Chủ Nhật V – Năm B – Mùa Chay

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Chu Nhat V Mua Chay.mp3{/audio}

Chủ Nhật V – Năm B – Mùa Chay

Bài đọc: Jer 31:31-34; Heb 5:7-9; Jn 12:20-33.

1/ Bài đọc I31 Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, 32 không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. 33 Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. 34 Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Ít-ra-en sẽ tồn tại mãi. 

2/ Bài đọc II7 Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; 9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. 

3/ Phúc Âm20 Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp.21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” 22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su.23 Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa! “29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm! ” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!” 30 Đức Giê-su đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. 31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! 32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” 33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự vâng phục và đau khổ mang lại ơn Cứu Độ cho con người.

             Chúng ta đang sống trong thời đại mà nhiều người khinh thường sự vâng phục và chạy trốn đau khổ. Nhiều người thời đại cho vâng lời là yếu đuối và giới hạn tự do của họ. Vì thích hưởng thụ, nên họ cũng trốn tránh mọi gian khổ và từ chối phải hy sinh cho người khác. Nhưng họ phải hiểu: Nếu một trẻ nhỏ chưa đủ trí khôn suy xét, em phải vâng lời cha mẹ để tránh được những hậu quả xấu sẽ xảy ra; tương tự như vậy cho mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa: vì con người không thể hiểu những bí nhiệm trong trời đất, vâng lời Thiên Chúa là chuyện tự nhiên phải làm, nếu họ không muốn gánh chịu các hậu quả không hay xảy đến. Hơn nữa, nếu cha mẹ hay những người đi trước cũng sống ích kỷ và trốn tránh đau khổ, làm sao họ có mặt trong cuộc đời, và được hưởng những tiện nghi và địa vị như họ có bây giờ.

            Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta nhìn thấy những lợi ích do vâng lời và chịu đựng đau khổ mang lại. Trong Bài Đọc I, dân tộc Israel đã hủy bỏ giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với họ trên núi Sinai, khi họ không vâng phục Lề Luật của Thiên Chúa. Nhưng vì yêu thương nên Ngài sẽ ký kết họ một giao ước mới để giúp họ dễ nhớ và dễ làm hơn, bằng cách khắc ghi Lề Luật trong tâm trí của họ. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái xác quyết: Vì Chúa Giêsu vâng lời làm theo ý Chúa Cha và chịu đựng đau khổ, Ngài đã đem lại ơn cứu độ cho những ai vâng lời Người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đưa ra ích lợi của việc vâng lời và chịu đau khổ qua hình ảnh của hạt giống: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Sự khác biệt giữa giao ước mới và cũ 

1.1/ Lý do tại sao giao ước cũ ra vô hiệu: Giao ước là những cam kết giữa hai bên về những bổn phận và quyền lợi của mỗi bên. Nếu một bên không chu tòan bổn phận, giao ước sẽ trở nên vô hiệu và vị hủy bỏ. Trong giao ước Thiên Chúa ký kết với dân trên núi Sinai, Chúa hứa sẽ săn sóc và bảo vệ Israel nếu họ tuân giữ Lề Luật Ngài ban cho dân qua Moses. Dân đã hủy bỏ giao ước này vì họ đã không tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa. Tiên-tri Jeremiah nhìn thấy trước ngày Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới với dân khi ông tuyên bố: “Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Judah một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của Đức Chúa.” 

1.2/ Sự khác biệt giữa giao ước mới và cũ: Có một sự khác biệt nhỏ giữa Bản Bảy Mươi và Bản Do-thái: Bản Bảy Mươi nói rõ “ghi trong trí não;” trong khi Bản Do-thái dùng chữ tổng quát “bên trong, kêreb.” Vì thế, điều khác biệt giữa hai giao ước là: Trong giao ước mới, Lề Luật được khắc trong trí và trong tim con người; trong giao ước cũ, Lề Luật được khắc trên bia đá, ở ngòai con người. Nếu Lề Luật được khắc ghi vào tận trí và tim con người, tất cả đều biết Thiên Chúa, và không cần phải dạy bảo nhau hay nói “Hãy học cho biết Đức Chúa.”

            Con người của giao ước cũ phải học cho biết Lề Luật, và sau khi đã biết Lề Luật, họ vẫn vi phạm, vì không có sức mạnh từ bên trong để thi hành. Con người của giao ước mới không cần phải học mới biết vì Lề Luật đã được ghi khắc vào tâm trí, và họ có sức mạnh từ bên trong để thi hành Lề Luật. Đa số các học giả Kinh Thánh và thần học đều cho Lề Luật đề cập ở đây là Giới Luật Yêu Thương của Tân Ước, cách cụ thể là hai giới luật “Mến Chúa yêu người.” Một khi con người có tình yêu, họ có sức mạnh từ bên trong để chu tòan mọi Lề Luật. Thánh Thomas Aquinô giải thích: Luật yêu thương không những giữ tay con người đừng phạm tội, mà còn kềm chế cả trí óc con người, để đừng ham muốn hay làm thiệt hại tha nhân.

 

2/ Bài đọc II: Sự vâng phục của Đức Kitô mang lại ơn Cứu Độ cho con người. 

2.1/ Chúa Giêsu vâng lời Thiên Chúa Cha: Cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu, khi Ngài kêu xin lên Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39, Mk 14:36, Lk 22:42). Tác giả Thư Do-thái cũng tường thuật cuộc chiến đấu và sự vâng lời của Chúa Giêsu: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.” Sự kiện này cho ta thấy ngay cả Chúa Giêsu, trong thân phận con người, cũng không dễ để từ bỏ ý riêng mình, vâng lời và làm theo thánh ý Chúa Cha. Chỉ có một điều giúp Chúa Giêsu vượt qua cuộc chiến đấu là tình yêu Ngài dành cho Chúa Cha, và sự xác tín của Ngài vào Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.

            Nếu từ bỏ ý mình đã khó, ôm lấy đau khổ còn khó hơn. Tác giả Thư Do Thái cho thấy sự liên quan giữa vâng lời và đau khổ: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” Từ bỏ ý mình là đã phải chịu đau khổ rồi; từ bỏ ý mình và chấp nhận chịu đau khổ, còn đau khổ hơn nữa. Một cuộc đời vâng lời chịu đựng đau khổ như thế giúp con người hòan tòan tin tưởng nơi Thiên Chúa và sinh ích cho mọi người. 

2.2/ Những ai vâng lời Chúa Giêsu sẽ được hưởng ơn Cứu Độ:

            – Sự vâng lời của Đức Kitô mang lại ơn cứu độ cho con người: Nếu Chúa Giêsu không chấp nhận con đường Thập Giá, Ngài sẽ không thể mang lại ơn cứu độ cho con người.

            – Để được hưởng ơn cứu độ, con người phải vâng phục Đức Kitô: Nếu con người không tin Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến để đổ máu cứu chuộc con người, con người sẽ không được hưởng ơn Cứu Độ.

 

3/ Phúc Âm: Khi Chúa Giêsu chịu giương cao trên Thập Giá, Ngài sẽ kéo con người lên theo.

 3.1/ Vinh quang đạt được qua vâng lời và chịu đau khổ: Trình thuật mở đầu với sự mong muốn của mấy người Hy-lạp được gặp Chúa Giêsu. Đặc tính của người Hy-lạp là tìm kiếm sự khôn ngoan, họ lang thang bất cứ đâu họ nghĩ có sự khôn ngoan để học. Họ chắc chắn đã được nghe về Chúa Giêsu và hôm nay tìm đến để học sự khôn ngoan của Ngài. Họ không thất vọng, vì Chúa Giêsu dạy cho họ 3 điều khôn ngoan họ sẽ không tìm thấy ở bất cứ nơi nào:

            (1) Phải chết đi mới đem lại sự sống: Con người ham sống và sợ chết; nhưng theo Luật Thiên Chúa, phải chết đi trước mới có thể sống và mang lại sự sống. Chúa Giêsu dạy: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” Nếu một người sợ chết, họ sẽ không bao giờ biết sống; nhưng nếu một người không sợ chết, họ sẽ sống và sống dồi dào. Họ sẽ không sợ bất cứ một quyền lực nào cả.

            (2) Phải hy sinh cho đi mới mong được nhận lại: Tục ngữ Việt-nam dạy “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Nếu người khác đã hy sinh lo cho mình, mình phải hy sinh đền trả lại cho hợp lẽ công bằng. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ phải bắt đầu trước bằng cách hy sinh cho người khác, và không cần trả ơn để Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời sẽ trả ơn. Những người ích kỷ chỉ biết vun quét cho mình, sẽ dần dần bị người khác nhận ra và khai trừ, và họ sẽ mất cuộc sống đời sau như lời Chúa nói: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”

            (3) Phải phục vụ mới mong được quý trọng: Con người thích được phục vụ và được người khác quý trọng, nhưng Chúa Giêsu dạy: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.” Họ không thể thích cả hai; nếu muốn được quý trọng, họ phải hy sinh để phục vụ mọi người. Người hy sinh phục vụ mọi người sẽ được Thiên Chúa và mọi người quý trọng và thương yêu.

3.2/ Cuộc chiến đấu để từ bỏ ý mình của Chúa Giêsu:

            (1) Vâng theo thánh ý để Thiên Chúa được vinh quang: Thánh-sử Gioan không tường thuật cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu, những gì Ngài tường thuật hôm nay thay thế cho biến cố đó. Chúa Giêsu bị đặt trước hai con đường: hoặc theo ý mình bằng cách xin Chúa Cha cứu cho thóat khỏi Cuộc Thương Khó tàn bạo sắp xảy ra, hoặc chấp nhận tiến tới để danh Cha được vinh quang. Ngài tâm sự với các mô đệ: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.”

             Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” Chúa Cha luôn làm chứng cho Chúa Con trước mặt mọi người, trong những biến cố quan trọng như khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, khi Chúa Giêsu Biến Hình, và trước Cuộc Thương Khó của Ngài. Dân chúng lẫn lộn khi nghe tiếng Chúa Cha làm chứng, có người nói: “Đó là tiếng sấm!” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!” Đức Giêsu đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.” Khi Cuộc Thương Khó xảy đến, họ biết đó là ý định của Thiên Chúa, chứ không do sức mạnh và quyền lực của thế gian.

             (2) Chịu đựng đau khổ để con người được cứu độ: Ngòai việc vâng lời để làm vinh quang Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn muốn chịu đau khổ để con người được cứu độ. Vì tội không vâng phục của con người, Adam cũng như tất cả mọi người, con người sống dưới quyền lực của ma quỉ và ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Bằng việc chấp nhận Cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu gánh tội cho con người, kéo họ ra khỏi quyền lực của Satan, tên thủ lãnh thế gian, và đưa mọi người về cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu tuyên bố: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” Khi Chúa Giêsu chịu giương cao trên Thập Tự, đó là lúc Thiên Chúa đánh bại quyền lực của quỉ thần để giải thóat con người. 

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

             – Khi có sự xung đột ý kiến, chúng ta phải từ bỏ ý mình và làm theo ý Chúa, vì chúng ta biết ý Thiên Chúa luôn là ý khôn ngoan hơn ý chúng ta và chắc chắn dẫn đến điều tốt lành.

            – Như Chúa Cha và Chúa Con đã vì yêu thương, hy sinh chịu gian khổ để mang lại ơn cứu độ cho con người, chúng ta cũng phải yêu thương và chịu đựng gian khổ để mọi người nhận biết Danh Chúa và làm cho Nước Chúa mau trị đến.

            – Bất tuân Thiên Chúa và sống ích kỷ là hai cách nhanh nhất đưa con người tới chỗ diệt vong.

Skip to content