Thứ Bảy – Tuần 31 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Bảy – Tuần 31 – TN1 – Năm lẻ.

Bài đọc: Rom 16:3-9, 16, 22-27; Lk 16:9-15.

1/ Bài đọc I: 3 Tôi xin gửi lời thăm chị Pơ-rít-ca và anh A-qui-la, những người cộng tác với tôi để phục vụ Đức Ki-tô Giê-su; 4 hai anh chị đã liều mất đầu để cứu mạng tôi. Không chỉ mình tôi, mà còn các Hội Thánh trong dân ngoại cũng phải mang ơn anh chị.

5 Tôi cũng xin gửi lời thăm Hội Thánh vẫn họp tại nhà anh chị ấy.

6 Xin gửi lời thăm chị Ma-ri-a, người đã vất vả nhiều vì anh em.

7 Xin gửi lời thăm các anh An-rô-ni-cô và Giu-ni-a, bà con với tôi, và đã từng ngồi tù với tôi; các anh là những người xuất sắc trong các Tông Đồ, lại còn theo Đức Ki-tô trước tôi.

8 Xin gửi lời thăm anh Am-li-át, bạn yêu quý của tôi trong Chúa.

9 Xin gửi lời thăm anh Ua-ban, người cộng tác với chúng tôi trong Đức Ki-tô, và anh Ta-khy, bạn yêu quý của tôi. 16 Anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện. Tất cả các Hội Thánh Đức Ki-tô gửi lời chào anh em.

22 Tôi là Téc-xi-ô, người chép thư này, xin gửi lời thăm anh em trong Chúa. 23 Anh Gai-ô, người tiếp rước tôi và tiếp rước cả Hội Thánh trong nhà của anh, gửi lời thăm anh em. Anh Ê-rát-tô, quản lý kho bạc của thành phố, và anh Qua-tô, người anh em chúng tôi, gửi lời thăm anh em.

24 Nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban ân sủng cho toàn thể anh em. A-men.

25 Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa 26 nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.

27 Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. A-men.

2/ Phúc Âm: 9 “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.

10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.

11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?

12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.”

14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su.

15 Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết xử dụng người cũng như của cải để mở mang Nước Chúa.

Nhiều tín hữu sai lầm khi quan niệm việc rao giảng Tin Mừng chỉ là bổn phận của các linh mục hay hàng giáo sĩ; chứ không phải là bổn phận của mọi tín hữu. Họ quên đi bổn phận ngôn sứ là của mỗi người khi họ lãnh nhận bí-tích Rửa Tội. Hơn nữa, mặc dù Đức Kitô có thể rao giảng Tin Mừng một mình; nhưng Ngài đã chọn 12 Tông-đồ để cùng làm việc với Ngài, ấy là chưa kể bao nhiêu môn đệ và những phụ nữ đi theo Chúa. Thiên Chúa muốn con người, kẻ góp công người góp của, để việc rao giảng Tin Mừng được lan rộng khắp nơi, và mọi người đều đáng lãnh nhận công nghiệp trước mặt Thiên Chúa.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên bổn phận của mọi tín hữu phải cùng nhau cộng tác trong việc rao giảng Tin Mừng. Trong Bài Đọc I, Phaolô liệt kê một danh sách dài những tín hữu đã cộng tác với ngài trong việc rao giảng Tin Mừng. Tất cả những gì Phaolô đạt được trong việc truyền giáo, họ cũng được chung hưởng phần thưởng, vì họ cũng đã góp công hay góp của trong đó. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên khán giả phải biết dùng tiền của cho dù bất chính để mua lấy bạn hữu; phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Những người ham thích tiền bạc như những người Pharisees là dại dột, vì chung cuộc họ sẽ mất tất cả.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phaolô liệt kê những người đã cộng tác vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng với ngài.

1.1/ Những người tín hữu giúp Phaolô rao giảng Tin Mừng: Nhìn vào danh sách những người Phaolô đã liệt kê, chúng ta có thể nhận ra những điều sau đây:

(1) Chị Prisca và anh Aquila được gọi là hai người bạn đồng hành thân thiết với Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng. Aquila là người Do-thái sinh tại Pontus, đến Rôma lập nghiệp, nhưng phải bỏ Rôma trốn sang Corintô vì phong trào bài Do-thái (Acts 18:14). Prisca còn được gọi là Priscilla, vợ của Aquila. Cả hai đều làm nghề chế tạo lều như Phaolô. Tại Corintô, Phaolô đã đến ở chung với họ để được giúp đỡ trong việc rao giảng Tin Mừng. Không chỉ mình Phaolô, mà còn các Hội Thánh trong dân ngoại cũng phải mang ơn hai người. Khác với quan niệm của nhiều người cho nhà ở của mình là nơi chỉ dành cho gia đình, hai vợ chồng luôn mở rộng cửa nhà cho việc đón tiếp các tín hữu và cử hành phụng vụ; nhiều cộng đoàn được thiết lập và nuôi dưỡng từ nhà của họ. Để làm được điều này, họ phải có niềm tin yêu vững mạnh vào Thiên Chúa và vào tha nhân.

(2) Phaolô không kỳ thị phụ nữ như nhiều người lầm tưởng, có ít nhất là 6 phụ nữ được liệt kê trong danh sách này. Ngoài Priscilla, còn có chị Maria, người đã vất vả nhiều vì anh em; rồi tới Junias, bà con và đã từng ngồi tù với Phaolô. Săn sóc sức khỏe cho những người rao giảng qua việc nấu ăn, thu dọn, mua sắm những thứ cần thiết là những điều mà bất cứ phụ nữ nào cũng làm được. Phaolô chắc chắn đã hưởng sự giúp đỡ từ những phụ nữ này.

(3) Ngay cả việc giúp Phaolô để thảo các Thư và gởi đi các nơi, lần đầu tiên được tiết lộ hôm nay: “Tôi là Tertius, người chép thư này, xin gửi lời thăm anh em trong Chúa.” Ngoài ra, trong danh sách bao gồm cả những người giàu có lẫn người nghèo khó. Mọi người đều có thể đóng góp tùy theo ân huệ Thiên Chúa ban cho họ.

1.2/ Lời chúc tụng sau cùng: Sau cùng, Phaolô tóm tắt những điều chính yếu mà ngài đã thảo luận trong thư: (1) Tin Mừng cần thiết cho mọi người để họ có thể đứng vững trong cuộc đời. (2) Trọng tâm của Tin Mừng là Đức Giêsu Kitô, con người phải tin vào Ngài thì mới được cứu độ. (3) Mầu nhiệm cứu độ được bắt đầu với dân tộc Do-thái, nhưng được mở rộng đến mọi người khi Đức Kitô tới. Điều này đã được các ngôn sứ tiên báo từ ngàn xưa rồi.

2/ Phúc Âm: Hãy học cho biết cách dùng tiền của đời này.

2.1/ Biết dùng tiền của: Người biết dùng tiền của sẽ không tiêu xài hoang phí vào những việc không cần thiết, nhưng biết dùng tiền để sinh ích lợi cho chính mình và cho người khác như:

(1) dùng tiền của để trau dồi các tài năng cần thiết cho cuộc sống như sách vở, học hành; hay có thể cho những người cần dùng nó bằng cách cung cấp học bổng hay các công trình nghiên cứu có lợi cho gia đình nhân lọai.

(2) dùng tiền của để giúp đỡ người nghèo khó: Tin Mừng Matthêu, chương 25 dạy: Những gì chúng ta làm cho những người khốn khổ là làm cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng tái xác nhận điều này: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.”

2.2/ Hãy chứng tỏ lòng trung tín với Thiên Chúa qua việc dùng tiền của: Cuộc đời là bãi chiến trường để học hỏi và thử nghiệm, nó cũng là dịp để Thiên Chúa đánh giá con người:

– qua sự trung tín trong việc nhỏ: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.”

– qua sự trung tín trong việc dùng những của cải bất chính: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?”

– qua sự trung tín trong việc dùng của cải người khác: Của đau con xót, con của mình đau hơn con của người: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?”

2.3/ Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ: Không giống như thời đại ngày nay, người nô lệ hay gia nhân thời xưa chỉ có thể phục vụ một chủ mà thôi. Cho dẫu ngày nay con người có thể làm tôi hai chủ, mức độ trung thành với hai chủ không bằng nhau: hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ.

Cũng vậy trong việc phục vụ Thiên Chúa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” Rất nhiều người suy nghĩ ngược lại với Chúa Giêsu: họ nghĩ họ có cách để phục vụ cả hai một lúc. Một ví dụ điển hình là người Pharisêu: “Họ vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giêsu.” Có những người vì ham hố kiếm tiền nên đã không còn thời giờ cho Thiên Chúa, ngay cả việc đi tham dự Thánh Lễ ngày Chủ Nhật.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Rao giảng Tin Mừng là bổn phận của mọi người: Nếu không có khả năng và thời giờ để trực tiếp rao giảng, chúng ta có bổn phận phải giúp của vào việc đào tạo các nhà rao giảng và tạo điều kiện thuận tiện cho họ chu toàn sứ vụ Thiên Chúa trao phó.

– Mọi của cải trên đời này là của Thiên Chúa trao ban cho chúng ta để xử dụng. Chúng ta không phải là chủ nhân, mà chỉ là người quản lý. Chúng ta phải biết xử dụng của cải Chúa ban đời này để sinh lợi ích cho mình và tha nhân, đồng thời tích trữ cho mình những lợi ích đời sau.


Save

Save

Skip to content