Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Ngày 28 tháng 12, Lễ Các Thánh Anh Hài Tử Đạo
Bài đọc: I Jn 1:5-2:2; Mt 2:13-18.
1/ Bài đọc I: 5 Đây là lời loan báo của Đức Giê-su Ki-tô mà chúng tôi đã nghe, và nay chúng tôi loan báo cho anh em: Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào.
6 Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối
và không hành động theo sự thật.
7 Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giê-su, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.
8 Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.
9 Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.
10 Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội,
thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta.
1 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha:
đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính.
2 Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta,
không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.
2/ Phúc Âm: 13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”
14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.
15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.
17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:
18 “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa và tội lỗi con người
Nhiều người thường thắc mắc về biến cố tử đạo của các thánh anh hài hôm nay: “Tại sao Thiên Chúa thương yêu nhân loại đến độ cho Con Một của mình bỏ trời cao xuống nhập thể để ở với con người, lại để cho vua Herode đối xử tàn nhẫn với các trẻ thơ như vậy?” Rồi họ kết luận: hoặc Thiên Chúa không có uy quyền để ngăn chặn, hoặc Thiên Chúa không yêu thương con người thật; cả hai lý do đều làm họ không tin vào Thiên Chúa.
Trước tiên, chúng ta phải xác nhận vì Đức Kitô đã xuống trần, nên chết không phải là điều tai hại; nhưng là bước qua ngưỡng cửa đời sau để hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Đó là mục đích của cuộc đời, nếu cho con người lựa chọn khi mới sinh ra: hoặc là về hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa ngay, hoặc phải sống đủ thời gian trên dương thế chịu đựng đau khổ, bệnh tật, và chưa chắc đã được cứu độ, chúng ta sẽ chọn đàng nào?
Thứ đến, Thiên Chúa không chịu trách nhiệm cho những tội lỗi của con người: việc vua Herode giết các anh hài hoàn toàn do sự lạm dụng tự do Thiên Chúa ban cho ông; vì ông kiêu căng và sợ mất quyền bính. Tuy nhiên, uy quyền Thiên Chúa vẫn chiếu sáng trong thảm trạng đau khổ này: máu của trẻ thơ vô tội đổ ra để làm chứng cho biến cố Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn dùng tình thương để hoán cải lòng dạ chai đá và tính ngông cuồng tội lỗi của con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự tương phản giữa Thiên Chúa và con người
1.1/ Tình thương và uy quyền của Thiên Chúa:
(1) Thiên Chúa là ánh sáng, Đấng tuyệt đối thánh thiện: Gioan xác tín: “Đây là lời loan báo của Đức Giêsu Kitô mà chúng tôi đã nghe, và nay chúng tôi loan báo cho anh em: Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào.” Ánh sáng và bóng tối là một trong những chủ đề chính của Gioan cả trong Phúc Âm cũng như trong các thư. Thiên Chúa là ánh sáng từ trời xuống trần gian để giúp con người nhìn ra sự thật, và sự thật sẽ giải thoát con người (Jn 8:32). Ai đi trong ánh sáng sẽ vững tâm vì không sợ bị lạc đường.
(2) Thiên Chúa thanh tẩy bóng tối tội lỗi con người qua Máu của Đức Kitô: Bóng tối là tội lỗi con người, là tất cả những gian tà, dối trá, ẩn giấu trong tâm hồn con người. Bóng tối và ánh sáng không thể ở chung với nhau: kẻ thích bóng tối ghét ánh sáng vì ánh sáng làm cho những tà tâm của họ bị phơi bày; nhưng người lành thích và đến cùng ánh sáng, để họ được hưởng những lợi ích của ánh sáng: được thanh tẩy mọi bóng tối tội lỗi và được hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau. Khi con người nói mình được kết hiệp với Đức Kitô mà lại đi trong bóng tối, thì con người tự dối mình và không hành động theo sự thật.
1.2/ Yếu đuối và tội lỗi của con người:
(1) Tội lỗi hiện hữu nơi con người: Thánh Gioan nêu lên một sự kiện thực tế: mọi phàm nhân đều phạm tội. “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.” Nhiều người không cho mình có tội, vì nhiều lý do: (1) Họ không chịu xét mình cẩn thận; (2) Họ không biết các giới răn và hiểu biết những dạy dỗ của Thiên Chúa; (3) Lương tâm của họ đã ra chai đá vì đã quá quen ở trong tội. Khi ở trong bóng tối quá lâu, con người mất khả năng cảm nghiệm ánh sáng; khi đã quá quen với dối trá, con người dị ứng với sự thật. Khi con người nói họ không phạm tội, họ biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối: “Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta.”
(2) Mọi người đều cần lãnh nhận ơn tha thứ: Nếu đã phạm tội, con người cần thú nhận tội lỗi để được tha thứ. Đức Kitô đã chuẩn bị cho con người được tha tội qua việc trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho các Tông đồ và những người kế vị. “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.” Khi con người tự cho mình là công chính, họ sẽ không cần đến với Thiên Chúa để lãnh nhận ơn tha thứ.
2/ Phúc Âm: Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.
2.1/ Sự khôn ngoan của Thiên Chúa: Ngài thấu suốt ý định độc ác của vua Herode, nên sai sứ thần làm hai chuyện để cứu Chúa Giêsu, Con của Ngài:
(1) Báo cho các nhà đạo sĩ biết kế hoạch độc ác của vua Herode, để họ tìm đường khác trở về quê hương, mà không cần trở lại
(2) Sai sứ thần báo mộng cho ông Giuse đang đêm trong giấc mộng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Herode sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Giuse vâng lời sứ thần, ông liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.
Lý do vua Herode tìm giết con trẻ là vì ông sợ con trẻ sẽ lấy đi ngai vàng của ông! Ông tìm giết con trẻ khi vẫn còn thơ và khi trong tay không có một vũ khí để tự vệ. Con người ngày nay vẫn đang tìm giết các trẻ thơ yếu đuối vô tội, ngay khi còn là thai nhi trong lòng mẹ, vì đủ mọi lý do tưởng tượng mà con người có thể nghĩ tới: bảo vệ tương lai, tự do, và sức khỏe cho người mẹ, hay sợ thai nhi phải đau khổ và không được giáo dục sau này.
1.2/ Tính ngông cuồng cường bạo của vua Herode: Trình thuật kể vua tức giận vì bị các nhà đạo sĩ “đánh lừa.” Thực ra, các nhà đạo sĩ không đánh lừa nhà vua mà chỉ sông theo sự thật. Họ được sứ thần Thiên Chúa cho biết ý nghĩ ác độc của vua Herode, nên họ theo lối khác mà về quê hương của họ. Chẳng lẽ họ trở lại để mách đường cho nhà vua đến giết Người mà họ đã vất vả tìm kiếm để thờ lạy? Vua Herode nổi giận, ”nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bethlelem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các đạo sĩ.”
Matthew tường thuật sự ứng nghiệm lời của ngôn sứ Jeremiah (Jer 31:15): “Ở Ramah, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rachel khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.” Để hiểu lời ngôn sứ Jeremiah, chúng ta phải trở về với (Gen 35:19), tường thuật hoàn cảnh đau khổ của bà Rachel: bà chết khi sinh Benjamin trong lúc tuổi già; chứ không đau khổ vì con bị lấy đi. Tiên tri Jeremiah dùng cách giải thích Kinh Thánh Midrash của người Do-thái, thay lý do chính tại sao bà Rachel than khóc trong câu kế tiếp (Jer 31:16), vì các con Bà bị lưu đày bên Ai-cập; nhưng Thiên Chúa sẽ cho các con của Bà được trở về. Trong trình thuật hôm nay, Ngài cũng đem con Ngài từ Ai-cập trở về.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa rất mực tốt lành và yêu thương, nơi Ngài không ẩn giấu một chút gian tà và thù hận; ngược lại, nơi con người đầy dẫy những yếu đuối, tội lỗi, và thù hận. Chúng ta cần ánh sáng, sự thật và tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
– Nguy hiểm xảy ra là khi con người tự cho họ có đủ khôn ngoan để xét xử Thiên Chúa và tự cho là công chính để không cần đến tình thương Thiên Chúa. Những người này đã bị ma quỉ lừa dối để họ từ chối lãnh nhận ơn cứu độ của Ngài.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}