Lễ Thánh Martin de Porres

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Lễ Kính Thánh Martin de Porres – Ngày 3 tháng 11

Bài đọc: Isa 58:6-11; Mt 11:25-30

1/ Bài đọc I: 6 Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?

7 Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?

8 Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,
vết thương ngươi sẽ mau lành.
Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước,
vinh quang ĐỨC CHÚA bao bọc phía sau ngươi.

9 Bấy giờ, ngươi kêu lên, ĐỨC CHÚA sẽ nhận lời,
ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây! “
Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở
gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người,

10 nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,
làm thoả lòng người bị hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối,
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.

11 ĐỨC CHÚA sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi,
giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng;
xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp.
Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm
như mạch suối không cạn nước bao giờ.

2/ Phúc Âm: 25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.

26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các con bảo Thầy là ai?

– Có một bài hát giáo lý tôi đã từng được các trưởng TNTT dạy hát khi còn nhỏ, bài “con kiến đen, nằm trong hòn đá đen, mặt trời tối đen, Đức Chúa Trời cũng thấy;” nhưng lúc đó chẳng hiểu gì cả. Sau này, có người áp dụng bài hát vào cuộc đời Thánh Martinô, tôi thấy thật đúng.

– Cuộc đời Thánh Martinô có thể được ví như cuộc đời con kiến đen: vì ngài là người da đen; sinh trong một gia đình hỗn hợp: cha là người Tây Ban Nha da trắng, mẹ là người Panama da đen; tương lai cũng mờ mịt đen tối như đêm 30 tết vì cha bỏ 3 mẹ con ở lại để về nước. Sống trong một hòan cảnh hết sức đen tối như thế, thử hỏi còn có hy vọng gì cho một cậu bé mồ côi da đen? Mặc dù tất cả đều đen ngòm như vậy, nhưng Đức Chúa Trời vẫn thấy, và Ngài đã có một kế họach diệu kỳ cho tôi tớ da đen của Ngài.

– Ngài có một người mẹ biết kính sợ Thiên Chúa, Bà Anna. Mặc dù phải chịu cảnh mẹ góa con côi, Bà không bao giờ kêu trách Chúa hay đổ tội cho hòan cảnh. Trái lại, Bà phấn đấu làm việc để nuôi hai chị em Martinô và dạy dỗ cho con mình biết trông cậy vào Thiên Chúa. Hơn nữa Bà còn dạy cho hai chị em biết chia sẻ những gì mình có được với những ai nghèo khổ, mặc dù chính gia đình Bà cũng phải vật lộn với bữa lo bữa đói. Truyện kể có một lần Bà tức giận bạt tai Martinô vì tưởng con mình bớt tiền chợ của gia đình để tiêu riêng; nhưng sau khi tìm hiểu nguyên do, Bà đã hối hận vì biết con dùng tiền để chia sẻ với người nghèo.

– Khi tới tuổi trưởng thành, Martinô xin vào tu trong Dòng Đaminh như một thầy trợ sĩ. Gương khiêm nhường và bác ái của Martinô đã thành những gương sáng cho mọi người bàn tán. Martinô xin Bề trên cho đưa một bệnh nhân về phòng để chính mình săn sóc, ngài nhường giường riêng của mình cho bệnh nhân, còn mình thì nằm trên sàn. Khi Nhà Dòng lâm cảnh thiếu thốn không còn tiền sinh sống, Martinô đã vào năn nỉ xin Bề trên cho bán mình làm nô lệ để kiếm cho Nhà Dòng một số tiền. Bề trên đã phải rơi lệ và ôm lấy Martinô, nhưng làm sao có thể bán được người đã thương anh em mình đến thế! Tình thương của Martinô không chỉ giới hạn vào con người, mà còn lan tràn tới cả thú vật. Truyện kể ngài có thể nói chuyện với cả … chuột. Số là vì Martinô nuôi ăn chúng nên chúng lan tràn khắp phòng; và hậu quả là chúng ăn luôn cả những chiếc áo dòng của các tu sĩ. Bề trên bị than phiền nên quyết định cho đặt bẫy và rải thuốc giết chuột. Martinô cho triệu tập gấp rút buổi họp của đại gia đình nhà chuột. Ngài ra điều kiện nếu muốn tiếp tục để ngài cho ăn thì tuyệt đối không được cắn áo của các tu sĩ; nếu không, đại tang sẽ đến với đại gia đình nhà chuột. Thế là đàn chuột bảo nhau, và từ đó trở đi, không thấy các tu sĩ than phiền về việc cắn áo của chuột nữa!

Hai Bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta thêm chất liệu để suy nghĩ thêm về cuộc đời Thánh Martinô; đồng thời rút ra những ví dụ sống cụ thể cho cuộc đời mỗi người. Trong Bài đọc I, tiên tri Isaiah nhấn mạnh về cách thức ăn chay: không phải là chỉ nhịn đói không ăn; nhưng còn là chia cơm sẻ bánh cho những người túng thiếu và giúp đỡ giải thóat họ khỏi mọi xiềng xích gông cùm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ngợi khen Thiên Chúa Cha, vì đã cho phép Ngài mặc khải sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho những người bé mọn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức bác ái quan trọng trên hết mọi nhân đức và sẽ tồn tại suốt đời.

1.1/ Cách ăn chay Thiên Chúa ưa thích:

(1) Thương linh hồn 7 mối: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?” Các điều tiên tri nói ở đây đã được Gíao Hội tổ chức và cắt nghĩa rõ ràng hơn trong “Thương linh hồn 7 mối:” Lấy lời lành mà khuyên người. Mở dạy kẻ mê muội. Yên ủi kẻ âu lo. Răn bảo kẻ có tội. Tha kẻ khinh dể ta. Nhịn kẻ mất lòng ta. Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Thương linh hồn 7 mối khó nhận ra và khó làm. Mọi tín hữu đều có bổn phận phải làm, nhưng các cha và các tu sĩ là những người chuyên lo những mối linh hồn này. Khi các ông bà giúp để đào tạo ơn gọi là đang dự phần vào việc thương các linh hồn, vì chính Chúa đã nói: “Ai giúp các tiên tri vì danh nghĩa là tiên tri thì cũng sẽ được phần thưởng của tiên tri” (). Các ông bà nhiều khi không có khả năng, thời giờ, cơ hội để dạy dỗ con cháu; nhưng nếu các ông bà đóng góp để đào tạo ơn gọi là các ông bà giúp đỡ chính con cháu mình; chuẩn bị cho chúng có được những người hướng dẫn đàng tinh thần trong tương lai.

Đói phần xác rất dễ nhận ra, nhưng đói khát tinh thần và tình yêu không dễ nhận ra. Hậu quả của việc đói tinh thần khốc liệt hơn hậu quả của đói phần xác; vì nó làm con người không biết sống ở đời này và lạc hướng đi trong tương lai. Chúa đã từng cảnh cáo: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, hỏi được lợi ích gì?”

(2) Thương xác 7 mối: “Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” Cũng thế, GH đã tổ chức và cắt nghĩa rõ ràng hơn trong “Thương xác 7 mối:” Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ bệnh cùng kẻ tù đày. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết. Cuộc đời Thánh Martinô là gương sáng cho những mối này: thánh nhân đã từng cho người nghèo ăn uống, mặc áo cho kẻ mình trần, săn sóc bệnh nhân, cho người lạ nằm trên giường mình, tình nguyện bán mình nuôi anh em, và chôn xác kẻ chết.

1.2/ Phần thưởng cho những người biết thương xót: Theo tiên tri Isaiah, người biết thương xót giúp đỡ kẻ cô thân cô thế, sẽ được Thiên Chúa bảo vệ, chúc lành, và cho chung hưởng vinh quang với Ngài. Điều đặc biệt nữa là khi cầu xin, sẽ được Thiên Chúa nhận lời: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây!” Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ.”

Thánh Martinô khi còn sống đã thi ân cho biết bao nhiêu người, khi chết rồi ngài còn bầu cử cho bao nhiêu người, nhất là cho dân Việt Nam chúng ta. Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao một thánh mãi tận Nam Mỹ mà lại trở nên thật gần gũi với người Việt Nam như vậy. Tôi nghĩ lý do có lẽ là vì ngài thương xót những người nghèo khổ: có đau mắt thì mới biết thương người mù. Hòan cảnh đau khổ ngài phải chịu khi lớn lên khiến ngài dễ đồng cảm với những khổ đau mà con dân Việt Nam phải chịu. Không biết bao nhiêu người đã tuốn đến Hố Nai và Ba Chuông để xin ngài che chở trước khi vượt biên. Bản thân cá nhân tôi cũng đã lấy ảnh ngài và dán vào những quầy tính tiền của tiệm để xin ngài bảo các anh em của ngài đừng gây thiệt hại phần xác cho các anh chị em và các cháu của tôi; bù lại tôi cũng nói với mọi người trong gia đình phải năng giúp những khách hàng nghèo khổ.

2/ Phúc Âm: Thiên Chúa mặc khải những điều cao siêu cho kẻ bé mọn.

2.1/ Khôn ngoan của Thiên Chúa được mặc khải cho những kẻ bé mọn: Có một sự khác biệt sâu đậm giữa khôn ngoan của Thiên Chúa và khôn ngoan của con người:

– Khôn ngoan của con người chỉ dành cho những người học cao, hiểu rộng; những người có cơ hội đi tới trường lớp.

– Khôn ngoan của Thiên Chúa lại dành cho những người bé mọn và ẩn giấu khỏi người khôn ngoan thông thái như Đức Giêsu nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”

2.2/ Chúa Giêsu là người mặc khải các khôn ngoan của Thiên Chúa: Khi nhập thể, nhiệm vụ đầu tiên của Ngài là mặc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhất là Mầu Nhiệm Cứu Độ. Nếu Đức Kitô không mặc khải, không ai có thể biết những mầu nhiệm này. Ngài nói: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” Thực sự, Ngài mặc khải cho tất cả, nhưng không phải ai cũng hiểu được. Để hiểu những mầu nhiệm này, con người cần có đức tin và lòng khiêm nhường.

2.3/ Những người nghèo khó và đau khổ là những người hiểu được khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúa Giêsu kêu mời: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Vì thế, không lạ gì một người hiền hậu và khiêm nhường như Martinô đã sớm nhận ra khôn ngoan của Thiên Chúa. Thánh Martinô quí trọng Thập Giá nên ngài sẵn sàng chịu đau khổ để thông phần vào Cuộc Thương Khó của Đức Kitô. Thánh nhân đã nhìn ra tình thương Thiên Chúa và nhìn thấy Thiên Chúa trong các anh chị em nghèo khổ; vì thế, ngài sẵn sàng hy sinh tất cả để giúp đỡ họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Nếu đời cho ta trái chanh chua, hãy biến nó thành ly chanh đường. Chúng ta hãy tập có thái độ tích cực trong cách nhìn và cư xử với đời.

– Đừng than thân trách phận vì sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Chẳng có ngôi sao nào xấu cả: Nếu biết đặt niềm tin nơi Chúa và để Ngài hướng dẫn cuộc đời, chúng ta cũng sẽ thành thánh như Thánh Martinô.

– Thánh Martin đã được Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan để nhận ra điều quan trọng nhất trong cuộc đời là đức bác ái, thương xót tất cả mọi người như Chúa thương mình.

Skip to content