Chủ Nhật IV – Năm C – Mùa Chay

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật IV – Năm C – Mùa Chay

 

Bài đọc: Jos 5:9a, 10-12; II Cor 5:17-21; Lk 15:1-3, 11-32.

1/ Bài đọc I: 9 ĐỨC CHÚA phán với ông Giô-suê: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập.” Vì thế, người ta đã gọi tên nơi ấy là Ghin-gan cho đến ngày nay. 10 Con cái Ít-ra-en đóng trại ở Ghin-gan và cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn trong tháng, vào buổi chiều, trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô. 11 Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang, vào đúng ngày đó. 12 Hôm sau, không còn man-na nữa, khi họ dùng thổ sản trong xứ; thế là con cái Ít-ra-en không còn có man-na nữa. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Ca-na-an.

2/ Bài đọc II: 17 Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. 18 Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. 19 Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. 20 Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. 21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.

3/ Phúc Âm: 1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con.

13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. 14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.

20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” 21 Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa… 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng. 25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng! 31 “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hoà giải với Thiên Chúa và với tha nhân

 Nếu con người biết vâng lời Thiên Chúa và giữ trọn Thập Giới, họ sẽ sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thế giới chung quanh. Thiên Chúa sẽ chúc lành cho mọi việc họ làm và bảo vệ họ khỏi mọi điều nguy hiểm hồn xác. Nhưng con người đã không giữ lời Thiên Chúa dạy, họ nghe theo tiếng gọi của ba thù và đảo lộn mọi trật tự của Thiên Chúa. Họ khước từ tình yêu đích thực của Thiên Chúa, cha mẹ, và anh em để chạy theo những tình yêu giả dối và tạm thời. Mùa Chay là mùa Thiên Chúa kêu gọi con người xét lại mối liên hệ của con người đối với Ngài và với nhau, để hòa giải và sống đúng các mối liên hệ trong cuộc đời.

Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa và với nhau. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa dẫn đưa con cái Israel vào Đất Hứa, sau cuộc Xuất Hành và thanh luyện 40 năm trong sa mạc. Ngài truyền cho ông Joshua phải cắt bì cho tất cả những người nam của Israel tại Ghilgal, như một giao ước phải tuân giữ: Ngài sẽ bảo vệ và chúc lành nếu họ tuân giữ các thánh chỉ và Lề Luật của Ngài. Trong Bài Đọc II, con người tự mình không thể giao hòa với Thiên Chúa vì tất cả đều phạm tội; nhưng vì yêu thương, Thiên Chúa đã cho Đức Kitô, Người Con duy nhất xuống trần để đền tội cho con người. Đức Kitô là lý do con người được giao hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, người con thứ khước từ tình yêu chân thật của cha để chạy theo những tình yêu gian dối và tạm thời của thế gian; nhưng khi nhận ra tình yêu đích thực, anh đã mạnh dạn trỗi dậy và quay về để hòa giải với cha và với anh của mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập.”

1.1/ Chấm dứt hành trình 40 năm trong sa mạc: Đức Chúa phán với ông Joshua: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập.” Vì thế, người ta đã gọi tên nơi ấy là Ghilgal cho đến ngày nay. Biến cố Xuất Hành và thanh luyện trong sa mạc suốt 40 năm là thời kỳ Thiên Chúa sống mật thiết với con cái Israel. Ngài theo họ trong suốt cuộc hành trình để hướng dẫn, dạy dỗ, thanh luyện, và bảo vệ; trước khi dẫn đưa họ vào Đất Hứa. Trình thuật hôm nay kết thúc cuộc hành trình, Ngài ký kết với họ giao ước tại Ghilgal qua sự kiện ông Joshua cắt bì cho tất cả các người nam của Israel: Ngài sẽ bảo vệ họ sống hạnh phúc trong Đất Hứa nếu họ tuân giữ cẩn thận các giới răn của Ngài.

1.2/ Bắt đầu cuộc sống trong Đất Hứa: “Con cái Israel đóng trại ở Ghilgal và cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn trong tháng, vào buổi chiều, trong vùng thảo nguyên Jericho. Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang, vào đúng ngày đó. Hôm sau, không còn manna nữa, khi họ dùng thổ sản trong xứ. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Canaan.” Bắt đầu cuộc sống tự do trong Đất Hứa, con cái Israel không còn lý do nào để than phiền và làm nô lệ cho tội lỗi. Họ được hưởng dùng tất cả những của ngon vật lạ trong Đất Hứa, vùng đất chảy sữa và mật. Họ được tự do sống mối liên hệ yêu thương và trung thành với Thiên Chúa.

2/ Bài đọc II: Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người.

2.1/ Đức Kitô đã chịu chết để con người được hòa giải với Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô, tất cả mọi người đều đã vi phạm Lề Luật; vì thế, họ phải chịu hình phạt Thiên Chúa ra là phải chết. Không một ai có thể cho mình là công chính trước mặt Thiên Chúa và xứng đáng được hưởng cuộc sống đời đời; nhưng vì yêu thương, Thiên Chúa đã cho Đức Kitô, Người Con duy nhất xuống trần để đền tội cho con người. Nhờ Máu của Người đổ ra trên Thập Giá, Người đã giao hòa con người với Thiên Chúa và với nhau. Trước khi con người được hòa giải với Thiên Chúa, con người làm nô lệ cho tội lỗi và phải chết. Sau khi con người được hòa giải với Thiên Chúa, họ trở nên một tạo vật mới: tội lỗi không còn thống trị con người nữa; con người được trở nên công chính; và con người không phải chết, nhưng được sống đời đời.

2.2/ Các tông đồ được Đức Kitô trao ban sứ vụ hòa giải: Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Đức Kitô chọn các tông đồ và trao ban cho các ông và những người kế vị, sứ vụ giao hòa con người với Thiên Chúa (Mt 16:19; Lk 24:47). Thánh Phaolô cũng được trao ban sứ vụ hòa giải; vì thế, thánh nhân kêu gọi tất cả các tín hữu: “Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải… Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.

Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.”

3/ Phúc Âm: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha.”

3.1/ Quay mặt đi với tình yêu đích thực: Tại sao người con thứ bỏ đi? Trình thuật không nêu rõ lý do, nhưng chúng ta có thể phỏng đoán những lý do sau: Thứ nhất, cậu nghĩ cuộc sống kỷ luật trong gia đình giới hạn sự tự do của cậu; vì thế, cần thoát ly gia đình để có thể làm tất cả những gì mình muốn. Thứ hai, cậu không cảm nhận được tình yêu của cha dành cho và hạnh phúc khi còn sống trong mái ấm gia đình, và muốn chạy theo những tiếng mời gọi hấp dẫn hơn của xác thịt, bè bạn, và thế gian. Sau cùng, cậu nghĩ có tiền và có tự do là sẽ có hạnh phúc; nhưng cuộc đời không đơn giản nhưng cậu tưởng.

3.2/ Người con thứ nhận ra tình yêu chân thực của cha và hạnh phúc của mái ấm gia đình: Con người thường hay giả định mọi sự phải như vậy thay vì biết suy nghĩ tại sao những sự ấy xảy ra; nhưng khi đã mất rồi, con người mới biết trân quí khi nhận lại. Người con thứ phải trải qua đói khát và đau khổ để nhận ra tình yêu của Thiên Chúa và của cha mình. Khi xa cha, phẩm giá con người của cậu còn thua cả loài heo, là con vật được coi là nhơ bẩn theo truyền thống Do-thái. Là một con người mà muốn ăn thứ heo ăn cũng không ai cho. Cậu hồi tưởng tới những đầy tớ ở nhà cha mình: Đầy tớ của cha còn có cơm gạo dư thừa để ăn, thế mà phận làm con phải chết đói.

Khi đã nhận ra đâu là tình yêu và hạnh phúc đích thực, cậu can đảm bảo mình: Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.”

3.3/ Hạnh phúc khi con người được hòa giải: Người cha tuy đau khổ phải xa con; nhưng ông biết ông không thể giữ con ở nhà, nên ông đã đau khổ chia gia tài cho con. Ông biết có thể ông sẽ mất con vĩnh viễn, nhưng ông hy vọng đói khát và đau khổ sẽ làm cho con ông nhận ra đâu là tình yêu đích thực và quay về với ông. Nhiều người thắc mắc tại sao ông biết lúc nào con trở về và nhận ra cậu ngay khi còn ở đàng xa. Điều này chỉ có thể trả lời bằng tình yêu mà ông dành cho con, ông phải ra đầu ngõ ngóng chờ mỗi ngày để có thể thấy con từ xa như trình thuật hôm nay.

Chúa Giêsu đưa tình phụ tử lên tới tuyệt đỉnh khi mô tả thái độ của người cha đón con về: Không giống như người cha thế gian ngồi đợi con đến trước mặt và nói lời xin lỗi trước khi người cha có thể tha thứ; người cha trong trình thuật chạy ra trước đón con, ông không đòi một điều kiện nào, và cũng chẳng đợi cho con nói hết lời xin lỗi; ông phục hồi tất cả phẩm giá cho con mình khi nói với các đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Và họ bắt đầu ăn mừng.

3.4/ Tính ghen tị là kẻ thù của tình yêu: Người con cả tuy ở nhà với cha luôn; nhưng vẫn không hiểu tình yêu của cha mình. Anh làm việc vất vả không phải vì thương cha; nhưng hy vọng sẽ được thừa hưởng tất cả những gì cha để lại. Anh nghĩ mình có lý do để tức giận vì sẽ phải chia gia tài với em mình lần nữa. Anh đặt giá trị vật chất lên trên tình phụ tử và tình huynh đệ khi nói thẳng vào mặt cha mình: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”

Anh không một chút quan tâm đến tình cảm của cha mình, cho dù anh đã được chứng kiến nỗi đau khổ của cha mỗi ngày ra ngõ ngóng con. Nếu cảm nhận được tình yêu với cha, anh phải vui chung với niềm vui của cha, chứ không để cho niềm vui của cha chưa trọn đã phải đương đầu với một đứa con khác, đứa con cha anh tưởng nó yêu thương mình thật, nhưng nay khám phá ra nó yêu mình vì tài sản. Anh cũng chẳng còn chút tình cảm gì cho em. Khi nói với cha “thằng con của cha đó,” anh coi nó chẳng có chút liên hệ máu mủ ruột thịt gì với mình.

Trình thuật muốn nêu bật tình yêu chân thật, tha thứ, và vô vị lợi của người cha. Tuy bị phản kháng cách tàn nhẫn từ người con cả, ông vẫn hạ mình năn nỉ và khuyên con: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

Chúng ta có thể rút ra rất nhiều những bài học khôn ngoan trong dụ ngôn hôm nay:

  1. Tình cha có chỗ tất cả cho mọi người con. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người.
  2. Đừng bao giờ đặt những giá trị vật chất trên tình nghĩa gia đình. Mất của có thể tìm lại được; mất tình yêu gia đình, con người sẽ ôm hận suốt đời.
  3. Tình yêu Thiên Chúa không quan tâm đến tội lỗi con người; nhưng Ngài cung cấp mọi cơ hội để con người nhận ra và đáp trả tình yêu của Ngài cách tự nguyện.
  4. Nếu đã được Thiên Chúa yêu thương, hòa giải và tha thứ cách vô điều kiện; con người cũng phải cư xử như thế cho những ai có lỗi với mình.
  5. Đừng mù quáng chạy theo những tình yêu giả trá hay chóng qua; hãy biết quay về để sống yêu thương và hạnh phúc với những ai yêu thương mình chân thành.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thời gian và việc thanh luyện cần thiết vì chúng giúp con người nhận ra đâu là tình yêu đích thực giữa bao tình yêu ích kỷ và giả trá.

– Chỉ một mình Thiên Chúa là tình yêu đích thực; vì Ngài không quan tâm đến tội lỗi, luôn tìm mọi cách đưa con người trở về, và yêu thương con người đến cùng.

– Càng xa Thiên Chúa bao nhiêu con người càng đau khổ bấy nhiêu, và phẩm giá con người bị hạ giá tới độ không bằng một con vật. Khi quay về với Thiên Chúa, Ngài sẽ phục hồi xứng đáng phẩm giá của chúng ta như các con cái của Ngài.

Skip to content