Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Chủ Nhật 2 – Năm C – Thường Niên
Bài đọc: Isa 62:1-5; I Cor 12:4-11; Jn 2:1-12.
1/ Bài đọc I: 1 Vì lòng mến Xi-on, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giê-ru-sa-lem, tôi nghỉ yên sao đành, tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc. 2 Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho.
3 Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Đức Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay. 4 Chẳng ai còn réo tên ngươi: “Đồ bị ruồng bỏ!” Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn.” Nhưng ngươi được gọi: “Ái khanh lòng Ta hỡi!” Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng.” Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. 5 Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.
2/ Bài đọc II: 4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. 5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.
7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. 8 Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. 9 Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. 10 Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. 11 Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.
3/ Phúc Âm: 1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.
3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.”
4 Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.”
5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”
6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.
7 Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi! ” Và họ đổ đầy tới miệng.
8 Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông.
9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.”
11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. 12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành hiệp nhất trong những khác biệt của nhau.
Thiên Chúa tạo dựng mỗi người, ban ân sủng, và trao sứ vụ khác nhau. Ngài muốn mỗi người chu toàn sứ vụ của mình theo như những gì được ban cho, để xây dựng gia đình, xã hội, và Nhiệm Thể của Đức Kitô. Nhưng rất nhiều người không hiểu sự quan phòng của Thiên Chúa, họ lấy mình làm tiêu chuẩn để nhận xét, phê bình và đòi hỏi tha nhân phải giống họ. Hậu quả là họ phải gánh là bất đồng ý kiến, chia rẽ, và hận thù.
Các Bài Đọc hôm nay mời gọi con người hãy nhận ra sự khác biệt trong mỗi cá nhân, về quà tặng cũng như sứ vụ; để tôn trọng tha nhân và cùng nhau xây dựng Nước Chúa. Trong Bài Đọc I, vì không biết vâng lời Thiên Chúa và tôn trọng tha nhân, Jerusalem được ví như một người vợ bị chồng là Thiên Chúa bỏ rơi và con cái bị lưu đày cực khổ các nơi; nhưng tiên-tri Isaiah nhìn thấy trước ngày Thiên Chúa sẽ đoái thương nhìn đến và nối lại tình xưa nghĩa cũ với Jerusalem, vì Ngài là Thiên Chúa trung thành yêu thương. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nêu bật một chìa khóa quan trọng để gìn giữ sự hiệp nhất và hạnh phúc trong gia đình cũng như cộng đoàn, là phải nhận ra những gì có chung và những gì khác biệt, để tôn trọng những khác biệt của nhau và cùng nhau xây dựng lợi ích chung. Mô hình lý tưởng là sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Mẹ Maria nhận ra ngay sự khó khăn của đôi tân hôn trong ngày trọng đại nhất của cuộc đời họ. Mẹ biết chỉ một người duy nhất có thể cứu vãn tình thế là Chúa Giêsu; nhưng Mẹ chỉ biết cầu cứu Chúa và nhắn nhủ các người giúp việc: “Hễ người bảo gì, cứ làm như vậy.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Đức Chúa.
1.1/ Jerusalem hoang phế sẽ được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới: Jerusalem được tiên tri Isaiah nhân cách hóa như một người vợ để chỉ nhà Israel. Jerusalem bị Thiên Chúa bỏ rơi, vì đã bất trung với Thiên Chúa và bất công với tha nhân. Hậu quả là quân thù đã tiêu hủy bình địa Jerusalem và đem tất cả dân chúng đi lưu đày. Tuy nhiên, tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa là lý do Jerusalem được phục hồi. Thiên Chúa không đành lòng khi thấy Jerusalem điêu tàn hoang phế; nhưng Ngài phải sửa phạt để Jerusalem nhận ra những khuyết điểm của mình mà ăn năn xám hối và quay về với tình yêu đích thực. Nếu không sửa phạt, Jerusalem sẽ chết trong tội của mình và xa lìa Thiên Chúa. Trong trình thuật hôm nay, tiên-tri Isaiah được Thiên Chúa cho nhìn thấy trước ngày Jerusalem được phục hồi qua lời tuyên sấm: “Tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc. Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho. Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Đức Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay.”
1.2/ Hạnh phúc có được khi Jerusalem biết sống mối liên hệ với Thiên Chúa: Vì bất trung và không giữ các mệnh lệnh của Thiên Chúa mà Jerusalem bị mang tiếng là “Đồ bị ruồng bỏ!” Xứ sở bị mang tiếng là “Phận bạc duyên đơn.” Nhưng một khi quay trở về với Thiên Chúa, Ngài sẽ yêu thương và chăm sóc Jerusalem như một người vợ yêu dấu. Lúc đó, Jerusalem sẽ được chồng là Thiên Chúa gọi: “Ái khanh lòng Ta hỡi!” Xứ sở sẽ được nổi danh là “Duyên thắm chỉ hồng.” Jerusalem sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái, Chúa sẽ lập hôn ước cùng xứ sở ngươi và Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Khi biết sống mối liên hệ của người vợ trung thành, Jerusalem sẽ trở thành niềm vui và niềm hãnh diện của Thiên Chúa.
2/ Bài đọc II: Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.
Đây là một tư tưởng quan trọng trong nền thần học về thân thể của Phaolô, và là chìa khóa hiệu nghiệm để xây dựng hiệp nhất, bình an, và hạnh phúc. Thánh Phaolô khuyên con người nhận ra hai đặc điểm quan trọng:
2.1/ Những gì mọi người cùng có chung: Để có thể sống chung và cùng nhau làm việc, con người phải nhận ra những gì mọi người có chung. Ngài liệt kê ra những điểm có chung quan trọng:
(1) Một Thánh Thần: Đấng ban những đặc sủng khác nhau cho mỗi người để xây dựng lợi ích chung và Nhiệm Thể của Đức Kitô.
(2) Một Chúa Kitô: Đấng hy sinh chịu chết cho mọi người được tha tội và mang lại ơn cứu độ cho mọi người. Tất cả chúng ta là chi thể của một Nhiệm Thể của Đức Kitô.
(3) Một Thiên Chúa: Đấng dựng nên và quan phòng mọi sự trong mọi người. Mỗi ngôi vị của Ba Ngôi Thiên Chúa tuy thi hành một sứ vụ khác nhau; nhưng cả ba cùng chung một mục đích là mưu cầu lợi ích cho con người.
(4) Chỗ khác, thánh Phaolô còn liệt kê thêm các tín hữu chỉ có một Phép Rửa, một niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa, và được tiền định để hướng về cùng một đích điểm.
2.2/ Những gì mọi người khác nhau: Bên cạnh những gì con người có chung, họ còn có rất nhiều khác biệt:
(1) Mỗi người được ban các đặc sủng khác nhau: “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.” ”Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.”
(2) Đặc sủng khác nhau dẫn tới những ơn gọi khác nhau: giáo sư để giảng dạy, cha xứ để chăm sóc phần linh hồn cho dân, giáo dân để cung cấp nhân lực và giúp đỡ cho xã hội và Giáo Hội, bác sĩ để chữa lành … Mỗi người một công việc khác nhau, không có ơn gọi này quan trọng hơn ơn gọi khác; nhưng tất cả đều góp phần trong việc xây dựng lợi ích chung.
(3) Mỗi người được tạo thành cách khác nhau: phái tính; tính khí; cơ thể …
(4) Ngoài ra, mỗi người còn sống trong môi trường và những nền văn hóa khác nhau; được nuôi dưỡng, dạy dỗ, và trưởng thành trong những gia đình khác nhau.
Chúng ta không thể nào tìm được hai cá nhân giống nhau về mọi phương diện; vì thế, chúng ta đừng bao giờ bắt tha nhân phải suy nghĩ và hành xử giống mình về mọi phương diện.
3/ Phúc Âm: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”
Trình thuật hôm nay bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu và là phép lạ đầu tiên trong Tin Mừng theo thánh Gioan. Đây là phép lạ quan trọng, vì nó khơi mào kỷ nguyên của Đấng Thiên Sai. Chúa Giêsu tỏ uy quyền và sự quan tâm của Ngài cho Đức Mẹ, cho các môn đệ, và cho dân chúng để họ tin vào Ngài. Có ba phản ứng khác nhau trong trình thuật hôm nay.
3.1/ Phản ứng rất tinh tế của Đức Mẹ: Mẹ Maria, tuy là khách dự tiệc; nhưng Mẹ không giống như đa số khách dự tiệc đến để ăn. Mẹ là người đầu tiên nhận ra hoàn cảnh khó khăn của đôi tân hôn. Mẹ hiểu biến cố hết rượu trong ngày cưới sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của đôi tân hôn, nên Mẹ đến cầu cứu với Chúa Giêsu cho đôi trẻ, và nói với con mình: “Họ hết rượu rồi.” Sự kiện Mẹ chọn đến thưa chuyện với Chúa Giêsu chứng minh hai điều:
(1) Niềm tin của Mẹ vào uy quyền của Chúa Giêsu: Mẹ biết Chúa Giêsu là người duy nhất có thể cứu vãn tình thế cho đôi trẻ.
(2) Mẹ không truyền lệnh; nhưng cầu cứu để Chúa Giêsu tự do đáp trả.
Sau đó, Mẹ ra ngoài bếp và nhắn nhủ những người giúp việc một điều quan trọng: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”
3.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu: Khi nghe lời Mẹ cầu cứu, Đức Giêsu trả lời: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Giờ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan là giờ mà Ngài được vinh quang khi bị treo trên Thập Giá. Toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu trên dương thế đều hướng về giờ này.
Thoạt nghe câu trả lời của Chúa Giêsu, nhiều người có thể cho là Ngài bất hiếu; nhưng họ cần phải suy xét thêm: Trong cuộc đời, mỗi người có một sứ vụ Thiên Chúa trao để chu toàn và có một thời gian cố định để chu toàn sứ vụ đó. Chúng ta đừng bao giờ bắt người khác phải thi hành sứ vụ đó theo yêu cầu và thời gian của chúng ta. Đây là chìa khóa để giữ bình an, hiệp nhất và hạnh phúc của gia đình.
Lời nhận xét của người quản tiệc là một ví dụ khác cho việc đừng bắt người khác phải luôn theo truyền thống, vì mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Ông trách tân lang: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.”
3.3/ Phản ứng của những người giúp việc: Trình thuật kể: “Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.”
– Đức Giêsu bảo các người giúp việc: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Đây không phải một lệnh truyền dễ thi hành vì phải ra đi kín một lượng nước lớn trong ngày lễ cưới; nhưng họ đã vâng theo lệnh truyền của Chúa và đổ đầy tới miệng.
– Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Lại một lệnh truyền không dễ làm vì đòi hỏi một niềm tin; nhưng họ vâng lời và đem cho ông quản tiệc.
– Kết quả: Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết rượu từ đâu ra, chỉ có gia nhân đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang lại và hỏi: Tại sao giữ rượu ngon đến giờ này?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải tránh thái độ tự tôn cho mình có thể làm mọi việc mà không cần sự giúp đỡ của tha nhân.
– Chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt của người khác. Đừng bao giờ bắt họ phải giống mình trong cách nhận xét, trình bày, và giải quyết các vấn đề.
– Điều chúng ta có thể làm là trình bày sự thật và mời gọi con người đáp trả; nhưng phải để cho tha nhân suy nghĩ và tự do đáp trả theo hoàn cảnh và thời gian của họ.
– Chúng ta đừng vội kết tội và đoạn tuyệt với tha nhân vì họ đã không nhận ra sự thật và làm theo ý muốn của mình.