Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Ba – Tuần 3 – TN2
Bài đọc: Heb 10:1-10; 2 Sam 6:12b-15, 17-19; Mk 3:31-35.
1/ Bài đọc I (năm lẻ): 1 Lề Luật chỉ phác hoạ lờ mờ những phúc lộc của thế giới tương lai, chứ không phản ánh chính xác những thực tại đó. Cho nên, Lề Luật không bao giờ có thể làm cho những người tiến lại gần Thiên Chúa được nên hoàn thiện, nhờ những ngần ấy thứ hy lễ người ta cứ dâng mãi năm này qua năm khác. 2 Chẳng vậy, người ta đã thôi không còn dâng hy lễ, vì giả như những kẻ làm việc thờ phượng đã được thanh tẩy dứt khoát rồi, thì họ đâu còn ý thức mình có tội nữa? 3 Trái lại, năm này qua năm khác, chính những hy lễ đó nhắc cho người ta nhớ mình có tội. 4 Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi.
5 Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. 6 Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. 7 Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.
8 Trước hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.
9 Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. 10 Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Vua Đa-vít liền đi và rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Ô-vết Ê-đôm lên Thành vua Đa-vít, trong niềm hân hoan.
13 Khi những người khiêng Hòm Bia của Đức Chúa đi được sáu bước, thì vua sát tế một con bò và một con bê béo.
14 Vua Đa-vít quấn ê-phốt vải gai, nhảy múa hết sức mình trước nhan Đức Chúa.
15 Vua Đa-vít và toàn thể nhà Ít-ra-en rước Hòm Bia Đức Chúa lên giữa tiếng hò reo với tiếng tù và.
17 Người ta đưa Hòm Bia Đức Chúa đặt vào chỗ đã dọn giữa lều vua Đa-vít đã dựng sẵn. Vua Đa-vít dâng lên trước nhan Đức Chúa những lễ toàn thiêu và những lễ kỳ an.
18 Khi đã hoàn tất việc dâng các lễ toàn thiêu và lễ kỳ an, vua Đa-vít nhân danh Đức Chúa các đạo binh chúc phúc cho dân.
19 Rồi vua phân phát cho toàn dân, cho tất cả đám đông Ít-ra-en, đàn ông cũng như đàn bà, mỗi người một cái bánh ngọt, một phần thịt và một cái bánh nho. Rồi toàn dân ai nấy về nhà mình.
3/ Phúc Âm: 31 Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra.
32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”
33 Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.
35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thi hành thánh ý Thiên Chúa.
Có một câu truyện dẫn chứng sự quan trọng của việc làm theo thánh ý Thiên Chúa như sau: Một vị vua kia muốn trao tài sản cho các con; nhưng để dạy các con một bài học phải tránh xa sự hào nhoáng bên ngòai, nhà vua cho gói những thứ thật quí vào những hộp trông có vẻ tầm thường, và những thứ tầm thường vào những hộp trông rất lộng lẫy bên ngoài. Sau đó, vua cho gọi các con vào để lựa chọn, bắt đầu từ hoàng tử lớn nhất. Đa số các hoàng tử đều chọn các hộp lộng lẫy. Đến phiên hoàng tử út, chàng tần ngần một lát, rồi nói nhỏ với cha: Con không biết cách chọn; nhờ cha chọn cho con. Nhà vua đã chọn của quí nhất cho hoàng tử út.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh chủ đề sự quan trọng của việc làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái tiếp tục so sánh giữa 2 lễ vật hy sinh: máu chiên bò theo Lề Luật của Cựu Ước và máu Đức Kitô của Tân Ước. Máu chiên bò không thể xóa sạch tội cho con người, nên Ngày Xá Tội phải tái diễn mỗi năm. Máu Đức Kitô chỉ cần đổ ra một lần là đủ xóa sạch tội cho con người, vì là máu đổ ra tự nguyện để làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Trong Bài Đọc I, năm chẵn, vua David học được bài học phải làm theo ý Thiên Chúa; chứ không theo ý nhà vua. Vì thế, vua đổi ý để đi lên Obededom di chuyển Hòm Bia Thiên Chúa về thành của vua David. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa không đặt căn bản trên liên hệ ruột thịt, nhưng trên căn bản làm theo thánh ý của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Lạy Thiên Chúa! Này Con đây, Con đến để thực thi ý Ngài.
1.1/ Lề Luật và hy lễ chiên bò: “Lề Luật chỉ là hình bóng của những gì tốt đẹp hơn sẽ tới, chứ không phải là phản ánh chính xác những thực tại đó. Lề Luật không bao giờ có thể làm cho những người tiến lại gần Thiên Chúa được nên hoàn thiện, nhờ những hy lễ người ta dâng năm này qua năm khác.” Điều tác-giả muốn nói ở đây, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, cái hoàn hảo đến sau sẽ thay thế cho cái bất toàn đến trước. Lề Luật chỉ là hình bóng của những gì tốt đẹp hơn mà Đức Kitô sẽ mang đến cho con người.
Tác giả lý luận: Nếu các hy lễ mà Lề Luật đòi buộc có thể cất đi tội lỗi của con người, họ đâu cần phải dâng đi dâng lại mỗi năm. Hay nếu máu chiên bò thực sự thanh tẩy tội lỗi trong tâm hồn, con người đâu còn ý thức mình có tội nữa. Hơn nữa, hy lễ dâng hàng năm nhắc nhở cho con người ý thức tội lỗi của họ. Vì vậy, con người cần có một lễ tế hy sinh hoàn hảo hơn.
1.2/ Điều đẹp lòng Thiên Chúa: Tác giả dẫn chứng Thánh Vịnh 40:6-9 với ít nhiều sửa đổi, “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy sinh và lễ tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ đền tội.” Những thứ Thiên Chúa không thích này lại là những thứ mà Lề Luật truyền. Thực ra, không phải chỉ tác-giả Thư Do-thái nói những điều này, rất nhiều tác giả khác của Cựu Ước cũng đã nói tới sự bất toàn của hy sinh và của lễ. Họ cũng nhấn mạnh đến những điều khác quan trọng hơn như: Ông Samuel nói với vua Saul: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (I Sam 15:22). Hay như lời tiên-tri Hosea: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hos 6:6).
Tác giả nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu một thân thể để Ngài có thể chịu đựng đau khổ và dâng nó như một hy lễ để đền tội cho con người. Đồng thời tác giả cũng nhấn mạnh tới việc vâng lời làm theo ý Thiên Chúa như lời Thánh Vịnh 40: “Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa! Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” Khi con người phạm tội là họ đã bất tuân thánh ý Thiên Chúa; làm sao họ có thể bắt những chiên bò đổ máu để xóa tội cho họ được? Để có thể xóa đi tội bất tuân của con người, Con Thiên Chúa đã tình nguyện mang thân xác con người và đổ máu của chính mình. Chỉ có lễ hy sinh tự nguyện và cao đẹp này mới có thể xóa đi tội lỗi của con người, và làm cho con người được giao hòa với Thiên Chúa mà thôi.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Vua David cuốn áo choàng bằng vải gai và nhảy múa hết sức mình trước nhan Đức Chúa.
2.1/ Cuộc rước Hòm Bia Thiên Chúa về thành David lần thứ hai: Cuộc rước Hòm Bia Thiên Chúa lần thứ nhất bị cắt đứt dở dang vì ông Uzzah bị Thiên Chúa phạt chết. Lý do Uzzah bị chết vì đã giơ tay đỡ Hòm Bia khi sắp rơi xuống đất. Sự kiện xảy ra cách đột ngột làm vua David buồn bực (6:8) và sợ hãi; nên nhà vua cho di chuyển Hòm Bia đến nhà ông Obededom, một người Dân Ngoại; thay vì di chuyển Hòm Bia về thành vua David.
Tại sao David lại chuyển Hòm Bia Thiên Chúa đến nhà một người Dân Ngoại? Có thể vua David sợ nếu ở gần Thiên Chúa, vua sẽ phải lãnh nhận hình phạt tương tự (6:9). Có thể vua David buồn bực (6:8), vì Thiên Chúa đã không làm theo ý vua muốn: đang vui mừng đón Thiên Chúa, Ngài lại giáng phạt biến vui mừng thành khổ đau!
2.2/ David học để làm theo ý Thiên Chúa: Khi Hòm Bia Thiên Chúa ở nhà ông Obededom, vua David nghe tin Thiên Chúa chúc phúc cho gia đình ông. Vì thế, vua David đổi ý định, nhà vua liền đi và rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Obededom lên Thành vua David.
David học được một bài học quan trọng: Con người cần có sự hiện diện của Thiên Chúa để được Ngài che chở và chúc lành. Thiên Chúa không mắc nợ nần gì với con người; nhưng con người mắc nợ Thiên Chúa tất cả. David được phong vương làm vua là vì Thiên Chúa đã truất phế vua Saul, và sai Samuel đến xức dầu phong vương khi ông vẫn là cậu bé chăn chiên ngoài đồng. David có thắng được quân thù Philistines là vì bàn tay hùng mạnh của Thiên Chúa ở với ông. David nhận ra: con người phải làm theo thánh ý Thiên Chúa; chứ không bắt Thiên Chúa phải làm theo ý mình. Khi con người làm theo ý Thiên Chúa, Ngài sẽ chúc lành và ban ơn cho con người.
3/ Phúc Âm: Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.
3.1/ Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: Thoạt đọc trình thuật hôm nay, một người không tránh khỏi bất mãn với Chúa Giêsu vì đã khinh thường Đức Mẹ và anh em của Ngài, và Ngài đã không giữ giới răn thứ bốn. Nhưng Chúa Giêsu có vi phạm những điều này không? Một trong những sứ vụ của Chúa Giêsu là dạy dỗ và sửa chữa những hiểu biết sai lầm. Trong bài học hôm nay, Chúa Giêsu không đi ra ngoài 2 giới răn quan trọng nhất: trước tiên, mến Chúa; sau đó, yêu người. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thứ tự ưu tiên của hai giới răn, mà con người rất nhiều lần đã đảo lộn thứ tự ưu tiên của nó. Việc Chúa Giêsu đang rao giảng Tin Mừng là Ngài đang làm theo thánh ý Thiên Chúa; và Ngài phải đặt nó lên trên tất cả các việc khác. Ngài không thể hy sinh việc rao giảng để tiếp chuyện với thân nhân. Tuy nhiên, khi nào không làm việc Thiên Chúa, Ngài vẫn yêu thương và săn sóc Đức Mẹ; như khi Chúa Giêsu trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan chăm sóc dưới chân Thập Giá.
3.2/ Yêu mến Thiên Chúa là làm theo thánh ý Ngài: Bài học thứ hai Chúa Giêsu muốn dạy con người hôm nay: tình yêu phải biểu tỏ cụ thể bằng hành động. Con người thường nghĩ mình có thể yêu Thiên Chúa bằng lời nói, hay bằng những hành động bên ngoài như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Những điều này tốt, nhưng không quan trọng bằng việc tìm ra và làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Cuộc đời Chúa Giêsu là một mẫu mực cho con người học thế nào là yêu thương Thiên Chúa: Ngài muốn nhập thể để thi hành Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong những năm ở trần gian, thánh ý Thiên Chúa là động lực sống của Ngài đến nỗi Ngài thốt lên những câu phải là châm ngôn cho chúng ta như: “Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta, và chu toàn các việc của Ngài” (Jn 4:34). “Điều Ta tìm kiếm không phải ý Ta, nhưng là ý của Đấng đã sai Ta” (Jn 5:30). “Ý của Chúa Cha là hễ ai thấy Chúa Con và tin vào Ngài, sẽ có sự sống đời đời” (Jn 6:40). Những giờ phút sau cùng trong vườn Ghetsemane, Chúa Giêsu bị giằng co giữa đau khổ sắp đến và thánh ý Thiên Chúa, nhưng sau cùng Ngài đã thốt lên: “Lạy Cha! Nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha” (Mt 26:42).
3.3/ Người nhà của Chúa Giêsu là những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa: Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” Chúa Giêsu loại bỏ tất cả những lý do khác con người có thể dựa vào để nhận họ là người nhà của Chúa; nhưng chỉ còn giữ lại điều kiện duy nhất là nghe và thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Mẹ Maria và các môn đệ là người nhà của Chúa vì họ luôn thực thi ý muốn của Thiên Chúa.
Thi hành thánh ý Thiên Chúa không phải chỉ bằng làm những công việc vĩ đại; nhưng bằng chu toàn các bổn phận Ngài đã trao phó cho trong cuộc sống hàng ngày. Nói cách rõ hơn, bổn phận của người môn đệ là phải: “từ bỏ ý riêng mình, vác thập giá của mình hàng ngày, và theo Chúa.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa không hài lòng về hy sinh và lễ vật chúng ta dâng, cho bằng về những cố gắng của chúng ta tìm ra và làm theo thánh ý Ngài.
– Thánh ý của Thiên Chúa, cách tổng quát, là lo sao cho chính bản thân chúng ta và mọi người đạt được ơn Cứu Độ.
– Bổn phận của chúng ta là phải học biết và thi hành thánh ý Thiên Chúa; chứ không bắt Ngài phải làm theo ý chúng ta mong muốn.
– Để tìm ra thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta phải học hỏi Kinh Thánh để hiểu biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa; và làm hết sức có thể để làm cho Ơn Cứu Độ lan rộng đến mọi người.