Thứ Ba, tuần 27 Thường Niên

Xin nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Thu Ba tuan 27 TN.mp3{/audio}

Thứ Ba, CN XXVII TN, Năm Chẵn 

Bài đọc: Gal 1:13-24; Lk 10:38-42. 

1/ Bài đọc I:

             Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.

             Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát. Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày. Tôi đã không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Gia-cô-bê, người anh em của Chúa.

             Viết cho anh em những điều này, tôi cam đoan trước mặt Thiên Chúa là tôi không nói dối. Sau đó tôi đến miền Sy-ri-a và miền Ci-li-ki-a. Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Đức Ki-tô tại miền Giu-đê không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng: “Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt”, và vì tôi họ tôn vinh Thiên Chúa. 

2/ Phúc Âm:

                                     Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ.

              Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! ” Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”



 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần biết nhiệt thành cách khôn ngoan

             Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy có 2 lọai người rõ rệt: có những người nói nhiều, năng nổ, thích họat động; có những người ít nói, làm việc gì cũng thong thả, thích suy tư. Lọai nào cũng có ưu và khuyết điểm: nhiệt thành năng nổ mà không có nguyên tắc hướng dẫn sẽ dễ dàng đi trật đường và trở thành quá khích; trầm tư ít họat động quá dễ trở thành ù lỳ an phận. Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta những mẫu người năng nổ họat động như Phaolô và Martha; đồng thời cũng đưa ra mẫu người chiêm niệm như Maria, người mà Chúa khen biết chọn phần tốt nhất qua việc lắng nghe Lời Chúa dạy. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa dùng sự nhiệt thành của Phaolô làm khí cụ rao giảng Tin Mừng.

 

            1.1/ Sự nhiệt thành mù quáng của Phaolô trước khi trở lại: Chính ngài đã thú nhận: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do Thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do Thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.” Biến cố ngã ngựa và trở thành mù lòa trên đường đi Damascus đã thay đổi hòan tòan cuộc sống của ngài, vì chính Đấng mà ngài đang hăng say bách hại đã hiện ra và chỉ cho ngài thấy tai hại của sự nhiệt thành mù quáng: “Khốn cho ngươi nếu ngươi cứ giơ chân đạp mũi nhọn.”

 

            1.2/ Giai đọan học hỏi về các mặc khải của Thiên Chúa trong sa mạc: Sau đó, Thiên Chúa đã mặc khải ý định của Ngài là muốn Phaolô trở thành Tông Đồ rao giảng Tin Mừng đặc biệt cho Dân Ngọai. Thay vì lên Jerusalem để gặp tất cả các Tông Đồ khác, ngài đã sang xứ Arabia để dành trọn 3 năm với Thiên Chúa. Trong quãng thời gian chiêm niệm này, Thiên Chúa đã dùng để mặc khải và chuẩn bị cho Phaolô sứ vụ rao giảng tương lai. Sau thời gian này, Phaolô mới lên Jerusalem để gặp Phêrô và một số các Tông Đồ.

 

            1.3/ Sự nhiệt thành của Phaolô sau 3 năm chiêm niệm: Thiên Chúa không cất đi lòng nhiệt thành của Phaolô nhưng dùng sự nhiệt thành của ông làm khí cụ sắc bén cho việc rao giảng Tin Mừng, như chính ngài đã tự thú: “Viết cho anh em những điều này, tôi cam đoan trước mặt Thiên Chúa là tôi không nói dối. Sau đó tôi đến miền Syria và miền Cilicia. Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Đức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng: “Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt,” và vì tôi họ tôn vinh Thiên Chúa.”

 

            Nhìn lại cuộc đời của thánh Phaolô chúng ta thấy rõ sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa: Ngài không tiêu diệt sự nhiệt thành của ông để ông đừng bách hại các tín hữu; nhưng Ngài hướng dẫn cho ông thấy những mục đích cao đẹp mà ông có thể góp phần vào; và sai ông đi rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai. Từ đó, ông trở thành người say mê rao giảng Lời Chúa, bất chấp tất cả đau khổ, bắt bớ, tù đày, và ngay cả cái chết cho việc rao giảng Tin Mừng.

 

2/ Phúc Âm: Sự nhiệt thành của Martha và sự khôn ngoan của Maria.

 

            Làng Bethany là quê hương của 3 chị em Martha, Maria, và Lazarô. Vì làng này nằm trên Núi Cây Dầu, rất gần Đền Thờ Jerusalem, nên Chúa Giêsu và các môn đệ thường xuyên thăm viếng khi Ngài lên Jerusalem. Lần này là chuyến lên Jerusalem cuối cùng của Chúa trước khi chịu chết, Ngài cũng ghé vào để thăm 3 chị em.

 

            2.1/ Lòng nhiệt thành của Martha: Được tiếp đón Chúa vào nhà là một hãnh diện cho 3 chị em nên chị Martha đã nhiệt thành sửa dọn nhà cửa và nấu ăn để tiếp khách. Công việc thì nhiều mà chỉ có một đứa em gái Maria, mà cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy, nên chị đến thưa với Chúa: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”

 

            Khách quí đến nhà đâu phải chỉ để ăn mà còn là dịp để tâm sự chuyện vãn với gia đình. Nếu chủ nhà xem việc tiếp khách là quan trọng, chủ nhà có thể chuẩn bị trước để có thời giờ chuyện vãn khi khách tới. Chị Martha có lẽ chỉ coi công việc nấu nướng cho khách ăn là quan trọng nên đã quên đi điều lịch sự tối thiểu này. Hơn nữa, chị có thể kín đáo gọi em Maria ra để nhờ, nhưng chị đã không làm thế mà còn trách luôn cả Chúa Giêsu vì đã vô tình không chú ý đến việc của chị đang làm.

 

            2.2/ Sự khôn ngoan của Maria: Cô nhìn ra sự quan trọng của việc tiếp khách quí mà chị cô đã không nhìn ra. Hơn nữa, Maria chắc đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng giải và nhận ra sự quan trọng của những lời này. Vì thế, thay vì bận rộn để làm việc như chị, cô chọn phần tiếp khách và lắng nghe Lời Chúa. Một cách khách quan nhận xét: sự thể quá đẹp nếu chị Martha đừng than phiền, chị lo việc ăn uống trong khi em lo việc tiếp khách.

 

            2.3/ Lời khuyên của Chúa Giêsu: Đáp lời than phiền của chị Martha, Chúa nói: “Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Chúa Giêsu không cho việc nấu nướng của chị Martha là không quan trọng, nhưng cho đó là chuyện không cần thiết cho bằng chuyện lắng nghe Lời Chúa. Nếu các việc khác ngăn cản việc lắng nghe Lời Chúa thì phải chọn phần tốt hơn là lắng nghe Lời Chúa như em Maria đã chọn. Đối với Chúa, nếu có phải nhịn đói hay ăn bánh mì đơn giản một ngày để lắng nghe Lời Chúa, vẫn là điều tốt hơn cần phải làm.

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

            – Chúng ta không được sinh ra giống nhau: có những người nhiệt thành và lúc nào cũng bận rộn, có những người ít nói thích suy tư nguyện ngắm. Không có lọai nào tốt hơn lọai nào, nhưng cần được bổ xung cho nhau; người thích suy tư có thể cung cấp đường hướng cho người thích họat động. Cả hai đặc tính: họat động và chiêm niệm cần được thăng bằng trong đời sống con người.

 

            – Cuộc đời con người cũng thế. Khi còn trẻ và khỏe mạnh, con người thích họat động, chạy chơi, và hướng tới tương lai; nhưng khi về già con người không còn sức khỏe để làm những việc đó, nên thường có khuynh hướng trầm tư, suy nghĩ về quá khứ. Vì thế, sẽ có những xung đột giữa 2 thế hệ, nhưng không bao giờ được khai trừ nhau. Sự nhiệt thành của tuổi trẻ cần được hướng dẫn bằng khôn ngoan của tuổi già.

 

            – Khôn ngoan con người cần học là khôn ngoan của Thiên Chúa được mặc khải qua Tin Mừng. Chọn để lắng nghe Lời Chúa là chọn phần tốt nhất vì không ai có thể lấy đi khỏi được.

 

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}
Skip to content