp Thiên Chúa và Đức Kitô. Những người đã chuẩn bị sẵn sàng sẽ không sợ hãi gì khi Ngày này đến.

3/ Phúc Âm: Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.

3.1/ Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu: Ông được mô tả bởi thánh sử Lucas không phải chỉ là người thu thuế như Matthew, mà còn là người đứng đầu những người thu thuế tại Jericho, một vùng rất trù phú của xứ Judah, rất gần thành Jerusalem. Tên của ông chứng tỏ ông là người Do-thái hành nghề thu thuế. Đối với người Do-thái, những người thu thuế được xếp ngang hàng với đĩ điếm, vì đã chạy theo đế quốc Rôma để bóc lột mồ hôi nước mắt của đồng bào. Tất nhiên, ông là người giàu có.

Vì tò mò, ông tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Những người lùn thường khôn vặt, ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Tại thành phố Jericho hiện nay vẫn còn một cây sung rất to lớn, được vây quanh kỹ lưỡng cho khách hành hương đến thăm viếng. Họ gọi đây là cây sung mà ông Giakêu đã trèo lên để gặp Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã nhận ra ông giữa bao nhiêu người trong đám đông. Người đi bước trước để bắt đầu tiến trình hòa giải với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”

3.2/ Ba phản ứng khác nhau của cuộc gặp gỡ:

(1) Đám đông: Họ xầm xì với nhau, “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Đối với người Do-thái, những người thu thuế và gái điếm được coi như là những người tội lỗi công khai. Ai giao tiếp hay làm bạn với họ, cũng được coi là tội lỗi, huống hồ đây là một thủ lãnh của những kẻ thu thuế! Họ quan niệm người thánh thiện không thể làm bạn với hay vào nhà những người tội lỗi, phải tránh xa họ kẻo bị lây nhiễm hay bị mang tiếng.

(2) Ông Giakêu: Ông không ngờ Chúa Giêsu không những chú ý tới ông giữa bao nhiêu người, Ngài còn gọi đích danh ông, và ngỏ ý muốn đến nhà ông. Từ trước đến nay, mọi người Do-thái đều nhìn ông với cặp mắt khinh bỉ, thế mà hôm nay, trước mặt bao nhiêu người, Chúa Giêsu đã không đối xử với ông như thế, Ngài coi ông như một người bạn và muốn đến nhà ông, điều không người Do-thái nào muốn làm. Vì thế, ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.

Khi nghe mọi người xầm xì và biết rõ mình là người tội lỗi, ông thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Ngài, phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Ông hứa phân phát ngay phân nửa tài sản (động từ dùng ở thời hiện tại). Lề Luật chỉ buộc phải đền trả của lấy bất công, nhưng ông xin đền trả gấp bốn.

Niềm vui vì được Chúa tiếp nhận đã biến ông thành một con người mới: Từ trước tới nay, ông chỉ lo tìm mọi cách để vơ vét của cải từ người khác; hôm nay, ông rộng lượng vung tay phân phát của cải mình đã gom góp bấy lâu. Khi chấp nhận trở về, ông can đảm từ giã nếp sống cũ và bắt đầu cuộc sống mới theo tiêu chuẩn của Tin Mừng. Việc làm của ông có thể lấy đi tất cả những gì ông đang có; nhưng không thể so sánh với niềm vui được Chúa Giêsu tha thứ và đến viếng thăm nhà ông.

(3) Chúa Giêsu: Ngài nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

Chúa Giêsu đến để đem ơn cứu độ cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho một số người được tuyển chọn. Tuy Chúa Giêsu nghe biết những lời dị nghị nhưng Ngài không quan tâm tới. Chỉ một điều Ngài quan tâm là ông Giakêu và Ngài muốn đưa ông trở về với Thiên Chúa.

Ngài thương yêu tha thứ cho ông Giakêu trước khi ông làm những việc tốt, lý do của sự tha thứ là vì mọi người đều là con cái của Ngài và là con cháu của tổ phụ Abraham. Nhận ra tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, ông Giakêu được thúc đẩy để đáp trả.

Mục đích của Chúa Giêsu đến trần gian là để tìm và cứu những gì đã mất. Ngài đến không để cứu những người công chính, vì họ không cần cứu; nhưng để cứu chữa các tội nhân, họ là những con bệnh đang cần đến Ngài. Đúng ra, chẳng có ai là công chính, mọi người đều là những tội nhân và đang cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Những ai tự xưng là công chính, họ đang bị đánh lừa và mất đi cơ hội được Thiên Chúa tha thứ và ban ơn cứu độ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta có bổn phận gìn giữ và bảo vệ muôn loài Thiên Chúa đã dựng nên. Ngài dựng nên tất cả cho con người xử dụng, chứ không phải để phá hủy và tiêu diệt cách bừa bãi.

– Chúng ta phải trân quí ơn cứu độ được mang đến cho con người qua Đức Kitô, và cố gắng để đạt được và mang ơn cứu độ đến cho muôn người qua việc rao giảng Tin Mừng.

– Noi gương Đức Kitô, chúng ta cũng phải có thái độ bao dung với các người tội lỗi và tìm dịp đưa họ trở về, chứ không ghét bỏ, xua đuổi, hay kết án.

Skip to content