Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Ba, Tuần 33 TN1, Nhớ Thánh Elisabeth của Hungary
Bài đọc: II Mac 6:18-31; Lk 19:1-10.
1/ Bài đọc I:
18 Có một người tên là E-la-da, một trong những kinh sư quan trọng tuy tuổi đã cao nhưng trông rất đẹp lão. Ông bị ép phải há miệng ăn thịt heo. 19 Nhưng ông thà chết vinh hơn sống nhục, nên đã tự ý tiến ra nơi hành hình, 20 sau khi đã khạc nhổ hết thịt ra. Ông đã làm như vậy theo thói thường của những người can đảm là từ chối những thứ Luật Lệ không cho phép ăn, dù phải ăn để sống. 21 Vì quen biết ông E-la-da đã lâu năm, nên những người chủ toạ bữa tiệc cúng thần trái với Lề Luật, kéo riêng ông ra một chỗ. Họ khuyên ông nói với người ta đem thịt đến, thứ thịt được phép dùng, tự tay ông dọn lấy, rồi chỉ giả vờ ăn thịt cúng, như vua đã truyền. 22 Làm như vậy ông mới thoát chết, lại còn được đối xử nhân đạo, vì trước kia ông đã xử tốt với họ.
23 Nhưng ông đã có một quyết định dứt khoát, thật xứng với tuổi cao, và uy thế của bậc lão thành, với vẻ khả kính của mái tóc trắng phau vì lao tâm khổ tứ, với tác phong hoàn hảo từ buổi thiếu thời, nhất là phù hợp với Luật thánh do chính Thiên Chúa lập ra. Ông trả lời họ thật đích đáng là cứ việc đưa ngay ông xuống âm phủ.
24 Ông nói: “Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già E-la-da đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại.
25 Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già. 26 Dù hiện nay tôi có tránh được hình phạt của người ta, thì sống hay chết tôi cũng sẽ không thoát khỏi bàn tay của Đấng Toàn Năng.
27 Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già,
28 và để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện.”
Nói thế rồi, ông đi thẳng đến nơi hành hình.
29 Những người điệu ông đến nơi đó đổi thiện cảm họ vừa có đối với ông thành ác cảm, vì họ cho những lời ông nói là điên khùng. 30 Khi sắp chết vì đòn vọt, ông vừa rên vừa nói: “Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn Người biết là dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn dữ dằn trong thân xác, còn trong tâm hồn, tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người.” 31 Con người ấy đã từ giã cuộc đời như thế đó. Cái chết của ông để lại không những cho các thanh niên, mà còn cho đại đa số dân chúng một tấm gương về lòng cao thượng và một hình ảnh đáng ghi nhớ về nhân đức.
2/ Phúc Âm:
1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. 2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.
4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.
5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” 6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.
7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! “
8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”
9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. 10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Quên mình là tìm thấy.
Nhiều người nghĩ để trở nên giàu có, họ cần phải vơ vào nhiều và bớt cho đi, như câu chúc ích kỷ đầu Xuân: chúc cho ông bà tiền vô như nước, tiền ra nhỏ giọt. Vì thế, họ rất khổ sở khi phải cho đi tiền bạc. Trong khi đó, bí quyết trở nên giàu có của các bậc thánh nhân: cho đi là nhận được, quên mình là tìm thấy, tha thứ được thứ tha, chết đi là sống mãi… Người nghèo tuy không giàu, nhưng không bao giờ thiếu. Khi có dư chút nào, họ sẵn sàng chia sẻ cho những ai cần hơn; vì họ Thiên Chúa vẫn quan phòng lo cho họ có của ăn hàng ngày. Họ không tích trữ của cải vì họ biết sẽ không mang theo được khi từ giã cõi đời; vì thế, họ lo tích trữ của cải tinh thần như Chúa dạy. Hiệu quả là họ có bình an, có hạnh phúc, và nhất là cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân dành cho họ.
Các Bài Đọc hôm nay nêu bật những tấm gương sẵn sàng hy sinh quên mình để làm gương sáng và đi tìm những gì đã mất. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Maccabees muốn đề cao tấm gương anh hùng của kinh-sư Eleazar. Ông nhất định không chịu giả vờ tuân lệnh vua ăn thịt, cho dù các bạn ông đã lập mưu cho biết thịt ông sẽ ăn không phải là thịt heo. Khi làm như thế, ông biết sẽ lãnh nhận cái chết, nhưng ông sẵn sàng chấp nhận để làm chứng nhân cho Thiên Chúa và làm gương sáng cho thế hệ mai sau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu gọi đích danh Zachaeus và ngỏ lời muốn cư ngụ tại nhà ông; cho dù biết miệng đời sẽ phê bình Ngài là người tội lỗi vì đã giao tiếp với những tội nhân công khai như Zachaeus. Zachaeus cũng chấp nhận mất hết của cải cho người nghèo để sống theo lời mời gọi của Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Có được giả vờ ăn thịt cúng?
1.1/ Có nên giả vờ ăn thịt cúng? Vua Antiochus biết người Do-thái theo truyền thống không bao giờ ăn thịt heo, thú vật mà họ cho là dơ bẩn; nên để thử người nào có theo đạo nhà vua truyền hay không, vua bắt họ ăn thịt heo sau khi đã cúng cho thần. Có một người Do-thái tên là Eleazar, một trong những kinh sư quan trọng tuy tuổi đã cao nhưng trông rất đẹp lão; ông bị ép phải há miệng ăn thịt heo. Nhưng ông thà chết vinh hơn sống nhục, nên đã tự ý tiến ra nơi hành hình, sau khi đã khạc nhổ hết thịt ra. Ông đã làm như vậy theo thói thường của những người can đảm là từ chối những thứ Luật Lệ không cho phép ăn, dù phải ăn để sống.
Vì quen biết ông Eleazar đã lâu năm, nên những người chủ toạ bữa tiệc cúng thần trái với Lề Luật, kéo riêng ông ra một chỗ. Họ khuyên ông và truyền người ta đem thịt đến, thứ thịt được phép dùng, tự tay ông dọn lấy, rồi chỉ giả vờ ăn thịt cúng, như vua đã truyền. Nếu ông theo họ làm như vậy, ông sẽ thoát chết, lại còn được đối xử nhân đạo, vì trước kia ông đã xử tốt với họ.
1.2/ Lập trường của kinh-sư Eleazar: Cho dù ông biết thứ thịt đó không phải là thịt heo mà Lề Luật cấm, ông cũng không ăn vì hai lý do chính sau đây:
(1) Tránh gương mù và làm gương sáng cho thế hệ trẻ: Ông nói: “Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già Eleazar đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại. Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già.” Không những thế, tuổi trẻ họ còn cần những tấm gương anh hùng để noi theo và mạnh mẽ giữ đạo, nên ông tiếp tục nói: “Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già, và để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện.”
(2) Con người không giấu được Thiên Chúa dù chỉ ý nghĩ trong đầu: Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn trong tâm hồn con người. Ngài phán xét theo ý hướng bên trong; chứ không theo dáng vẻ bên ngoài, nên ông Eleazar nói: “Dù hiện nay tôi có tránh được hình phạt của người ta, thì sống hay chết tôi cũng sẽ không thoát khỏi bàn tay của Đấng Toàn Năng.” Khi sắp chết vì đòn vọt, ông lên tiếng cầu nguyện: “Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn Người biết là dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn dữ dằn trong thân xác, còn trong tâm hồn, tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người.”
2/ Phúc Âm: Ông Zachaeus, người thu thuế, trở về với Chúa.
Tại thành phố Jericho hiện nay vẫn còn một cây sung rất to lớn, được vây quanh kỹ lưỡng cho khách hành hương đến thăm viếng. Họ gọi đây là cây sung mà ông Giakêu đã trèo lên để gặp Chúa Giêsu.
2.1/ Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Zachaeus: Ông được mô tả là người đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Chúa Giêsu đã nhận ra ông giữa bao nhiêu người trong đám đông, và người đi bước trước để bắt đầu tiến trình hòa giải với ông: “Này ông Zachaeus, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”
2.2/ Ba phản ứng khác nhau của cuộc gặp gỡ:
(1) Đám đông: Họ xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Đối với người Do-Thái, những người thu thuế và gái điếm được coi như là những người tội lỗi công khai. Ai giao tiếp hay làm bạn với họ, cũng được coi là tội lỗi.
(2) Ông Giakêu: Khi nghe Chúa Giêsu ngỏ lời muốn đến nhà, ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Khi nghe mọi người xầm xì và biết rõ mình là người tội lỗi, ông thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”
Đây là một lời tuyên xưng đột xuất, nhưng chân thành phát xuất từ trái tim của Zachaeus. Có lẽ Chúa Giêsu là người Do-thái đầu tiên không quan tâm đến tội lỗi và quá khứ của ông; vì đối với người Do-thái quá khích, ông có thể mất mạng vì đã cấu kết với ngoại bang để bóc lột dân chúng. Ông có lẽ đã nghe nhiều lời truyền tụng về Chúa Giêsu nên ông tò mò leo lên cây sung để mong được nhìn thấy Ngài. Ông không ngờ Chúa Giêsu gọi đích danh ông và mở miệng muốn vào nhà ông như một người bạn đã quen biết lâu năm. Khi Zachaeus chấp nhận trở về với Thiên Chúa, ông phải can đảm từ giã nếp sống cũ tội lỗi và bắt đầu cuộc sống mới theo tiêu chuẩn của Tin Mừng. Khi Zachaeus sẵn sàng hứa sẽ san sẻ phân nửa tài sản cho người nghèo, và đền gấp bốn cho những ai ông đã lỗi đức công bằng với họ, lời hứa này có thể lấy đi tất cả những gì ông đang có; nhưng không thể so sánh với niềm vui được Chúa Giêsu tha thứ và đến viếng thăm.
(3) Chúa Giêsu: Ngài nói với ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham; vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Tuy Chúa Giêsu biết rõ những lời dị nghị, nhưng Ngài không quan tâm tới. Chỉ một điều Ngài quan tâm là ông Zachaeus, vì Ngài muốn đưa ông trở về với Thiên Chúa; và đó cũng chính là lý do tại sao Ngài đến trần gian.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải hy sinh quên mình trước khi tìm thấy được những gì đã mất hay đang mong muốn. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ biết ích kỷ giữ cho mình, chúng ta sẽ mất luôn những gì chúng ta đang sở hữu.
– Người biết rõ mình là người tội lỗi như ông Zachaeus dễ ăn năn trở lại hơn người dở dở ương ương, nửa nóng nửa lạnh, hay không tốt lành cũng chẳng tội lỗi quá. Nguy hiểm của chúng ta không phải tội lỗi, nhưng ở thái độ tự nhận mình là người công chính và không cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}