Lễ nhớ Đức Mẹ Sầu Bi

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Lễ Kính Đức Mẹ Sầu Bi – Ngày 15 tháng 9

Bài đọc: Heb 5:7-9; Jn 19:25-27.

1/ Bài đọc I: 7 Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.          

2/ Phúc Âm: 25Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.26Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”27Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nếu chúng ta chung phần đau khổ với Đức Ki-tô, chúng ta cũng chung hưởng vinh quang với người như Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.

            Ngày hôm qua chúng ta mừng trọng thể Lễ Suy Tôn Thánh Giá để cám ơn tình yêu vô biên Chúa Giê-su dành cho chúng ta qua cái chết hy sinh của người trên Thập Giá. Ngày hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi để cám ơn tình yêu thông công của Đức Mẹ dành cho Chúa Giêsu và cho chúng ta, vì đau khổ của con cũng là đau khổ của Mẹ.     

            Các bài đọc hôm nay tường thuật hai biến cố tang thương trong cuộc đời Chúa Giê-su. Trong bài đọc I, tác giả Thư Do Thái ngầm ám chỉ sự cô đơn và lời cầu nguyện khẩn thiết của Ngài trong Vườn Cây Dầu, được tường thuật bởi cả ba Phúc Âm Nhất Lãm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu vô biên của người cho nhân loại bằng việc hy sinh chịu chết trên Thập Giá và đã thiết lập một sư trao đổi kỳ diệu dưới chân Thập Giá: Ngài trao Mẹ Ngài cho môn đệ yêu quí và trao môn đệ Ngài yêu quí cho Đức Mẹ. Mẹ Maria, các người phụ nữ thân tín và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến đã can đảm đứng dưới chân Thập Giá để thông phần với cuộc khổ nạn của Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúa Giê-su sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ để làm theo thánh ý Thiên Chúa cho sự cứu độ của con người.

1.1/ Chúa Giê-su biết trước Cuộc Thương Khó sắp xảy ra cho Ngài:

Mang trong mình bản tính của Thiên Chúa, Chúa Giê-su biết trước tất cả những gì sẽ xảy ra cho Ngài trong Cuộc Thương Khó và cái chết đau thương trên Thập Giá. Đó là lý do tại sao khi biết những điều này sắp sửa xảy ra, Ngài chọn ba môn đệ thân tín cùng với Ngài vào Vườn Cây Dầu để cầu nguyện.

Đồng thời mang trong mình bản tính nhân loại, Chúa Giê-su cảm nhận được những cô đơn và đau đớn mà Ngài sắp sửa phải trải qua. Để tránh cô đơn, Ngài mang theo ba môn đệ thân tín; nhưng ba lần Ngài trở lại để mong tìm chút an ủi và động viên, các ông này đều thiếp đi và ngủ cả. Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều tường thuật Chúa Giê-su sợ hãi và lo lắng đến độ mồ hôi chảy ra như máu nhỏ xuống đất.

1.2/ Ngài dâng lời cầu nguyện khẩn thiết lên Cha của Ngài:

Trong lúc đau khổ cực độ này, Ngài dâng lời cầu nguyện khẩn thiết lên Cha của Ngài, được tường thuật bởi thánh sử Mác-cô như sau: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.”

Chúa Giê-su trong thiên tính, Ngài biết rõ nếu Ngài chu toàn sứ vụ như Cha Ngài đã trao phó bằng con đường đau khổ, Ngài sẽ lấy đi mọi tội lỗi của con người và mang lại ơn cứu độ cho họ; nhưng trong nhân tính, Ngài sẽ phải đương đầu với những đớn đau quá sức chịu đựng của con người. Sau cùng, Ngài đã xin từ bỏ ý riêng để xin vâng theo ý Cha định liệu. Chính vì sự vâng phục này mà tác giả Thư Do Thái nói “Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.”

2/ Phúc Âm: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.”

2.1/ Những người trung thành đứng dưới chân Thánh Giá:

                    (1) Bốn người đàn bà: Dưới chân Thập Giá, thánh Gioan tường thuật có bốn người phụ nữ, ba người có tên là Maria. Chúng ta thử nhận diện bốn người phụ nữ này: Trước tiên là Đức Trinh Nữ Maria mà thánh sử Gioan gọi là “thân mẫu Ngài.” Người thứ hai, thánh sử gọi là “chị của thân mẫu Ngài;” nhưng không cho biết tên. Nếu chúng ta so sánh với Phúc Âm Nhất Lãm, người phụ nữ này chính là Salome, mẹ của Giacôbê trẻ và Joseph (x/c Mk 15:30, 16:1). Người thứ ba được gọi là “Maria, vợ của Clopas.” Có người cho ông Clopas này chính là Cleopas, một trong hai môn đệ được đồng hành với Chúa sau khi ngài sống lại trên đường Emmaus (Lk 24:18); nhưng giả thuyết này không chắc chắn cho lắm. Người sau cùng Gioan gọi là Maria Magdalene. Đây là người phụ nữ của làng Magdala mà Chúa đã chữa khỏi bảy quỉ, và bà đã luôn theo Chúa từ đó (Lk 8:2). Bà cũng là người đầu tiên ra mộ Chúa và chạy về báo tin cho các môn đệ; sau đó, bà được Chúa Giêsu gọi đích danh và truyền mang Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ của Chúa (Jn 20:1-18).

            (2) Chỉ có một người đứng dưới chân Thập Giá với bốn phụ nữ mà tác giả gọi là “người môn đệ mà mình (Chúa Giêsu) thương mến.” Ai là người môn đệ này? Có ít nhất là hai ý kiến khác nhau. Một số cho là chính môn đệ Gioan. Tại sao Gioan muốn dấu tên ông? Có thể là vì ông khiêm nhường. Ý kiến này được đa số chấp thuận. Một số khác cho người môn đệ đó có thể là bất cứ ai đã nhận ra Đức Kitô và được ngài yêu mến. Mục đích tại sao Gioan viết Phúc Âm của ông là để cho mọi người nhận biết Đức Kitô và tin vào ngài. Vì thế, Gioan muốn xử dụng thành ngữ “người môn đệ mà ngài thương” để chỉ bất cứ ai được Chúa Kitô yêu mến. Ý kiến này không được chấp nhận bởi đa số.

2.2/ Cuộc trao đổi kỳ diệu dưới chân Thập Giá: Trên Thập Giá đau đớn, Đức Kitô không quan tâm đến cái chết của ngài, nhưng chỉ quan tâm đến những người thân còn đang sống trong thế giới. Đây là lý do chính của cuộc trao đổi diệu kỳ dưới chân Thập Giá.

            (1) Chúa Giêsu trối Mẹ của ngài cho nhân loại: Ngài nói với Mẹ ngài, “Thưa Bà! Đây là con Bà.” Một số người cho lý do tại sao Chúa Giêsu trối Mẹ ngài cho môn đệ vì ngài không còn sống trên cõi đời để chăm sóc cho Mẹ. Ngài đã tìm thấy cho Mẹ người môn đệ thân tín để chăm sóc Mẹ thay cho ngài. Đây không phải là lý do chính. Chúa Giêsu muốn Mẹ Ngài trở thành người Mẹ của toàn thể nhân loại; người môn đệ chỉ là đại diện cho toàn thể mà thôi. Mẹ Maria không chỉ là Mẹ của người môn đệ; nhưng còn là Mẹ của toàn thể nhân loại.

            (2) Chúa Giêsu đặt Mẹ là Mẹ của toàn thể nhân loại: Ngài nói với người môn đệ, “Đây là Mẹ anh!” Chúa Giêsu không chỉ muốn Mẹ Maria là Mẹ của nhân loại; ngài còn muốn người môn đệ và tất cả mọi người nhận Mẹ Maria là Mẹ của họ. Vì nếu cả hai bên đều chấp nhận cuộc trao đổi, cả hai đều được lợi ích từ đó. Để chứng tỏ sự đồng ý, người môn đệ đã đưa Mẹ Maria về nhà mình để săn sóc kể từ đấy.

            Nếu một người suy nghĩ theo tiêu chuẩn con người, anh có thể nghĩ cuộc trao đổi sẽ lợi ích cho Đức Mẹ hơn; vì Mẹ sẽ có người để săn sóc cho mình trong lúc tuổi già đơn độc. Nhưng nếu một người suy nghĩ theo tiêu chuẩn thiêng liêng, Đức Mẹ sẽ trở thành Mẹ Sầu Bi suốt đời. Từ giờ đó trở đi, Mẹ phải gánh chịu mọi khổ đau của nhân loại gây ra. Nhiều người nói rằng đó là lý do tại sao Đức Mẹ luôn luôn khóc mỗi khi hiện ra thay vì cười. Mẹ sẵn sàng chấp nhận tước vị làm Mẹ nhân loại vì Mẹ yêu Chúa Giê-su, và vì thế, Mẹ cũng yêu tất cả những người con mà Chúa Giê-su đã đổ máu ra để chuộc về.

          Chúa Giê-su biết rõ nhân loại cần sự yêu thương và bầu cử của Mẹ Ma-ri-a. Không có tình yêu nào bao la hơn tình yêu của một người mẹ và không có lời bầu cử nào hiệu quả cho bằng lời bầu cử của Mẹ vì Mẹ đã thông phần trọn vẹn với những đau khổ của Chúa Giê-su trong suốt cuộc đời của Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Con đường đau khổ là con đường Thiên Chúa đã chọn cho Chúa Giê-su và cho Mẹ Ngài. Tuy gian khổ và khó đi; nhưng chắc chắn sẽ mang lại vinh quang muôn đời. Chúng ta cũng phải noi gương các Ngài để từ bỏ ý riêng mình và chọn con đường gian khổ của Thiên Chúa.

            – Mỗi lần nhìn lên Thập Giá, chúng ta hãy nhớ cuộc trao đổi kỳ diệu của Chúa Giêsu để chúng ta biết sống yêu thương Thiên Chúa, Mẹ Maria và mọi người. Tất cả đã trở thành người nhà của Thiên Chúa. Chúng ta có bổn phận nâng đỡ nhau trong những lúc tối lửa tắt đèn.

Có thể suy niệm về Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ:

1/ Biến cố Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ: Ông Simeon tiên báo: Đây trẻ này được đặt lên khiến cho nhiều người trong Israel được đứng dậy hay bị sa ngã. Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà.

Làm Mẹ Thiên Chúa sướng hay khổ? Có lẽ có cả hai: Sướng vì vinh quang bất diệt Thiên Chúa sẽ ban cho Mẹ sau này: Vô Nhiễm Nguyên Tội; được lên trời cả hồn lẫn xác; được làm Mẹ của cả loài người. Khổ vì ngay bườc đầu của giây phút Truyền Tin đã phải bỏ ý riêng để vâng theo thánh ý Thiên Chúa, bị thánh Giuse hiểu lầm, phải sinh con trong cảnh khó nghèo. Như lời cụ già Simeon tiên báo về sự đau khổ của Mẹ, “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà.” Khi người đời khen Chúa Giêsu, “Phúc cho dạ đã cưu mang và vú đã cho Thầy bú;” Mẹ cũng được mát mặt. Nhưng khi chúa Giêsu bị người đời xỉ nhục và đánh đòn, “Ông này không phải con bác thợ mộc và Mẹ và anh em ông không phải là những người sống giữa chúng ta sao?” Mẹ chắc chắn cũng bị xỉ nhục và đau đớn như vậy.

2/ Biến cố Mẹ đưa Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập: Để tránh vua Herode ra lệnh giết các anh hài tại Jerusalem và các vùng phụ cận từ 3 tuổi trở xuống.

Mới sinh con khó nghèo và vất vả nơi hang đá, chưa kịp bình phục thì thiên thần lại loan tin cho thánh Giuse phải cấp tốc lên đường trốn sang Ai Cập đang đêm, để tránh tay bạo vương Herôđê; vì ông này vì tức giận đã bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, lên đã ra lệnh tàn sát tất cả các con trẻ từ 3 tuổi trở xuống, trong thành Jerusalem và tất cả các vùng phụ cận. Trời mùa đông rét mướt, đường sang Ai-cập xa diệu vợi cho Mẹ mới sinh con và con thơ mới chào đời, lại thêm cảnh cô thân cô thế nơi xứ lạ quê người không nơi nương tựa và không biết làm gì để kiếm ăn, sinh sống. Gia Đình Thánh vẫn can đảm vâng theo thánh ý Chúa lập tức lên đường… Các Ngài đặt trọn vẹn niềm tin nơi Thiên Chúa sẽ không bỏ những người tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài.

3/ Biến cố lạc mất Chúa Giêsu khi Gia Đình Thánh lên Đền Thờ: Sau ba ngày đường trở về Nazareth từ Jerusalem, thánh Giuse và Mẹ Maria mới biết con mình bị thất lạc. Thánh Giuse tưởng Chúa Giêsu đi với Đức Mẹ, còn Mẹ lại tưởng con đi với thánh Giuse hay họ hàng. Hai ông bà trở lại Jerusalem và tìm thấy con đang ngồi giảng cho các thầy tư tế và luật sĩ. Mẹ ngài trách, “Sao con làm như thế? Sao con để cho cha mẹ phải vất vả tìm con?” Đối lại Chúa đáp, “Sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết con phải lo làm việc Cha con sao?” Sau đó, Chúa Giêsu theo cha mẹ vê. Còn Mẹ thì giữ những sự kiện ấy và suy niệm trong lòng.

4/ Biến cố Mẹ theo Chúa Giêsu trên đường lên Núi Sọ để bị tử hình: Bao nhiêu môn đệ và dân chúng được Chúa Giêsu thi ơn giờ đây bỏ Ngài một mình để chạy trốn hết. Chỉ còn một bà mẹ đau khổ (với một vài phụ nữ nữa) đau đớn lặng lẽ theo chân con mình: vai vác Thập Giá, đầu đội mại gai, đang quằn quại giữa những trận mưa roi của đám quân dữ. Nhìn tấm thân Mẹ đã âu yếm cưu mang và nuôi dưỡng, giờ đây từng lớp thịt đang bị lóc ra và những mồ hôi, máu chảy trên thân thể con mình. Làm sao Mẹ có thể chứng kiến cảnh tương này mà không quằn quại đau đớn thấu can tràng? Vì tội ai, mà Mẹ Maria và Chúa Giêsu phải chịu những đau khổ và tủi nhục thế này? Mẹ ơi, cho con thấu hiểu các tội của con và sẵn sàng ôm lấy các tội của những con Mẹ đang lạc xa đường cứu độ.

5/ Biến cố Chúa Giêsu sinh thì trên Thập Giá: Ngài trao người môn đệ yêu quí cho Mẹ Ngài, “Thưa Mẹ! Đây là con của Mẹ.” Và Ngài trao Mẹ cho người môn đệ yêu quí (GH), “Đây là Mẹ của anh. Và từ giờ ấy, người môn đệ đem Mẹ về nhà mình.

6/ Biến cố một người lính lấy đòng đâm cạnh nương long Chúa Giêsu khi thấy Ngài đã tắt thở: Trái tim Chúa được mở rộng ra để cho nhân loại được nhìn và hiểu thế náo là tình yêu của Người chết vì người mình yêu. Trái tim Mẹ cũng bị mở rộng như vậy khi thấy máu từ trái tim con mình đổ ra đến giọt cuối cùng vì tội nhân loại.

7/ Biến cố Mẹ ngồi ôm xác con dưới chân Thánh Giá trước khi táng xác con trong hang đá: Một người Mẹ góa ngồi ôm xác đức con trai trẻ duy nhất bị chết một cách đau thương tủi nhục. Tưởng trên thế gian này không còn cảnh nào đau đớn hơn!

Skip to content