Thứ Bảy, Tuần 11 TN

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Thu Bay Tuan 11 TN.mp3{/audio}

 

Thứ Bảy, Tuần 11 TN, Lễ Trái Tim Đức Mẹ. 

Bài đọc: 2 Cor 12:1-10; Lk 2:41-51. 

1/ Bài đọc I: 

1 Phải tự hào ư? Nào có ích gì! Dù thế, tôi cũng xin nói về những thị kiến và mặc khải Chúa đã ban cho tôi.2 Tôi biết có một người môn đệ Đức Ki-tô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba -có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết.3 Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng – trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết -, 4 và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại.

5 Về một người như thế, tôi sẽ tự hào; còn về bản thân tôi, tôi chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi. 6 Quả vậy, nếu muốn tự hào, thì tôi cũng không phải là người điên, vì tôi nói sự thật. Nhưng tôi không làm thế, kẻo người ta đánh giá tôi quá cao, so với điều họ thấy nơi tôi hoặc nghe tôi nói.

7 Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.

8 Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.

9 Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.

10 Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.

 

2/ Phúc Âm:

                         

41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.

42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.

43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.

44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.

45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.

47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.

48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! “

49 Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? “

50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

 


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ý nghĩa của đau khổ

             

            Theo Phụng Vụ, Giáo hội muốn ngày hôm qua chúng ta mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày hôm nay chúng ta nhớ những đau khổ của Đức Mẹ. Mặc dù có một sự khác biệt lớn lao giữa hai trái tim cùng đau khổ vì yêu; nhưng chỗ nào có đau khổ của người con, chúng ta cũng nhìn thấy thấp thoáng những đau khổ của người mẹ.

            Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta nhìn ra những ý nghĩa của đau khổ. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nêu bật ít nhất hai lý do Chúa muốn ông phải chịu đau khổ: để ông khỏi kiêu ngạo vì đã được Chúa cho thấy thị kiến Nước Trời, và xác tín sức mạnh ông có là đến từ Thiên Chúa, chứ không đến từ con người yếu đuối của ông. Trong Phúc Âm, thánh Luca dẫn chứng cho chúng ta thấy đau khổ không thể thiếu trong đời sống gia đình. Nó giúp chúng ta biết nhận ra giá trị ưu tiên trong cuộc sống, và biết cách giải quyết để các thành phần trong gia đình có thể chung sống hài hòa với nhau.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.

 

            1.1/ Sức mạnh của Thiên Chúa: Người môn đệ Đức Kitô mà trước đây 14 năm đã được cất nhắc lên tới tầng trời thứ ba là chính Phaolô. Ông đã được Thiên Chúa cho thấy thị kiến Nước Trời. Điều ông không rõ là lúc đó ông “ở trong hay ở ngoài thân xác,” vì ông ở trong trạng thái xuất thần. Truyền thống Do-thái tin không một ai nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống sót; ở đây Phaolô chỉ đề cập “người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại.” Điểm quan trọng Phaolô muốn tự hào ở đây là sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa ban cho ông có được thị kiến đó; chứ không phải lòng đạo đức hay tài giỏi gì của ông.

 

            1.2/ Yếu đuối của con người: Phaolô ý thức rõ ràng sức mạnh của ông đến từ Thiên Chúa, còn thân xác con người ông thì yếu đuối nhu nhược. Theo bản tính con người, ông muốn xin Thiên Chúa cất đi những yếu đuối của thân xác, để ông có thể làm việc cho Thiên Chúa có hiệu năng hơn; nhưng Thiên Chúa có đường lối của Ngài, và Phaolô biết lý do đó: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.”

            (1) Đâu là ý nghĩa của cái “dằm” đâm vào thân xác Phaolô? Có nhiều ý kiến khác nhau:

            + Cái dằm thiêng liêng: Calvin cho là “những cám dỗ đàng thiêng liêng.” Luther cho là “những chống đối và bắt bớ.” Đa số các học giả Công Giáo cho là “những cám dỗ xác thịt.” Người phản đối ý kiến này cho: từ ngữ “cái dằm = sko,loy” trong tiếng Hy-lạp dùng để chỉ cái gai hay cái dằm cách thể lý, chứ không dùng cách biểu tượng.

            + Cái dằm thể lý: Có người cho là “dáng vóc yếu ớt” của Phaolô (2 Cor 10:10). Người khác cho Phaolô bị bệnh “điên nhẹ” (Gal 4:14). Tertulian và Jerome cho Phaolô bị “nhức đầu kinh niên.” Vẫn có người cho Phaolô vẫn còn bị “đau mắt,” vì biến cố đã xảy ra cho ông trên đường đi Damascus (Acts 9:9), và các tín hữu Galat sẵn sàng nhường mắt họ cho Phaolô (Gal 4:15). Người khác lại cho ông bị chứng “sốt rét kinh niên” hay “bị đau răng.”

            Chúng ta khó có thể xác định rõ ràng ý nghĩa của “cái dằm” Phaolô muốn nói ở đây, vì ông có thể dùng để chỉ ý nghĩa thể lý hay ý nghĩa biểu tượng. Một điều chắc chắn đó là hậu quả của thân xác con người, và Phaolô muốn Thiên Chúa cất khỏi ông.

            (2) Ơn thánh và sức mạnh của Thiên Chúa đủ để Phaolô vượt qua mọi đau khổ: Phaolô kể cho chúng ta nghe kinh nghiệm của ông: ”Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này; nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi.” Đây cũng là kinh nghiệm cho chúng ta, vì chúng ta thường cảm thấy bức xúc khi bệnh tật hay đau khổ làm trì trệ công việc rao giảng Tin Mừng; vì thế, chúng ta thường xin Thiên Chúa cất khỏi bệnh tật và các chướng ngại, để chúng ta có sức khỏe làm việc cho Ngài. Nhưng Chúa có kế hoạch của Chúa và bổn phận của chúng ta là làm theo thánh ý của Chúa, chứ không theo sở thích riêng của chúng ta. Điều thích đáng phải làm là hãy theo gương thánh Phaolô: ”Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” 

2/ Phúc Âm: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”

            2.1/ Những đau khổ xảy ra trong cuộc sống: Trình thuật Luca kể: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Jerusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Jerusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết.”

            – Hiểu lầm giữa vợ chồng: Thánh Giuse tưởng trẻ Giêsu đi với Mẹ Maria, và Mẹ Maria tưởng trẻ Giêsu đi với thánh Giuse. Khi hai ông bà gặp nhau mới khám phá ra mình đã lạc mất con: ”Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Jerusalem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.”

            – Hiểu lầm giữa cha mẹ và con cái: Từ Nazareth đến Jerusalem là khoảng cách rất xa, đi bộ phải mất 3 ngày, và là đường đồi núi rất khó đi; hơn nữa, cộng thêm vào nỗi lo sợ bị mất con, Mẹ Maria có lý do để trách móc con: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”

            2.2/ Phản ứng khó hiểu của Chúa Giêsu: Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

            (1) Bổn phận đối với Thiên Chúa phải được ưu tiên hàng đầu: Theo truyền thống Do-thái, con trẻ trưởng thành làm người lớn khi đủ 12 tuổi. Lề Luật bắt buộc mọi người nam từ 12 tuổi trở lên, phải hành hương tới Jerusalem dự 3 ngày lễ lớn trong năm. Khi đến tuổi trưởng thành là tuổi biết quyết định làm những gì tốt cho mình và cho người khác, Chúa Giêsu nhận ra bổn phận của Ngài với Thiên Chúa. Đó là lý do Ngài quyết định ở lại Jerusalem một mình. Câu trả lời của Chúa không có gì sai trái cả, và Chúa Giêsu có thể tìm đường về Nazareth một mình; chỉ có một điều làm chúng ta và hai ông bà cảm thấy bức xúc là tại sao Chúa Giêsu không báo cho cha mẹ biết Ngài phải ở lại để ông bà đừng lo lắng!

            (2) Mẹ Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng: Tuy ông bà không hiểu lời Người vừa nói; nhưng ông bà không la mắng chửi rủa con, vì thấy con nói đúng. Sau biến cố đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

            Chúa Giêsu không bất tuân cha mẹ; nhưng Ngài muốn nhắc nhở cho cha mẹ biết sứ vụ đối với Cha trên trời của Ngài. Mẹ Maria biết giới hạn của mình nên cũng không tiếp tục trách cứ con; nhưng Mẹ ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

            – Sức mạnh của chúng ta là ở nơi Thiên Chúa, chứ không ở nơi xác thịt yếu đuối của chúng ta. Nếu Ngài muốn chúng ta chịu đau khổ, bệnh tật, hãy vâng theo thánh ý và tìm ra con đường Thiên Chúa muốn chúng ta đi.

            – Đau khổ và hiểu lầm trong đời sống gia đình không thể thiếu. Cách giải quyết của gia đình thánh hôm nay dạy cho chúng ta nhiều bài học: Bổn phận đối với Thiên Chúa phải là bổn phận trên hết. Khi thấy người khác đã nêu lý do hợp lệ, đừng chất vấn gì thêm nữa.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content