Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Chủ Nhật III – Năm C – Mùa Vọng
Bài đọc: Sop 3:14-18a; Phi 4:4-7; Lk 3:10-18.
1/ Bài đọc I: 14 Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on,
hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.
15 Án lệnh phạt ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại,
thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.
Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là ĐỨC CHÚA.
Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.
16 Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem:
“Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời.”
17 ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi,
Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng.
Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ,
sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi.
Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng 18 như trong ngày lễ hội.
2/ Bài đọc II: 4 Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!
5 Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến.
6 Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.
7 Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô.
3/ Phúc Âm: 10 Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?”
11 Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.”
12 Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” 13 Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.”
14 Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”
15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a!
16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.
17 Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”
18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy vui mừng vì ơn cứu độ đã gần đến.
Con người bị đau khổ hay thất vọng vì bị chi phối bởi rất nhiều sợ hãi như: thất bại, tù đày, nô lệ, tội lỗi, chia ly, chết chóc, và nhất là sự phán xét và hình phạt của Thiên Chúa. Ngược lại, con người vui mừng khi những sợ hãi này được cất nhắc đi như: tù nhân hay nô lệ trong chốn lưu đày sắp được phóng thích, như như sinh viên sắp ra trường vì đã hoàn tất mọi thách đố của các cuộc khảo hạch, như một người sắp được chính thức sống hạnh phúc với người mình yêu mến. Chủ Nhật III Mùa Vọng được gọi là Chủ Nhật của niềm vui và của hy vọng, vì Đấng Thiên Sai đã gần đến. Ngài đến để xua tan đi tất cả những đau khổ, thất vọng, tội lỗi, và mang lại niềm vui và ơn cứu độ đến cho muôn người.
Các Bài Đọc hôm nay diễn tả niềm vui tuyệt đỉnh khi con người có được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời; vì có Ngài là có tất cả mọi sự. Trong Bài Đọc I, ngôn-sứ Sophonia kêu gọi con cái Israel hãy vui mừng lên vì Thời Lưu Đày sắp chấm dứt. Thiên Chúa sắp “rút lại án phạt và đẩy xa kẻ thù” khỏi họ. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Philipphê hãy vui mừng và phải vui luôn trong niềm vui của Thiên Chúa, vì khi một người đã có Chúa, họ không còn thiếu một sự gì nữa cả. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân chúng hãy vui mừng lên vì Đấng Thiên Sai gần tới. Ngài sẽ thanh tẩy mọi tội lỗi và mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy nức lòng phấn khởi vì Đức Chúa đã rút lại án lệnh phạt ngươi.
1.1/ Nhà Israel vui mừng: Để hiểu trình thuật hôm nay, chúng ta cần hiểu hoàn cảnh lịch sử của dân tộc Israel trong thời gian này. Toàn cõi Israel đã bị quân thù chinh phục, Đền thờ và thành thánh Jerusalem bị san phẳng, dân chúng đang sống trong hai nơi lưu đày: vương quốc Israel miền Bắc tại Assyria và vương quốc Judah miền Nam tại Babylon. Sống trong cảnh nước mất, nhà tan, và chịu đựng mọi đau khổ của người lưu đày như thế, con cái Israel mất hết niềm tin và hy vọng. Nỗi đau thấm thía nhất là họ đã bị Thiên Chúa bỏ rơi để họ làm mồi cho quân thù.
(1) Lời kêu gọi vui mừng: Nhưng tình thương Thiên Chúa đã thắng vượt mọi sự bất trung của con cái Israel, đó là lý do mà tiên tri Sophoniah được sai đến để loan tin vui mừng cho con cái Israel: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Jerusalem, hãy nức lòng phấn khởi.” Sion, Israel, và Jerusalem tượng trưng cho tất cả con cái Israel. Vì đây là một tin mừng vô cùng lớn lao mà họ đang mong đợi; nên họ không thể giữ trong lòng, mà phải biểu tỏ mãnh liệt ra bên ngoài.
(2) Lý do vui mừng: Tiên-tri Sophoniah nêu rõ lý do của sự vui mừng: “Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.” Lý do của nô lệ và lưu đày là con cái Israel đã bất tuân chỉ thị của Thiên Chúa và chạy theo các thần ngoại bang; vì thế, Ngài đã để cho quân thù ngoại bang giày xéo đất nước để cảnh cáo và thanh luyện họ. Giờ đây, thời gian thanh luyện sắp chấm dứt, cảnh lưu đày sắp hết, nhất là họ được nối lại tình xưa nghĩa cũ với Thiên Chúa. Họ phải vui mừng mãnh liệt, vì khi có sự hiện diện của Thiên Chúa, Ngài sẽ bảo vệ họ, và quân thù sẽ không làm hại được họ.
1.2/ Thiên Chúa vui mừng: Đau khổ không chỉ hành hạ con người, nhưng còn ảnh hưởng đến Thiên Chúa, vì Ngài luôn yêu thương và lo lắng cho con người. Vì thế, khi con người được thoát khỏi cảnh nhục nhã u sầu, Thiên Chúa cũng vui mừng hoan hỷ với niềm vui của con người.
Tiên-tri diễn tả sự vui mừng của Thiên Chúa khi đón nhận con cái Israel trở về: “Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội.”
2/ Bài đọc II: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.
2.1/ Hãy luôn luôn vui mừng: Thánh Phaolô thực sự cảm nhận được niềm vui của người có Thiên Chúa là có tất cả. Chính vì thế mà ngài đã kêu gọi các tín hữu Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến.”
Vui tươi là dấu chỉ một người có Thiên Chúa; vì thế, người tín hữu phải vui mừng luôn vì họ có Thiên Chúa ở với họ. Con người chỉ lo sợ và buồn sầu khi con người sống xa cách với Thiên Chúa và chạy theo những hào nhoáng của thế gian; để rồi phải lãnh nhận mọi hậu quả đau thương từ thế gian mang tới. Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu phải sống “hiền từ rộng rãi,” có nghĩa phải sống công bằng và thương xót. Giống như Thiên Chúa, Ngài không chỉ đối xử công bằng, nhưng còn thương xót con người đã bất trung với Ngài; chỉ như thế, con người mới có cơ hội làm lại cuộc đời.
2.2/ Hãy cầu nguyện luôn: Con người lo lắng sợ hãi khi bị đe dọa bởi những khó khăn và thách đố trong cuộc sống. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy giải tỏa những lo âu sợ hãi bằng việc cầu nguyện: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.” Mấy điều con người cần lưu ý khi cầu nguyện với Thiên Chúa:
– Cầu nguyện với Thiên Chúa trong mọi sự: không có sự gì to lớn vượt quá uy quyền của Thiên Chúa, và cũng không có sự gì quá nhỏ đối với sự săn sóc nhân hậu của Ngài. Hãy đặt trong tay Thiên Chúa tất cả tội lỗi của quá khứ, các vấn nạn đang xảy ra trong hiện tại, và những lo âu sẽ xảy đến trong tương lai.
– Cầu nguyện với lòng tin tưởng tuyệt đối: Khi con người cầu nguyện với Thiên Chúa, họ phải tin họ đang cầu nguyện với: một Thiên Chúa khôn ngoan vì Ngài thấu hiểu mọi sự; một Thiên Chúa uy quyền vì Ngài làm được mọi sự; một Thiên Chúa là Cha nhân hậu vì Ngài sẵn sàng ban mọi ơn lành cho con cái của mình.
– Cầu nguyện giúp con người tìm được bình an trong tâm hồn: Một tác giả đã nói “bình an là hiệu quả của lời cầu xin tin tưởng.” Một khi đã tin tưởng hoàn toàn nơi tình yêu và uy quyền của Thiên Chúa, con người phó thác cho Ngài mọi sự, họ sẽ không còn ưu tư, lo lắng; và như thế, sẽ có được sự bình an thực sự trong tâm hồn. Thánh Phaolô cũng xác tín điều này với các tín hữu: “Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giêsu Kitô.” Chỗ khác ngài nói: Nếu Thiên Chúa đã rộng lượng ban cho con người Đức Kitô, thì còn gì Ngài lại không ban cho con người?
3/ Phúc Âm: Phải làm gì để chuẩn bị đón mừng Chúa đến?
3.1/ Phải chuẩn bị tâm hồn bằng cách thay đổi cuộc sống: Không phải ai cũng có thể nhận ra và đón nhận Đức Kitô, Đấng Thiên Sai Thiên Chúa ban tặng cho con người. Lịch sử chứng minh, nhiều người không những đã không nhận ra Ngài, lại còn luận tội và tìm cách giết đi chính Đấng ban sự sống. Khi các người Do-thái tìm đến với Gioan, hỏi ông cách chuẩn bị để đón nhận Đấng Thiên Sai, ông cho biết con người cần khiêm nhường và thay đổi cuộc sống cho phù hợp với sự thật. Gioan cho những lời khuyên rất thực tế và cụ thể cho từng lớp người: ông không đòi hối nhân phải thay đổi nghề nghiệp; nhưng thay đổi thái độ thi hành nghề nghiệp đó.
(1) Với đám đông: Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” Gioan dạy dân: Hãy thực thi bác ái bằng cách chia sẻ cho tha nhân những gì mình có. Đức Kitô cũng dạy dân: người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau.
(2) Những người thu thuế: Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” Cám dỗ của giới thu thuế là thu vào quá mức ấn định, để giữ lại cho mình số thu thặng dư đó. Gioan khuyên họ phải thực thi công bằng, bằng cách bằng lòng với số lương chính phủ trả, và trả lại cho tha nhân những gì mình đã thâu thặng dư.
(3) Những binh lính: Họ hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.” Cám dỗ của binh lính là cậy mình có vũ khí trên tay nên dễ đàn áp dân chúng. Ông Gioan khuyên họ hãy sống thật với lương tâm, đừng lấy của người dân vô tội, đừng hãm hiếp phụ nữ; nhưng hãy bằng lòng với số lương chính phủ trả cho họ.
3.2/ Sự khác biệt giữa Đấng Thiên Sai và Gioan Tẩy Giả: Cách thức sinh sống và rao giảng của Gioan làm nhiều người đặt câu hỏi: “biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Messiah!”
Ông Gioan rất thành thực và đánh tan mọi nỗi nghi ngờ của dân chúng, ông nói với dân hai sự khác biệt giữa Đấng Thiên Sai và ông:
(1) Sự khác biệt về uy quyền: Gioan nói về Đấng Thiên Sai: “Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Ông chỉ là người dọn đường cho Đấng Thiên Sai, người chuẩn bị tâm hồn cho dân để gặp gỡ Đấng Cứu Thế.
Đấng Thiên Sai còn có uy quyền xét xử và thưởng phạt con người tùy theo việc làm của họ: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” Gioan Tẩy Giả không có quyền xét xử và thưởng phạt con người.
(2) Sự khác biệt giữa hai phép rửa: Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.”
Phép rửa của Gioan là phép rửa mà truyền thống Do-thái vẫn làm cho những người muốn theo đạo Do-thái; đó là phép rửa trong nước để tha tội. Phép Rửa của Đức Kitô là Phép Rửa trong Thánh Thần và lửa để thánh hóa con người. Để xứng đáng được hưởng ơn cứu độ, con người không chỉ cần được thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi, mà còn cần được làm cho trở nên thánh thiện và tinh tuyền. Điều này chỉ có thể hiện thực với Phép Rửa của Đức Kitô.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Khi con người sống xa Thiên Chúa, con người sống trong lo âu và sợ hãi. Để có niềm vui đích thực, chúng ta phải quay trở về với Thiên Chúa và sống trong sự hiện diện của Ngài.
– Con người nghĩ để có hạnh phúc, con người phải có tự do để làm bất cứ điều gì mình muốn. Thực tế chứng minh ngược lại: để có niềm vui và hạnh phúc đích thực, con người cần sống theo những lời chỉ dạy của Thiên Chúa.
– Niềm vui trọn vẹn chỉ có được khi con người hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Ngài sẽ dạy dỗ, săn sóc, bảo vệ, và ban cho con người sự bình an đích thực trong tâm hồn.
– Để có thể đón nhận Thiên Chúa, con người cần phải thanh tẩy tâm hồn bằng cách khử trừ mọi tội lỗi và sống công bằng bác ái với tha nhân.