Thứ Ba – Tuần 29 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Ba – Tuần 29 – TN2

Bài đọc: Eph 2:12-22; Lk 12:35-38. 

1/ Bài đọc I12 Thuở ấy anh em không có Đấng Ki-tô, không được hưởng quyền công dân Ít-ra-en, xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này.

13 Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.

14 Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét;

15 Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.

16 Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.

17 Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần.

18 Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.

19 Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa,

20 bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su.

21 Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa.

22 Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.

 

2/ Phúc Âm35 “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.

36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.

37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.

38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. 


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Gương phục vụ của Đức Kitô

“Con người đến không phải được phục vụ, nhưng…” Bài đọc I liệt kê tất cả những gì con người được hưởng qua sự phục vụ của Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hứa Ngài sẽ phục vụ tất cả những ai trung thành với sứ vụ Ngài đã trao.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Kitô đã hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa.

1.1/ Khác biệt giữa người Do-Thái và Dân Ngọai: Người Do-Thái tự hào là Dân Riêng của Thiên Chúa, tự hào vì Lề Luật của Thiên Chúa ban cho, và tự hào vì được chính Thiên Chúa lãnh đạo. Những đặc quyền này làm cho họ khinh thường các dân tộc khác và không muốn sống chung với Dân Ngọai trong bất cứ hòan cảnh nào. Thánh Phaolô, mặc dù là Tông Đồ của Dân Ngọai, nhận ra có 4 sự khác biệt giữa người Do-Thái và các Dân Ngọai: Thuở ấy (trước khi Đức Kitô đến) anh em:

(1) không có Đấng Kitô: Lời hứa của Thiên Chúa sẽ ban Đấng Thiên Sai được làm với người Do-Thái. Tước hiệu “Kitô” trong tiếng Hy-Lạp có nghĩa “Đấng được xức dầu.”

(2) không được hưởng quyền công dân Israel: Các dân tộc khác đều được xếp lọai là Dân Ngọai; vì thế, không được hưởng những đặc quyền như những công dân Do-Thái.

(3) xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã ký kết nhiều giao ước với người Do-Thái qua các tổ phụ của họ. Những giao ước này hòan tòan xa lạ với các Dân Ngọai.

(4) không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này: Không có Thiên Chúa là không có hy vọng được sống. Đối với các Dân Ngọai, chết là hết.

1.2/ Công cuộc hòa giải của Đức Kitô: Ngài đã làm cho cả người Do-Thái và Dân Ngọai 5 việc như sau:

(1) Mang hai bên lại gần nhau: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.” Dân Ngọai là những người ở xa, nhờ Đức Kitô, đã được nhập đòan cùng với người Do-Thái, những kẻ ở gần.

(2) Hy sinh thân mình để xóa bỏ thù ghét và làm hai bên nên một: “Người đã liên kết đôi bên, dân Do-Thái và Dân Ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.” Bức tường ngăn cách thể lý đây có thể được nhìn thấy trong Đền Thờ Jerusalem, nơi mà nếu bất cứ người Dân Ngọai nào vượt qua bức tường này, họ sẽ bị tử hình bởi người Do-Thái.

(3) Hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật: “Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.” Để được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ cần đặt niềm tin vào Đức Kitô và giữ các điều Ngài dạy.

(4) Hòa giải con người với Thiên Chúa: “Nhờ Thập Giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.” Con người phải hòa giải với nhau trước khi họ có thể hòa giải với Thiên Chúa. Đức Kitô không chỉ giúp cho con người hòa giải với nhau, mà còn giúp cho con người hòa giải với Thiên Chúa nhờ cái chết của Ngài trên Thập Giá.

(5) Mang bình an: “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần.” Sự kiện này đã được nhìn thấy trước bởi tiên tri Isaiah (57:19): Dân Ngọai trở thành những người ở gần (người Do-Thái) nhờ việc hòa giải của Đức Kitô. “Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.”

1.3/ Hậu qủa của việc hòa giải: Thánh Phaolô dùng 2 hình ảnh để nói lên 2 đặc quyền con người được hưởng sau khi được hòa giải bởi Đức Kitô:

(1) Con người trở nên người nhà của Thiên Chúa: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa.” Trong một quốc gia, người ngọai quốc không được hưởng những đặc quyền của người thường trú, và những người thường trú không được hưởng những đặc quyền của người công dân. Cũng như vậy đối với Dân Ngọai, trước khi Đức Kitô đến, họ là những người xa lạ đối với Dân Thánh (Israel); nhưng khi Đức Kitô đến, Ngài đã làm cho họ trở nên những người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa. Vì thế, họ cũng được hưởng đầy đủ mọi đặc quyền như những người trong nhà.

(2) Con người trở nên những viên gạch của Đền Thờ Thiên Chúa: Trong Đền Thờ này, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau: Đá Tảng Góc Tường là chính Đức Kitô Giêsu, nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn tất cả mọi người là những viên gạch được xây dựng thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thánh Thần.

2/ Phúc Âm: Đức Kitô sẽ phục vụ các đầy tớ trung thành.

2.1/ Sẵn sàng bằng cách hòan tất các bổn phận Chúa trao: Để đánh giá con người có trung thành với Thiên Chúa hay không, Chúa Giêsu dùng ví dụ một ông chủ giao nhà cho các đầy tớ trông coi để đi ăn cưới: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” Vì tiệc cưới của người Do-Thái thường hay xảy ra ban đêm và không có giờ giấc rõ rệt, nên đòi những người có trách nhiệm luôn phải sẵn sàng và nhất là luôn có đèn sáng trong tay. Đêm tối là lúc con người ít chuẩn bị nhất, và hầu hết các họat động bất chính đều xảy ra ban đêm. Vì thế, để đánh giá sự chuẩn bị của các đầy tớ, ông chủ trở về bất chợt lúc ban đêm.

2.2/ Đức Kitô sẽ phục vụ các đầy tớ trung thành: Chúa Giêsu tuyên bố: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” Lời tuyên bố của Chúa không bình thường vì việc phục vụ là việc của các đầy tớ; nhưng đây là phần thưởng dành cho các đầy tớ trung thành. Nếu con người trung thành trong việc phục vụ tha nhân, con người cũng sẽ được phục vụ bởi Đức Kitô trong vương quốc của Ngài, như Ngài đã từng phán: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mt 20:28).

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Những sự khác biệt đã tạo nên bất đồng, thù ghét, và chiến tranh giữa con người với con người, giữa quốc gia này với quốc gia kia, giữa con người và Thiên Chúa.

– Sự hiện diện của Chúa Kitô xóa tan những sự khác biệt. Ngài đến để hòa giải bằng cách tiêu diệt mọi bất đồng giữa con người với con người, giữa quốc gia này với quốc gia kia, giữa con người và Thiên Chúa.

– Chưa hết, Ngài còn hứa sẽ phục vụ hết tất cả những ai trung thành với ơn gọi trong vương quốc của cha Ngài.  

Skip to content