Thứ Bảy – Tuần 30 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Bảy – Tuần 30 – TN1 – Năm lẻ.

Bài đọc: Rom 11:1-2a, 11-12, 25-29; Lk 14:1, 7-11.

1/ Bài đọc I: 1 Vậy tôi xin hỏi: Phải chăng Thiên Chúa đã ruồng bỏ dân Người? Không phải thế! Chính tôi đây cũng là người Ít-ra-en, thuộc dòng dõi Áp-ra-ham, thuộc chi tộc Ben-gia-min.

2 Thiên Chúa không ruồng bỏ dân Người, dân mà Người đã biết từ trước. Anh em chẳng biết truyện ông Ê-li-a trong Kinh Thánh sao? Khi cầu nguyện với Thiên Chúa, ông đã tố cáo dân Ít-ra-en rằng:

11 Vậy tôi xin hỏi: Phải chăng Ít-ra-en đã vấp đến mức phải ngã quỵ? Không phải thế! Nhưng vì họ sa ngã mà Thiên Chúa cho các dân ngoại hưởng ơn cứu độ, khiến họ phải ganh tị.

12 Nếu vì người Do-thái sa ngã mà thế giới được ơn phúc dồi dào, nếu vì họ suy vi mà các dân ngoại được ơn phúc dồi dào, thì khi họ trở về đông đủ, tình trạng còn tốt đẹp hơn biết mấy!

25 Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Ít-ra-en đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ.

26 Như vậy, toàn thể Ít-ra-en sẽ được cứu độ, như có lời chép: Từ núi Xi-on, vị Cứu Tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà Gia-cóp.

27 Đó sẽ là giao ước của Ta với chúng, khi Ta xoá bỏ tội lỗi chúng.

28 Đối chiếu với Tin Mừng thì họ là thù địch, điều đó có lợi cho anh em; nhưng theo ơn tuyển chọn, họ là những người được yêu thương, và đó là nhờ các tổ phụ.

29 Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.

2/ Phúc Âm: 1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.

7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:

8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,

9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.

10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần có thái độ khiêm nhường trên hành trình đi tìm sự thật.

Thái độ tự mãn và kiêu ngạo gây ra rất nhiều tai hại cho con người trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân: Với Thiên Chúa, thái độ tự mãn làm con người không nhận ra sự thật Thiên Chúa muốn mặc khải và dạy dỗ con người; nó cũng ngăn cản con người nhận ra tội lỗi của mình và nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Với tha nhân, thái độ kiêu ngạo làm con người không học hỏi được những điều hay lẽ phải từ tha nhân, và làm cho con người tức tối khó chịu khi không được những gì tha nhân có. Nó cũng ngăn cản không cho con người tìm thấy được bình an thực sự cho tâm hồn.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải biết khiêm nhường tự hạ trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Trong Bài Đọc I, vì quá tự mãn với tước vị làm con Thiên Chúa và quá hãnh diện với Lề Luật, nhiều con cái Israel đã mù quáng và khước từ Đức Kitô, Đấng Thiên Chúa gởi tới để cứu độ thế gian; vì thế, ơn cứu độ được mở rộng cho tất cả Dân Ngoại. Tuy nhiên, khi thấy Dân Ngoại được Thiên Chúa yêu thương và thu nhập vào Dân Thánh, người Do-thái sẽ biết khiêm nhường, ăn năn trở lại, và tin vào Đức Kitô. Sau cùng, mọi người đều có thể hưởng ơn cứu độ. Thánh Phaolô cũng đề phòng các tín hữu Dân Ngoại đừng kiêu căng lên mặt khinh thường người Do-thái; Thiên Chúa sẽ không rút lại những gì đã giao ước với họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ hãy có thái độ khiêm nhường trong việc giao tiếp với tha nhân, điển hình là hãy chọn chỗ thấp nhất mỗi khi đi họp hành hay dự tiệc; để tránh bẽ mặt khi chỗ ngồi vào đã được dành riêng cho người khác.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa

1.1/ Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng cho Dân Ngoại: Thánh Phaolô rất trăn trở và đau khổ về sự khước từ và đóng đinh Đức Kitô của dân tộc Do-thái, Ngài muốn tìm hiểu lý do tại sao điều này xảy ra.

Nhìn lại lịch sử Do-thái, nhiều lần Thiên Chúa đã bỏ mặc con cái Israel để ngoại bang dày xéo, vì họ cứng lòng không chịu sửa đổi cuộc sống và cứ ngông cuồng sống trong tội lỗi của họ. Nhưng rồi Thiên Chúa lại ra tay cứu chuộc nhóm người còn lại, cho họ hồi hương để tái thiết quốc gia và xây dựng lại Đền Thờ; sau khi họ đã nhận ra lầm lỗi, ăn năn trở lại, và kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa. Trường hợp họ cứng lòng và từ chối không tin Đức Kitô cũng thế, Thiên Chúa mở lòng Dân Ngoại để họ tin vào Đức Kitô và được cứu độ. Khi người Do-thái thấy mình đã kiêu ngạo và khờ dại đánh mất đặc quyền làm con Thiên Chúa và hưởng ơn cứu độ; họ sẽ thức tỉnh và khiêm nhường tin vào Đức Kitô để hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa cách tốt đẹp. Như vậy, tất cả những gì xảy ra đều nằm trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.

1.2/ Thiên Chúa dùng Dân Ngoại để thanh tẩy dân Do-thái: Trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài đã tiên liệu để tất cả mọi sự xảy ra là cho lợi ích của con người; ngay cả việc dùng những thói hư tật xấu của con người để hoán cải con người thành tốt hơn. Thánh Phaolô nêu ra một lý do điển hình: “Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Israel đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ.” Thiên Chúa dùng sự cứng lòng của nhiều người Do-thái để mở rộng ơn cứu độ đến các Dân Ngoại; và khi người Do-thái thấy Dân Ngoại được Thiên Chúa yêu thương và thu nhập vào Dân Thánh, họ sẽ thức tỉnh và trở lại tin vào Đức Kitô: “Như vậy, toàn thể Israel sẽ được cứu độ, như có lời chép: Từ núi Sion, vị Cứu Tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà Jacob.” Trong tiến trình thanh luyện này, dĩ nhiên ai cứ kiêu ngạo mù quáng trong ý riêng mình, sẽ bị tiêu diệt; nhưng ai biết khiêm nhường nhận ra sự thật, họ sẽ được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô cũng cẩn thận đề phòng những ai có thái độ kiêu ngạo khinh khi người Do-thái; vì họ đã được Thiên Chúa tuyển chọn và làm giao ước với các tổ-phụ. Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.

2/ Phúc Âm: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

2.1/ Con người yêu thích chỗ cao, danh vọng, chức tước: Chúa Giêsu chọn một ví dụ rất phổ thông để dạy con người bài học khiêm nhường là dành nhau chỗ ngồi trong tiệc cưới. Khác với thời đại chúng ta hôm nay: chủ tiệc đã phân chia chỗ ngồi trước, và có người sẵn để đón và hướng dẫn khách vào bàn tiệc; thời của Chúa mạnh ai nấy ngồi tùy theo sự phán đóan của khách được mời.

Vì chỉ có chủ tiệc là người duy nhất biết cách sắp xếp chỗ ngồi trong tiệc cưới, các khách được mời không biết tất cả những khách được mời là ai và địa vị quan trọng thế nào; nên Chúa Giêsu đề nghị một cách hành xử khôn ngoan: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.”

2.2/ Thiên Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường: Theo lời Kinh Magnificat: “Thiên Chúa triệt hạ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ.” Chúa Giêsu cũng tuyên bố nhiều lần: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Làm sao con người có thể học khiêm nhường? Cách hiệu quả nhất là học để biết sự thật về Thiên Chúa, về mình, và về tha nhân:

(1) Biết Thiên Chúa: Tất cả là của Chúa, chẳng có gì là của con người. Nếu là của Chúa ban, làm sao con người có thể kiêu ngạo trước mặt Ngài? Hơn nữa, mạng sống con người nằm trong tay Chúa; khi tới giờ Chúa cất đi, con người có thể cưỡng lại được chăng?

(2) Biết mình: Những kiến thức mình biết hay những gì mình có thật nhỏ nhoi so với kiến thức và tài sản của nhân lọai. Những gì mình nghĩ đã làm được chẳng thấm vào đâu so với bao nhiêu công trình quan trọng của người khác.

(3) Biết tha nhân: Rất nhiều những bậc vĩ nhân và thánh nhân tài giỏi, thánh thiện đã sống một cuộc đời khiêm nhường. Đức Mẹ Maria tuy là Mẹ Thiên Chúa đã nhận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn; chỉ vì Thiên Chúa đã đóai thương nhìn tới, nên mọi đời đã khen Mẹ diễm phúc. Thánh Thomas Aquinas, tác giả của tác phẩm nổi tiếng, Summa Theologiae, đã từ chối không viết nữa. Lý do như ngài thú nhận: tất cả những gì tôi đã viết ra chỉ là rơm rác so với sự thật nơi Thiên Chúa. Nếu các bậc vĩ nhân biết sống khiêm nhường như thế, chúng ta là ai mà dám kiêu ngạo?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Cách hành xử khôn ngoan trong cuộc sống là cứ khiêm nhường chọn chỗ hèn hạ nhất. Một khi đã ngồi chỗ rốt hết, chúng ta sẽ không sợ bị mất mặt hay tranh giành của bất cứ ai; và như thế là có sự bình an trong tâm hồn.

– Để học khiêm nhường đích thực, chúng ta cần học biết sự thật về Thiên Chúa, về mình, và về tha nhân. Một khi đã biết sự thật, chúng ta sẽ biết chỗ đứng của chúng ta trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.


Save

Save

Skip to content