Thứ Hai – Tuần III – PS

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Hai – Tuần III – PS

Bài đọc: Acts 6:8-15; Jn 6:22-29.

1/ Bài đọc I: 8 Ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân.

9 Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô.

10 Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.

11 Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Mô-sê và Thiên Chúa.”

12 Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Đồng.

13 Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: “Tên này không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật.

14 Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giê-su người Na-da-rét sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Mô-sê đã truyền lại cho chúng ta.”

15 Toàn thể cử toạ trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Tê-pha-nô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.

2/ Phúc Âm: 22 Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi.

23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn.

24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.

25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? “

26 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.

27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”

28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? “

29 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến.

Cùng chứng kiến một sự kiện, nhưng mỗi người nhìn dưới góc cạnh khác nhau: Có những người nhìn ra sự thật ngay; có những người mất thời gian lâu dài mới có thể nhận ra sự thật; nhưng cũng có những người cố giữ thái độ ngoan cố không chịu nhìn nhận sự thật. Trong biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô cũng thế: Khi các Tông-đồ và nhiều người Do-thái nhận ra lầm lỗi của họ, qua việc kết án và đóng đinh Con Thiên Chúa, họ đã ăn năn sám hối và trở lại làm chứng cho Ngài; nhưng ngược lại, vẫn có những người ngoan cố không chịu tin, họ tiếp tục dùng sức mạnh và mưu mô để truy tố và luận tội các môn đệ của Chúa.

Các Bài Đọc hôm nay vạch ra những cái nhìn sai trái và hành động không đúng của con người. Trong Bài Đọc I, Phó-tế Stephanô tranh luận với những người Do-thái thuộc Nhóm nô lệ được giải phóng về giáo lý của Chúa Giêsu về Đền Thờ và Lề Luật. Dù họ không địch nổi với ông, họ vẫn tìm người phao tin đồn thất thiệt để có cớ bắt ông trao cho Thượng Hội Đồng. Trong Phúc Âm, dân chúng đi tìm Chúa Giêsu, không phải vì nhận ra Ngài là Đấng Thiên Sai, nhưng vì để có lương thực hàng ngày. Chúa Giêsu sửa sai lối nhìn của họ: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.

1.1/ Xung đột giữa Phó-tế Stephanô và hội đường của Nhóm nô lệ được giải phóng: Ông

là một trong 7 Phó-tế mới được chọn để phục vụ cho các bà góa theo văn hóa Hy-lạp. Ông được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân.

Đối thủ của ông là những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Cyrene và Alexandria. Họ cùng với một số người gốc Cilicia và Asia, đứng lên tranh luận với ông Stephanô; nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thánh Thần đã ban cho ông. Khi không dùng trí khôn ngoan để thắng ông được, họ quay qua dùng những thủ đoạn hèn hạ. Họ bầy mưu tố cáo Stephanô bằng cách xui mấy người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Moses và Thiên Chúa.”

1.2/ Phó-tế Stephanô bị bắt và buộc tội: Những người này sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Đồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: “Tên này không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người Nazareth sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Moses đã truyền lại cho chúng ta.” Phó-tế Stephanô có lẽ đã tranh luận với họ về 3 điểm chính:

(1) Nơi Thánh (tức Đền Thờ) phải qua đi để mọi người có thể thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý (Jn 4:20-24). Sự thật hiển nhiên là tuy Đền Thờ Jerusalem đã bị phá hủy hoàn toàn vào năm 70 AD, Dân Chúa vẫn tiếp tục thờ phuợng Chúa ở mọi nơi, mọi thời, và mọi lúc.

(2) Lề Luật phải hướng tới sự làm nên trọn vẹn của Đức Kitô, và Tin Mừng của Ngài cần được rao giảng cho mọi người; chứ không phải để họ tự ý phiên dịch Lề Luật, rồi bóc lột dân nghèo và đàn áp những người công chính.

(3) Ơn Cứu Độ dành cho mọi người: Người Do-thái vẫn tự tôn nghĩ rằng chỉ có họ mới là con Thiên Chúa và xứng đáng được cứu độ, mọi dân tộc khác chỉ xứng đáng làm nô lệ cho họ và tiền định để sa hỏa ngục. Họ không biết rằng đặc quyền Thiên Chúa ban cho họ, là để họ mang nhiều người về cho Thiên Chúa.

Họ biết ông vô tội qua lời trình thuật: “Toàn thể cử toạ trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Stephanô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.” Nhưng họ vẫn ngoan cố buộc tội ông như đã từng buộc tội Chúa Giêsu.

2/ Phúc Âm: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

2.1/ Dân chúng kéo nhau đi tìm Chúa Giêsu vì muốn được ăn no: Trình thuật hôm nay tiếp tục trình thuật Chúa làm phép lạ “Bánh hóa nhiều” cho dân chúng ăn no nê; sau đó, họ muốn tôn Ngài làm vua. Chúa Giêsu truyền lệnh cho các Tông-đồ chèo thuyền qua Capernaum trước, còn Ngài đi lên núi cầu nguyện. Ngài đến cứu các ông khi Biển Hồ dậy sóng và đưa các ông cặp bến bình an.

Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giêsu lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Tiberias đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Capernaum tìm Người.

Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”

Đức Giêsu thấu hiểu những gì trong lòng họ, nên Ngài đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”

2.2/ Chúa Giêsu khuyên họ hãy tìm những giá trị vĩnh cửu.

(1) Lương thực hư nát và không hư nát: Ngài khuyên bảo họ: “Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” Lương thực mau hư nát Chúa Giêsu muốn nói ở đây là của ăn uống nuôi dưỡng phần xác, chúng vào qua cửa miệng rồi tan biến đi. Lương thực không hư nát là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa như sẽ được đề cập đến gần cuối chương 6; những lương thực này sẽ nuôi dưỡng phần linh hồn của con người, và giúp họ đạt đến cuộc sống vĩnh cửu sau này.

(2) Thi hành thánh ý của Thiên Chúa: Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” Ngoài những lương thực mà Chúa Giêsu sẽ ban cho, họ còn phải luôn mong muốn chu toàn thánh ý Thiên Chúa, như chính Chúa Giêsu đã tuyên bố với các Tông-đồ khi các ông thúc giục Ngài ăn: “Của ăn Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Jn 4:34). Ý của Thiên Chúa muốn cho mọi người là tin vào Chúa Kitô để được hưởng ơn Cứu Độ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải giữ một thái độ khách quan và thiện chí khi đi tìm sự thật, và cầu xin để Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn chúng ta nhận ra sự thật.

– Chúng ta phải dùng sự khôn ngoan của Thiên Chúa ban để nhận ra và hướng dẫn người khác nhận ra và chấp nhận sự thật. Đừng bao giờ dùng sức mạnh để bắt ép, và dùng những mưu mô thủ đọan để truy tố những người công chính.

– Chúng ta hãy ra sức tìm những của ăn không hư nát: Thiên Chúa, Lời Chúa, Mình Chúa, Ý Chúa, sự thật, cuộc sống đời sau, công bằng và bác ái… Đừng để những lo lắng và cám dỗ thế gian làm chúng ta quên đi hay không dám sống cho những giá trị vĩnh cửu này.

Skip to content