Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả

 

Bài đọc: Isa 49:1-6; Acts 13:22-26; Lk 1:57-66, 80.

 

1/ Bài đọc I: 1 Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý:
ĐỨC CHÚA đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ,
lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.

2 Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người.
Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.

3 Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta.
Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.”

4 Phần tôi, tôi đã nói: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.”
Nhưng sự thật, đã có ĐỨC CHÚA minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.

5 Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng.
Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ
để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người
và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người.
Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.

6 Người phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp,
để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.
Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,
để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

 

2/ Bài đọc II: 22 Sau khi truất phế vua Sa-un, Người đã cho ông Đa-vít xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta.

23 Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ít-ra-en một Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su. 24 Để dọn đường cho Đức Giê-su, ông Gio-an đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.

25 Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gio-an đã tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người.

26 “Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Áp-ra-ham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta.

 

3/ Phúc Âm: 57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai.

58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.”

61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.”

62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì.

63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ.

64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.

65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê.

66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? ” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. 80 Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết Thiên Chúa và biết chính mình.

 

Theo lịch Phụng Vụ, chúng ta chỉ cử hành 3 lễ sinh nhật: của Chúa Giêsu, của Đức Mẹ, và của thánh Gioan Tẩy Giả. Riêng Gioan Tẩy Giả, Giáo Hội không những cử hành ngày sinh nhật mà còn cử hành ngày ông bị chém đầu nữa. Điều này nói lên tầm quan trọng của Gioan Tẩy Giả trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận tầm quan trọng của ông khi Ngài nói: “Trong tất cả những người sinh ra bởi người nữ, không có ai quan trọng hơn Gioan Tẩy Giả” (Mt 11:11).

Các bài đọc hôm nay muốn nói lên mối liên hệ quan trọng của Gioan và Đấng Thiên Sai. Trong bài đọc I, Bài Ca Thứ Hai về Người Tôi Trung của Thiên Chúa, ngôn sứ Isaiah dĩ nhiên là nói về Đức Kitô; nhưng cũng có rất nhiều điều có thể áp dụng cho Gioan Tẩy Giả: được kêu gọi trước khi thành hình trong bụng mẹ cho một sứ vụ, cả cuộc đời ông là làm theo thánh ý của Thiên Chúa, ông dọn đường cho Đấng Thiên Sai bằng cách chuẩn bị tâm hồn con cái Israel để đem họ tới với Ngài. Trong bài đọc II, tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ xác nhận vị trí quan trọng của Gioan trong Kế Hoạch Cứu Độ. Ông đến trước để dọn đường cho Đấng Thiên Sai bằng cách kêu gọi con cái Israel ăn năn trở lại và chịu phép rửa để tỏ lòng ăn năn thống hối. Khi Đấng Thiên Sai tới, ông đã chỉ cho mọi người biết Ngài là Đấng sẽ mang lại ơn cứu độ cho muôn người. Trong Phúc Âm, thánh sử Lucas tường thuật những điều lạ lùng chung quanh việc sinh ra của Gioan Tẩy Giả: bởi một cha mẹ đã quá tuổi sinh con, cha bị câm cho đến sau khi cả cha lẫn mẹ đều muốn đặt tên con trẻ là Gioan, có nghĩa: ông là quà tặng của Thiên Chúa cho loài người.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Jacob về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người.

 

1.1/ Phải ghi nhớ muôn đời những gì Thiên Chúa đã làm, và loan báo cho mọi người được biết. Người Tôi Trung tường thuật những gì Thiên Chúa đã làm cho ông: “Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.” Tất cả những gì tôi sở hữu đến giờ này là do Người ban: tài năng, sức mạnh, sự hiểu biết. Người bảo vệ tôi như người dũng sĩ cất giấu các mũi tên bên mình, chứ không hoang phí một mũi tên nào.

Sẽ có những lúc Người Tôi Trung cảm thấy mệt mỏi, vì thấy những cố gắng của mình bị khoang phí và không mang lại kết quả như lòng mong ước, và phải thốt lên: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.” Nhiều khi Người Tôi Trung còn phải lãnh nhận những hậu quả ngược lại điều mong ước: phản bội thay vì thương yêu, oán thù thay vì ân nghĩa.

 

1.2/ Phải tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh của Thiên Chúa:

(1) Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi: Những lúc chao đảo như thế, Người Tôi Trung cần định thần để nhớ lại đâu là nguồn sức mạnh đích thực của mình, và đâu là sứ vụ đã được trao phó: “Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng. Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Jacob về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.”

(2) Không chỉ giải thóat Israel, mà còn trở nên ánh sáng cứu độ cho tòan thế giới: Sứ vụ của Người Tôi Trung không chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Do-thái, nhưng được mở rộng cho tòan thế giới, vì như Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Jacob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

 

2/ Bài đọc II: Ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.

 

2.1/ Chúa Giêsu xuất thân từ giòng dõi David.

Tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ mời khán giả nhìn lại lịch sử để nhận biết Đấng Thiên Sai đã được loan báo từ ngàn xưa. Ngài sẽ sinh bởi dòng dõi của vua David: “Sau khi truất phế vua Saul, Người đã cho ông David xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được David, con của Jesse, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu.”

 

2.2/ Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Ngài.

Truyền thống Do-thái tin có một sự liên hệ mật thiết giữa ngôn sứ Elijah và Đấng Thiên Sai. Họ tin ngôn sứ Elijah không chết, ông được một cỗ xe ngựa đỏ cuốn đi theo một cơn lốc trong khi môn đệ ông là Elishah dõi mắt nhìn theo. Họ tin ông Moses và ngôn sứ Elijah sẽ trở lại để dọn lòng cho dân chúng trước thời Đấng Thiên Sai tới, nên họ luôn để hai chiếc ghế trống trong thánh điện cho hai ông.

Trước khi Chúa Giêsu tới, Gioan đã xuất hiện trong hoang địa. Ông sống một cuộc đời rất đơn giản, không lệ thuộc vào vật chất và dành toàn thời gian để dọn lòng cho con cái Israel đón Đấng Thiên Sai tới. “Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.”

Nhiều người lầm tưởng ông với Đấng Thiên Sai, ông Gioan đã thẳng thắn tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người.”

Khi các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về việc phải đến của ngôn sứ Elijah, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết: Gioan Tẩy Giả chính là ngôn sứ Elijah.

 

3/ Phúc Âm: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

 

2.1/ Niềm vui khi Gioan chào đời:

Có nhiều lý do để vui mừng chung quanh biến cố chào đời của Gioan Tẩy Giả:

(1) Cha mẹ của Gioan vui mừng vì họ được Thiên Chúa cho có con trong lúc cao niên.

(2) Niềm vui của ông bà được gấp đôi vì không những có con, mà lại có con trai để nối dõi tông đường.

(3) Bên cạnh niềm vui có con, còn một niềm vui khác là ông Zechariah khỏi bệnh câm.

(4) Trên hết mọi niềm vui là Gioan được tuyển chọn là Sứ-giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tất cả bà con và láng giềng biết Thiên Chúa đã quá thương ông bà, nên đến chia vui, và họ tự hỏi “tương lai của trẻ này sẽ ra sao,” vì quả thực “bàn tay của Thiên Chúa đặt trên con trẻ.”

 

2.2/ Sự lạ chung quanh việc đặt tên:

Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và đặt tên cho em. Giống như truyền thống Việt-Nam quan niệm “tên là người,” vì thế, phải đặt tên làm sao để mỗi khi nhắc tới tên, người ta nhớ tới hòan cảnh em được sinh ra, hay ước mơ cha mẹ muốn em trở thành. Có 3 ý kiến khác nhau trong việc đặt tên cho con trẻ hôm nay:

(1) Họ hàng tính lấy tên cha là Zechariah mà đặt cho em, vì ông Zechariah không nói được. Đây là điều thông thường vì truyền thống Do-Thái có thói quen lấy tên người cha đặt cho con trẻ; nhất là những gia đình hiếm hoi.

(2) Ý của người mẹ: Bà Elizabeth phản đối: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan (John).” Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” Tên John là tên viết tắt của tiếng Do-Thái, Jeho-hannah, có nghĩa: quà tặng của Thiên Chúa. Nếu xét về hòan cảnh của bà Elizabeth, em đúng thực là quà tặng của Thiên Chúa cho gia đình Bà.

(3) Ý của người cha: Vì có xung đột ý kiến, nên họ làm hiệu hỏi ý kiến người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan.” Đây là tên mà Sứ-thần Gabriel truyền cho ông phải đặt tên cho con trẻ (Lk 1:13).

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

Có rất nhiều điều chúng ta có thể học được nơi Gioan Tẩy Giả:

(1) Ông ăn châu chấu và mật ong rừng, mình cuốn lông lạc đà, ở trong các hang động. Ông vẫn sống mạnh khỏe và dành toàn thời gian kêu gọi dân chúng ăn năn quay về với Thiên Chúa. Noi gương Gioan, chúng ta hãy biết sống một cuộc đời giản dị, càng ít lệ thuộc vào vật chất càng tốt để có giờ chuẩn bị cho dân chúng đến gặp gỡ Thiên Chúa.

(2) Ông biết sự thật giữa mình với Đức Kitô: ông chỉ là tiếng kêu trong hoang địa để kêu gọi mọi người quay về với Thiên Chúa. Ông không đáng cởi quai giầy cho Ngài. Khi có người lầm lẫn giữa ông với Đức Kitô, ông đã thẳng thắn tuyên bố: ông không phải là Đức Kitô. Khi phải làm chứng cho sự thật, ông đã can đảm nói thẳng với vua Herode: nhà vua không được lấy vợ của anh mình. Điều này đã làm ông bị ngồi tù và bị chém đầu đặt trên đĩa đem cho bà hoàng hậu gian ác là Herodia. Noi gương Gioan, chúng ta cũng phải học hỏi để biết sự thật về mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Chúng ta hãy có can đảm nói sự thật. Đừng bao giờ đánh cắp công ơn của Thiên Chúa và của người khác. Sau cùng, chúng ta hãy có can đảm làm chứng cho sự thật, dẫu có phải ngồi tù hay mất mạng vì sự thật.

(3) Ông chu toàn tất cả sứ vụ Thiên Chúa trao phó: Khi biết bổn phận của mình là người dọn đường cho Thiên Chúa, ông tìm hết cách và dành toàn thời gian để chu toàn sứ vụ của mình. Ông không hướng mọi người tới ông; nhưng chỉ cho mọi người đến với Đức Kitô, ngay cả những môn đệ thân tín nhất. Noi gương ông, chúng ta hãy chu toàn sứ vụ của mình là dành mọi thời gian và nỗ lực để chuẩn bị cho mọi người đến gặp Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô. Đừng quan trọng hóa con người mình; nhưng hãy khiêm nhường nhỏ bé đi để Đức Kitô được lớn lên và biết tới bởi mọi người.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content