Lễ Phép Rửa của Chúa Giêsu – Năm B

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Chua Giesu chiu Phep-Rua Nam B.mp3{/audio}

Chủ Nhật Lễ Phép Rửa của Chúa Giêsu – Năm B

 

Bài đọc: Isa 42:1-4, 6-7; Acts 10:34-38; Mk 1:7-11.

 1/ Bài đọc I1 Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.2 Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường.3 Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.
Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. 4 Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.6 Người phán thế này: “Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, 7 để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.” 

2/ Bài đọc II34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. 35 Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. 36 “Người đã gửi đến cho con cái nhà Ít-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của mọi người. 37 Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng.38 Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. 

3/ Phúc Âm7 Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan.10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình.11 Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Kitô được tuyển chọn để thi hành sứ vụ.

 

             Trong sự quan phòng điều khiển của Thiên Chúa, Ngài không làm hết mọi sự, nhưng tuyển chọn những người khác nhau để cho họ tham dự vào Kế-họach Cứu Độ của Ngài. Những người Ngài tuyển chọn, Ngài cũng sẽ ban mọi ơn cần thiết để họ có thể chu tòan sứ vụ Ngài đã trao phó. Các Bài Đọc hôm nay nói về việc tuyển chọn cao trọng nhất của Thiên Chúa là tuyển chọn Đức Kitô. Chúng ta cùng nghiên cứu sự tuyển chọn này để rồi áp dụng vào ơn gọi tuyển chọn của mỗi người chúng ta.

            Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Isaiah đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy rõ ràng sự tuyển chọn Người tôi trung của Ngài. Đây là Người được Thiên Chúa yêu mến vì luôn trung thành với Thiên Chúa để hòan tất sứ vụ Cứu Độ của Ngài. Cách thức hòan tất sứ vụ Thiên Chúa trao cũng rất đặc biệt và khác hẳn với cách thức của con người: không kêu to, nói lớn, ồn ào; không dùng bạo lực để tiêu diệt nhưng dùng tình thương để chinh phục; không yếu hèn để chịu khuất phục, nhưng trung thành để thiết lập công lý bằng sự thật. Trong Bài Đọc II, Thánh Phêrô nhắc nhở cho các tín hữu nhìn lại cuộc đời của Đức Kitô để học hỏi cách chu tòan sứ vụ của Ngài trong Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Trong Phúc Âm, Marcô tường thuật những gì xảy ra khi Đức Kitô chịu Phép Rửa: Khi Ngài từ dưới nước nhô lên, Thánh Thần của Thiên Chúa hiện xuống và đậu lại trên Người, đồng thời có tiếng của Chúa Cha làm chứng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Chúng ta cùng nghiên cứu những chi tiết trong các Bài Đọc để tìm ra những ý nghĩa quan trọng của nó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Người tôi trung của Yahweh

 

1.1/ Liên hệ giữa Thiên Chúa và Người tôi trung: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.” Ai là Người tôi trung mà Tiên tri Isaiah muốn nói tới ở đây? Có người nói là Israel vì là Dân Riêng được Thiên Chúa tuyển chọn; có người cho là Cyrus, người đã vâng lệnh Thiên Chúa; có người cho là Đức Kitô vì không ai mà Thiên Chúa đã quí mết hết lòng bằng chính Người Con Một của mình. Theo sự phiên dịch của Targum (bản dịch từ Do-Thái qua Aramaic và Hy-Lạp), Người tôi trung chính là Đấng Thiên Sai. Hơn nữa, văn mạch cũng ám chỉ Người tôi trung là một cá nhân, chứ không phải một dân tộc. Ngòai ra, Thiên Chúa có thể chọn bất cứ ai để chu tòan sứ vụ của Vua Cyrus; nhưng để chu tòan Kế-họach Cứu Độ, chỉ một mình Người con mới có thể chu tòan mà thôi.

 

1.2/ Cách hành xử của Người tôi trung: “Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.” Có một sự hòa điệu giữa Thiên Chúa và Người tôi trung trong cách hành xử để mang tới thắng lợi sau cùng: tình thương, sự thật, và trung thành. Cách hành xử này khác hẳn với cách thức của con người: ăn to nói lớn, bạo lực, và gian trá.

 

1.3/ Sứ vụ của Người tôi trung: “Người phán thế này: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước.””

            – Người là giao ước giữa Thiên Chúa với dân: Trong giao ước tại Sinai, Moses chỉ là người trung gian của giao ước giữa Thiên Chúa và dân. Trong giao ước mới, Người tôi trung là chính giao ước. Điều này có nghĩa tất cả các ơn lành của giao ước đều bắt nguồn và được ban từ Người tôi trung này. Đón nhận Người là đón nhận ơn lành, từ chối Người là từ chối ơn lành; vì không có Người sẽ không có ơn lành.

            – Người là ánh sáng chiếu soi muôn nước: Song song với vị thế “làm giao ước với dân” là vị thế “làm ánh sáng chiếu soi muôn nước.” Điều này không chỉ có nghĩa Người mang ánh sáng tới, hay hứơng dẫn dân tới ánh sáng, nhưng Người chính là ánh sáng. Ánh sáng là chính ơn Cứu Độ (Isa 49:6). Dân Ngọai đang ngồi trong tối tăm của tội lỗi và sự chết, Người đến “để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”

 

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người.

 

2.1/ Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa bao gồm cả Do-Thái và Dân Ngọai: Thánh Phêrô, sau khi đã được Chúa Giêsu mặc khải Kế họach Cứu Độ, đã làm chứng cho Thiên Chúa: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. Người đã gửi đến cho con cái nhà Israel lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Judah, bắt đầu từ miền Galilee, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng.” Chỉ có kế họach như thế mới bảo đảm được sự nhân từ và công bằng của Thiên Chúa.  

 

2.2/ Đức Kitô thực hiện Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa: “Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.”

 

3/ Phúc Âm: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

 

3.1/ Sự khác biệt giữa hai Phép Rửa của Gioan và của Đức Kitô: Gioan Tẩy Giả phân biệt sự khác biệt như sau: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” Phép Rửa làm bởi Gioan là phép rửa làm bởi con người để tha tội. Phép Rửa làm bởi Đức Kitô là phép rửa làm bởi Thiên Chúa, Đấng quyền thế hơn con người. Người chịu Phép Rửa sẽ được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, và được lãnh nhận mọi ơn cần thiết cho con người.

 

3.2/ Phép Rửa của Đức Kitô: “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nazareth miền Galilee đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Jordan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.””

            (1) Tại sao Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan? Phép Rửa của Gioan là phép rửa để tha tội. Tại sao Chúa Giêsu, Đấng không hề phạm tội, lại muốn chịu Phép Rửa của Gioan? Chính Gioan đã ngăn cản Ngài: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người (Mt 3:14-15). Thánh Ambrose đưa một lý do khác: Chúa Giêsu, Đấng thánh thiện tinh tuyền, chịu Phép Rửa để thánh hiến nước của giòng sông Jordan; và Giáo-Hội dùng nước này để rửa tội cho các tín hữu.

            (2) Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu: Truyền thống Do-Thái tin chim bồ câu tượng trưng cho sư hiền lành. Như Sách Tiên-tri trong Bài Đọc I mô tả Người tôi trung: Người chinh phục con người không bằng những lời đe dọa hay sức mạnh, nhưng bằng tình yêu và sự kiên nhẫn. Chúa Giêsu được xức dầu bởi Thánh Thần và được tấn phong để thi hành sứ vụ Cứu Độ.

            (3) Tiếng của Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Khác với trình thuật của Matthêu: “Đây là Con Ta yêu dấu, Con đẹp lòng Ta mọi đàng.” Chúa Cha nói trực tiếp với Chúa Con, và bày tỏ sự hài lòng về tất vả mọi việc của Chúa Con làm. Nếu so sánh, chúng ta thấy trình thuật của Marcô gần với những gì tường thuật bởi Tiên-tri Isaiah trong Bài Đọc I hơn.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

            – Mỗi người chúng ta đều đã chịu Phép Rửa của Đức Kitô, tức là đã được tấn phong làm tiên tri, tư tế, và vương giả. Chúng ta đã thi hành 3 sứ vụ đó chưa?

            – Ba sứ vụ của Đức Kitô cũng là 3 sứ vụ của mỗi người chúng ta:

            (1) Sứ vụ tiên tri: Chúng ta đã rao giảng cho mọi người biết về Thiên Chúa chưa; ít nhất là cho con cháu của chúng ta? Để có thể chu tòan sứ vụ, Đức Kitô phải ở ẩn suốt 30 năm để đàm đạo với Thiên Chúa trước khi rao giảng công khai trong 3 năm. Chúng ta đã dành được bao nhiêu thời gian để học biết về Thiên Chúa? Chúng ta cần nhắc nhở cho mình: Chúng ta không thể cho con cái điều mình không có!

            (2) Sứ vụ tư tế: Chúng ta đã thờ phượng một mình Thiên Chúa, làm gương, và chỉ đường cho con cái đến với Thiên Chúa chưa? Hay chúng ta thờ ơ nguội lạnh trong việc thờ phượng và mải miết chuyện thế sự, và vô tình dạy cho con cái tôn thờ những giá trị thế gian thay vì tôn thờ chỉ một mình Thiên Chúa!

            (3) Sứ vụ vương giả: Chúng ta đã dùng thời gian, tài năng, và của cải Thiên Chúa ban để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân chưa? Hay chúng ta đã lãng phí thời gian, của cải, tài năng vào những canh bạc đỏ đen, những vui thú của hộp đêm, những mối liên hệ trái phép, để rồi tất cả mọi người trong gia đình phải chịu hậu quả về những việc làm của chúng ta. Ngòai ra, chúng ta còn phải xét tới cách thức chúng ta phục vụ theo gương Đức Kitô: không phải la to, nói lớn, đe dọa, chửi rủa, hay dùng quyền hành, bạo lực; nhưng bằng yêu thương, dạy dỗ, kiên nhẫn, và can đảm cho tới khi đạt được kết quả sau cùng như Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta. 

Skip to content