Thứ Bảy, Tuần 23 TN

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Thu Bay Tuan 23 TN.mp3{/audio}

 

Thứ Bảy, Tuần 23 TN, Năm lẻ. Nhớ Thánh Danh Đức Mẹ 

Bài đọc: I Tim 1:15-17; Lk 6:43-49. 

1/ Bài đọc I: 

15 Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Giê-su Ki-tô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.16 Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.17 Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men. 

2/ Phúc Âm:                         

43 “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.46 “Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! , mà anh em không làm điều Thầy dạy?47 “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai.48 Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc.49 Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.” 


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải thực hành Lời Chúa dạy.             

            Tiếng Việt-nam rất chính xác khi ghép chữ “học hành.” Đã học hỏi, phải hành động, thì mới sinh lợi ích cho bản thân và tha nhân. Nếu học mà không hành, mớ kiến thức một người có được sẽ vô dụng, vì không sinh ích lợi gì.

            Các Bài Đọc hôm nay nhằm mục đích khuyên con người phải thực hành những gì Chúa dạy. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô dựa theo kinh nghiệm cá nhân và dạy: “Thiên Chúa thương xót con người đang khi con người vẫn còn là tội nhân.” Vì thế, con người hãy mạnh dạn chạy đến với Thiên Chúa để được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố con người không phải chỉ nghe mà còn phải thực hành Lời Chúa, thì mới có thể sinh quả tốt và đứng vững trước bao sóng gió của cuộc đời. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thương xót khi con người vẫn còn là tội nhân.

 

            1.1/ Phải nhận ra sự thật: Biến cố trên đường đi Damascus giúp Phaolô thấu hiểu một sự thật: Thiên Chúa tỏ lòng thương xót khi con người đang là tội nhân. Ngài thú nhận tội của mình và tuyên xưng lòng thương xót của Chúa: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng được đón nhận hoàn toàn; đó là: Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu những kẻ tội lỗi, mà người đầu tiên là tôi.” Hai sự thật mà con người cần nhận ra:

            (1) Con người có tội: Tất cả mọi người, từ cặp vợ chồng đầu tiên, Adong và Evà, đều phạm tội. Thánh Gioan xác quyết: Ai nói mình không có tội là kẻ nói dối, và sự thật không có trong người ấy. Ai nói mình không có tội, người đó biến Đức Kitô thành kẻ nói dối; vì chính Đức Kitô đến thế gian để chuộc tội cho mọi người. Rất nhiều con người ngày nay tuyên bố họ không có tội! Những người này đã biến Đức Kitô thành kẻ nói dối, và một cách ngầm chỉ: họ không cần được cứu độ.

            (2) Con người không thể tự giải thoát mình: Khi đã mang thân phận tội lỗi, con người không thể tự giải thoát mình khỏi tội. Làm sao một tội nhân có thể tuyên bố mình không còn tội nữa? Đó là lý do Đức Kitô đến để gánh tội cho con người, và hòa giải con người với Thiên Chúa.

cần trông cậy vào Đức Kitô:

 

            1.2/ Phải chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa: Bản dịch của Nhóm PVCGK dịch không chính xác câu 16 trong trình thuật hôm nay, chúng tôi xin dịch: “Đó là lý do tôi được thương xót: vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày sự kiên nhẫn hoàn hảo của Người với tôi là kẻ đầu tiên, để làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.”

            (1) Thiên Chúa thương xót con người không phải vì sự tốt lành, việc làm, hay nhân đức con người có. Thiên Chúa thương xót Phaolô khi ông vẫn còn là tội nhân, đang hăng say bách hại đạo thánh Chúa. Xét theo kiểu con người, Phaolô xứng đáng lãnh nhận án tử hình. Xét theo kiểu Thiên Chúa, Ngài chứng tỏ lòng kiên nhẫn

            (2) Mọi tội nhân đều có thể được cứu độ, nếu họ biết tin tưởng vào lòng thương xót Chúa; không cần biết họ tội lỗi nhiều và to lớn đến đâu. Thánh Phaolô có ý nói: nếu Thiên Chúa có thể tha thứ cho tôi, một người đang nhiệt thành bách hại Ngài; Ngài sẽ ban cuộc sống đời đời cho tất cả những ai biết chạy đến với Ngài.  

 

2/ Phúc Âm: Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình.

 

            2.1/ Cây nào sinh quả đó: Tục ngữ Việt-nam dạy: “xem quả, biết cây.” Chúa Giêsu dạy:

“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”

            Trong tiến trình trở nên tốt, con người trải qua các thứ tự như sau:

            – Bắt đầu từ sự hiểu biết: Để làm đúng, con người cần phải hiểu biết đúng. Lời Chúa là sự thật, sẽ chỉ dạy con người biết đường lối phải theo. Nếu hiểu biết sai lầm, sẽ không thể làm đúng.

            – Cố gắng mang ra áp dụng: Đã học, phải hành; nếu không nó chỉ là mớ lý thuyết mà không sinh ích lợi cho con người.

            – Thực tập lâu ngày thành thói quen tốt: Các nhà luân lý gọi thói quen tốt là nhân đức, cũng như thói quen xấu là tội. Một khi đã có nhân đức nào, con người cũng tránh được tội ngược lại với nhân đức ấy; ví dụ, khi một người đã có nhân đức khiêm nhường, người ấy cũng tránh được tội kiêu ngạo.

            Chúa Giêsu có ý muốn nói: Cả hai, tội và nhân đức, đều ẩn giấu trong con người; khi cơ hội tới, chúng sẽ phát ra. Nếu lòng một người chỉ toàn nhân đức, họ không thể làm điều xấu; và ngược lại, nếu lòng một người đầy tội, họ không thể làm việc lành.

 

            2.2/ Phải thực hành Lời Chúa: Để cảnh cáo những người nghĩ: chỉ cần tin Thiên Chúa mà không cần làm các việc lành, Chúa Giêsu chất vấn: “Tại sao anh em gọi Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà anh em không làm điều Thầy dạy? Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai.”

            (1) Người nghe và thực hành Lời Chúa: “Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc.” Để xây nhà trên đá, một người cần:

            – Biết tiên liệu những gì sẽ xảy ra trong tương lai như: mưa, gió, bão, lụt lội.

            – Hy sinh bỏ nhiều thời gian: để xây dựng một nền nhà vững chắc.

            – Chấp nhận tốn phí: để mua những vật liệu tốt và lâu bền.

            Tương tự như thế trong việc xây dựng cuộc đời. Để có một cuộc đời vững chắc, cần:

            – Được soi sáng và hướng dẫn bởi Lời Chúa.

            – Hy sinh bỏ nhiều thời gian để tập luyện tất cả nhân đức, cách riêng ba nhân đức đối thần, sao cho có được một đức tin sắt đá, một lòng trông cậy vững bền, và một tình yêu không bao giờ nhạt phai.

            – Lợi dụng cơ hội khi bị thử thách để luyện các nhân đức ngày càng vững mạnh.

            (2) “Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.” Đây là trường hợp của những người:

            – Ngây thơ, không biết tiên liệu những gì sẽ xảy đến trong tương lai.

            – Ngại khó khăn và muốn có kết quả ngay.

            – Sợ tổn phí nên mua những vật liệu hào nhoáng và tạm thời bên ngoài.

            Trong lãnh vực tinh thần, đây là những con người:

            – Khinh thường hay không chịu học hỏi Lời Chúa.

            – Không chịu mang Lời Chúa ra thực hành, vì sợ khó khăn. Họ thích sống cuộc đời dễ dãi, và những gì mang lại kết quả tức khắc.

            – Khi bị thử thách cám dỗ, họ sẽ rơi vào bẫy của ba thù ngay lập tức.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

            – Chúng ta phải nhận mình có tội, không thể tự cứu mình; nhưng cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc gởi Đức Giêsu Kitô đến để chuộc tội cho chúng ta.

            – Để sinh hoa quả tốt lành trong đời sống, chúng ta cần lắng nghe, học hỏi, và thực hành Lời Chúa dạy; nhất là cố gắng luyện tập các nhân đức.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content