Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
{audio}LCHN/audio/Thu Ba Tuan 21 TN.mp3{/audio}
Thứ Ba, Tuần 21 TN, Năm lẻ.
Bài đọc: I Thes 2:1-8; Mt 23:23-26.
1/ Bài đọc I:
1 Thật vậy, thưa anh em, chính anh em biết rằng việc anh em đón tiếp chúng tôi không phải vô ích.2 Như anh em biết, chúng tôi đã đau khổ và bị làm nhục tại Phi-líp-phê; nhưng vì tin tưởng vào Thiên Chúa chúng ta mà chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em, qua những cuộc chiến đấu gay go.3 Lời giảng của chúng tôi không do sự sai lầm, không có dụng ý xấu, không nhằm lừa dối ai,4 nhưng vì Thiên Chúa đã thử luyện chúng tôi và giao phó Tin Mừng cho chúng tôi, thì chúng tôi cứ vậy mà rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng thử luyện tâm hồn chúng tôi.5 Không bao giờ chúng tôi đã dùng lời xu nịnh, như anh em biết; không bao giờ chúng tôi đã viện cớ để che đậy lòng tham, có Thiên Chúa chứng giám;6 không bao giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay người khác,7 trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi, với tư cách là Tông Đồ Đức Ki-tô.8 Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.
2/ Phúc Âm:
23 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.24 Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.25 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ.26 Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trong ngoài như một; lời nói phải đi đôi với hành động.
Nhiều người chú trọng đến hình thức bên ngoài, vì họ nghĩ người khác chỉ có thể đánh giá họ trên những cái bên ngoài đó; nhưng họ biết đâu, họ không qua mặt được những người khôn ngoan có kinh nghiệm, và nhất là Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn trong tâm hồn.
Các Bài Đọc hôm nay mời gọi con người vượt qua hình thức bên ngoài để đi sâu vào đời sống nội tâm bên trong. Trong Bài Đọc I, vì đã quá quen với cách đánh giá trị hời hợt bên ngoài, các người Do-thái đã dùng thủ đọan để tố cáo Phaolô có cuộc sống hai mặt: lạm dụng việc rao giảng Tin Mừng để mưu cầu lợi ích cho bản thân. Vì thế, ngài phải viết thư khuyên các tín hữu Thessalonica hãy cẩn thận trong việc phán đóan: cuộc sống của Ngài khi ở với họ là bằng chứng hùng hồn cho những gì Ngài rao giảng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vạch trần cuộc sống giả hình của các người Biệt-phái. Họ quá chú trọng đến chi tiết mà quên đi mục đích và nguyên tắc của Lề Luật là sự thật, lòng nhân hậu, và sự trung tín. Họ quá chú trọng đến hình thức bên ngoài mà quên đi sự cần thiết của việc thanh tẩy và thánh thiện trong tâm hồn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những thái độ cần có và phải tránh khi rao giảng Tin Mừng.
1.1/ Những thái độ cần có khi rao giảng Tin Mừng: Người rao giảng Tin Mừng là những ngôn sứ của Thiên Chúa được Ngài sai đi để nói thay Ngài; chứ không phải tự ý họ chọn để làm ngôn sứ. Vì thế, ngôn sứ cần phải chu toàn sứ vụ:
(1) Cho vinh danh Thiên Chúa: Thánh Phaolô tuyên bố rõ ràng: “Vì tin tưởng vào Thiên Chúa chúng ta mà chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em, qua những cuộc chiến đấu gay go.”
(2) Cho phần rỗi linh hồn tha nhân: Yêu Chúa là thương tha nhân, linh hồn của tha nhân là điều quí trọng nhất. Thánh Phaolô tâm sự: “Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.”
(3) Rao giảng sự thật: Sứ vụ của ngôn sứ là rao giảng chân lý đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, như thánh Phaolô tuyên bố: “Lời giảng của chúng tôi không do sự sai lầm, không có dụng ý xấu, không nhằm lừa dối ai, nhưng vì Thiên Chúa đã thử luyện chúng tôi và giao phó Tin Mừng cho chúng tôi, thì chúng tôi cứ vậy mà rao giảng.”
1.2/ Những thái độ phải tránh khi rao giảng Tin Mừng: Bên cạnh những điều phải làm, ngôn sứ cần phải tránh những thái độ sau đây:
(1) Làm vừa lòng người phàm: Đây là khuynh hướng rao giảng để tìm vui cho thiên hạ, để làm cho người khác cười, mà không đem đến sự cải hóa tâm hồn bên trong. Khuynh hướng này rất dễ đưa tới việc thuật lại những chuyện tiếu lâm hay những áng văn chương, thay vì chú trọng đào sâu Lời Chúa. Dĩ nhiên, ai cũng biết tâm lý quần chúng là thích cười, không thích phải suy nghĩ, và càng không thích những gì làm lương tâm họ phải cắn rứt; nhưng không phải vì thế mà ngôn sứ phải chiều theo thị hiếu của khán giả. Họ chỉ có 10 phút để nghe giảng mỗi Chủ Nhật hoặc tối đa là một tiếng mỗi khi giảng phòng, để nhà ngôn sứ nói cho họ nghe về Lời Chúa; chẳng lẽ nhà ngôn sứ không biết sự khẩn thiết của những khỏang thời gian này! Nếu khán giả thích kịch nghệ, họ có dư thời gian để ở nhà xem các chương trình cười hay đến các hí trường để xem kịch nghệ; thánh đường không phải là chỗ cho những giải trí thoải mái này. Ngôn sứ không phải là kịch sĩ hay nhà hài hước, nhưng là thợ đưa tâm hồn con người về cho Thiên Chúa. Nếu khán giả phải hư đi vì không được nghe lời sự thật của Thiên Chúa, nhà ngôn sứ phải chịu trách nhiệm về sự hư đi của khán giả (Eze 3:18)!
(2) Sợ làm mất lòng khán giả: Ngôn sứ nào sợ đụng chạm, sợ mất lòng khán giả sẽ không dám rao giảng sự thật của Lời Chúa. Ví dụ: không dám rao giảng về tai hại của xì ke, ma túy khi biết nhiều khán giả bên dưới đang hành nghề “trồng cỏ!” Không dám rao giảng về sự trung thành trong ơn gọi gia đình, khi biết nhiều khán giả bên dưới đang trong tình trạng ly thân, ly dị, hay ngoại tình.
(3) Tìm lợi nhuận cá nhân: Thánh Phaolô rất thành thật khi nói: “Chúng tôi không bao giờ dùng lời xu nịnh: như anh em biết; không bao giờ chúng tôi đã viện cớ để che đậy lòng tham, có Thiên Chúa chứng giám.” Ngôn sứ nào có khuynh hướng này sẽ rao giảng để đề cao cá nhân mình, thay vì làm vinh danh Thiên Chúa; sẽ rao giảng để được thăng quan tiến chức; hay lợi dụng việc rao giảng để quyên tiền hay để bán những sản phẩm của mình.
(4) Để được người đời khen ngợi: Thánh Phaolô thú nhận: “không bao giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay người khác.” Ngôn sứ nào có khuynh hướng này sẽ chỉ rao giảng khi có đông người, và khinh chê rao giảng trước đám đông ít ỏi; chú trọng đến việc rao giảng cho thành phần trí thức, và khinh chê những thành phần ít học.
2/ Phúc Âm: Hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.
2.1/ Hãy chú trọng đến công lý, lòng nhân và thành tín: Chúa Giêsu nhắc nhở khán giả phải nắm lấy nguyên lý và mục đích của Lề Luật, khi Ngài vạch ra cái nhìn thiển cận của các kinh-sư và Biệt-phái: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và Biệt-phái giả hình! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.” Ví dụ, mục đích của Lề Luật là để bảo vệ con người, chứ không phải để con người làm nô lệ cho Lề Luật. Vì thế, không được nhân danh Lề Luật để làm thiệt hại mạng sống con người, hay cấm không cho chữa bệnh trong ngày Sabbath.
2.2/ Phải tránh những mù quáng của các người Biệt-phái: Nhiệm vụ của người lãnh đạo là phải biết tất cả những gì nguy hiểm có thể xảy ra trên đường và biết cách đối phó. Người lãnh đạo không thể:
(1) Quá chú trọng đến chi tiết nhỏ nhặt mà quên những điều trọng yếu: Chúa Giêsu mắng các kinh sư và Biệt-phái: “Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.” Chúa có ý muốn nói, họ quá để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt, mà quên đi bao điều to lớn và quan trọng hơn.
(2) Quá chú trọng đến những cử chỉ bề ngoài, mà không chú trọng đến việc thanh tẩy trong tâm hồn: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và Biệt-phái giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Hỡi những Biệt-phái mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.” Chúa có ý muốn nói khi rửa chén đĩa, chỗ quan trọng cần phải sạch là phần bên trong, chỗ tiếp xúc với đồ ăn, cần phải sạch. Cũng vậy, tâm hồn và trí tuệ con người là những nơi cần phải sạch hơn cả, chứ không phải chỉ sạch sẽ thân xác bề ngoài mà thôi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta hãy biết sống thành thực với Thiên Chúa, với tha nhân, và với chính mình. Chúng ta không thể giấu bất cứ điều gì với Thiên Chúa, Đấng sẽ phán xét chúng ta.
– Khi rao giảng Tin Mừng, chúng ta hãy rao giảng những gì Thiên Chúa dạy một cách chân thật và vô vị lợi; nếu không, chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm với Thiên Chúa.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}