Thứ Bảy – Tuần 11 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Bảy – Tuần 11 – TN1

 

Bài đọc: 2 Cor 12:1-10; Mt 6:24-34.

1/ Bài đọc I: 1 Phải tự hào ư? Nào có ích gì! Dù thế, tôi cũng xin nói về những thị kiến và mặc khải Chúa đã ban cho tôi.

2 Tôi biết có một người môn đệ Đức Ki-tô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba -có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết.

3 Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng – trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết -, 4 và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại.

5 Về một người như thế, tôi sẽ tự hào; còn về bản thân tôi, tôi chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi. 6 Quả vậy, nếu muốn tự hào, thì tôi cũng không phải là người điên, vì tôi nói sự thật. Nhưng tôi không làm thế, kẻo người ta đánh giá tôi quá cao, so với điều họ thấy nơi tôi hoặc nghe tôi nói.

7 Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.

8 Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.

9 Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.

10 Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.

2/ Phúc Âm: 24 “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được. 25 “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? 26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?

27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?

28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi;

29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!

31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?

32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. 33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. 34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng vào tình yêu quan phòng của TC

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta nhìn ra sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nêu bật ít nhất hai lý do Chúa muốn ông phải chịu đau khổ: để ông khỏi kiêu ngạo vì đã được Chúa cho thấy thị kiến Nước Trời, và xác tín sức mạnh ông có là đến từ Thiên Chúa, chứ không đến từ con người yếu đuối của ông. Trong Phúc Âm thánh Matthew, Chúa Giêsu đòi con người phải lựa chọn: hoặc phục vụ Thiên Chúa hoặc làm nô lệ cho thế gian, họ không thể bắt cá hai tay.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.

 

1.1/ Sức mạnh của Thiên Chúa: Người môn đệ Đức Kitô mà trước đây 14 năm đã được cất nhắc lên tới tầng trời thứ ba là chính Phaolô. Ông đã được Thiên Chúa cho thấy thị kiến Nước Trời. Điều ông không rõ là lúc đó ông “ở trong hay ở ngoài thân xác,” vì ông ở trong trạng thái xuất thần. Truyền thống Do-thái tin không một ai nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống sót; ở đây Phaolô chỉ đề cập “người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại.” Điểm quan trọng Phaolô muốn tự hào ở đây là sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa ban cho ông có được thị kiến đó; chứ không phải lòng đạo đức hay tài giỏi gì của ông.

 

1.2/ Yếu đuối của con người: Phaolô ý thức rõ ràng sức mạnh của ông đến từ Thiên Chúa, còn thân xác con người ông thì yếu đuối nhu nhược. Theo bản tính con người, ông muốn xin Thiên Chúa cất đi những yếu đuối của thân xác, để ông có thể làm việc cho Thiên Chúa có hiệu năng hơn; nhưng Thiên Chúa có đường lối của Ngài, và Phaolô biết lý do đó: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.”

(1) Đâu là ý nghĩa của cái “dằm” đâm vào thân xác Phaolô? Có nhiều ý kiến khác nhau:

+ Cái dằm thiêng liêng: Calvin cho là “những cám dỗ đàng thiêng liêng.” Luther cho là “những chống đối và bắt bớ.” Đa số các học giả Công Giáo cho là “những cám dỗ xác thịt.” Người phản đối ý kiến này cho: từ ngữ “cái dằm = sko,loy” trong tiếng Hy-lạp dùng để chỉ cái gai hay cái dằm cách thể lý, chứ không dùng cách biểu tượng.

+ Cái dằm thể lý: Có người cho là “dáng vóc yếu ớt” của Phaolô (2 Cor 10:10). Người khác cho Phaolô bị bệnh “điên nhẹ” (Gal 4:14). Tertulian và Jerome cho Phaolô bị “nhức đầu kinh niên.” Vẫn có người cho Phaolô vẫn còn bị “đau mắt,” vì biến cố đã xảy ra cho ông trên đường đi Damascus (Acts 9:9), và các tín hữu Galat sẵn sàng nhường mắt họ cho Phaolô (Gal 4:15). Người khác lại cho ông bị chứng “sốt rét kinh niên” hay “bị đau răng.”

Chúng ta khó có thể xác định rõ ràng ý nghĩa của “cái dằm” Phaolô muốn nói ở đây, vì ông có thể dùng để chỉ ý nghĩa thể lý hay ý nghĩa biểu tượng. Một điều chắc chắn đó là hậu quả của thân xác con người, và Phaolô muốn Thiên Chúa cất khỏi ông.

(2) Ơn thánh và sức mạnh của Thiên Chúa đủ để Phaolô vượt qua mọi đau khổ: Phaolô kể cho chúng ta nghe kinh nghiệm của ông: ”Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này; nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Đây cũng là kinh nghiệm cho chúng ta, vì chúng ta thường cảm thấy bức xúc khi bệnh tật hay đau khổ làm trì trệ công việc rao giảng Tin Mừng; vì thế, chúng ta thường xin Thiên Chúa cất khỏi bệnh tật và các chướng ngại, để chúng ta có sức khỏe làm việc cho Ngài. Nhưng Chúa có kế hoạch của Chúa và bổn phận của chúng ta là làm theo thánh ý của Chúa, chứ không theo sở thích riêng của chúng ta. Điều thích đáng phải làm là hãy theo gương thánh Phaolô: ”Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.”

2/ Phúc Âm: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.

 

2.1/ Không ai có thể làm tôi hai chủ: “vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.”

+ Phát triển từ ngữ mamonas: Nó đến từ động từ có nghĩa “tin cậy;” và danh từ mamon là của cải mà một người tin cậy giao cho ngân hàng giữ hay chứa đựng nó trong một hộp an toàn. Sau một thời gian mamon không còn có nghĩa “được tin cậy giao cho,” nhưng là cái mà con người đặt niềm tin tưởng vào. Khi Mamon được viết hoa, nó có nghĩa như là một thần. Lịch sử của chữ thay đổi từ chỗ sở hữu tài sản, những gì con người cần có để xử dụng như phương tiện để sống, đến chỗ con người tin tưởng vào tài sản đó, coi nó như một vị thần, thần tài hay thần tiền.

Nói cho cùng, tất cả của cải trong thế giới này là của Thiên Chúa ban cho mọi người được hưởng dùng. Con người không phải là chủ nhân mà chỉ là người quản lý, và phải trả lời với Thiên Chúa hai câu hỏi quan trọng này:

(1) Chúng ta kiếm tiền bằng cách nào? Có nhiều cách kiếm tiền khác nhau; nhưng chúng ta có thể xếp loại vào hai cách chính: Cách hợp pháp và cách bất hợp pháp. Cách hợp pháp là khi chúng ta kiếm tiền bằng sức lao động hay sức cố gắng của mình. Cách bất hợp pháp là khi chúng ta kiếm tiền bằng cách ăn gian, nói dối hay lường gạt.

(2) Chúng ta xử dụng tiền làm sao? Như đã nói ở trên, chúng ta chỉ là người quản lý các tài sản của Thiên Chúa, và nhiệm vụ của người quản lý là biết cách chi tiêu phân phát. Có nhiều cách xử dụng tiền bạc: Có những người không xử dụng: chỉ giữ tiền cho chắc bụng, để lâu lâu lấy ra đếm cho thích, để biết mình giầu. Có người xử dụng cách hoang phí: trong việc tiêu xài, cờ bạc, rượu chè, trai gái… Có người xử dụng vào các việc phi nhân: buôn bán người. Có người xử dụng để sinh lợi ích cho tha nhân: nuôi dưỡng con cái, học hành, ủng hộ vào những chương trình làm thăng hoa đời sống con người. Nói tóm, con người là sở hữu của Thiên Chúa. Họ chỉ được quyền tôn thờ một mình Thiên Chúa, và phải biết dùng những của Chúa ban như phương tiện để sinh sống mà thôi.

 

2.2/ Không được lo lắng! Phải biết tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cho con người 7 lý do để đừng lo lắng: (1) Đấng cho sự sống cũng sẽ cho những gì cần thiết để bảo toàn sự sống: “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (2) Lo lắng làm buồn lòng Thiên Chúa: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (3) Lo lắng được gì đâu? “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (4) Lo lắng đe dọa niềm tin: “Nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” (5) Có những điều đáng làm và phải làm hơn: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (6) Lo lắng tìm vật chất là của Dân Ngoại: “Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.” (7) Con người chỉ biết có giây phút hiện tại, quá khứ đã qua, và tương lai không ai biết: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

          Sức mạnh của chúng ta là ở nơi Thiên Chúa, chứ không ở nơi của cải, danh vọng, hay xác thịt yếu đuối của chúng ta. Nếu Ngài muốn chúng ta chịu đau khổ, bệnh tật, hãy vâng theo thánh ý và tìm ra con đường Thiên Chúa muốn chúng ta đi. Của cải chỉ là phương tiện sinh sống bao lâu chúng ta còn sống ở đời này, một khi xuôi tay nằm xuống, của cải trở thành vô nghĩa và chẳng sinh lợi gì cho chúng ta.


Skip to content