Thứ Ba, Tuần 30 TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Ba, Tuần 30 TN, Năm lẻ

 

Bài đọc: Rom 8:18-25; Lk 13:18-21.

 

1/ Bài đọc I:

 

18 Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.

19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.

20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy

21 là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.

22 Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.

23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.

24 Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi?

25 Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.

 

2/ Phúc Âm:

 

18 Vậy Người nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?

19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”

20 Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì?

21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”


 


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự liên hệ giữa con người và các tạo vật của Thiên Chúa

 

Nhiều tác giả của Kinh Thánh đã nhận ra sự liên hệ chặt chẽ giữa con người và các tạo vật trong vũ trụ. Theo tác giả của Sáng Thế Ký, Thiên Chúa dựng nên tất cả các tạo vật và trao chúng trong tay con người để điều khiển và sinh lợi ích cho con người (Gen 1:28). Lúc đầu, khi con người chưa phạm tội, các dã thú sống với con người mà không sợ hãi chi cả. Tiên-tri Isaiah thấy trước triều đại của Đấng Thiên Sai, khi các dã thú ở chung với nhau, trẻ thơ chơi giỡn với rắn hổ mang, và trẻ còn măng sữa thò tay vào hang rắn lục mà không sợ bị cắn (Isa 11:1-8). Tác giả của Thư Phêrô II và của Khải Huyền nói về “trời mới, đất mới” sẽ xuất hiện và triều đại của Thiên Chúa sẽ vô cùng vô tận cho những người công chính (2 Pet 3:13, Rev 21:1).

Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên mối tương quan giữa con người và các tạo vật trong vũ trụ. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô diễn tả sự tương quan này bằng ảnh hưởng của tội lỗi con người trên các tạo vật, và bằng nỗi trông mong của các tạo vật được cùng chung hưởng vinh quang với con người, khi Thiên Chúa ban vinh quang cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Nước Trời như hạt cải và như nắm men. Hạt cải có thể trở thành cây lớn để mang lại bóng mát cho chim trời. Nắm men tuy nhỏ nhưng có thể làm dậy ba thúng bột lớn để mang lại của ăn ngon cho con người.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Muôn loài thọ tạo những trông mong đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang cho con cái Người.

 

1.1/ Các tạo vật cùng chung đau khổ với con người: Khi con người phạm tội, các tạo vật cùng chịu chung hậu quả, như khi Adam phạm tội, đất đai bị nguyền rủa (Gen 3:17); khi con người phạm tội trong thời Noah, mọi sinh vật đều chịu chung số phận với con người trong Lụt Hồng Thủy, trừ một số các sinh vật và gia đình Noah (Gen 6:5-8).

Hậu quả của tội là không chỉ con người phải chết, nhưng các sinh vật cũng cùng chịu chung số phận phải thoái hóa như con người. Sau trận Lụt Hồng Thủy, Thiên Chúa đã làm lại một giao ước với Noah và với tất cả các sinh vật” (Gen 9:12-13; cf. Psa 135). Phaolô xác tín sự liên hệ giữa các tạo vật của Thiên Chúa trong việc chia sẻ sự cứu chuộc của Đức Kitô cho con người: “Muôn loài thọ tạo những trông mong đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.”

 

1.2/ Các tạo vật cùng đang trông chờ để chung phần vinh quang với con người: Vì cùng chung phần đau khổ với con người, các tạo vật cũng mong được chung phần vinh quang với con người. Thánh Phaolô diễn tả nỗi trông mong này như sau: “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.”

Người tín hữu đã được làm con Thiên Chúa, đã được nhận lãnh Thánh Thần như ân huệ mở đầu; giờ đây họ chỉ còn mong chờ ngày được lãnh nhận vinh quang mà Thiên Chúa đã hứa. Trong khi chờ đợi, họ phải bền chí trong đau khổ, và không bao giờ được mất niềm hy vọng, vì “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.”

 

2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban cho con người có tiềm năng làm cho Nước Chúa được mở rộng.

 

2.1/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình: Hạt cải bên Palestine không phải là hạt sinh rau cải, nhưng có thể trở thành cây lớn: Mấy điều chúng ta cần chú ý:

(1) Hạt cải bé nhỏ nhưng có tiềm năng thành cây lớn: Giống như một hạt cải bé nhỏ nhưng Thiên Chúa đã cho nó một tiềm năng để trở thành cây lớn; Nước Thiên Chúa cũng vậy, khởi sự từ một nhóm người Do-Thái bé nhỏ hay từ Nhóm Mười Hai, nay đã chiếm khỏang 1/5 dân số thế giới và vẫn còn đang tiếp tục lan rộng cho đến tận cùng trái đất.

(2) Hạt cải trước khi thành cây phải mục nát đi trước khi nẩy mậm và vươn thành cây lớn; nếu không nó sẽ trơ trọi một mình. Nước Thiên Chúa cũng thế: Để có thể lan rộng, cần có những người sẵn sàng chấp nhận đau khổ để cho Nước Chúa được mau đến.

(3) Khi thành cây, chim trời làm tổ trên cành được: Tiềm năng được ban cho để sinh lợi cho Thiên Chúa, chứ không ích kỷ giữ cho mình. Như cây cải cung cấp chỗ ở cho chim trời, con người cũng phải dùng ơn thánh Thiên Chúa ban để bảo vệ những người yếu ớt bé nhỏ, chứ không chỉ biết lo lắng cho mình. Nếu ai cũng chỉ biết vun xới cho mình thì Nước Thiên Chúa lan tràn thế nào được?

 

2.2/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột: Men là bột cũ được giữ lại để dùng làm bánh sau này; công dụng chính của men là làm dậy bột.

(1) Nắm men tuy bé nhỏ nhưng có tiềm năng làm nổi ba thúng bột: Giống như hạt cải bé nhỏ, Thiên Chúa cũng cho men một tiềm năng để làm dậy những khối bột lớn. Và cũng tương tự như thế về Nước Thiên Chúa.

(2) Con người phải chu tòan sứ vụ làm dậy men của mình bằng lời giảng và cuộc sống chứng nhân để mọi người trông thấy và tin vào Thiên Chúa. Người này làm men cho người khác và cứ như thế, Nước Thiên Chúa được mở rộng.

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

– Chúng ta có mối liên hệ với các tạo vật chung quanh trong kế hoạch của Thiên Chúa; chúng ta phải biết xử dụng đúng đắn, và không được đối xử tàn tệ với các tạo vật Thiên Chúa dựng nên.

– Khi một người sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, và với các tạo vật chung quanh; các súc vật cũng nghe lời người ấy. Lịch sử các thánh là một minh chứng hùng hồn cho điều này như: thánh Phanxicô Asissi, Antôn Padua, và thánh Martin de Porres.

– Để giúp phát triển Nước Thiên Chúa, trước tiên chúng ta phải nhận ra những quà tặng Thiên Chúa ban và tiềm năng lớn lao có thể trở thành của chúng; thứ đến, chúng ta cần biết phát triển tiềm năng của những quà tặng này; sau cùng, phải biết dùng trong việc mang ích lợi cho bản thân và làm cho Nước Chúa mỗi ngày một mở rộng.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content