Thứ Ba – Tuần 31 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Ba – Tuần 31 – TN1 – Năm lẻ.

 

Bài đọc: Rom 12:5-16b; Lk 14:15-24.

1/ Bài đọc I5 Chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể.

6 Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin.

7 Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo.

8 Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.

9 Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành;

10 thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình;

11 nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.

12 Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.

13 Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.

14 Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa:

15 vui với người vui, khóc với người khóc.

16 Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan.

2/ Phúc Âm15 Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa! “

16 Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người.

17 Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.

18 Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.

19 Người khác nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.

20 Người khác nói: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.

21 “Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.

22 Đầy tớ nói: “Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.

23 Ông chủ bảo người đầy tớ: “Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta.

24 Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.”


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy trung thành trong ơn gọi của mình

Thiên Chúa đặt mỗi người trong hoàn cảnh khác nhau và Ngài muốn họ trung thành với ơn gọi của mình. Ai cũng có thể trở nên thánh thiện được trong sứ vụ và ơn gọi của mình. Thánh Martinô có thể nói sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu: người da đen, gia đình nghèo khổ, cha da trắng bỏ mẹ và hai anh em Martinô để chạy theo tiếng gọi của quyền lực; nhưng Martinô đã không để hoàn cảnh chi phối biến mình thành người bất chí, hận đời. Martinô đã biết dùng tất cả những gì Thiên Chúa ban để tỏ tình yêu cho gia đình, cho những người nghèo khổ, cho những súc vật, cho anh em trong Dòng, và cho tất cả những ai cần đến mình.

Các Bài Đọc hôm nay cũng muốn nói lên con người cần trung thành với ơn gọi và sứ vụ của mình. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhận ra mỗi tín hữu là một chi thể trong một thân thể của Đức Kitô, được ban tặng ơn riêng khác nhau để chu toàn sứ vụ của mình, và góp phần xây dựng cho toàn thân được lành mạnh. Điều quan trọng là đừng so đo, phân bì hơn kém với người khác; nhưng biết khiêm nhường chu toàn sứ vụ của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn về Bữa Tiệc, để minh chứng ai không trung thành trong ơn gọi của mình sẽ không được dự tiệc, cho dù đã được mời trước.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người.

 

1.1/ Mỗi người một ơn gọi và được ban các đặc sủng khác nhau: Trong Thư Rôma cũng như Thư I Corintô, Phaolô dùng hình ảnh các chi thể của một thân thể để nói lên sự khác biệt của mỗi cá nhân, nhưng được kêu gọi để hiệp nhất với nhau: “Chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể.”

Con người thường có thói quen phân bì để so sánh mình với những người chung quanh. Hậu quả là khi thấy mình hơn người thì lên mặt kiêu căng, phách lối, và đối xử không đúng với tha nhân; nhưng nếu thấy mình không bằng người thì dễ nản chí, chán đời, và kêu trách Thiên Chúa. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải tránh cả hai thái độ này, vì mỗi người “có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người.”

 

1.2/ Điều quan trọng là phải trung thành trong ơn gọi của mình: Trong thân thể, không có chi thể nào quan trọng hơn các chi thể khác trong cùng một thân thể, tất cả đều cần cho thân thể hoạt động lành mạnh. Trong Giáo Hội cũng thế, không có ơn gọi nào cao quí hơn ơn gọi nào, và cũng không có đặc sủng này cao quí hơn đặc sủng kia; tất cả đều cần để xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô. Vì thế, thái độ đúng đắn là chấp nhận hoàn cảnh và quà tặng Thiên Chúa ban, và cố gắng góp phần trong việc xây dựng cho Nước Chúa và cho tha nhân với tình bác ái nồng nhiệt. Thánh Phaolô nhấn mạnh hai điều quan trọng:

(1) Phải có tình bác ái chân thành: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.”

(2) Phải có tinh thần khiêm nhường: “Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan.”

2/ Phúc Âm: Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

2.1/ Truyền thống và phong tục của người Do-Thái: Theo truyền thống, người Do-Thái tin khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài sẽ đãi dân một bữa tiệc (Isa 25:6-9). Đó là lý do tại sao một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Họ tin chỉ có những người Do-Thái mới được dự bữa tiệc này mà thôi. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để dạy họ một bài học: Nếu họ không sẵn sàng, họ có thể bị lọai ra ngòai để lấy chỗ cho các dân tộc khác. Theo phong tục của người Do-Thái, buổi tiệc được phác họa và khách dự tiệc được mời và đáp trả một thời gian lâu trước khi bữa tiệc xảy ra, nhưng giờ dự tiệc chưa được loan báo. Khi ngày dự tiệc tới và mọi sự đã sẵn sàng, chủ sai các đầy tớ đi triệu tập các khách đã nhận lời mời. Vì thế, khách nào đã nhận lời nhưng từ chối không đến là một khinh thường cho chủ nhà.

2.2/ Những lý do xin kiếu:

(1) Bận rộn chuyện làm ăn: Người thứ nhất nói: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.” Đây là lý do có lẽ phổ thông nhất của con người: xưa cũng như nay. Quá bận rộn chuyện làm ăn khiến con người không còn thời giờ cho Thiên Chúa, và dần dần làm con người quên đi mục đích của cuộc đời.

(2) Quyến dũ của cuộc sống: Người khác nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.” Những vui thú của thế gian dễ cám dỗ con người chạy theo hơn là giữ những Lề Luật của Thiên Chúa. Sau một tuần vất vả làm việc, những giải trí vui thú cuối tuần dễ làm cho con người chiều theo hơn là phải đi tham dự Thánh Lễ. Một cuộc sống chiều theo sở thích như thế sẽ làm con người dần dần đi trật đường.

(3) Lo toan cho gia đình: Người khác nói: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.” Cưới vợ là niềm vui lớn nhất của con người. Theo Sách Đệ Nhị Luật, người mới cưới vợ có thể được miễn trừ các bổn phận như quân dịch, làm ăn để ở nhà vui vẻ với vợ trong một năm (Dt 24:5). Tuy nhiên, ngay cả những miễn trừ này cũng không thể được dùng làm cớ cho con người xao lãng bổn phận với Chúa, nhất là lời mời dự tiệc Nước Trời.

2.3/ Ý nghĩa của dụ ngôn: Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để giải thích cho con người biết Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Theo Mầu Nhiệm này, Thiên Chúa đã chọn và mời gọi dân Do-Thái ngay từ đầu để tham dự Tiệc Cưới Nước Trời; nhưng vì họ từ chối không tham dự nên Tiệc Cưới mở rộng đến mọi người: Dân Ngọai, những người thu thuế, và gái điếm… tất cả những ai sẵn sàng tin vào Đức Kitô. Những nghĩa biểu tượng của các nhân vật trong dụ ngôn có thể được nhận ra dễ dàng như sau:

– Chủ nhà: là Thiên Chúa.

– Các đầy tớ: là các ngôn sứ và môn đệ của Chúa.

– Các khách kiếu không dự tiệc: là những người Do-Thái.

– Các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt: là những người thu thuế và gái điếm.

– Các người đến từ các đường xóm đường làng: là tất cả các Dân Ngọai.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Cuộc sống con người không thể bị gỉan lược vào những nhu cầu vật chất. Con người cần biết dùng thời gian để học hỏi về Thiên Chúa và trau dồi những nhu cầu tâm linh. Không biết hay biết sai sẽ thúc đẩy con người làm những quyết định sai trong cuộc đời.

– Kẻ được mời gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít. Cho dù chúng ta đã được mời, nhưng nếu không chịu dùng thời giờ để học hỏi về Chúa, năng chịu các bí-tích để lấy sức mạnh chiến đấu với ba thù, chúng ta sẽ dễ dàng đi trật đích và bị lọai ra ngòai.

Save

Save

Skip to content