Thứ Ba, Tuần I TN

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Thu Ba Tuan I TN.mp3{/audio}

 1214908886 CGS 182

Thứ Ba, Tuần I TN, Năm lẻ

Bài đọc: Heb 2:5-12; Mk 1:21-28.

1/ Bài đọc I: (Heb 2:5-12)

5 Thật vậy, Thiên Chúa đã không trao cho các thiên thần quyền làm chủ thế giới tương lai, thế giới mà chúng ta đang nói đến.6 Nhưng trong một đoạn Kinh Thánh kia, có người đã làm chứng rằng: Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến? Con người là gì mà Chúa phải thăm nom?7 Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên,8 đặt muôn loài, muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người. Khi bắt muôn loài muôn sự phải phục quyền con người, Thiên Chúa không để cho một sự gì không phục quyền con người. Thật ra, hiện nay chúng ta chưa thấy muôn loài muôn sự phục quyền con người.

9 Nhưng con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giê-su. Thật vậy, Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.

10 Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ.

11 Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em,

12 khi nói: Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương.

2/ Phúc Âm: (Mk 1:21-28)

                         

21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.

22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên

24 rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! “

25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! “

26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.

27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! “

28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Uy quyền của Chúa Giêsu

             

            Để có thể thuyết phục người khác, người rao giảng cần có uy quyền trong lời nói cũng như trong hành động. Ngòai sự thông hiểu về đề tài và cách suy luận, người rao giảng còn phải biết cách trình bày sao cho sáng sủa, gọn gàng, và dễ hiểu. Tuy nhiên, “lời nói chỉ mới lung lay;” muốn hòan tòan thuyết phục khán giả, người rao giảng cần phải sống những lời mình rao giảng hay cần những người khác làm chứng cho mình.

            Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong uy quyền của Chúa Giêsu. Trong Bài Đọc I, Chúa Giêsu là lý do tại sao con người được phục hồi tình trạng nguyên thủy: con người có quyền trên mọi sự và mọi lòai. Trong Phúc Âm, khán giả của Chúa Giêsu nhận ra ngay sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Muôn loài muôn sự phải phục quyền con người.

            Để hiểu tư tưởng của tác giả trong đọan văn này, chúng ta cần hiểu danh từ con người. Khi thì tác giả dùng để chỉ lòai người cách tổng quát, khi thì áp dụng cho Chúa Giêsu như là vị đại diện của lòai người. Trong trường hợp thứ hai, Con Người phải được viết hoa. Chúng ta có thể phân biệt 3 tình trạng của lòai người như sau:

            1.1/ Phẩm giá cao trọng của lòai người trong ý định của Thiên Chúa: Tác giả quả quyết con người sẽ làm chủ thế giới tương lai: “Thật vậy, Thiên Chúa đã không trao cho các thiên thần quyền làm chủ thế giới tương lai, thế giới mà chúng ta đang nói đến. Nhưng trong một đoạn Kinh Thánh kia, có người đã làm chứng rằng: Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến? Con người là gì mà Chúa phải thăm nom? Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, đặt muôn loài, muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người. Khi bắt muôn loài muôn sự phải phục quyền con người, Thiên Chúa không để cho một sự gì không phục quyền con người.”

            – Đọan văn mà tác giả trích ở đây là Thánh Vịnh 8:5-7, nói về phẩm giá con người. Họ cao trọng hơn hết mọi lòai trong ý định của Thiên Chúa.

            – Một điểm liên quan đến bản văn cần lưu ý: Bản dịch của Nhóm PVCGK dịch từ bản Bảy Mươi của Hy-Lạp, dùng chữ “thua kém các thiên-thần.” Trong khi bản MT của Do-Thái dùng chữ “thua kém Thiên Chúa, Elohim.” Theo văn mạch, bản Bảy Mươi hợp lý hơn nếu chúng ta hiểu tình trạng của con người sau khi phạm tội, họ thua kém các thiên-thần. Bản MT của Do-Thái đúng trong ý định của Thiên Chúa và sau khi phẩm giá con người được phục hồi nhờ Đức Kitô.

 

            1.2/ Tình trạng của lòai người sau khi phạm tội: “Thật ra, hiện nay chúng ta chưa thấy muôn loài muôn sự phục quyền con người.” Có lẽ đây là tình trạng của con người sau khi phạm tội và trước khi được cứu chuộc bởi Đức Kitô

            1.3/ Tình trạng của lòai người sau khi đã được Đức Kitô cứu chuộc: Qua đau khổ, Đức Kitô đã chuộc lại phẩm giá nguyên thủy cho con người. Tác giả viết: “Nhưng con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.”

            Vì thế, trong ý định muôn đời của Thiên Chúa, con người chỉ thua kém Thiên Chúa, nhưng cao trọng hơn các mọi lòai, bao gồm cả thiên thần. Khi con người phạm tội, thứ tự bị đảo ngược, con người thua thiên-thần; nhưng Thiên Chúa đã có kế họach phục hồi tình trạng nguyên thủy cho con người qua Đức Kitô: “Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em, khi nói: Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương.”

2/ Phúc Âm: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.

            2.1/ Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người: “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh-sư.” Qua lời nhận xét này, khán giả đã nhận ra ngay sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư:

            – Đấng có thẩm quyền: Người biết rõ vấn đề chứ không dựa theo người khác. Điều này dễ hiểu nếu chúng ta nhìn nhận Đức Kitô chính là sự khôn ngoan hay trí tuệ của Thiên Chúa. Ngài biết mọi sự xảy ra trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thẳng thắn sửa chữa sự hiểu sai của truyền thống: “Người xưa dạy… phần Thầy, Thầy dạy các con… ”

            – Các kinh-sư: Họ chỉ hiểu phần nào của vấn đề chứ không thông suốt tất cả. Họ phải dựa vào thẩm quyền của Kinh Thánh để biện minh cho những lời giải thích của họ, chứ không dám đưa ra một giáo lý gì mới cả.

            2.2/ Chúa Giêsu có uy quyền trên các thần ô uế: Trình thuật kể: trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!””

Người Do-Thái tin có rất nhiều thần ô uế trong thế giới, và chính Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất các thần ô uế khỏi con người, điển hình là trình thuật hôm nay. Các thần ô uế này có thể là oan hồn của các kẻ gian ác chưa được giải thóat, hay dựa trên trình thuật của Stk 6:1-4.

            (1) Ông là “Đấng Thánh”của Thiên Chúa: Thần ô uế biết nguồn gốc và mục đích của Chúa Giêsu. Nguồn gốc: Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa. Mục đích: Ngài đến để tiêu diệt tội lỗi và các kẻ gây ra tội lỗi. Không những thế, Ngài còn khôi phục lại sự thánh thiện của con người, làm cho họ xứng đáng được hưởng nhan thánh Chúa.

            (2) Chúa Giêsu truyền lệnh: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.

            (3) Phản ứng của con người: Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

            – Vì Chúa Giêsu đã chịu chết để phục hồi phẩm giá nguyên thủy cho con người, chúng ta cần bắt chước Chúa Giêsu để tiêu diệt và tránh xa ảnh hưởng của các thần ô uế.

            – Để có thể thuyết phục người khác tin vào Chúa, chúng ta cần thông suốt những gì Chúa dạy trước khi có thể rao truyền Tin Mừng cho người khác.

            – Một cuộc sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng sẽ dễ dàng thuyết phục những người khác tin vào Thiên Chúa hơn là chỉ thuần túy rao giảng.

 

 

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}   

Skip to content