Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Bảy – Tuần 29 – TN1 – Năm lẻ
Bài đọc: Rom 8:1-11; Lk 13:1-9.
1/ Bài đọc I: 1 Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa.
2 Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết.
3 Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình.
4 Thiên Chúa làm như vậy, để sự công chính mà Luật đòi hỏi được hoàn toàn thực hiện nơi chúng ta, là những người không sống theo tính xác thịt, nhưng theo Thần Khí.
5 Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí.
6 Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an.
7 Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được.
8 Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. 9 Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô.
10 Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính.
11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.
2/ Phúc Âm: 1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.
2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?
3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.
4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?
5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?
8 Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết sống thế nào để sinh ích lợi cho mình và cho tha nhân.
Làm việc gì ai cũng muốn có kết quả tốt; nếu không, họ sẽ ngưng không làm nữa. Ví dụ, nhà nông sẽ không trồng hay giữ lại những cây mà không đem lại lợi tức; người thương gia sẽ không giữ những món hàng mà không có ai hay ít người mua; người chủ sẽ không giữ để phải trả tiền lương cho những người thợ không mang lợi tức về cho công ty. Trong lãnh vực tâm linh cũng thế, Thiên Chúa đòi con người phải sinh lợi ích cho Ngài, cho tha nhân, và cho bản thân. Ngài sẽ cho con người nhiều cơ hội để sinh lợi ích, nhưng sẽ lấy đi nếu con người không sinh ích lợi.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong câu hỏi con người phải biết sống thế nào để sinh ích lợi cho mình và cho Nước của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô vạch ra hai lối sống hoàn toàn trái ngược nhau: một lối sống theo xác thịt sẽ đưa con người dần dần đến cái chết và một lối sống theo Thánh Thần sẽ làm cho con người sinh hoa trái và dẫn đến cuộc sống đời đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên khán giả đừng lo việc xét đoán người khác để tìm ra lý do của đau khổ; nhưng tốt hơn nên biết thường xuyên xét mình, để biết hoán cải và biết sinh lợi ích cho mình và cho tha nhân.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hai lối sống theo xác thịt và theo Thánh Thần
Theo thần học thân thể của Phaolô, con người không đứng riêng lẻ một mình, nhưng trong sự liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân. Như con người có liên hệ với Adam trong tội nguyên tổ và sự chết, con người cũng có liên hệ với Đức Kitô trong ân sủng và sự sống đời đời. Như hậu quả của tội làm cho con người phải chết như Adam, hậu quả của ân sủng làm cho con người được sống lại với Đức Kitô.
1.1/ Lối sống theo xác thịt:
(1) Từ ngữ xác thịt được xử dụng theo Phaolô: Phaolô dùng chữ xác thịt (sark) để chỉ theo nghĩa đen là thân xác con người như việc cắt bì (Rom 2:28). Phaolô cũng dùng để chỉ theo nghĩa bóng: sống theo xác thịt là sống theo tiêu chuẩn của con người (Rom 7:5). Lối sống theo xác thịt không chỉ bao gồm tội ham muốn xác thịt, nhưng còn mở rộng đến mọi tội khác như: thờ bụt thần, ghen tị, tranh chấp… (Gal 5:19-21).
(2) Hậu quả của lối sống theo xác thịt: Như đã thảo luận trong chương 7, con người không có sức mạnh để chống lại tội lỗi; và hậu quả của tội là con người phải lãnh nhận cái chết. Thánh Phaolô lặp lại điều này trong trình thuật hôm nay: “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được.”
1.2/ Lối sống theo Thánh Thần:
(1) Từ ngữ Thánh Thần được xử dụng theo Phaolô: Theo truyền thống Do-thái, họ chỉ có một chữ (pneuma) để chỉ gió, hơi thở, tinh thần và năng lực của con người. Theo Phaolô, tinh thần này ám chỉ năng lực, đời sống thần linh, hay Thánh Thần của Thiên Chúa. Khi con người sống theo Thánh Thần, con người vâng theo theo sự dạy dỗ của Ba Ngôi Thiên Chúa.
(2) Hậu quả của lối sống theo Thánh Thần: sẽ dẫn tới bình an và sự sống vì có sức mạnh làm cho con người trở nên công chính. Phaolô xác tín: “Nếu Thánh Thần ngự trong anh em, Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thánh Thần của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.”
2/ Phúc Âm: Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.
2.1/ Con người phải năng xét mình để biết ăn năn xám hối: Đâu là sự liên quan giữa đau khổ và tội lỗi? Có 2 cách nhìn: của thế gian và của Thiên Chúa. Theo cách nhìn của thế gian: đau khổ phải chịu là do tội lỗi gây lên, “Ác giả ác báo, tội càng lớn đau khổ càng nhiều.” Theo cách nhìn của Thiên Chúa: đau khổ có thể không do tội lỗi. Chẳng hạn, có người hy sinh chịu đau khổ cho người khác được sống (Chúa Giêsu), hay để vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện (ví dụ ông Job hay người mù từ lúc mới sinh trong chương 9 của Tin Mừng Gioan). Chúa Giêsu dẫn chứng 2 ví dụ:
(1) Những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Chúa Giêsu hỏi khán giả: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” Truyền thống Do-thái tin những người này bị Philatô giết chết vì họ chống lại việc Philatô lấy thuế của Đền Thờ để làm hệ thống nước cho dân thành Jerusalem.
(2) Mười tám người bị tháp Siloam đổ xuống đè chết. Chúa Giêsu cũng đặt câu hỏi cho khán giả: “Các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Jerusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Điều quan trọng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là thay vì tranh luận tìm ra sự liên hệ giữa đau khổ và tội lỗi, con người nên nhìn vào chính mình để nhận ra tội và ăn năn xám hối.
2.2/ Con người phải sinh hoa trái cho Thiên Chúa: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.””
(1) Mọi người đều được Thiên Chúa cho cơ hội như cây vả để sinh hoa kết trái. Nếu vây vả không sinh hoa kết trái, nó sẽ bị chặt để lấy chỗ cho cây khác để sinh lợi cho con người hơn. Con người cũng thế, nếu không sinh lợi ích như Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ cất đi để cho người khác có cơ hội sinh lợi cho Ngài.
(2) Thiên Chúa cho con người nhiều cơ hội; nhưng nếu con người không biết lợi dụng, có thể là cơ hội cuối cùng. Thiên Chúa cũng kiên nhẫn chờ đợi để con người sinh hoa kết quả; nhưng nếu con người vẫn không sinh trái, Ngài sẽ chặt đi và lấy chỗ cho người khác để sinh trái cho Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần hiểu biết tường tận Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa và vai trò của mỗi người chúng ta trong Kế Họach này. Hãy làm trọn vai trò Ngài muốn chúng ta làm.
– Đừng ghen tị đòi làm những gì người khác làm, nhưng biết chu tòan ơn gọi Chúa ban, để cùng với mọi người, đưa Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa tới chỗ viên mãn.
– Đừng nhìn chung quanh để dò xét và kết án người khác, nhưng hãy tự xét mình để xem mình đã sinh hoa kết trái tương xứng với những hồng ân Thiên Chúa đã ban chưa?