Chủ Nhật V – Năm A – Phục Sinh

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật V – Năm A – Phục Sinh 

 

Bài đọc: Acts 6:1-7; 1 Pet 2:4-9; Jn 14:1-12.

1/ Bài đọc I: 1 Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. 2 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.

3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. 4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.” 5 Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. 6 Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông. 7 Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.

2/ Bài đọc II: 4 Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá.

5 Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. 6 Quả thật, có lời Kinh Thánh chép: Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng. 7 Vậy vinh dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin, thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, 8 và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy.

9 Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.

3/ Phúc Âm: 1 Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.

2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. 4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” 6 Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. 7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” 9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phẩm giá và cùng đích cao trọng của con người

Theo kế hoạch tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa, con người giữ một địa vị quan trọng hơn tất cả mọi loài Thiên Chúa dựng nên (Psa 8:3-6). Để biết cách hành xử cho xứng đáng với phẩm giá cao trọng của mình, con người cần học hỏi để hiểu rõ những mặc khải của Thiên Chúa cho con người. Nếu không chịu học hỏi, con người sẽ hành xử như các loài thú khác, để rồi cũng chết như chúng, và không bao giờ đạt được đích điểm cao trọng mà Thiên Chúa đã tiền định cho con người.

Các bài đọc hôm nay dẫn chứng nhiều chứng minh con người không biết nguồn gốc và đích điểm cao trọng của mình nếu họ không chịu học hỏi những mặc khải của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, cộng đoàn tín hữu đầu tiên rất hăng hái trong việc sống chung và để mọi sự làm của chung thuở ban đầu; nhưng chẳng bao lâu, sự tham lam và ghen tị lại tái sinh giữa các bà góa Do-thái và các bà góa Hy-lạp. Các tông đồ được Thánh Thần soi sáng nên biết cách giải quyết rất khôn ngoan. Các ngài đề nghị chính họ tìm 7 phó tế khôn ngoan và thánh thiện giữa họ, để các ngài đặt tay, và họ sẽ trở thành những cộng tác viên với các tông đồ trong việc phục vụ Dân Chúa. Trong bài đọc II, tác giả thư Phêrô I nhấn mạnh đến vận mạng cao cả của các tín hữu. Họ là giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân thánh của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Ngài. Thiên Chúa đã gọi họ ra khỏi miền u tối để vào nơi đầy ánh sáng huyền diệu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải rất nhiều điều quan trọng cho các tông đồ: Trong nhà Cha Ngài có rất nhiều chỗ ở, Ngài đi là để dọn chỗ cho mọi người, khi đã dọn xong Ngài sẽ đến để mang mọi người với Ngài, mục đích là để Ngài và con người không còn ngăn cách nữa…

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan.

1.1/ Vấn nạn xảy ra trong Giáo Hội sơ khai: Khi thấm nhuần niềm vui Phục Sinh, các tín hữu tin tưởng nơi Thiên Chúa và bỏ mọi sự làm của chung để ai cần thì dùng; nhưng chẳng bao lâu, tính bè phái, ghen tị và tham lam tiếp tục dấy loạn. “Các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.”

Lời than phiền đến tai các tông đồ. Nếu họ không biết cách giải quyết khôn ngoan, cộng đoàn sơ khai sẽ có nguy cơ bị tan rã. Đồng thời, các tông đồ cũng biết họ không đủ khả năng và không có thời giờ làm tất cả mọi việc, và việc rao giảng Lời Thiên Chúa phải đặt lên trên việc ăn uống.

1.2/ Cách giải quyết tốt đẹp: Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.” Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stephen, Philíp, Prochorus, Nicanor, Timon, Parmenas và Nicolaus. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.

Vấn nạn được giải quyết. Các tông đồ có thêm 7 cộng sự viên đắc lực. Stephen trở thành vị tử đạo đầu tiên. Philip hăng hái rao giảng mọi nơi. Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Jerusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin. Nếu các tông đồ sợ bị phân chia quyền hành, cộng đoàn sơ khởi sẽ bị thiệt hại nặng nề và không có cơ hội phát triển.

2/ Bài đọc II: Vận mạng cao cả của các tín hữu

2.1/ Tảng đá góc tường: Cụm từ này có nguốn gốc từ Isaiah 8:14; 28:16, và được lặp lại trong Romans 9:33; Ephesians 2:20, và trong trình thuật hôm nay. Tác giả liệt kê 3 công dụng của đá:

(1) Dùng để phá hủy: Ngày xưa không có súng đạn, con người dùng đá tròn làm vũ khí để tiêu hủy căn cứ quân sự của đối phương. Ngày nay, vẫn còn hàng đống những viên đá này gần những căn cứ quân sự cũ bên Do-thái (x/c Isa 8:14).

(2) Dùng làm cho con người vấp ngã: Đá có thể là những chướng ngại làm con người vấp ngã, leo núi mà vấp phải một tảng đá có thể trượt chân rơi xuống vực. Các tác giả ví Đức Kitô như viên đá làm cho người Do-thái bị vấp ngã: “Đối với những kẻ không tin, thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy.”

(3) Dùng để xây nhà hay Đền Thờ: Chúa Giêsu chọn Phêrô là Đá để xây Giáo Hội của Ngài (Mt 16:18). Tác giả Phêrô I trích dẫn lời Isaiah 28:16: “Này đây Ta đặt tại Sion một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.” “Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá.” Tác giả Thư Ephesô gọi Đức Kitô là Đá Tảng Góc Tường của Đền Thờ Thiên Chúa, với nền móng là các ngôn sứ và các tông đồ, còn tất cả các tín hữu là những viên đá của Đền Thờ (Eph 2:20).

2.2/ Anh em là những viên đá sống động: Tác giả khuyên các tín hữu: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.”

Tác giả cũng nhấn mạnh đến vận mạng cao cả của các tín hữu. Anh em:

(1) là giống nòi được tuyển chọn: Chữ “genos” có 3 ý nghĩa trong Hy-lạp: con cháu của một dòng giống, những người trong cùng một gia đình, hay giống loại theo động vật hoặc thực vật. Tác giả có ý muốn nói theo nghĩa thứ hai: các tín hữu là những người trong cùng một gia đình với Thiên Chúa, vì họ đã tin vào Đức Kitô.

(2) là hàng tư tế vương giả: Trong Cựu Ước, chỉ có những người trong dòng tộc Aaron (Levi) mới được làm tư tế; nhưng trong Tân Ước, các tín hữu thuộc gia đình Đức Kitô, Ngài là tư tế muôn đời theo phẩm trật Melchisedech. Khi được rửa tội, các tín hữu thành những tư tế phổ quát (để phân biệt tư tế theo thừa tác), họ có bổn phận phải thờ phượng Thiên Chúa.

(3) là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa: Trong Cựu Ước, chỉ có dân Do-thái được chọn làm dân riêng của Thiên Chúa. Khi Đức Kitô tới, tất cả những ai tin vào Đức Kitô đều trở thành dân thánh của Thiên Chúa để loan truyền những kỳ công của Người.

3/ Phúc Âm: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.

Có quá nhiều những mặc khải quan trọng của Chúa Giêsu cho chúng ta trong trình thuật hôm nay. Trong khuôn khổ của bài viết chúng ta chỉ có thể vắn tắt; khi nào có cơ hội, chúng ta sẽ khai triển rộng hơn.

(1) Về mục đích đời người và sự ra đi của Chúa Giêsu: Trên Thiên Đàng có đủ chỗ cho tất cả mọi người. Chúa Giêsu sắp sửa từ giã các môn đệ là để dọn chỗ cho các ông. Khi đã dọn xong, Ngài sẽ trở lại để đón các môn đệ về chung sống với Ngài, và đó là cuộc sống hạnh phúc muôn đời của con người bên Thiên Chúa. Con người phải tin tưởng vào những gì Chúa Giêsu nói, và đừng để bất kỳ đau khổ nào xảy ra trong cuộc đời làm con người sợ hãi và thất vọng. Những lời này cũng chứng minh tình yêu vô biên và sự chăm sóc cẩn thận của Thiên Chúa dành cho con người.

(2) “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”: Câu này có thể chia làm 3 mặc khải quan trọng, chính Chúa Giêsu là:

+ Con đường: Ngài là con đường và mọi người phải qua con đường này để đạt tới Thiên Chúa. Không còn con đường nào khác dẫn tới Thiên Chúa: “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” Một ví dụ giúp chúng ta dễ hiểu câu này hơn. Khi chúng ta bị lạc đường, chúng ta hỏi người để chỉ đường, họ chỉ dẫn chúng ta đi bao nhiêu thì quẹo trái, quẹo phải…; nghe lời họ, chúng ta lên đường, nhưng rồi lại lạc nữa. Nhưng nếu có người nói với chúng ta: cứ đi theo tôi, tôi sẽ dẫn tới đó. Chúng ta sẽ cảm thấy an tòan hơn. Trên đường đời cũng thế, có quá nhiều con đường làm chúng ta lạc hướng và bất an; nhưng nếu chúng ta nghe lời của Chúa Giêsu: Chính Thầy là đường, và bước theo Ngài, chúng ta sẽ cảm thấy bình an và chắc chắn sẽ đạt đích an toàn.

Con đường có thể được hiểu là toàn bộ những giáo huấn của Ngài.

+ Sự thật: Ngài là chính sự thật. Một người có thể học sự thật của Ngài rồi truyền lại cho người khác, nhưng không ai có thể vỗ ngực tuyên bố “họ là sự thật.” Tất cả những sự thật khác đều phải đối chiếu với sự thật của Chúa Giêsu để đáng được tin cậy.

+ Sự sống: Có nhiều phương diện khác nhau của sự sống như: thể lý, tâm lý, trí tuệ, thiêng liêng, và đời đời. Nếu một người chọn sống theo sự thật của Chúa Giêsu, họ sẽ đạt được sự sống hoàn toàn đầy đủ về mọi phương diện.

(3) Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha: Đây là nguồn để chứng minh Thiên Chúa Ba Ngôi. Người Do-thái chỉ tin một Thiên Chúa, và đó là lý do ông Philíp nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Chúa Giêsu trả lời rõ ràng cho Philip: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Giêsu là một. Chúa Giêsu giải thích thêm: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.”

(4) Việc lớn hơn nữa là việc nào? Chúa Giêsu bảo đảm cho các môn đệ: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” Để tìm ra câu trả lời, chúng ta phải xem coi những việc gì các môn đệ có thể làm mà Chúa Giêsu không làm hay chưa làm. Chỉ có một việc là các môn đệ của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng cho mọi người khắp cùng cõi đất. Điều này Chúa Giêsu đã không làm khi còn sống trên dương gian; nhưng Ngài để dành cho các môn đệ và sai các ông làm chuyện đó. Dĩ nhiên, các môn đệ có làm được hay không cũng cần có sự trợ giúp của Ngài, vì “không có Thầy anh em chẳng làm chi được.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta có một địa vị quan trọng trước mặt Thiên Chúa hơn hết mọi loài Ngài dựng nên. Hãy sống đúng với phẩm giá quan trọng của mình để đạt mục đích Thiên Chúa đã tiền định.

– Để hiểu biết phẩm giá quan trọng, chúng ta cần học hỏi và suy niệm những gì Ngài đã mặc khải. Lười biếng không chịu học hỏi sẽ làm cho chúng ta ù lỳ, và bằng lòng cuộc sống của loài vật, và của những thú vui hạ cấp mà thế gian dâng tặng. 

Skip to content