Kính các thánh Dòng Đa-minh

Lễ Kính tất cả các thánh Dòng Đa-minh 

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

daminh91 

Bài đọc: Sir 44:1-15 hay II Cor 6:4-10; Psa 24; Mk 10:28-30

1/ Bài đọc I: Ca ngợi các bậc tổ tiên (Sir 44:1-15)

1 Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân,
cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.
2 Đức Chúa đã sáng tạo nên nhiều con người hiển hách
là các vĩ nhân từ những thuở xa xưa:
3 Có những người cai trị đất nước mình
và là những con người nổi danh về quyền lực; có những người cố vấn nhờ trí thông minh; có những người loan báo bằng các lời sấm.
4 Có những người lãnh đạo dân bằng các lời chỉ dẫn,
bằng tài dạy dỗ dân chúng và những lời giáo huấn khôn ngoan;
5 có những người sáng tác những điệu nhạc du dương,
viết ra những bài thơ bài phú;
6 có những người giàu sang, lắm quyền nhiều thế
sống bình an hoà thuận trong nhà.
7 Hết thảy đều được người đương thời khen ngợi, được vẻ vang trong lúc sinh thời.
8 Trong các vị, có những người lưu danh hậu thế cho người đời ca ngợi tán dương.
9 Có những người không còn ai nhớ nữa, họ qua đi như chẳng bao giờ có,
họ sinh ra mà như chẳng chào đời, con cháu của họ cũng thế thôi!
10 Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh,
công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.
11 Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con.
12 Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước;
nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.
13 Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.
14 Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.
15 Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.

2/ Phúc Âm: Đức Giê-su hứa ban phần thưởng cho người biết từ bỏ (Mt 19: 27-30; Lc 18:28-30)

28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! “29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

———————————————————————————————————–

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Theo bước chân cha anh, những chứng nhân anh hùng trong lịch sử.

          Đức Kitô và rất nhiều các chứng nhân trong lịch sử đã dạy chúng ta rằng: Chúng ta sống trong cuộc đời này là sống cho một mục đích. Trong bài Tin Mừng ngắn theo thánh Marcô hôm nay, khi vị tông đồ trưởng, thánh Phêrô, nêu câu hỏi với Đức Kitô: Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

          Chúng ta tin là Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài hứa; nhưng nhiều lần chúng ta đã để cho ba thù bẻ hướng để chỉ chú trọng đến những thỏa mãn tạm thời như: giầu sang, danh vọng, chức quyền và những thú vui xác thịt. Chúng cố gắng thuyết phục con người hoặc những gì Thiên Chúa hứa không có thật hoặc con người không có sức mạnh để đạt tới.

          Theo truyền thống, Giáo Hội có ngày Lễ Trọng Kính Toàn Thể Các Thánh Nam Nữ để kêu mời chúng ta nhìn lại lời mời gọi nên thánh của mỗi người. Dòng Đa-minh có thêm ngày Lễ Kính các thánh trong Dòng một tuần sau đó để mời gọi các phần tử của Dòng đang sống hãy biết học hỏi nơi các anh chị em đi trước, để vững bước trong ơn gọi nên thánh và giúp cho mọi người đạt tới đích điểm của cuộc đời.

KHAI TRIỂN CHỦ ĐỀ

1/ Bài đọc I: Ca ngợi các bậc tổ tiên của người Do-thái trong lịch sử

1.1/ Những chứng nhân anh hùng của người Do-thái trong lịch sử:

Sách Huấn Ca viết sau thời lưu đày tại Babylon của người Do-thái, giai đoạn mà niềm tin của họ đang bị lung lay đến tận gốc rễ sau khi chứng kiến và có kinh nghiệm sống cùng cực nơi lưu đày. Tác giả viết Sách để kêu mời các anh/chị/em Do-thái nhìn lại lịch sử các anh hùng để củng cố đức tin của họ. Tác giả nhắc cách tổng quát các vĩ nhân của những lãnh vực sau đây:

          (1) Các nhà lãnh đạo và các vị vua anh hùng: Trước khi có các vua, người Do-thái có các nhà lãnh đạo sáng suốt và khôn ngoan như đã được tường thuật trong Sách Thủ Lãnh. Sau đó là đến triều đại các vua; nổi bật hơn cả là vua Đavit và Solomon. Tuy các vua và những nhà lãnh đạo cũng có tội và đã sa ngã như mọi người; nhưng điểm đặc biệt là họ đã nhận ra tội, ăn năn và trở lại với Thiên Chúa.

          (2) Các nhà cố vấn cho các vị Thủ Lãnh và các vua: Những vị cố vấn cho các Thủ Lãnh như Samuel, Nathan hay những tiên tri cho các vua như Isaiah, Jeremiah, Amos… Họ đã được Thiên Chúa soi sáng cho biết ý của Thiên Chúa để mạc khải cho các vua. Họ đã bị khinh thường, tra tấn và có vị bị giết chết, nhưng vẫn can đảm nói và làm chứng cho sự thật.

          (3) Các người viết các sách Khôn Ngoan: Các tác giả của các Thánh Vịnh mà người Do-thái coi là sưu tập và viết bởi vua Đavít, Sách Gióp, Sách Châm Ngôn, Sách Giáo Sĩ, Sách Diễm Tình Ca, Sách Khôn Ngoan và Sách Huấn Ca. Họ đã được ơn linh hứng để mạc khải những khôn ngoan của Thiên Chúa cho con người.

1.2/ Các thánh của Dòng Đa-minh:

Song song với các vĩ nhân trong lịch sử Do-thái, chúng ta dừng lại để ngắm nhìn các vĩ nhân của Dòng Đa-minh sau hơn 800 năm thành lập. Vì giới hạn của thời gian nên chúng ta chỉ nhìn tới một số các vĩ nhân tiêu biểu:

          (1) Thánh Tổ Phụ Đa-minh: Nếu chúng ta muốn tìm hiểu nguyên do tại sao Dòng Đa-minh có nhiều thánh và trong mọi lãnh vực, chúng ta không thể bỏ qua Thánh Tổ Phụ Đa-minh; vì nhờ ngài thiết lập ra đường lối mà các con cái của ngài có thể thành công trong bước đường nên trọn lành như vậy. Chân phúc Jordan of Saxony, BTTQ, đã viết về Ngài như sau: “Thánh Đa-minh đã biểu lộ sự nghèo khó thật sự của ngài bằng cái nhìn, cách ăn mặc và cử chỉ của ngài. Thường xuyên cầu nguyện, dạt dào trong cảm xúc bằng cách tuôn trào nước mắt cho các con cái của ngài, và ngài rất nhiệt thành trong việc cứu rỗi các linh hồn… Những việc làm của ngài chứng minh, và những nhân đức và những phép lạ của ngài làm chứng cho loại người nào ngài đã sống giữa chúng ta trong trái đất này. Loại người mà ngay cả bây giờ sống với Thiên Chúa trong những ngày sau cùng này, trong biến cố khi chúng ta di chuyển thân xác thánh thiện của ngài từ mồ chôn không bị tan rã tới một ngôi mộ tôn kính, thì quá rõ ràng từ những dấu hiệu được xảy ra tại đó và được chứng minh bởi các nhân đức của ngài. Với tất cả những điều này, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Con của Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, được vinh quang, Người coi là xứng đang để chọn một người như thế làm tôi tớ và đặt ngài lãnh đạo chúng ta như một người cha của chúng ta. Những lý tưởng của ngài giờ đây thổi sự sống vào luật lệ của chúng ta và gương mẫu của sự thánh thiện chiếu sáng của ngài thắp sáng chúng ta.” (Encyclical Letter 1223, 182-85).

          (2) Thánh Tiến Sĩ Thiên Thần Thomas Aquinas: Đây là một vị thánh mà nhiều người tôn vinh là có kiến thức như thiên thần. Tác phẩm vô giá của người để lại trong vô số tác phẩm là bộ Tổng Luật Thần Học mà Giáo Hội vẫn không ngừng tham khảo để giải quyết các vấn đề thuộc mọi phạm vi, nhất là trong lãnh vực tín lý và luân lý; nhưng đáng buồn là có rất nhiều anh chị em chúng ta còn đang thờ ơ học hỏi và phổ biến những kiến thức khôn ngoan của vị thánh này.

          (3) Thánh của anh chị em nghèo và đau khổ Martin de Porres: Điều làm nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy Dòng Đa-minh có một vị thánh như thánh Martin de Porres. Ngài không làm việc lớn như thành lập Dòng, cũng không khôn ngoan xuất chúng như thánh Thomas Aquinas; nhưng ngài chỉ làm những việc rất tầm thường và nhỏ mọn của một anh trợ sĩ, nhưng với tấm lòng bác ái vượt bực. Ngài đã thấm nhuần đức bác ái của Thiên Chúa và của Thánh Tổ Phụ để nhiệt thành yêu thương tất cả mọi người, nhất là những người nghèo và bệnh tật. Ngài đã săn sóc những anh chị em khốn khổ này như săn sóc chính Thiên Chúa.

1.3/ Danh thơm là tất cả những gì các vĩ nhân để lại cho con cháu của họ:

Người Do-thái cũng như nhiều tổ tiên Việt-nam sớm nhận ra gia tài chính yếu khi để lại cho con cháu qua các câu tục ngữ như: “Cọp chết để da, người chết để tiếng”, hay “Có đức mặc sức hái mà ăn,” hay “Cha mẹ hiền lành để đức cho con.” Họ không mong để lại cho con cháu tiền bạc hay gia sản, nhưng là để lại cho con cháu kho tàng nhân đức, những gì cần cho đời sống thiêng liêng của con cháu họ. Tác giả đoạn Sách Huấn Ca chúng ta đọc hôm nay cũng cùng một chủ trương như thế khi ông nhấn mạnh những gì các bậc vĩ nhân của Do-thái để lại cho con cháu:

          (1) Con cháu phải giữ vững các giao ước của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã nhiều lần lặp lại những gì Ngài đã hứa với các tổ phụ của người Do-thái: “Nếu ngươi và dòng dõi các ngươi bước đi trong đường lối của Ta, Ta sẽ chúc lành và bảo vệ các ngươi mọi ngày trong cuộc sống. Không một quyền lực nào có thể làm hại các ngươi được” (Gen 17). Điều đầu tiên họ và con cháu phải họ là biết kính sợ Thiên Chúa (Deut 5:6-7); sau đó, là phải biết yêu thương tha nhân như chính mình (Lev 19:18b).

          (2) Các khó khăn sẽ xảy ra và là cơ hội cho họ luyện tập đức tin và các nhân đức khác trên bước đường nên toàn thiện. Họ phải vượt qua các thử thách để giữ vững đức tin và nên trọn lành. Rất nhiều người đã ngã gục dưới sức ép của khó khăn và lìa xa Thiên Chúa.

          (3) Nếu họ làm như thế, dòng dõi họ sẽ muôn đời tồn tại: Khi Thiên Chúa chúc lành và bảo vệ ai, dòng dõi đó sẽ muôn đời tồn tại. Ngược lại, khi Thiên Chúa quay mặt đi, người đó và dòng dõi họ sẽ bị xóa tên trên bản đồ và trong lịch sử. Các thế hệ sau ngàn đời vẫn còn ghi nhớ gương sáng của các vĩ nhân để lại trong lịch sử; còn những kẻ gian ác sẽ bị quên ngay sau khi họ nằm xuống.

2/ Phúc Âm: Phần thưởng của những người đã bỏ mọi sự để theo Đức Kitô

2.1/ Những điều kiện phải có để theo Đức Kitô:

          (1) Bỏ của cải vật chất: Tin Mừng nhấn mạnh đến hai yếu tố: thứ nhất là nhà cửa nơi một người cần có để ăn uống và ngủ nghỉ; thứ hai là ruộng đất nơi một người làm việc để có phương tiện sinh sống. Thiên Chúa đòi người môn đệ phải bỏ hai thứ căn bản này trước khi thành môn đệ của Ngài để dành toàn thời gian cho việc rao giảng Tin Mừng.

          (2) Bỏ cha mẹ và các anh/chị/em: Khi một người được Thiên Chúa gọi để ra đi rao giảng Tin Mừng, họ không được đặt cha mẹ và các phần tử trong gia đình lên trên Thiên Chúa. Hơn nữa, khi cha mẹ nhận ra ý Thiên Chúa muốn gọi con mình, cha mẹ phải vui mừng và tìm mọi cách để con mình có thể dễ dàng lên đường theo tiếng Chúa gọi. Không cha mẹ nào được quyền ngăn cản con vì muốn con lập gia đình để có dòng dõi hay muốn con ở nhà để săn sóc tuổi già cho mình. Nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng là bổn phận quan trọng nhất của một người.

          (3) Bỏ ý riêng: Đoạn văn hôm nay không có điều phải bỏ ý riêng (chính mình) như ở các chỗ khác (Mk 8:34-38; Mt 16:24-28; Lk 9:23-27); nhưng là điều quan trọng phải bỏ chính mình; vì nhiều người nhận xét: Nếu không bỏ ý riêng để làm theo thánh ý Thiên Chúa, một người sẽ từ từ, bằng cách này hay cách khác, sẽ lấy lại tất cả những gì mình đã từ bỏ trước khi đi theo Chúa.

2.2/ Những điều người môn đệ sẽ nhận được:

          (1) Sự ngược đãi: Đi theo Đức Kitô để rao giảng Tin Mừng gặp nhiều chống đối và ngược đãi như Đức Kitô đã từng nhắc nhở các môn đệ của Ngài: Tôi tớ không hơn chủ, trò không hơn Thầy… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em; nhưng hãy can đảm lên vì Thầy đã thắng thế gian. Người môn đệ có lý do để chấp nhận sự ngược đãi như lời thánh Phaolô khi ngài viết: “Tôi coi những đau khổ của đời này không là gì cả so với vinh quang đã được mạc khải cho chúng ta.” (Rom 8:18)

          (2) Gấp trăm lần những gì đã bỏ: Thứ nhất, khi bỏ cha mẹ và anh chị em trong gia đình riêng của mình, người môn đệ sẽ gặp rất nhiều cha mẹ và các anh chị em khác, là những cha mẹ và anh chị em trong gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa. Thứ hai, về nhà cửa và ruộng đất: người môn đệ đi rao giảng Tin Mừng sẽ được Thiên Chúa, qua sự cung cấp của các giáo dân, ban cho tất cả những gì cần thiết cho sức khỏe và vật chất cho việc rao giảng Tin Mừng. Kinh nghiệm của các linh mục và các tu sĩ theo Chúa là những bằng chứng hùng hồn của điều này.

          (3) Cuộc sống vĩnh cửu đời sau: Trên Nước Trời, phần thưởng to lớn nhất một người sẽ nhận được là chính Thiên Chúa, vì có Chúa là có tất cả. Thánh Phaolô diễn tả điều này như sau: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rom 8:29-30).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

1. Chúng ta cần phải tin tưởng vững mạnh vào lời Thiên Chúa hứa; những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ thi hành.

2. Chúng ta cần học Kinh Thánh và đọc lại lịch sử cuộc đời các thánh Dòng để tìm được ngọn lửa nhiệt thành để giúp vững bước trên con đường nên thánh.

3. Chúng ta cần tập luyện can đảm để vượt qua gian nan, sự ngược đãi và tất cả cám dỗ do ba thù dâng tặng ở đời này.

Skip to content