Thứ Ba – Tuần 24 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Ba – Tuần 24 – TN1 – Nhớ Đức Mẹ Sầu Bi.

Bài đọc: I Tim 3:1-13; Jn 19:25-27.

1/ Bài đọc I: 1 Đây là lời đáng tin cậy: ai mong được làm giám quản, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp.

2 Vậy giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy;

3 người ấy không được nghiện rượu, không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền,

4 biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh,

5 vì ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được?

6 Người ấy không được là tân tòng, kẻo lên mặt kiêu căng mà bị kết án như ma quỷ.

7 Người ấy còn phải được người ngoài chứng nhận là tốt, kẻo bị sỉ nhục và sa vào cạm bẫy ma quỷ.

8 Các trợ tá cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn;

9 họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch.

10 Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ trợ tá, nếu không bị ai khiếu nại.

11 Các bà cũng vậy, phải là người đàng hoàng, không nói xấu, nhưng tiết độ, đáng tin cậy mọi bề.

12 Các trợ tá phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt.

13 Những ai thi hành chức vụ trợ tá cách tốt đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô.

2/ Phúc Âm: 25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.

26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”

27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành trong ơn gọi và bổn phận của mình.

Cả Thiên Chúa lẫn con người đều đề cao sự trung thành: Thiên Chúa đòi con người phải trung thành với nhau trong đời sống hôn nhân, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để tôn trọng và yêu thương nhau suốt đời. Chúa Giêsu cũng hứa với các môn đệ: “Ai trung thành đến cùng sẽ được cứu rỗi.” Khi chọn người lãnh đạo, con người cũng muốn chọn những người khả dĩ có thể tin cậy được, như trung thành với quốc gia và những gì họ đã hứa khi tranh cử.

Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những trường hợp khác nhau của những người trung thành.

Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô liệt kê những điều kiện cần thiết để chọn Giám-quản và Trợ-tá để điều khiển các giáo-đoàn. Điều kiện quan trọng nhất là phải trung thành với Thiên Chúa, với những người trong gia đình, và với những người mà Thiên Chúa đã trao phó cho họ. Trong Phúc Âm, chỉ có 4 người phụ-nữ và một môn đệ trung thành đứng dưới Thập Giá của Chúa Giêsu khi Ngài hấp hối. Chúa Giêsu đã thực hiện một cuộc trối trăn huyền diệu là trao loài người cho Đức Mẹ, và muốn loài người chấp nhận Đức Mẹ là Mẹ của mình. Người môn đệ yêu quí đã đưa Đức Mẹ về nhà để săn sóc Đức Mẹ kể từ giờ đó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Giám quản phải là người không ai chê trách được.

1.1/ Điều kiện để trở thành Giám-quản (episcopoi): Thánh Phaolô liệt kê nhiều đức tính cần thiết phải có để trở thành Giám-quản, chúng ta có thể sắp xếp theo 3 phạm trù sau:

(1) Trung thành với Thiên Chúa: Người Giám-quản không được là tân tòng, kẻo lên mặt kiêu căng mà bị kết án như ma quỷ. Đây là lời khuyên rất khôn ngoan, vì đức tin cần phải được thử thách bằng đau khổ và thời gian. Điều thánh Phaolô lo sợ nhất là sự kiêu căng, tự mãn, vì ma quỉ có thể dùng tính kiêu căng để phá hủy không chỉ cá nhân Giám quản, mà còn cả gia đình và cộng đoàn.

(2) Trung thành với gia đình: chỉ có một đời vợ, biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh; vì ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được?

(3) Trung thành với tha nhân: không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền, phải nhã nhặn, hiếu khách, và có khả năng giảng dạy.

1.2/ Điều kiện để trở thành Trợ-tá (deacon): Vẫn theo 3 phạm trù trên, người Trợ-tá phải:

(1) Trung thành với Thiên Chúa: họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô.

(2) Trung thành với gia đình: phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt.

(3) Trung thành với tha nhân: không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn, không bị ai khiếu nại, không nói xấu, và đáng tin cậy mọi bề.

2/ Phúc Âm: Đây là Mẹ của anh.

2.1/ Những người trung thành hiện diện dưới chân Thánh Giá.

(1) Bốn người phụ nữ: Trong giây phút hấp hối của Chúa Giêsu, chỉ có 4 người đàn bà; và ba trong bốn người đàn bà đó đều có tên Maria; vì thế, rất khó nhận diện: (1) Đức Mẹ Maria, mà thánh-sử Gioan gọi là “thân mẫu của Người;” (2) Chị của Đức Mẹ mà Gioan không nói rõ là ai; nhưng nếu đối chiếu với Tin Mừng Nhất Lãm, đây chính là bà Salome, mẹ của hai tông-đồ Giacôbê và Gioan, người đã xin Chúa Giêsu một đặc ân là cho hai con của Bà: một người bên phải và một người ngồi bên trái trong vương quốc của Chúa Giêsu; (3) người thứ ba được gọi là bà Maria vợ ông Clopas. Một số học giả đồng nhất ông Clopas này với ông Cleopas, một trong hai môn đệ trên đường Emmaus trong trình thuật của (Lk 24:18); tuy nhiên giả thuyết này không vững chắc cho lắm; (4) người thứ tư được gọi đích danh là bà Maria Magdalene, người được Chúa Giêsu chữa lành khỏi 7 quỉ (Lk 8:2).

(2) Chỉ có một môn đệ: đứng dưới Thập Giá với Chúa Giêsu mà Gioan gọi là “môn đệ Chúa Giêsu thương mến.” Ai là người môn đệ này? Có nhiều giả thuyết: (1) Đây chính là tông-đồ Gioan; vì muốn giấu tông tích của mình, Gioan dùng một tên khác: “môn đệ Chúa Giêsu thương mến.” Giả thuyết này được phần đông các học giả chấp nhận. (2) Bất kỳ ai nhận ra tình yêu của Đức Kitô đều được Ngài thương mến. Ý của Gioan khi viết Tin Mừng là cho mọi người nhận ra và tin vào Đức Kitô; vì thế, Gioan muốn diễn tả các trống bằng thành ngữ “môn đệ Chúa Giêsu thương mến,” để chỉ bất cứ ai được yêu mến bởi Đức Kitô. Ít người chấp thuận cách giải thích này.

Tại sao chỉ có một môn đệ đứng bên Thập Giá của Chúa Giêsu? Nhiều người cho vì các môn đệ quá sợ hãi phải liên lụy đến mình; nên bỏ chạy để thoát thân hết. Ý kiến khác cho rằng: sở dĩ có đông các bà ở lại với Chúa Giêsu là vì chính quyền Roma và Thượng Hội Đồng không sợ phụ nữ. Giống như hiện giờ ở Việt-nam, các bà có thể biểu tình chống chính phủ mà không sợ bị bỏ tù như các ông. Ý kiến này có thể được chấp nhận. Nhưng câu trả lời đúng nhất là những người này yêu mến Chúa Giêsu hơn tất cả những người khác; vì yêu thương, nên họ sẵn sàng chấp nhận mọi nguy hiểm để ở lại với Ngài trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Ngài.

2.2/ Cuộc trối trăn huyền diệu dưới chân Thập Giá.

(1) Chúa Giêsu trao Đức Mẹ cho con người: Ngài nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Xét về đức hiếu thảo, Chúa Giêsu biết vì Ngài không còn ở thế gian để chăm sóc cho Mẹ Ngài; nên tìm một người môn đệ mà Ngài quí mến, để săn sóc Mẹ thay cho mình. Xét về Kế Hoạch Cứu Độ, người môn đệ yêu quí là đại diện cho toàn thể nhân loại; vì thế, Đức Mẹ không phải chỉ là Mẹ của một người môn đệ yêu quí; nhưng là Mẹ của toàn thể nhân loại.

(2) Chúa Giêsu đặt Đức Mẹ là Mẹ của nhân loại: Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh.” Chúa Giêsu không phải chỉ đặt Đức Mẹ là Mẹ của nhân loại; nhưng Ngài muốn nhân loại chấp nhận Đức Mẹ là Mẹ của họ nữa. Mối liên hệ có phát triển và sinh lợi ích cần sự đồng thuận của cả hai bên. Để nói lên sự đồng thuận, kể từ giờ đó, người môn đệ rước Mẹ về nhà mình.

Xét theo tiêu chuẩn con người, Đức Mẹ được phần lợi hơn, vì từ nay có người chăm sóc. Xét về phương diện tinh thần, Đức Mẹ sẽ bị sầu bi cả đời; vì từ nay, phải chịu đau khổ do cả hàng ức triệu người con gây ra. Nhiều người nói: đó là lý do nhân loại ít khi nhìn thấy Đức Mẹ cười; nhưng chỉ thấy Đức Mẹ khóc trong những lần hiện ra.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần phải trung thành với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời: khi ấm no hạnh phúc cũng như lúc buồn thảm lệ rơi; vì chỉ có ai trung thành mới được cứu thoát.

– Đức Kitô muốn chúng ta nhận Đức Mẹ như người Mẹ thiêng liêng của chính mình. Đây là điều lợi ích cho phần linh hồn. Chúng ta hãy đối xử với Đức Mẹ cho hết tình con thảo.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}


Skip to content