Chủ Nhật 34 – Năm C – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật 34 – Năm C – Thường Niên – Lễ Chúa Kitô Làm Vua

 

Bài đọc: 2 Sam 5:1-3; Col 1:12-20; Lk 23:35-43.

1/ Bài đọc I: 1 Toàn thể các chi tộc Ít-ra-en đến gặp vua Đa-vít tại Khép-rôn và thưa: “Chúng tôi đây là cốt nhục của ngài.

2 Ngay cả trước kia, khi ông Sa-un làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Ít-ra-en. ĐỨC CHÚA đã phán với ngài: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en.”

3 Toàn thể kỳ mục Ít-ra-en đến gặp vua tại Khép-rôn. Vua Đa-vít lập giao ước với họ tại Khép-rôn, trước nhan ĐỨC CHÚA. Rồi họ xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en.

2/ Bài đọc II: 12 Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng.

13 Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái;

14 trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.

15 Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,

16 vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.

17 Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.

18 Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.

19 Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người,

20 cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.

3/ Phúc Âm: 35 Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”

36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống

37 và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!”

38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”

39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”

40 Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!

41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”

42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”

43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chỉ có Đức Kitô xứng đáng làm Vua các tín hữu.

Con người muốn có một vị vua tài đức vẹn toàn để xét xử công minh và cai trị dân chúng trong công bằng và thương yêu; nhưng họ không tìm được một vị vua nào lý tưởng như thế trên trần gian này. May mắn cho con người, Thiên Chúa đã sửa soạn sẵn cho con người một vị Vua uy quyền và tài đức để cai trị con người suốt đời ngay từ đầu của lịch sử Cứu Độ.

Các bài đọc hôm nay giới thiệu cho con người vương quốc lý tưởng của Đức Kitô trên trời. Trong bài đọc I, vua David được coi là vị vua lý tưởng nhất của người Do-thái, vì vua có khả năng qui tụ tất cả 12 chi tộc Israel, thống nhất lãnh thổ và mở mang bờ cõi. Người Do-thái vẫn hằng mong có một vị anh quân như thế xuất hiện để làm vua cai trị họ. Trong bài đọc II, tác giả Thư Colossae cung cấp những suy tư thần học về vương vị và vương quốc của Đức Kitô và những đặc quyền các tín hữu được hưởng qua cái chết và sự sống lại của Vua Kitô. Chính Ngài đã giải thoát dân Ngài khỏi nô lệ của tội và quyền lực của ma quỉ, mang họ vào vương quốc đầy ánh sáng, và làm Vua cai trị họ muôn đời. Trong Phúc Âm, Đức Kitô chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng cái chết khổ nhục trên Thập Giá và sẵn sàng tiếp nhận vào vương quốc những ai nhận ra và tin tưởng vào vương quyền của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúng tôi đây là cốt nhục của Ngài, xin Ngài hãy làm Vua cai trị chúng tôi.

1.1/ David được xức dầu tấn phong làm vua Israel.

Sau thời các Thủ Lãnh, các kỳ mục tập họp và đến cùng ngôn sứ Samuel để xin ông cho họ có một vị vua như các nước láng giềng để cai trị và dẫn đầu ra nghinh chiến mỗi khi có chiến tranh. Ông Samuel rất buồn, vì làm như thế là chống lại uy quyền làm vua của Thiên Chúa. Sau khi tham khảo với Thiên Chúa và báo trước cho dân biết những điều thiệt hại họ phải chịu khi có một vị vua con người, ông đã xức dầu phong vương cho Saul là vị vua đầu tiên của Israel; nhưng Saul đã không đẹp lòng Thiên Chúa. Ngài truyền cho Samuel đến nhà ông Jesse tại Bethlehem để xức dầu phong vương cho David, người con út đang chăn chiên ngoài đồng.

Khi David được tiên tri Samuel xức dầu làm vua, ông chỉ cai trị 3 chi tộc miền Nam là Ephraim, Judah, và Benjamin. David cai trị họ trong 7 năm tại Hebron. Vua David là một người biết kính sợ Đức Chúa, có tài quân sự, chinh phục được thành Jerusalem nổi tiếng là không thể tấn công, có tài lãnh đạo và cai trị dân chúng. Khi các chi tộc khác nghe tiếng vua David, toàn thể các chi tộc Israel đến gặp vua David tại Hebron và thưa: “Chúng tôi đây là cốt nhục (xương và thịt) của ngài. Ngay cả trước kia, khi ông Saul làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Israel. Đức Chúa đã phán với ngài: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Israel.””

Vua David lập giao ước với họ tại Hebron, trước nhan Đức Chúa. Rồi họ xức dầu tấn phong David làm vua Israel. Chỉ trong thời vua David, toàn thể chi tộc Israel đoàn tụ và liên kết với nhau để mở mang bờ cõi. Đối với những người Do-thái, họ vẫn coi vua David là vị vua lý tưởng, và triều đại của David được coi như thời hoàng kim của dân tộc Israel. Vua David chọn Jerusalem làm kinh đô của vương quốc mới, Israel và Judah.

1.2/ Đức Kitô là Vua theo dòng dõi của David: Sau triều đại của David, vương quốc bị chia đôi vào cuối thời vua Solomon, và bắt đầu xuống dốc từ đó. Người Do-thái vẫn mong chờ có một vị vua theo phong cách của David để làm vua cai trị họ.

Các ngôn sứ đã loan báo và Thánh Vịnh đã nhiều lần nhắc tới Đấng Thiên Sai sẽ xuất thân từ dòng tộc David. Ngài sẽ đến để liên kết 12 chi tộc của Israel và sẽ làm vua cai trị họ đến muôn đời. Triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận. Các ngôn sứ cũng tiên báo Đấng Thiên Sai không chỉ làm vua dân Do-thái, nhưng còn tất cả mọi dân tộc trên địa cầu. Jerusalem được chọn để trở thành nơi mà Đấng Thiên Sai sẽ tập họp các dân tộc.

2/ Bài đọc II: Quyền lực và vương quốc của Đức Kitô.

2.1/ Đức Kitô đến để giải thoát dân Ngài: Theo thói quen của người xưa, sau khi chiến thắng, nhà vua có quyền đem mọi người bị đánh bại về vương quốc của mình. Đó là lý do tại sao dân Do-thái miền Bắc bị bắt lưu đày qua Assyria vào năm 721 BC, và miền Nam bị bắt lưu đày qua Babylon năm 587 BC. Tác giả Thư Colossae cũng áp dụng thói quen này vào chiến thắng của Đức Kitô. Ngài đã giải thoát các tín hữu:

(1) Từ chốn tối tăm đến nơi đầy ánh sáng: Sống trong thế gian, con người bị bao vây bởi mọi thứ bóng tối là những hiểu biết sai lầm. Đức Kitô là ánh sáng, Ngài đến để chiếu sáng con người bằng cách mang sự thật và những mặc khải của Thiên Chúa.

(2) Từ chỗ nô lệ đến chỗ tự do: Con người phạm tội và làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Đức Kitô đến để giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi và dẫn đưa chúng ta vào vương quốc vinh hiển và muôn đời của Ngài.

(3) Từ chỗ bị luận phạt vì tội lỗi đến chỗ được hòa giải: Phạm tội là phải đền tội. Đức Kitô đến để gánh tội cho con người và hòa giải con người với Thiên Chúa; vì thế, “trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.”

(4) Từ vương quốc của Satan đến vương quốc của Đức Kitô: Trước khi Đức Kitô đến, Satan thống trị thế giới con người. Đức Kitô đến đánh bại tội lỗi và sự chết là quyền lực của Satan để đưa con người vào vương quốc của Ngài trên trời.

2.2/ Tương quan giữa Vua Kitô và các tín hữu: Có một ý nghĩa rất thâm sâu trong mối tương quan giữa Vua Kitô và các tín hữu mà tác giả Thư Colossae đã cung cấp chất liệu cho chúng ta suy tư, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ tương quan bên ngoài như vua và dân.

(1) Đức Kitô là Lời của Thiên Chúa, nhờ Ngài mà toàn thể vũ trụ được tạo thành: Đây là quan niệm mà các Sách Khôn Ngoan (Pro, Wis, Bar) và Gioan (Prolog) khai triển. Đức Kitô là Thiên Chúa. Ngài là Vua không phải chỉ của con người mà còn là Vua vũ trụ. Tất cả quyền lực trên trời hay dưới đất, hữu hình hay vô hình, đều tùy thuộc vào uy quyền của Ngài. Thư Colossae diễn tả bằng những lời như sau: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.” Con người phải nhận Đức Kitô là Vua vì họ được Ngài dựng nên, là “huyết nhục” của Ngài.

(2) Đức Kitô gìn giữ muôn vật được tồn tại: Ngài không chỉ là nguyên do tạo thành, Ngài còn là nguyên do tồn tại. “Tất cả đều tồn tại trong Người.” Các tín hữu được tồn tại bằng các ơn thánh Đức Kitô đã thiết lập qua các bí tích: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh.” Lẽ ra con người bị hủy diệt vì tội lỗi của họ; nhưng Đức Kitô đã tình nguyện hy sinh chịu chết để gánh lấy tội lỗi cho con người, vì thế, con người không bị hủy diệt.

(3) Đức Kitô làm cho con người và muôn loài tìm được cùng đích của mình: Ngài đã phục sinh khải hoàn. Ngài là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại, và con người sau khi đã hòa giải với Thiên Chúa, cũng được đưa vào vương quốc của Đức Kitô để được Người làm Vua cai trị muôn đời.

(4) Ngài không chỉ cai trị thân xác, nhưng còn trong tâm hồn con người: Để vương quốc thực sự có bình an, không phải chỉ cần vua tài đức thương yêu, mà còn cần dân chúng biết vâng lời và thương yêu nữa. Không vị vua loài người nào có thể cai trị trong tâm hồn con người, chỉ có Đức Kitô có uy quyền làm việc đó. Ngài phải cai trị cả tâm hồn thì vương quốc của Ngài mới là vương quốc của bình an và yêu thương được.

Nói tóm, chỉ một mình Đức Kitô vừa là Vua vừa là Chúa của muôn loài mới hội đủ tất cả đặc tính của một anh quân để cai trị con người muôn đời mà thôi.

3/ Phúc Âm: “Đây là vua người Do-thái.”

3.1/ Đức Kitô chọn con đường đau khổ làm Vua qua để giải thoát dân: Có hai điều trong trình thuật hôm nay tuy con người không muốn; nhưng sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa để cho xảy ra như vậy.

(1) Đức Kitô làm Vua người Do-thái: Bản án trên đầu Chúa Giêsu viết bằng ba thứ tiếng: Latin, Do-thái và Hy-lạp. Làm sao một tử tội chết khổ nhục như thế có thể trở thành vua của người Do-thái? Đó là lý do các nhà lãnh đạo của người Do-thái khiếu nại: Xin đừng viết “Đây là vua người Do-thái;” nhưng hãy viết “Người này tự xưng mình là vua người Do-thái.” Vua Herode trả lời: “Điều gì ta đã viết là đã viết.”

(2) Đức Kitô giải thoát con người khỏi quyền lực thần chết: Để cứu muôn người khỏi tội và khỏi chết, Đức Kitô phải cứu chính Ngài. Quân lính, dân chúng, và thủ lãnh chế nhạo và thách thức Chúa Giêsu hãy cứu chính mình trước để họ tin. Họ không thể ngờ Thiên Chúa sẽ giải thoát Ngài khỏi cái chết bằng cách cho Ngài được phục sinh vinh hiển.

3.2/ Vương quốc của Đức Kitô chỉ dành cho những ai nhận ra và tin vào Ngài: Đây là điều kiện duy nhất phải có để được làm công dân của Đức Kitô. Chỉ trong trình thuật của Lucas, chúng ta có câu truyện con người lựa chọn phần thưởng hay bản án cho chính mình dưới chân Thập Giá.

(1) Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”

Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”

(2) Lời hứa cho anh trộm “lành:” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” Đức Kitô có thể hứa câu: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” cho bất cứ ai đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chỉ có Vua Kitô xứng đáng cai trị, vì Ngài đã dựng nên, cứu chuộc, đưa vào vương quốc và làm chủ tâm hồn các tín hữu. Trong vương quốc của Đức Kitô, sẽ không còn đau khổ, không còn chết chóc, không còn bất công. Ngài sẽ cai trị chúng ta đời đời trong công bằng và thương yêu.

– Điều kiện duy nhất để làm công dân của Đức Kitô là hãy học hỏi để nhận ra và tin tưởng vào Ngài. Xin cho “Nước Cha trị đến” là một nguyện ước trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc hàng ngày. Điều này chỉ có thể hiện thực khi chúng ta làm cho mọi người tin vào Đức Kitô.

Skip to content