Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Tư – Tuần V – PS
Bài đọc: Acts 15:1-6; Jn 15:1-8.
1/ Bài đọc I: 1 Có những người từ miền Giu-đê đến dạy anh em rằng: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ.”
2 Ông Phao-lô và ông Ba-na-ba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phao-lô, ông Ba-na-ba và một vài người khác lên Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.
3 Các ông được Hội Thánh tiễn đưa. Khi đi qua miền Phê-ni-xi và miền Sa-ma-ri, các ông tường thuật việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đỗi vui mừng.
4 Tới Giê-ru-sa-lem, các ông được Hội Thánh, các Tông Đồ và kỳ mục tiếp đón, và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông.
5 Có những người thuộc phái Pha-ri-sêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Mô-sê.”
6 Các Tông Đồ và các kỳ mục bèn họp nhau để xem xét vụ này.
2/ Phúc Âm: 1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.
2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.
3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.
4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.
6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.
8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Điều gì là điều khẩn thiết của Kitô Giáo?
Mỗi dân tộc trên địa cầu đều có một truyền thống, một văn hóa, và một giá trị khác nhau cần được tôn trọng. Khi Kitô Giáo được rao giảng vào dân tộc đó, các nhà truyền giáo cần phải nghiên cứu cẩn thận các truyền thống, văn hóa, và giá trị của họ. Mục đích là để làm sao cho dân tộc đó có thể đón nhận và thực hành đức tin, mà vẫn không xung đột với những truyền thống và văn hóa của họ.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vấn đề. Trong Bài Đọc I, Giáo Hội thời sơ khai phải đương đầu với nhiều vấn đề khi phải làm một sự chuyển tiếp từ Do-thái Giáo qua Kitô Giáo: Nên giữ những gì và nên bỏ những gì khi dân Do-thái và Dân Ngoại gia nhập Kitô Giáo? Cụ thể là 2 vấn đề chính: Dân Ngoại có phải cắt bì và giữ Lề Luật khi theo Kitô Giáo? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một điều khẩn thiết hơn cả: Các tín hữu phải sống kết hợp mật thiết với Ngài như cây nho và cành; nếu không sẽ không thể sinh hoa trái, sẽ bị khô héo, và sẽ bị cắt bỏ ra ngoài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Có cần phải cắt bì và giữ Lề Luật để được cứu độ?
1.1/ Theo các tín hữu Pharisees: Phải cắt bì và giữ Lề Luật.
(1) Về việc cắt bì: Những người Do-thái từ Judah tới nói với Dân Ngoại: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Moses, thì anh em không thể được cứu độ.” Cắt bì là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và tổ-phụ Abraham (Gen 17). Chúa Giêsu chịu cắt bì tám ngày sau khi sinh ra (Lk 2:21); Phaolô cũng chịu cắt bì (Phi 3:5). Bằng việc cắt bì, một người Do-thái biết họ thuộc về dân của Thiên Chúa, và là con cháu của tổ phụ Abraham.
Tuy nhiên, điều quan trọng là niềm tin yêu nơi Thiên Chúa, cắt bì chỉ là dấu hiệu bề ngoài để chứng tỏ niềm tin yêu bên trong. Nếu cắt bì mà không tin yêu vào Thiên Chúa, cắt bì có ích chi đâu, Dân Ngoại nhiều nơi cũng có thói quen như vậy. Ngôn sứ Jeremiah (Jer 4:4, 9:24-26) đã từng nói lên sự cần thiết phải cắt bì trái tim và lòng trí. Thiên Chúa yêu mến sự công bằng và tình yêu hơn là cắt bì.
(2) Lề Luật: Có những người thuộc phái Pharisee đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Moses.” Trước tiên, chúng ta cần phân biệt Lề Luật của Thiên Chúa và của con người (thói quen hay truyền thống): Luật của Thiên Chúa không thể thay đổi; luật do con người làm ra có thể thay đổi.
– Lề Luật chính yếu là là Thập Giới mà Thiên Chúa đã ban cho dân trên núi Sinai qua ông Moses đại diện cho toàn dân (Exo 20:1-17). Thập Giới này không thay đổi và mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại, đều phải tuân hành.
– Những luật của con người do thói quen hay do truyền thống: luật thanh sạch, hay những chi tiết về giữ ngày Sabbath. Dân Ngoại không phải giữ các truyền thống này. Chính Chúa Giêsu cũng từng tranh luận với các kinh-sư và biệt-phái về những truyền thống này, và sửa sai họ: Các ông dùng truyền thống của các ông để bãi bỏ Lề Luật của Thiên Chúa (Mt 15:2-6, Mk 7:3-13).
1.2/ Theo Phaolô và Barnabas: Dân Ngoại không có truyền thống cắt bì và giữ luật thanh sạch như người Do-thái. Hơn nữa, Lịch sử Cứu Độ đã bước sang giai đọan mới và bao gồm các Dân Ngoại. Ông Phaolô và ông Barnabas chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Barnabas và một vài người khác lên Jerrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.
Chúng ta không biết những lập luận của hai ông khi tranh luận với họ; nhưng theo Phaolô trong các Thư sau này: Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã mang Lề Luật tới chỗ kiện toàn. Vì biến cố sinh ra, chết đi, và sống lại; giờ đây, không còn nhất thiết phải trở thành người Do-thái trước khi trở thành Kitô hữu. Con người được cứu độ không do bởi việc cắt bì và giữ Lề Luật; nhưng do bởi niềm tin của họ vào Đức Kitô.
Tuy vấn đề cắt bì và Lề Luật đã được giải quyết trong Công Đồng Jerusalem; nhưng nó vẫn còn là bài học kinh nghiệm cho chúng ta trong đời sống hiện tại. Mỗi khi có những xung đột như thế, chúng ta cần ngồi xuống để phân tích xem điều gì quan trọng phải giữ và điều gì không quan trọng có thể bỏ hay thích ứng được. Bắt một người ngoại kiều hay một dân tộc phải theo văn hóa và truyền thống của mình trong việc thực hành đức tin dễ đưa đến bất đồng và gây nhiều trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng; một ví dụ cụ thể là việc thờ cúng tổ tiên tại Việt-nam.
2/ Phúc Âm: Sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu là điều khẩn thiết hơn cả.
Mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa là trung tâm điểm của Đạo. Vì thế, tất cả những gì giúp đưa con người tới Thiên Chúa, và giúp cho mối liên hệ này phát triển tối đa là những điều cần thiết hơn cả. Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu ví mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa như sau: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.”
(1) Lời Kinh Thánh: cần thiết để con người biết Thiên Chúa là ai, những gì Ngài mong muốn, và những gì Ngài đã, đang, và sẽ làm cho con người. Lời Kinh Thánh có sức tẩy sạch những gì là gian trá và mờ ám của thế gian như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.”
(2) Các Bí-tích: giúp thông chuyển đời sống thần linh và ơn thánh từ Thiên Chúa đến cho con người. Hình ảnh những cành nho cần nhựa sống nuôi dưỡng của cây nho dẫn chứng sự cần thiết của các Bí-tích, nhất là Bí-tích Thánh Thể: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.”
(3) Sinh hoa kết trái bằng việc giữ các giới răn: Hoa trái đây là những gì con người làm cho Thiên Chúa và cho tha nhân, từ việc yêu mến, đến việc giữ Lề Luật của Thiên Chúa, và tất cả những gì con người có thể làm cho tha nhân. Khi con người sinh hoa kết trái, con người làm Thiên Chúa được tôn vinh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Trong lãnh vực đức tin, chúng ta cần chú trọng tới mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, biểu lộ qua việc tin và yêu Ngài bằng những việc làm cụ thể.
– Mỗi khi có xung đột về truyền thống, văn hóa, và giá trị; chúng ta cần cùng nhau cầu nguyện và giải quyết, để xem coi những gì quan trọng về đạo lý cần giữ, những gì cần thích ứng với hoàn cảnh, và những gì có thể bỏ được.
– Việc bắt người khác phải theo truyền thống và văn hóa của mình sẽ đưa đến chia rẽ và làm trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi và mọi người.