Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Chủ Nhật 9 – Năm A – Thường Niên
Bài đọc: Deut 11:18, 26-28; Rom 3:21-25a, 28; Mt 7:21-27.
1/ Bài đọc I: 18 Những lời tôi nói đây, anh em phải ghi lòng tạc dạ, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu.
26 Hãy xem, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc được chúc phúc hoặc bị nguyền rủa.
27 Anh em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, mà tôi truyền cho anh em hôm nay.
28 Anh em sẽ bị nguyền rủa, nếu không vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, nếu anh em bỏ con đường hôm nay tôi truyền cho anh em phải đi, mà theo những thần khác anh em không biết.
2/ Bài đọc II: 21 Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng.
22 Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai.
23 Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,
24 nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su.
25 Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính.
28 Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy.
3/ Phúc Âm: 21 “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? “
23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!
24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.
26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.
27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức tin phải được biểu lộ qua hành động.
Thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma là Thư gây ra nhiều tranh cãi trong giới học giả Kinh Thánh, nhất là từ khi các ông Luther và Calvin chú giải Thư này. Theo hai ông, con người được cứu độ là do tin vào Đức Kitô, chứ không do những việc lành con người làm. Hiểu như thế, nên có nhiều giáo phái mọc lên và tách biệt ra khỏi Giáo Hội, họ dạy muốn lên Thiên Đàng chỉ cần tin; giữ đạo tại tâm; không cần phải giữ Luật, tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, ăn chay hãm mình, hay làm những việc lành phúc đức. Rất nhiều người đã ngây thơ tin theo. Điều này không lạ vì khuynh hướng con người không muốn giữ Luật hay phải bận tâm làm các việc thờ phượng, nhưng đó có phải là đạo thật hay không?
Trước tiên, chúng ta cần nhận định cho dù họ cắt nghĩa Thư Rôma đúng đi nữa, đó cũng chỉ là một trong 73 cuốn Sách Thánh mà người Công Giáo phải tin. Còn biết bao Sách khác chú trọng đến niềm tin và việc làm, tại sao họ không để ý tới, nhất là những lời giáo huấn rõ ràng của chính Đức Kitô như trong bài Phúc Âm hôm nay. Thứ đến, họ cắt nghĩa không đúng ý định của thánh Phaolô trong Thư Rôma. Quả thật ngài có nói điều này, nhưng là để cắt nghĩa sự quan trọng không thể thiếu vai trò của Đức Kitô trong lịch sử cứu độ. Phaolô không bao giờ cho việc làm để biểu lộ đức tin là điều không cần thiết. Nếu Phaolô tin như vậy, ngài sẽ không bận tâm khuyên nhủ các tín hữu phải làm lành lánh dữ, phải sống theo Thần Khí, không được sống theo xác thịt, và liệt kê vô số các tội mà những ai làm như thế sẽ không được thừa hưởng Nước Trời. Sau cùng, theo kinh nghiệm mỗi người chúng ta đều phải đồng ý để thành công, chúng ta phải sống như tục ngữ Việt-nam dạy: “tri hành đồng nhất.” Truyền thống Do-thái cũng không phân biệt tri thức ra khỏi hành động, họ tin một người tin yêu Thiên Chúa sẽ vâng giữ những gì Ngài dạy.
Các bài đọc hôm nay chú trọng đến cả hai đức tin và việc làm, tuy bài đọc II chú trọng đến đức tin nhiều hơn. Trong bài đọc I, tác giả Sách Đệ Nhị Luật trước tiên truyền cho dân Do-thái phải ghi lòng tạc dạ điều Thiên Chúa truyền là phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự, sau đó họ phải vâng giữ cẩn thận các điều Thiên Chúa truyền để được Ngài chúc phúc; nếu không, họ sẽ bị Thiên Chúa luận phạt. Bài đọc II trích Thư của thánh Phaolô gởi cho tín hữu Rôma, chú trọng đặc biệt đến đức tin. Đây là điểm thần học quan trọng của thánh Phaolô dạy các tín hữu, vì có nhiều người Do-thái trong thời đại của ngài cho rằng họ có thể lãnh nhận ơn cứu độ mà không cần phải tin nhận Đức Kitô. Thánh Phaolô phủ nhận điều này và xác tín: nếu không có Đức Kitô đổ máu ra, không một ai có thể được cứu độ vì mọi người đều phạm tội, Do-thái cũng như Dân Ngoại. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ điều kiện cần thiết để được vào Nước Trời: không phải chỉ tôn kính Thiên Chúa bằng môi miệng, nhưng phải thì hành thánh ý của Thiên Chúa, tức là vâng giữ những gì Ngài truyền dạy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Anh em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của Đức Chúa.
1.1/ Hãy ghi lòng tạc dạ Lời của Thiên Chúa: Câu 18 trong Sách Đệ Nhị Luật hôm nay là một trong những Shema mà người Do-thái có thói quen buộc vào tay, đeo trên trán, và treo trước cửa nhà hay cổng vào thành phố. Câu khác là những gì được mô tả trong Sách Đệ Nhị Luật 6:5: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.” Đây cũng là điều răn thứ nhất và quan trọng hơn mọi điều răn. Lý do tại sao phải buộc lệnh truyền vào những nơi đó là để nhắc nhở cho con người đừng quên những gì Thiên Chúa truyền dạy.
Như đã nói ở trên, người Do-thái không tách rời việc “biết” ra khỏi việc “làm” như người Hy-lạp. Họ tin nếu một người biết Thiên Chúa, người đó cũng phải tin yêu và giữ những gì Ngài truyền dạy. Đó là truyền thống của họ, còn nếu không làm được là do yếu đuối của con người.
1.2/ Được chúc phúc hay bị nguyền rủa là hệ quả của việc tuân giữ hay không làm những gì Đức Chúa truyền dạy: Đây là lệnh truyền có kèm theo thưởng phạt, chứ không phải là điều con người muốn làm hay không cũng được. Dĩ nhiên, con người có tự do chọn lựa, nhưng chọn lựa điều gì là phải lãnh nhận hậu quả của điều đó. Ở chỗ khác, ông Moses còn nói những lời nghiêm trọng hơn: chọn giữa cái sống và cái chết.
(1) Được chúc phúc: “Anh em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà tôi truyền cho anh em hôm nay.”
(2) Bị nguyền rủa: “Anh em sẽ bị nguyền rủa, nếu không vâng nghe những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nếu anh em bỏ con đường hôm nay tôi truyền cho anh em phải đi, mà theo những thần khác anh em không biết.”
2/ Bài đọc II: Người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô.
2.1/ Đức tin là điều trọng yếu làm cho con người nên công chính: Để hiểu những gì thánh Phaolô nói, chúng ta cần hiểu bối cảnh lịch sử khi Phaolô nói những điều này, nhất là vấn đề cắt bì trong công đồng Jerusalem. Có những người trong Hội Thánh đầu tiên cho để có thể được cứu độ, người Dân Ngoại phải được cắt bì như người Do-thái, vì đó là điều kiện để trở thành dân riêng của Thiên Chúa như giao ước đã ký kết với tổ phụ Abraham.
Thánh Phaolô phản đối việc cắt bì cho các tín hữu Dân Ngoại. Lý do, mọi người được trở nên công chính là vì niềm tin nơi Đức Kitô, chứ không hệ tại ở việc giữ Lề Luật. Ngài nói: “Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Moses. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng.” Ngài cắt nghĩa trong Thư Rôma và Thư Galat như sau:
– Tổ phụ Abraham được trở nên công chính là vì ông đã đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, chứ không ở việc giữ Luật. Hơn nữa, Luật Moses chỉ có sau khi tổ phụ Abraham đã qua đời gần 300 năm.
– Ngôn sứ Habakkuk xác tín “Người công chính sống bởi đức tin” (Hab 2:4).
– Thiên Chúa đã nhìn thấy trước dòng dõi của tổ phụ Abraham sẽ đông như sao trên trời và như cát dưới bể là do đức tin của họ vào Thiên Chúa. Nếu chỉ do việc cắt bì, dòng dõi của tổ phụ Abraham sẽ không chiếm hơn nửa thế giới như hiện nay.
2.2/ Con người không thể trở nên công chính bằng việc làm: Điều chính yếu trong lý luận của Phaolô là vạch ra cho mọi người thấy sự vô hiệu của Lề Luật: “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa.” Phaolô muốn nói: Không một ai từ trước đến giờ có thể giữ tất cả Lề Luật, và theo những gì Moses truyền, chỉ cần họ vi phạm một tội trọng thôi là một người mất công chính và phải chết. Vì không ai có thể tự mình nên công chính bằng việc giữ Luật, cho nên Thiên Chúa phải có một kế hoạch khác để cứu giúp con người, Ngài ban cho họ Đức Kitô và truyền cho tất cả phải tin vào Ngài để trở nên công chính.
Đức Kitô làm cho con người nên công chính bằng việc đổ máu ra rửa sạch tội nhân loại và giao hòa họ với Thiên Chúa. Ngoài ra, việc cho con người trở nên công chính là việc làm của Thiên Chúa, không do công sức con người. Ngay cả đức tin của con người vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô cũng là quà tặng của Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu cũng nhiều lần mặc khải điều này: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Jn 6:44, x/c Jn 6:37). Thánh Phaolô cũng xác tín điều này khi nói: “Không ai có thể nói rằng: “Đức Giêsu là Chúa,” nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cor 12:3b). Tuy nhiên, điều kiện để trở nên công chính là con người phải tin vào Đức Kitô.
Trong lịch sử, đã có nhiều người và nhiều giáo phái chủ trương họ có thể sống công chính bằng việc giữ Luật, chay tịnh, khổ chế, và làm các việc lành như các người: Pharisees, Sadducees, Perlagians, Semi-Perlagians…
3/ Phúc Âm: Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào Nước Trời mà thôi.
3.1/ Không phải chỉ biết Thiên Chúa: Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” Tình yêu là ý niệm trừu tượng, nhưng biểu lộ của tình yêu rất cụ thể. Người khôn ngoan chỉ cần quan sát những hành động của một người là biết họ có thương yêu thành thật không. Đối với Thiên Chúa, chỉ có một cách con người có thể chứng minh họ yêu thương Thiên Chúa là làm theo thánh ý của Ngài. Yêu thương bằng môi miệng không đủ để chứng tỏ tình thương; nhiều khi còn gây khó chịu hơn cho người phải nghe những lời giả dối. Một điều con người cần phải biết là Thiên Chúa thấu suốt mọi ý nghĩ trong trí óc con người, họ không thể đánh lừa được Ngài. Họ không thể nói những lời yêu thương Thiên Chúa để được vào Nước Trời.
3.2/ Nhưng phải thực hành Lời Chúa dạy: Chúng ta cần biết lý do Thiên Chúa muốn chúng ta vâng lời Ngài, không phải là để làm vinh danh Thiên Chúa; nhưng là để mang lại lợi ích cho bản thân chúng ta. Trí óc con người chúng ta rất giới hạn trong việc biết sự thật, lại bị vây quanh bởi những gian dối của ma quỉ và thế gian. Vì yêu thương không muốn chúng ta rơi vào bẫy gian dối và lìa xa Thiên Chúa, Ngài là Đấng khôn ngoan thượng trí, đã mặc khải cho chúng ta những giải đáp khôn ngoan qua Đức Kitô, Chúa Thánh Thần, và các ngôn sứ của Ngài.
(1) Phần thưởng cho những ai thực hành: Nếu con người áp dụng Lời Chúa mỗi ngày, cuộc đời họ sẽ vững vàng như người xây nhà trên nền đá, không một gian nan nào có thể lay chuyển được niềm tin của họ vào Thiên Chúa. Đá để xây nhà là niềm tin, yêu thương, các nhân đức, và những lời Chúa khuyên dạy.
(2) Hình phạt cho những ai không thi hành: Những ai nghe mà không chịu thực hành được ví như người xây nhà trên cát. Khi cơn gian nan thử thách tới, họ không thể chống cự nổi. Người nghe mà không để tâm áp dụng thì cũng như không nghe, nhiều khi còn mất giờ để nghe, và sẽ bị Thiên Chúa phán xét nặng nề hơn vì biết mà không chịu làm.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta đừng bao giờ nghe lời những ai xuyên tạc Lời Chúa rằng: “chỉ cần tin Thiên Chúa trong lòng là đủ được vào Nước Trời” hay “con người có thể được cứu độ mà không cần Đức Kitô.” Đức tin không có việc làm là đức tin chết (Jam 2:26).
– Đức tin phải được biểu tỏ qua việc chúng ta thờ phượng Thiên Chúa, thi hành thánh ý của Ngài, và giúp đỡ tha nhân phần hồn cũng như phần xác.
– Lời Chúa có sức mạnh thay đổi cuộc đời. Nếu chưa áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống, chúng ta hãy bắt đầu ngay đi kẻo quá trễ và phải hứng chịu những bất hạnh xảy ra trong cuộc đời.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}