Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Ngày 18 tháng 12 – MV
Bài đọc: Jer 23:5-8; Mt 1:18-24.
1/ Bài đọc I: 5 Này, sẽ tới những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA –
Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít
một chồi non chính trực.
Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là
người khôn ngoan tài giỏi
trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh.
6 Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Ít-ra-en được sống yên hàn.
Danh hiệu người ta tặng vua ấy
sẽ là: “ĐỨC CHÚA, sự công chính của chúng ta.”
7 Vì thế, này đây sẽ tới những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – người ta không còn nói như sau nữa: “Nhân danh ĐỨC CHÚA hằng sống, Đấng đưa con cái Ít-ra-en lên khỏi đất Ai-cập!”,
8 nhưng sẽ nói: “Nhân danh ĐỨC CHÚA hằng sống, Đấng đã đưa dòng dõi nhà Ít-ra-en lên khỏi đất phương Bắc và khỏi mọi miền đất Người đã xua họ đến, để họ được cư ngụ trên đất của họ!”
2/ Phúc Âm: 18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.
19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.
20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.
21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”
22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:
23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”
24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Công chính và tội lỗi
Mọi người đều phạm tội. Làm thế nào để con người trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa? Con người có thể trở nên công chính bằng việc giữ luật không? Thánh Phaolô quả quyết rằng “Không!” vì không ai có thể giữ trọn vẹn Lề Luật. Chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô, mới có thể làm con người nên công chính. Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Jeremiah tiên báo: Đức Chúa (Chúa Kitô) là sự công chính của chúng ta. Trong Phúc Âm, Thánh Giuse là “người công chính,” muốn bỏ Mẹ Maria cách kín đáo; nhưng khi được Thiên Thần mộng báo, đã vâng theo ý Thiên Chúa và chấp nhận Bà Maria và Chúa Giêsu về nhà mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Chúa, sự công chính của chúng ta.
1.1/ Giòng dõi David từ chỗ hy vọng tan tành tới chỗ hòan tất của lời hứa: Khi người Do-Thái sống trong nơi lưu đày, chắc họ đã nhận thấy hy vọng của họ vào những gì Thiên Chúa đã chúc lành cho họ qua Tổ-phụ Jacob và những lời tiên tri của Isaiah, quyển I, Micah, và các tiên tri khác bị tan tành theo mây khói. Làm sao có thể khôi phục lại đất nước trong hòan cảnh lưu đày? Làm sao có thể khôi phục lại vương triều của giòng dõi Judah để Đấng Cứu Thế xuất hiện? Nhưng Tiên Tri Jeremiah vẫn hy vọng: “Này, sẽ tới những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà David một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh.”
1.2/ Vua công chính: “Thời bấy giờ, Judah sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên hàn.
Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta.”
(1) Đấng đưa con cái Israel lên khỏi đất Ai-Cập: chỉ biến cố Xuất Hành, khi Thiên Chúa đưa dân ra khỏi đất nô lệ của Ai-Cập qua sự lãnh đạo của Moses và Aaron.
(2) Đấng đã đưa dòng dõi nhà Israel ra khỏi đất phương Bắc: chỉ sự hồi hương và tái thiết quốc gia cùng Đền Thờ, khi Thiên Chúa giải thóat dân khỏi cảnh lưu đày ở Babylon.
2/ Phúc Âm: Chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội.
Tin Mừng Matthêu tường thuật hòan cảnh đính hôn của cha mẹ Chúa Giêsu như sau: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: Bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.”
2.1/ Nỗi khó khăn của Thánh Giuse: Để hiểu lời tường thuật của Matthêu, chúng ta phải hiểu phong tục của Do-Thái liên quan tới việc kết nghĩa vợ chồng. Giống như phong tục Việt-Nam, có 3 giai đọan:
(1) Hứa hôn: Khi hai trẻ còn nhỏ, cha mẹ hai bên muốn kết nghĩa sui gia; nên cha mẹ hai bên hứa hẹn với nhau, sẽ gả con cho nhau khi hai trẻ tới tuổi lập gia đình. Đây chỉ là một lời hứa và không bị ràng buộc về khía cạnh pháp lý. Nếu hai trẻ không đồng ý hay hai cha mẹ đổi ý, lời hứa không còn hiệu lực.
(2) Đính hôn: Đó là từ chính xác Matthêu dùng để chỉ hòan cảnh của Ông Giuse và Bà Maria hôm nay. Khi gia đình hai bên và hai trẻ đồng ý tiến tới, họ bước vào giai đọan đính hôn để tìm hiểu nhau kỹ càng hơn trong thời hạn một năm. Trong giai đọan này, theo luật Do-Thái, lời hứa bị ràng buộc, hai người được coi như vợ chồng; mặc dù chưa được “ăn ở” với nhau như vợ chồng. Nếu chồng không tiến tới, ông phải làm đơn xin ly dị và nêu rõ lý do. Nếu chồng chết trong giai đọan này, người vợ được gọi là “góa phụ đồng trinh.”
(3) Thành hôn: Sau thời hạn đính hôn một năm, hai người tiến tới giai đọan chính thức thành vợ chồng.
Nỗi khó khăn của Ông Giuse, như trình thuật nói, vì ông là người công chính nên ông không thể dung thứ tội lỗi cho Bà Maria. Theo Lề Luật, Ông phải tố cáo Bà Maria để bị ném đá cho tới chết vì đứa con trong bào thai không phải là của Ông. Nhưng Ông chắc cũng linh tính một trường hợp đặc biệt liên quan đến Bà Maria và đứa con trong bụng, nên cuối cùng Ông quyết định lìa bỏ Bà cách âm thầm kín đáo.
2.2/ Ý muốn của Thiên Chúa: Trong khi Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tên Giêsu là tiếng Hy-Lạp dịch từ tiếng Do-Thái Joshua, có nghĩa là “giải thóat hay cứu độ.” Chúa Giêsu được gọi là Đấng Giải Thóat, Cứu Thế, hay Chuộc Tội, vì Ngài gánh tội và giải thóat cho nhân lọai khỏi tội.
Sứ Thần của Thiên Chúa biết những gì Ông Giuse đang suy nghĩ và cung cấp câu trả lời cho Ông: người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Để hiểu “quyền năng Chúa Thánh Thần,” chúng ta cần hiểu vai trò của Chúa Thánh Thần trong chương trình của Thiên Chúa. Truyền thống Do-Thái hiểu 4 công việc chính của Thánh Thần:
(1) Ngài là Sự Thật, Ngài đem sự thật từ Thiên Chúa đến cho con người. Chúa Giêsu hứa với các môn đệ Ngài: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Jn 16:13).
(2) Ngài làm cho con người hiểu và nhận ra sự thật. Thánh Gioan hiểu rõ: Nếu không có Thánh Thần giúp sức, con người không thể hiểu những gì Chúa Giêsu mặc khải: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Jn 14:26).
(3) Ngài hiện diện với Thiên Chúa ngay từ khi sáng tạo vũ trụ. Ngài là hơi thở của Thiên Chúa: để phát ra Lời (Ngôi Hai) và ban hơi thở và sự sống cho muôn lòai. Tác giả của Thánh Vịnh 33 hiểu rõ sứ vụ của Ba Ngôi Thiên Chúa trong việc sáng tạo: “Một Lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Psa 33:6). Sự khôn ngoan của Thiên Chúa phải có Hơi (pneuma) và Lời (logos) để tạo thành vũ trụ.
(4) Ngài cũng là nguyên nhân chính của “đổi mới và tái tạo.” Thị kiến của Tiên Tri Ezekiel về “Ruộng Xương Khô” là một ví dụ cho công việc này của Thánh Thần: “Người lại bảo tôi: “Ngươi hãy tuyên sấm gọi thần khí; tuyên sấm đi, hỡi con người! Ngươi hãy nói với thần khí: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh.” Tôi tuyên sấm như Người đã truyền cho tôi. Thần khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên: Đó là cả một đạo quân lớn, đông vô kể” (Eze 37:9-10). Cùng với Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu tới để đổi mới và ban sinh lực cho con người. Ngài tiêu diệt tội lỗi trong con người cũ và ban ơn thánh để làm cho con người trở nên con người mới tinh tuyền và thánh thiện.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Vì chúng ta đều phạm tội, chúng ta không thể trở nên công chính bằng sức mình.
– Chúng ta chỉ có thể trở nên công chính bằng tin vào Đức Kitô, Đấng gánh tội và giải thóat chúng ta khỏi mọi quyền lực của tội lỗi.